Nhạc Sĩ Trần Chung: Một Tâm Hồn... Con Trẻ - PLO

Nhạc sĩ Trần Chung
Nhạc sĩ Trần Chung

Có lẽ trong số anh em, bạn bè, đồng nghiệp của tôi, tôi cho là Trần Chung, nếu gọi là trong sáng thì không đầy đủ lắm, gọi là con trẻ thì có vẻ đúng, nhưng phải thêm chữ tâm hồn ông là một thứ con trẻ thánh thiện. Ông không bao giờ muốn khoe ai ngay cả tác phẩm của mình. Ông không muốn ai biết ông là Trần Chung. Tôi đảm bảo nhạc sĩ Trần Chung chưa bao giờ nghĩ mình có thể viết được hai bài về Trường Sơn hay như thế (Đêm Trường Sơn nhớ Bác - lời thơ Nguyễn Trung Thu, và Bài ca Trường Sơn - lời thơ Gia Dũng).

Ông chưa đi Trường Sơn bao giờ... Nhưng tâm hồn ông, sự trải nghiệm của ông đồng cảm với hai chiến sĩ là nhà thơ Gia Dũng và nhà thơ Nguyễn Trung Thu. Phải chờ đến 20 năm sau khi viết Đêm trường Sơn nhớ Bác, nhạc sĩ Trần Chung mới được gặp tác giả bài thơ là Nguyễn Trung Thu. Và không biết đến tận khi qua đời, ông có gặp được tác giả Gia Dũng hay không?! Nhưng những câu hát: “Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người/ Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác...” hay “Đêm Trường Sơn, chúng cháu nhìn trăng nhìn sao/ Cảnh về khuya như vẽ...” thì nằm lòng nhiều thế hệ người nghe.

Tôi nhớ năm 1966, chúng tôi đến Xuân Mai, rồi sau đó là chuyến đi thực tế ở dãy núi Yên Tử, Vàng Gianh (Quảng Ninh). Lúc đó chúng tôi còn rất trẻ... Gặp những chiến sĩ đang hành quân, vai đeo những chiếc ba lô đựng gạch rất nặng, Trần Chung hỏi: “Các cậu đang làm gì thế?”. Họ trả lời: “Chúng em đang hành quân”. Nhạc sĩ lại hỏi: “Hành quân sao đeo nhiều gạch trên người thế này?” - “Chúng em đang rèn luyện, coi như đang hành quân trên Trường Sơn...”. Có lẽ, sau đó, những chuyến đi như thế, không phải chúng tôi đi Trường Sơn, nhưng ở nhạc sĩ Trần Chung, dần dần lắng lại trong tiềm thức của ông rằng, ông đã từng gặp những chiến sĩ Trường Sơn ở đâu đó...

Cũng vào khoảng năm 1966 - 1967, chúng tôi đi vào khu 4, khi ấy chiến tranh rất ác liệt. Xe đến cầu Đò Lèn - Thanh Hóa, lúc gần 11h đêm, thì chết máy... Giữa đêm, ô tô của Sở Giao thông Thanh Hóa mới ra kéo xe về để sửa chữa. Tất cả anh em lên xe, riêng anh Trần Chung không theo chúng tôi mà bảo sẽ ngủ lại nhà ông hàng phở ở ven đường... Lúc trước, vào quán phở, chúng tôi có giới thiệu nhạc sĩ Trần Chung, ông hàng phở liền mời mọi người vào uống rượu. Thế là anh ngủ lại thật. Sau tôi liên tưởng tới nhạc sĩ khi viết về Cúc Phương trong bài Nhớ rừng Cúc Phương : “Cúc phương ơi chiều nay tôi đến bên em/ Bâng khuâng giữa động người xưa/ Vui với cây trò ngàn năm/ Cho tôi ngủ lại cùng cỏ cây hoa lá...”. Anh Trần Chung là con người như thế, anh thích gặp những con người bình dị, dù người đó là ông bán phở...

Nhạc sĩ Văn Dung (ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Nhạc sĩ Văn Dung (ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Từ sau năm 1954, Trần Chung từ Hải Phòng lên Hà Nội. Ông là người hát nghiệp dư, hát chơi, về Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam làm một ca sĩ. Nhưng ông vốn được học nhạc từ rất lâu, từ thời Tân nhạc, theo thầy Hoàng Quý, Lê Thương. Khi đến Đoàn ca nhạc năm 1960, ông đã viết ca khúc Đoàn ky binh Iraq về cuộc cách mạng ở tận vùng Trung Đông, hay bài Ánh lửa trong rừng về ngành địa chất... Từ đó đến năm 1965, ông từ ca sĩ ở Đoàn ca nhạc thành người biên tập âm nhạc. Ca khúc ông viết là kết quả của sự tích lũy dài lâu, mà người ta gọi là học rộng biết nhiều.

