Nhạc Sĩ Đặng Hữu Phúc: Từng Yêu đơn Phương Ca Sĩ Ái Vân

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc: Từng yêu đơn phương ca sĩ Ái Vân ảnh 1

Nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc

Những ca khúc của Đặng Hữu Phúc ở trong trí nhớ nhiều người nhất có thể kể tới như "Trăng chiều", "Ru con mùa đông", "Tôi vẫn hát"... Nhạc của anh là những tình cảm dịu dàng, tinh tế, sang trọng lan tỏa trong tâm hồn người. Chất thơ trong âm nhạc của Đặng Hữu Phúc có lẽ bắt nguồn từ một mối tình thuở học trò rất đẹp và nó đã trở thành một nguồn cảm hứng trong nhiều sáng tác của anh. Đó là mối tình tuổi học trò đơn phương với ca sĩ Ái Vân.

Nhạc sĩ kể: "Ngày ấy, tôi và Vân cùng học trường nhạc. Tôi lớp 10, Vân lớp 9. Vẻ đẹp rực rỡ của cô ấy đã làm tâm hồn mới lớn của tôi ngây ngất. Nhưng có thể Vân không để ý đến cậu bạn choai choai là tôi đâu. Lúc đó, tôi nghĩ Vân là một cô gái đẹp nhất thời đó và có nhiều người yêu mến. Song, chúng tôi vẫn luôn là những người bạn tốt. Tôi từng đèo Vân bằng xe đạp đi sơ tán. Sau đó, những bài hát của tôi bao giờ Vân cũng là người hát đầu tiên.

Thời 1986 - 1987 nghèo lắm, chỉ có phòng thu ở 58 Quán Sứ của Đài Phát thanh. Thỉnh thoảng tôi làm nhạc phim, và khi đi thu nhạc cho phim ở phòng thu, Vân thường tới tranh thủ thu âm một vài bài hát mới của tôi. Bài hát "Trăng chiều" tôi đề tặng Vân cũng vì những lung linh kỷ niệm tuổi học trò mà cô ấy đã để lại nơi tâm hồn tôi, cho dù chúng tôi chưa một lần cầm tay nhau.

Tôi còn làm nhiều thơ để tặng Vân nữa. Có lẽ chất thơ trong âm nhạc của tôi đã bắt đầu từ những ấn tượng đẹp như giấc mộng ấy. Tôi tiếc cho tuổi trẻ bây giờ họ không còn nhiều những xúc cảm hồn nhiên, trong sáng như vậy".

Với riêng Đặng Hữu Phúc, tình yêu thuở học trò đã dắt lối anh, như tia nắng buổi chiều không bao giờ tàn, và nó cứ buông dịu dàng mãi trong những nét nhạc, lời hát. Những giai điệu trữ tình trong tác phẩm của anh quả thực đã để lại những lay động âm thầm như: "bình yên bình yên giấc nồng, dịu êm dịu êm đóa hồng" (Ru con mùa đông) mà rất ám ảnh: "Bóng em ngời sáng, đóa hoa màu trắng khi trăng chiều lên" (Trăng chiều).....

Theo học Nhạc viện Hà Nội từ năm 10 tuổi, Đặng Hữu Phúc là một nhạc sĩ được đào tạo chính quy cả hai chuyên ngành sáng tác và biểu diễn piano. Anh từng đi tu nghiệp ở Nhạc viện Quốc gia Paris (Pháp).

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc: Từng yêu đơn phương ca sĩ Ái Vân ảnh 2

Ái Vân khi còn trẻ.

Bên cạnh mảng sáng tác cho thanh nhạc (ca khúc, hợp xướng), Đặng Hữu Phúc viết nhiều tác phẩm cho khí nhạc, dàn nhạc giao hưởng, cho piano và tác phẩm của anh từng được nghệ sĩ danh tiếng Đặng Thái Sơn biểu diễn ở nước ngoài.

Đặng Hữu Phúc quan niệm rằng, người nhạc sĩ đích thực không phải là người chỉ viết vài ca khúc quần chúng, mà phải là người "làm nhạc" chuyên nghiệp. Có nghĩa là anh ta phải sáng tác được cả khí nhạc, viết cả phần piano cho ca khúc của mình.

Tuyển tập "60 romances và ca khúc cho giọng hát và piano" của Đặng Hữu Phúc được xem như một tuyển tập thanh nhạc đầu tiên của một tác giả ở Việt Nam có đầy đủ phần piano, hiện tuyển tập này là giáo trình âm nhạc cho các sinh viên nhạc viện.

