Nhạc Sĩ Đặng Thế Phong: Một Tài Năng đoản Mệnh

Văn đàn Việt Nam những năm 1930-1945 đã phải chứng kiến nhà văn Vũ Trọng Phụng ra đi ở tuổi 27 (1939) vì bệnh lao để lại sự tiếc thương vô hạn cho những người yêu thích văn học nước nhà.

Năm 1940, chúng ta mất nhà thơ nổi tiếng Hàn Mặc Tử khi ông mới 28 tuổi vì bệnh phong.

Trong lĩnh vực âm nhạc, một tài năng khác cũng ra đi ở độ tuổi rất trẻ (24) cũng bởi căn bệnh thuộc hàng tứ chứng nan y như Vũ Trọng Phụng. Đó là Đặng Thế Phong.

Cũng như Vũ Trọng Phụng, phải mãi sau này khi làn gió đổi mới đến với đất nước ta thì các nhạc phẩm nổi đình đám một thời của Đặng Thế Phong và các nhạc sĩ tiền chiến khác mới được đánh giá một cách đúng mức trong kho tàng lịch sử âm nhạc Việt Nam mặc dầu từ rất lâu rồi nó đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ.

Cũng giống như Nguyễn Đình Thi, chỉ với hai bài hát cách mạng "Diệt phát xít" và "Người Hà Nội", ông đã là một nhạc sĩ nổi tiếng bậc cao thủ trong giới nhạc sĩ Việt Nam đương đại.

Đặng Thế Phong cũng vậy. Chỉ với ba bài hát "Đêm thu", "Con thuyền không bến" và "Giọt mưa thu", ông đã là nhạc sĩ có một không hai gắn liền tên tuổi bất hủ của mình với mùa thu. Xem thế đủ biết không phải cứ đẻ sòn sòn đã là hay. Vấn đề là ở chỗ ít mà tinh, mà để đời.

Đặng Thế Phong là vậy đó.

Sinh ra trong một gia đình công chức ở thành Nam nhưng không may mắn. Cha mất sớm buộc Đặng Thế Phong phải sớm tìm con đường mưu sinh: vừa đi học, vừa vẽ thuê kiếm sống.

Mới hơn hai mươi tuổi đầu đã lang thang nơi đất khách quê người tận xứ Nam Vang làm đủ thứ nghề vẽ thuê, dạy nhạc để sống, để học và để sáng tác. Năng khiếu bẩm sinh về âm nhạc cho phép Đặng Thế Phong có thể vừa ôm đàn, vừa sáng tác, vừa biểu diễn tác phẩm của mình với chất giọng tenor rất đặc biệt.

Theo các bạn bè và bà Đặng Thanh Kim, em út của Đặng Thế Phong thì ông là một thanh niên rất điển trai, hoạt bát, thích ăn diện, ăn nói rất có duyên lại giỏi đàn hát nên được rất nhiều cô gái thành Nam yêu mến. Đặc biệt Đặng Thế Phong có biệt tài sắm các vai nữ, y như thật. Nhiều cô gái mê ông vì thế.

Trong số đó có ba cô lọt vào mắt xanh chàng trai trẻ đa tình. Đó là cô Hà Tiên, học sinh Trường Sarcree coeur Nam Định; cô Nguyễn Thị Na, tức Lê ở khu Ga Hải Phòng; và cô Bạch Yến ở Hàng Bông, Hà Nội.

Trong ba cô thì Bạch Yến xem ra nặng tình hơn cả bởi cô là người chăm sóc và tiễn đưa Đặng Thế Phong đến nơi an nghỉ cuối cùng và buồn thay cuộc đời của cả ba người đều lỡ dở.

Đặng Thế Phong viết "Đêm thu" năm 1940. Ca khúc này ông viết và biểu diễn ở những đêm lửa trại, lời ca được nhiều bạn bè đóng góp chỉnh sửa nên rất trong trẻo hồn nhiên, thể hiện nỗi đam mê của con người trước thiên nhiên và cuộc sống. Ngay lập tức bài hát được giới trẻ hưởng ứng nhiệt liệt. Song phải đến "Con thuyền không bến" viết vào tháng 9/1941 sau khi nhạc sĩ đi Phnom Penh trở về thì tên tuổi Đặng Thế Phong mới nổi như cồn.

Hôm đó tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ca sĩ Vũ Thị Hiển lần đầu tiên hát ca khúc này đã làm xôn xao dư luận. Sau đó chính tác giả đã trình bày bài hát này tại rạp Olimpia ở phố Hàng Da thì công chúng Hà Nội càng thêm mến mộ một tài năng. Không chỉ bởi chất giọng của người nhạc sĩ kiêm ca sĩ mà bởi chất thơ nhuần nhuyễn trong từng giai điệu và lời ca thẫm đẫm chất thu:

Đêm nay thu sang cùng heo mayĐêm nay sương lam mờ chân mây Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòngNhư nhớ thương ai chùng tơ lòng.

Có một điều rất khó lý giải là tại sao ở cái tuổi mới hơn hai mươi mà Đặng Thế Phong lại nhuần nhuyễn từ ca từ đến làn điệu thấm đẫm chất dân ca đồng bằng Bắc Bộ như vậy.

Lướt theo chiều gió. Một con thuyền theo trăng trong.

