Nhạc Sĩ Phú Quang: Cả đời Yêu Thơ Và Nhạc Nhưng... | VTV.VN
Có thể bạn quan tâm
Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949 tại Phú Thọ. Ông nổi tiếng với những bản tình ca, những bài hát trữ tình viết về Hà Nội. Những ca khúc về Hà Nội do Phú Quang sáng tác chiếm được tình cảm của người nghe, trong đó có những bài đã trở thành biểu tượng như Em ơi Hà Nội phố, Ngày trở về, Đâu phải bởi mùa Thu…
Bên cạnh đó, ông viết rất nhiều nhạc sân khấu, điện ảnh, nhạc thính phòng, giao hưởng, nhạc múa, nhạc nền cho cải lương. Ông cũng đã xuất bản tập bài hát Đâu phải bởi mùa thu (1990), Những tình khúc Phú Quang chọn lọc (46 bài, 1995).
Âm nhạc Phú Quang cho đến nay vẫn luôn trong lòng của đông đảo người yêu nhạc, bởi những tác phẩm đặc sắc về những điều đẹp đẽ, vùng đất và tình người. Vị nhạc sĩ tài hoa có những quan niệm hết sức sâu sắc về cuộc sống.
Hạnh phúc là những khoảnh khắc ngắn ngủi, nó sáng và trong như pha lê nhưng rất mỏng manh và dễ vỡ.
Nhạc sĩ Phú Quang
Nhạc sĩ Phú Quang từng nói như vậy. Quan niệm này đã làm cho những sáng tác của nhạc sĩ Phú Quang vừa sang trọng, vừa tinh tế mà rất gần đời thường.
"Tôi thích sáng tác nhạc từ bé, từ 13 -14 tuổi tôi đã đi học sơ cấp và nghĩ ra những câu hát. Bạn bè hỏi ai sáng tác, hỏi đó là gì, do tôi viết ra à? Tôi bảo: Ừ" - Phú Quang kể trong chương trình Ký ức vui vẻ - "Từ hồi ấy tôi đã thích sáng tác rồi".
Nhạc sĩ Phú Quang khi tham gia chương trình Ký ức vui vẻ
Với kho tàng hơn 1000 ca khúc, âm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang gắn liền với đời sống tinh thần của người Việt trong và ngoài nước suốt nhiều thập kỷ qua. Nhưng cách ông "khoe khéo" những tác phẩm của mình trên truyền hình lại giúp khán giả có cơ hội thấy một hình ảnh khác về ông, đó là nhạc sĩ tài hoa mang đến tiếng cười cho những người từng tiếp xúc.
"Tôi khoe khéo nhé. Tôi có hơn 1000 ca khúc nhưng mọi người chỉ nhắc có 1 bài thì đó là nỗi buồn", nhạc sĩ Phú Quang dí dỏm nói khi nghe nhà báo Lại Văn Sâm nhắc về ca khúc Em ơi Hà Nội phố.
5 tuổi tôi về Hà Nội và sống suốt tuổi thơ ở đó, với tất cả những kỷ niệm vui buồn lớn lên ở đó. Vì thế chuyện viết về Hà Nội nhiều không có gì ngạc nhiên cả.
Nhạc sỹ Phú Quang
"Hồng Nhung là người hát đạt nhất Em ơi Hà Nội phố, và theo tôi cô ấy là người hát đạt nhất vì có sự dung dị. Bài hát ấy ra đời vào một ngày tôi đang ngồi ở quận 3 gặp anh Phan Vũ. Anh ấy đọc cho tôi nghe một bài thơ 300 câu thì tôi nói – Em hứa với anh là anh sẽ có một bài hát hay mà người ta sẽ nhắc đến nhiều. Em có linh cảm với bài thơ này em sẽ có bài hát hay. Hôm sau, tôi viết xong và bảo anh Phan Vũ tới chơi. Anh nghe xong rồi nói - Quang ơi! Anh rất cảm ơn em. Em làm sang trọng hơn lời thơ của anh. Đó là từ 300 câu thơ nhưng tôi chỉ làm có 4 câu thôi".
"Tôi là người rất yêu thơ văn nhưng có điều, khi phổ nhạc cho các bài thơ rồi đều nói với tác giả có những bài thơ rằng tôi thấy nếu làm thành ca khúc thì không nên khốc liệt quá, như với tác giả Thanh Tùng tôi đã sửa lại bài Hà Nội ngày trở về của anh ấy…
Còn ca sĩ Ngọc Tân thường nhầm lời của tôi. Bài Hà Nội ngày trở về có câu - Vội vã trở về, vội vã ra đi. Chẳng thể nào qua hết từng con phố. Ông ấy hát thành - Vội vã trở về, vội vã ra đi. Chẳng thể nào qua hết một con phố. Tôi mới nói - Mày buồn cười nhỉ, mày bại liệt à, có một con phố mà không qua hết..."
