Nhạc “rác”, Vô Nghĩa đang Ngấm Ngầm “gây Hại” Người Nghe - Dân Trí

Nhạc nhảm… nguy hại không kém gì hài nhảm

Vừa qua, chuyện đài Vĩnh Long có những động thái mạnh tay hòng hạn chế hài tục, hài nhảm… đã một lần nữa làm dậy sóng khán giả ba miền. Câu chuyện về vấn nạn nhức nhối đã tồn tại từ lâu trên sóng truyền hình, “đầu độc” thẩm mỹ xã hội và làm mất lòng tin của khán giả khiến cho các cuộc tranh cãi cứ trở nên dai dẳng.

Tuy nhiên, thực tế thì không chỉ có hài tục, hài nhảm… mà nhạc nhảm cũng đang có những tác động đầy nguy hại đến thẩm mỹ xã hội. Còn nhớ, vào năm ngoái, trên “ghế nóng” X-Factor 2016 đã nổ ra một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa “bộ tứ quyền lực” Tùng Dương, Dương Khắc Linh, Thanh Lam, Hồ Quỳnh Hương về lời bài hát “Không quan tâm” do thí sinh Minh Như thể hiện.

Tùng Dương cho rằng, thông điệp mà bài hát đưa ra không những không có giá trị gì, lại còn rất nguy hiểm cho giới trẻ. “Tôi cảm thấy bị xúc phạm khi nghe bài hát này, một tuyên ngôn của giới trẻ như vậy tôi không thể chấp nhận được” - Tùng Dương nói.

Bài hát Không quan tâm do Minh Như thể hiện trong XFactor 2016 từng khiến các HLV tranh cãi kịch liệt. Ảnh: TL.
Bài hát "Không quan tâm" do Minh Như thể hiện trong XFactor 2016 từng khiến các HLV tranh cãi kịch liệt. Ảnh: TL.

Thực tế, sau đó đã có rất nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc, giới nhạc sỹ và ca sỹ lên tiếng ủng hộ quan điểm của Tùng Dương bởi họ thấy những bài hát như thế này quả là đang “đầu độc” trình cảm thụ âm nhạc của giới trẻ.

Ngược thời gian về trước, thị trường nhạc Việt từng “đảo điên” với những bài hát mà mới chỉ nghe qua tên người ta đã “hết hồn” như: Ô mai chuối, Số nhọ, Mất trí nhớ, Không cảm xúc, Anh không đòi quà, Bụi bay vào mắt, Mượn xe nhớ đổ xăng, Đẹp trai thì mới có nhiều đứa yêu, Nắng cực…

Những bài hát này, không chỉ có ca từ vô nghĩa, nhảm nhí, phản cảm, tục tĩu… mà giai điệu cũng rất phi âm nhạc. Điều đáng nói là những bài hát này được lưu hành và phổ biến rất công khai trên nhiều phương tiện. Và không ít giới trẻ đã tìm đến chúng với một sự thích thú hoặc tò mò đáng ngạc nhiên.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã nhận định, những ca khúc thế này đã kéo gu thẩm mỹ âm nhạc của khán giả ngày càng đi xuống. Diva Mỹ Linh lại cho rằng, những bài hát có ca từ nhảm nhí, vô nghĩa là sự thất bại chung của nền giáo dục.

"Cha mẹ luôn muốn con em mình được hưởng những điều tốt nhất nhưng lại quên mất rằng văn hóa cũng ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống, đặc biệt là tinh thần của trẻ. Lâu nay chúng ta đã quên mất việc nghe và xem có chọn lựa. Chính vì thế, có một thế hệ đang bị lạc lõng và sống nhanh, kiểu “mỳ ăn liền”. Tôi không nói “mỳ ăn liền” không ngon nhưng dùng thay cho mọi bữa ăn hàng ngày thì đấy là một quyết định không thông minh. Thế nhưng, rất nhiều người hiện giờ chọn sống như vậy. Và tôi xin nhắc lại đó là sự thất bại của giáo dục chung trong nhà trường và gia đình", diva Mỹ Linh nói.