Những ngày này, báo chí nhắc nhiều về Đặng Hữu Phúc, bởi tháng 5/2007 lần đầu tiên Dàn nhạc Giao hưởng của Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội) sẽ đi biểu diễn ở Pháp mang theo tác phẩm Ouverture "Ngày hội" của anh. Tác phẩm này đã lọt vào "mắt xanh" nhạc trưởng danh tiếng người Pháp Xavier Rist và được ông lựa chọn.

Nhạc giao hưởng Việt Nam lần đầu được vang lên trên sân khấu châu Âu do chính một dàn nhạc của Việt Nam biểu diễn, đó là một vinh dự, một bước đột phá quan trọng của nền âm nhạc lâu nay vẫn bị coi là non kém.

Khán giả Việt Nam phần nhiều không quan tâm đến giao hưởng, tuy rằng đó là thứ âm nhạc đỉnh cao, bởi sự hạn chế trong hiểu biết, và bởi cũng chẳng có nhiều nhạc sĩ viết được nhạc giao hưởng thực sự cho công chúng thưởng thức.

Nhiều năm qua, khí nhạc trở thành một "vùng trắng" trong đời sống âm nhạc. Giải thưởng hàng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam không đề cao được một nhân tố nào mới. Ngay cả "Ngày hội" của Đặng Hữu Phúc, dù được người châu Âu đánh giá là một tác phẩm "Ngắn gọn và xuất sắc… được viết dưới lăng kính của ngôn ngữ giao hưởng đương đại với một cảm nhận về nhịp điệu và màu sắc rất tinh tế" (Xavier Rist), vẫn bị "rớt đài" khi tranh giải cuối năm (2004) của Hội Nhạc sĩ. Cho thấy, sự vênh nhau ngay trong đánh giá của những người làm nghề trong nước đã khiến cho giao hưởng ngày một mất đi vị trí sang trọng như nó vốn có.

Trong thời buổi "người người viết ca khúc", nhiều người chỉ sau một đêm ngủ dậy đã trở thành nhạc sỹ nổi tiếng với những bài top hit ăn khách, mà không cần phải học hành, đào tạo nhiều, thì những nhạc sĩ cặm cụi, miệt mài với dòng nhạc đỉnh cao giao hưởng thính phòng như Đặng Hữu Phúc được xem là người... âm lịch(?!).

Nhưng, điều đó không làm anh bận lòng. Lựa chọn công việc giảng dạy, Đặng Hữu Phúc âm thầm với công việc âm nhạc của mình. Mặc dù có lúc đời sống khó khăn, không phải tiếng gọi tham gia vào đời sống âm nhạc thị trường để nhanh chóng có danh, có lợi đã không cất lên. Nhưng, một môi trường âm nhạc chuyên nghiệp (cho dù thu nhập khiêm tốn) mới là tất cả những gì Đặng Hữu Phúc cần.--PageBreak--

Đối với anh, nghề dạy sáng tác thực chất là công việc truyền kinh nghiệm của người đi trước cho người đi sau. Công việc ấy luôn thúc ép anh phải không ngừng trau dồi kiến thức âm nhạc, cũng là cơ hội để được "trò chuyện" với các thiên tài mỗi ngày, thông qua việc tiếp cận các tác phẩm của họ.

Để có được sự tôn trọng của học trò, Đặng Hữu Phúc thấy rằng mình phải không ngừng sáng tác. Chỉ có tác phẩm mới tạo nên hình ảnh, gương mặt của một nhạc sĩ, một người thầy. Anh cần các học trò hiểu rằng, thầy của họ đã đọc và "tiêu hóa" rất nhiều kiến thức qua việc sáng tạo các tác phẩm mới.

Nói về các học trò của mình, Đặng Hữu Phúc gặp lại một thoáng "trái tim chợt buồn". Anh e rằng, không nhìn thấy ở phía sau mình những người thực sự tâm huyết với nghề. "Thời đại của công nghệ giải trí đã tạo ra những thần tượng ảo và gây nên những méo mó trong tâm hồn tuổi trẻ. Thực chất của hai chữ công nghệ là tạo ra thật nhiều tiền. Chúng ta đang hủy hoại cả một thế hệ để kiếm tiền.