Nhạc sĩ Phú Quang nói âm nhạc là liều thuốc tinh thần, giúp ông chống lại bệnh tật, tuổi già nên trong nhiều năm qua, dù mệt hay bận rộn, Phú Quang luôn tự phổ nhạc toàn bộ tác phẩm. "Giống như khi ra đường, tôi phải tự tay chọn quần này mặc với áo kia, đội với mũ gì. Người khác lựa hộ lại không hợp ý tôi. Bài hát cũng vậy", Phú Quang nói.
Trước khi bệnh nặng, mỗi dịp cuối thu đầu đông, ông đều đặn tổ chức đêm nhạc ở Hà Nội. Nhạc sĩ tự chăm chút từng khâu từ lên kịch bản, phối khí ca khúc, đến tập cùng ban nhạc, thiết kế poster, định giá vé...
Nghe nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ, MC Quyền Linh cũng bất chợt nhớ về những ký ức từ thời xa xưa. Từng có dịp ghé thăm nhà nhạc sĩ Phú Quang, MC Quyền Linh được tiếp đón như người thân trong gia đình. Một kỷ niệm vui được MC Quyền Linh kể lại: "Trên tường nhà nhạc sĩ Phú Quang có dán nhiều miếng gạch ghi dấu kỷ niệm với những người bạn thân. Trong đó có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Lê Công Tuấn Anh. Họ đều là những người đã ra đi mãi mãi. Anh ấy còn nói vui - Quyền Linh có muốn tôi gắn tên Quyền Linh lên tường không?...".
"Tôi gặp Phú Quang nhiều lần. Mỗi lần nói về Hà Nội, những câu chuyện về phố phường vỉa hè thì anh Phú Quang là một cây hài nổi tiếng. Anh kể chuyện làm ai cũng bật cười…", Quyền Linh tâm sự.
Nhà báo Lại Văn Sâm – người có cơ hội làm việc cùng nhạc sĩ Phú Quang – cũng có chung nhận định về người nhạc sĩ nổi tiếng. "Ngồi nói chuyện với Phú Quang thích lắm vì anh ấy hóm hỉnh. Tôi vẫn còn tiếc vì chưa thể làm một chương trình riêng biệt cùng nhạc sĩ Phú Quang", nhà báo Lại Văn Sâm nói.
"Có một kỷ niệm với nhạc sĩ Phú Quang mà tôi không thể quên. Năm 2007, chúng tôi có làm một chương trình nhân dịp ngày 27/7 có tên gọi Khúc tráng ca trên một dòng sông ở thành cổ Quảng Trị. Chúng tôi có ý tưởng là đặt một cây piano trên bờ sông Thạch Hãn. Nhạc sĩ Phú Quang ngồi ở đó đánh piano.
Ngày ấy, sông Thạch Hãn không trong nhưng bầu trời xanh cùng với hình ảnh người nhạc sĩ đang ngồi đánh bản tình ca Kỷ niệm của tôi, đó là kỷ niệm của chính nhạc sĩ với những người đồng đội của mình, khiến chúng tôi bật khóc. Chương trình ấy chúng tôi làm trực tiếp nên phải nén lắm tôi mới có thể tiếp tục hoàn thành công việc của mình. Tôi ước mình có thêm một chương trình như vậy ở đâu đó".
Ngồi nói chuyện với Phú Quang thích lắm vì anh ấy hóm hỉnh. Tôi vẫn còn tiếc vì chưa thể làm một chương trình riêng biệt cùng nhạc sĩ Phú Quang.
Nhà báo Lại Văn Sâm
Trò chuyện với Phú Quang, bạn bè và đồng nghiệp đều đánh giá ông là người thông minh, hóm hỉnh. Nhưng vị nhạc sĩ tài hoa cũng đa cảm, dễ xúc động không kém. Đến chương trình Ký ức vui vẻ, nhạc sĩ Phú Quang lần đầu chia sẻ về sự thật ẩn chứa phía sau ca khúc Chiều Đông Mosscow khiến nhiều khán giả và nghệ sĩ tại phim trường rớt nước mắt. Bản thân nhạc sĩ Phú Quang cũng phải kìm lại sự xúc động.
Tâm sự về chuyến đi Moscow năm ấy, nhạc sĩ Phú Quang kể ông có ghé một khu chợ trời để mua đồ. Bất ngờ thay, nhạc sĩ Phú Quang mua ngay hàng quán của một người Việt đang lao động và nhận được câu chia sẻ: "Anh ở Việt Nam sang đây, em rất nhớ Việt Nam nên xem như đây là món đồ em tặng anh thôi chứ em không lấy tiền".