Nhạc “rác” tại sao vẫn mạnh?

Người ta gọi những loại nhạc nhảm nhí, vô nghĩa, phản cảm… đang trôi nổi trên mạng hoặc trên thị trường băng đĩa lậu là “nhạc rác”. “Rác” cũng có thể hiểu là bẩn, là nguy hại và thứ bỏ đi. Tuy nhiên, điều đáng nói là thứ âm nhạc này vẫn đang trôi nổi trên rất nhiều phương tiện và không ít người nghe là giới trẻ vẫn đang tiếp cận hàng ngày với chúng.

Sự nguy hại này không tác động trực tiếp và “nóng hổi” như hài tục, hài nhảm… trên truyền hình nhưng lại tác động ngầm theo thời gian. Điều đáng nói là các bậc phụ huynh cực kỳ khó kiểm soát con em mình trong việc này bởi họ không nắm được hàng ngày con mình nghe những gì.

Đây là một trong những bài hát khiến Sĩ Thanh bị ném đá từ cộng đồng mạng. Ảnh: TL.
Đây là một trong những bài hát khiến Sĩ Thanh bị "ném đá' từ cộng đồng mạng. Ảnh: TL.

Nhiều chuyên gia âm nhạc cho rằng, đa phần những bài hát này đều được hình thành từ môi trường “underground” (dòng chảy ngầm, không chính thống). Đây là môi trường để những người sáng tác không chuyên, hoạt động tự do… tha hồ thể hiện cái tôi và cá tính sáng tạo riêng mà không sợ "bàn tay" kiểm duyệt của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, có những người hoạt động nghiêm túc nên đã tạo ra được những sản phẩm âm nhạc tốt. Họ từ từ chuyển dần hoạt động sáng tác của mình từ “underground” sang “mainstream” (dòng chảy chính thống). Nhưng có những người vẫn cứ luẩn quẩn với những bài hát nhảm nhỉ, vô nghĩa… và tục tĩu. Chính những đối tượng sáng tác ngầm này đã khiến âm nhạc bị biến tướng hoặc mất đi nhiều giá trị. Nói cách khác, chính họ là những đối tượng đang đầu độc giới trẻ bằng những ca khúc vô nghĩa, tục tĩu, phi âm nhạc, phi văn hoá...

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhận định, sự luống cuống của dòng nhạc tuổi “teen”, sự ra đời của nhạc chế, tất yếu dẫn đến nhạc rác. Chúng đã phần nào ảnh hưởng đến nhân cách, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ.

Trước đó, vào năm 2014, Thanh tra Bộ VH,TT&DL đã phạt hai trang nghe nhạc trực tuyến là Chacha.vn và Nhacvui bị xử phạt mỗi trang 8 triệu đồng do phổ biến bản ghi âm bài hát “Phiếu bé ngoan”, “Tan Ka Ka” (Ganja) có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của Việt Nam. Ngoài ra, đơn vị này cũng gửi công văn gửi cho website: Nhaccuatui, Zingmp3 và một số website âm nhạc trong nước đề nghị kiểm tra, gỡ bỏ ngay các bài hát có nội dung phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục mà một số tờ báo đã nêu.

Thực tế, cho đến bây giờ, các cơ quan chức năng vẫn chưa có chế tài cụ thể trong việc xử lý vấn nạn nhạc “rác” trên các phương tiện. Và đó là lý do thể loại âm nhạc này vẫn còn tồn tại hoặc xuất hiện mới. Hàng ngày, chúng vẫn len lỏi vào đời sống, tác động không nhỏ đến các đối tượng nghe nhạc, nhất là đối tượng trẻ. Đặc biệt, khi cả xã hội đang dậy sóng với vấn nạn hài tục, hài nhảm... thì có vẻ như việc kiên quyết đẩy lùi nhạc nhảm nhí đang bị bỏ quên.

Hà Tùng Long

Từ khóa » Nhạc Rác Online