Hãy nhìn xem, âm nhạc đang bình dân hóa mỗi ngày. Ca khúc quần chúng lên ngôi và hoàn toàn chiếm lĩnh. Các ca sĩ không học hành ngày càng dễ dàng trở thành thần tượng của giới trẻ nhờ nhan sắc và công nghệ lăng xê. Còn các nhạc sĩ viết ca khúc quần chúng thì đang được đón chào nồng nhiệt. Sinh viên học nhạc ít người đủ bình tâm để sống chết với nghề. Họ nôn nóng được công chúng biết tới. Họ không dám trả giá cho niềm đam mê của mình.

Nhiều sinh viên có tài năng nhưng chỉ sau khi ra trường một thời gian đã nhanh chóng trở thành một nhạc sĩ viết ca khúc quần chúng. Họ không muốn đi theo khí nhạc, vì đó là con đường quá gập ghềnh, đòi hỏi sự lao tâm khổ tứ, không ngừng rèn luyện tài năng, không ngừng học tập mà danh lợi lại ít.

Chúng ta sẽ phải trả giá cho nền công nghệ giải trí, bằng chính việc chúng ta phải chấp nhận thế hệ con em mình không có được tư duy chiều sâu, lệch lạc về thẩm mỹ, trong đó có thẩm mỹ âm nhạc", nhạc sỹ tâm sự.

Viết nhạc cho phim và các vở diễn sân khấu, từ lâu đã là một phần công việc của Đặng Hữu Phúc. Trong lĩnh vực này anh là người giành được những vinh quang mà nhiều người làm nghề mơ ước. Những phim anh làm nhạc ấn tượng có thể kể đến như "Tướng về hưu", "Người đàn bà bị săn đuổi", "Dòng sông hoa trắng", "Đêm Bến Tre"...

Phim "Mùa ổi" (đạo diễn Đặng Nhật Minh) đã mang về cho Đặng Hữu Phúc giải âm nhạc xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13. Đặc biệt, anh là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên được vinh danh giải Kim tước (Nhạc phim xuất sắc nhất) tại Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải 6/2005 với phim "Thời xa vắng" của đạo diễn Hồ Quang Minh.

Ghi nhận đóng góp cho phim của nhạc sĩ, Ban giám khảo liên hoan phim đã dành cho Đặng Hữu Phúc những đánh giá tuyệt vời: "Những nét nhạc trong phim đẹp như thể nét vẽ của họa sĩ. Nhạc gây ấn tượng mạnh và làm lay động tâm hồn chúng ta. Nhờ có âm nhạc, số phận của các nhân vật chính đã trở nên rõ nét hơn".

Âm nhạc là câu chuyện lớn nhất trong cuộc đời Đặng Hữu Phúc. Anh tự nhận mình là người sống "chậm". Dẫu cho âm nhạc, nhất là nhạc thính phòng, thời điểm này, chẳng mang tới cho anh nhiều danh lợi gì ngoài niềm vui tinh thần, "niềm vui của một người thích mạo hiểm đi chinh phục đỉnh cao", mong muốn lớn nhất của Đặng Hữu Phúc là được toàn tâm toàn ý cho sáng tạo.

Sau những đổ vỡ của hôn nhân, mà anh thường nhận lỗi về mình: "Vì tôi quá ham mê âm nhạc, trong khi một người phụ nữ họ cần nhiều thứ khác", Đặng Hữu Phúc thỏa hiệp với nỗi cô đơn và sống cùng nó nhiều năm tháng đã qua. Anh tự nhủ, đời người là như vậy, người ta được cái này lại mất đi cái khác. Người làm âm nhạc chuyên nghiệp gần với người viết tiểu thuyết hơn người làm thơ. Có nghĩa là anh phải lăn lộn, tích cóp vốn sống, kỹ thuật sáng tác của người đi trước, trải nghiệm nhiều năm tháng để có được tác phẩm.

Vậy, nếu một ngày nào đó, tình yêu lại xuất hiện và cuốn Đặng Hữu Phúc đi, liệu rằng anh có bỏ âm nhạc lại phía sau không? "Tôi không còn mong muốn gì ngoài sáng tác âm nhạc nữa... Tôi đã có một cậu con trai 19 tuổi (cũng mê chơi game như nhiều cô cậu thanh niên khác). Đó là gia đình của tôi" - nhạc sĩ nói.

Nhưng, dường như trong đôi mắt anh vẫn ánh lên một vệt sáng lấp lánh, thứ ánh sáng còn rớt lại từ một ngôi sao rất xa trong ký ức. Có thể một giai điệu nào đó đang trở về trong trái tim âm nhạc Đặng Hữu Phúc...

Theo Theo ANTGCT, CAND

Từ khóa » Ns đặng Hữu Phúc