Giai điệu này lặp đi lặp lại nhiều lần như một điểm nhấn, nó nghe như một làn điệu dân ca mơ hồ, chầu văn hay chèo nào đó.

Cũng lạ, trong lúc âm nhạc Pháp đang tràn ngập Việt Nam, tâm lý hướng ngoại đang là "mốt" trong giới trí thức, những đĩa hát tango chinoise 78 vòng/phút đầy chất lính kèn lê dương, phong trào tân nhạc chủ yếu là đặt lời cho các bài hát tây thì nhạc phẩm của Đặng Thế Phong lại thấm đẫm tâm hồn Việt…

Năm 1942, Đặng Thế Phong viết "Vạn cổ sầu", sau Bùi Công Kỳ sửa lời và đặt tên mới là "Giọt mưa thu". Đây là giai phẩm thứ ba của Đặng Thế Phong và lại có chủ đề là mùa thu:

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơiTrời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi.

Giọt mưa thu rơi thánh thót. Thật không có hình ảnh nào sống động chính xác hơn. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, người ta vẫn ví những khúc ca lộng lẫy đó như là "hoa hậu" của ca từ âm nhạc hiện đại Việt Nam.

"Giọt mưa thu" là một nhạc phẩm song cũng là một mảng tâm hồn của con người. Nó như một lời ru kỳ diệu đưa hồn người hòa đồng vào các cung bậc cảm xúc đầy sắc màu của thiên nhiên, nó như giãi bày hộ nỗi buồn nhân thế đang mong được giải tỏa.

Một tiếng tơ lòng cất lên mỏng manh như tâm hồn người nghệ sĩ.

Đã bao năm rồi, đã có biết bao thế hệ người Việt Nam cất tiếng hát:

Ai nức nở thương đời Châu buông mau, dương thế bao la sầu.

Sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ chia xa, mỗi năm được gặp nhau một lần ngắn ngủi, nước mắt của tình yêu và nỗi nhớ giội từ trên trời cao xuống hiu hắt lắng đọng từ cõi vô biên, phải chăng đó là chất xúc tác để chàng nghệ sĩ họ Đặng cảm xúc cất lên những âm thanh siêu ảo vượt lên nỗi buồn thế tục, phải chăng giọt mưa thu chính là thiên sứ của tình yêu đã được nhân cách hóa một cách tài tình.

Hãy thử tưởng tượng trong một ngày mưa thu rơi thánh thót ngoài hiên, tiếng vĩ cầm cất lên réo rắt những giai điệu như nức nở của giọt mưa thu của Đặng Thế Phong, người ta có cảm nhận như đâu đây tiếng lòng thổn thúc của thơ Verlain, hay tiếng nhạc buồn của Chopin, hay những cánh lá vàng trong bức tranh "Mùa thu vàng" của Levitan. Thiên nhiên và lòng người hòa quyện một cách tài tình trong bàn tay sáng tạo của người nghệ sĩ.

Chỉ với ba nhạc phẩm thôi, Đặng Thế Phong đã là một hiện tượng trong lịch sử nền âm nhạc Việt Nam. Từ "Đêm thu" với những kỷ niệm tươi trẻ hồi thơ bé cùng Tết Trung thu:

Qua lá cành ánh trăng lan dịu dàngRu hồn bao nhớ nhung.

đến "Con thuyền không bến" mộng mơ:

Ánh trăng mờ chiếu. Một con thuyền trong đêm thâuTrên sông bao la thuyền mơ bến nơi đâu?

đã là một bước chuyển rất lớn trong tâm hồn người nghệ sĩ.

Đến "Giọt mưa thu": Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu ai khóc ai than hờ.

Có thể thấy Đặng Thế Phong đã hóa thân vào tiếng thu lòng thổn thức một cách tài tình như thế nào.

Trong số những người bạn học thân của Đặng Thế Phong hồi thiếu thời ở Nam Định có Vũ Đức Oong. Ông này sau tham gia cách mạng bị Pháp bắt giam ở nhà ngục Sơn La. Từ trong tù, nghe tin bạn bị lao mà chết, năm 1943, ông cảm thán viết bài thơ "Nhớ Thế Phong", trong đó có đoạn:

Đã mấy thu rồi xa cách lắm Mấy lần thu tới mấy thu đi Bạn ơi! Có biết thu này khác Trăng úa bên rừng khóc biệt ly!

Cũng lại ý tứ mùa thu. Phải chăng hai người bạn nối khố này rất đồng cảm với nhau. Năm 1945 ra tù tham gia cướp chính quyền ở Nam Định, ông Oong đã đến ngay gia đình Đặng Thế Phong và còn giữ nhiều tấm ảnh quý về gia đình họ Đặng này. Ông nói: "Nếu tôi không bị đi tù thì tôi không để cho Phong đi Campuchia và ốm đau bệnh tật như thế!".

Thoắt đấy mà đã chín chục năm ngày sinh của một nhạc sĩ tài hoa nhưng đoản mệnh. Hôm qua chúng ta đã hát những ca khúc buồn của ông, hôm nay chúng ta tiếp tục hát những ca khúc của ông nhưng với một tâm thế khác. Ngày mai cũng vậy. Bởi lẽ đó là những ca khúc bất hủ của một tài năng đích thực

Từ khóa » Ns đặng Thế Phong