Đối với những người con lao động xa xứ, khi gặp được một người Việt sang thăm là niềm hạnh phúc lớn lao. Nhạc sĩ Phú Quang kể sau khi nhận món hàng đó, ông cũng chuẩn bị một món quà dành tặng cho người xa xứ kia trước khi trở về nước. Hai ngày sau ông trở lại chợ trời cùng một chiếc đĩa hát đặc biệt do chính tay nhạc sĩ Phú Quang chuẩn bị cùng một ít tiền thì nhận được tin cậu ấy đã mất rồi.
Với cái lạnh -40 độ ở Nga lúc bây giờ, chàng trai đó đã ra đi vì không chịu được thời tiết khắc nghiệp. Qua hơn nửa cuộc đời, nhạc sĩ Phú Quang vẫn nghẹn ngào khi nhắc lại câu chuyện đó: "Phải được một lần chứng kiến, tôi thấy rất thương những người Việt lao động xa quê như vậy". Những phận người xa xứ, vì cuộc sống, vì gia đình, có người may mắn đủ đầy, nhưng cũng có những người gian truân và đã mãi không về như chàng trai mà nhạc sĩ Phú Quang từng gặp.
Phú Quang bộc bạch, ông có một điểm không hay lắm là vừa thù dai vừa nhớ lâu. Nên cho tới cuối cùng, ông chưa bao giờ quên những người đã đi qua cuộc đời mình.
Tôi bị một cái dở nhất là tôi chỉ viết được khi xúc động với những câu chuyện... Tôi rung động thì tôi viết được.
Nhạc sỹ Phú Quang
"Tôi bị một cái dở nhất là tôi chỉ viết được khi xúc động với những câu chuyện. Nên có những người thích nhạc của tôi nên đặt hang, hỏi tôi bao nhiêu tiền thì mới viết. Tôi nói – Các anh sẽ không bao giờ ra được giá tiền đâu. Tôi rung động thì tôi viết được. Nhưng hóa ra, nhược điểm này cũng hay bởi một điều tự hào là chưa chương trình nào của tôi không hết vé", Phú Quang tâm sự.
Những câu chuyện về Phú Quang được ông chia sẻ một cách nhẹ nhàng, giản dị nhưng đủ để giúp khán cảm nhận rõ ràng về con người ông, người nhạc sĩ tài hoa, đa cảm, luôn có cái tâm dành cho âm nhạc. Nhạc sĩ qua đời vào lúc 8h45 phút ngày 8/12 tại Bệnh viện Việt Xô sau gần 2 năm trị bệnh, để lại niềm tiếc thương với tất cả những người sống cùng âm nhạc của Phú Quang. Song những người bạn, đồng nghiệp thân thiết với cố nhạc sĩ đều tin tưởng một điều rằng cuộc đời của ông là cuộc đời đáng sống, từng phút giây một rất hạnh phúc.
Tùng Dương và nghệ sĩ Việt vĩnh biệt nhạc sĩ Phú QuangVTV.vn - Sự ra đi của nhạc sĩ Phú Quang để lại niềm tiếc nuối sâu sắc trong lòng những khán giả yêu nhạc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Từ khóa » Nghe Bài Hát Có Câu Cuộc Sống Luôn Vội Vã
-
Để Nhớ Một Thời Ta Đã Yêu | Nhạc Trữ Tình Hay Nhất 2017
-
[Kara] Để Nhớ Một Thời Ta đã Yêu - Lệ Quyên - YouTube
-
Để Nhớ Một Thời Ta Đã Yêu - Lệ Quyên - YouTube
-
Để Nhớ Một Thời Ta đã Yêu - Lệ Quyên - YouTube
-
Để Nhớ Một Thời Ta Đã Yêu - Quang Dũng
-
Để Nhớ Một Thời Ta Đã Yêu - Lệ Quyên
-
Lời Bài Hát Để Nhớ Một Thời Ta Đã Yêu - Thủ Thuật
-
Hợp âm Để Nhớ Một Thời Ta đã Yêu - Thái Thịnh
-
Những Bài Thơ Buồn Nhất Về Tình Yêu Và Cuộc Sống - Vntrip
-
Những Bản 'hit' đình đám Của Nhạc Sĩ Thái Thịnh Bị Sky Music Vi ...
-
Lời Bài Hát Để Nhớ Một Thời Ta đã Yêu - Bằng Kiều
-
Trịnh Công Sơn - Vietnamese Typography
-
Top 13 Mẫu Phân Tích 13 Câu đầu Bài Vội Vàng Siêu Hay
-
Thần Tượng Bolero - Ad Trước: "Đường Thương đau, đày ải Nhân ...