Ông sống rất giản dị. Gần 40 tuổi mới lấy vợ. Bà làm công nhân kỹ thuật tại Xưởng Điện cơ Hà Nội. Hàng ngày, các con còn nhỏ, cơm nước ông đều tự làm lấy. Nấu cơm, luộc rau, rán đậu... ông làm tất, nhưng lúc nào bên tay trái cũng có ly rượu. Một lần tôi đến chơi, Trần Chung đang đứng trước chảo rán đậu. Thấy tôi, ông bảo: “Hay quá, Văn Dung đến đấy à? Vào đây, tớ có cái này hay lắm”. Tôi vào, ông hát luôn : Em ơi, Mùa Xuân đến rồi đó/ Xúc động lòng ta trước cuộc đời. Tôi nhớ thời điểm đó là năm 1980, thời kỳ bao cấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Một gia đình đến Tết, theo tem phiếu được 2 cái bánh chưng, 10g mì chính. Thế mà không biết nghĩ thế nào ông ấy viết : Mùa xuân đến rồi đó . “Em” đây không phải là một cô gái nào đó, mà là cả cuộc đời này. Ông ấy muốn gửi gắm tới người nghe rằng, các bạn ơi, các bạn hãy bình tĩnh đi nhé, hay dành cho những người khác sự ưu ái... Thế nên, tôi mới bảo ông ấy hồn nhiên một cách thánh thiện: Em ơi, mùa xuân đến rồi đó/ Sáng rực ngàn hoa ánh mặt trời... Tất cả từ ngữ của ông là sự tích lũy dài lâu, là tình cảm của nhạc sĩ với cuộc đời. Mặc dù cho tới tận lúc về hưu, lương ông chưa đủ tiêu chuẩn vào bệnh viện Việt - Xô, phải là một chuyên viên 2 mới được vào (mà chuyên viên 2 giờ về hưu, hàng tháng cũng chỉ nhận được lương độ 2 triệu đồng). Nói thế để thấy, ông ấy từng phải sống thiếu thốn thế nào, vậy mà vẫn có những tác phẩm tươi vui, lạc quan như thế với cuộc đời. Những bài hát viết về đất nước sau khi thống nhất của ông rất hay...

Tháng 4/2002, bệnh ung thư của ông đã đến giai đoạn nặng. Vợ ông gọi tôi tới và giao cho tôi nhiệm vụ viết điếu văn cho ông. Nhưng không hiểu vào bệnh viện chữa trị như thế nào, mà Trần Chung, người chưa bao giờ vượt quá 48kg, ung thư giai đoạn cuối từ tháng 4/2002, đến mãi tháng 9 năm đó ông mới vĩnh viễn ra đi... Những ngày cuối cùng, bệnh viện khuyên cho ông về nhà. Một buổi chiều muộn tôi đến chơi. Còn nhớ, ông nằm trên chiếc giường xếp, ông không ngồi dậy được. Ông gọi tôi lại và bảo: “Tớ nghe vợ tớ nói cậu đã viết điếu văn cho tớ, đọc cho tớ nghe được không?”. Thực tình, tôi viết từ tháng 4, lúc đó đã là tháng 9/2002, cũng không còn nhớ được nhiều. Cầm giấy đọc thì được, nhưng quá dài... Tôi trả lời: “Em không nhớ hết được, nhưng với nhạc sĩ Trần Chung, lúc nào Văn Dung cũng có thể nhớ được”...

Tôi nhớ lại, lúc còn sống, ông không cần đón rước. Khi đi thực tế, tất cả anh em có thể lên nhà khách ngủ, nhưng ông thì ở lại chơi nhà người bạn, dù người đó chỉ là công nhân... Tôi hiểu nhạc sĩ Trần Chung đi để tiếp nhận cái gì đó của cuộc sống để một ngày nào đó thể hiện bằng tất cả tấm lòng. Ông đến sông Bưởi ở Thanh Hóa và viết một bài về dòng sông rất hay... Đến Vàng Gianh, ông viết bài Khi chúng tôi vào lò - một trong những bài hát bất hủ về những người thợ lò: Khi chúng tôi vào lò/ Trăng ngàn sương mờ dần... Đến đâu, ông cũng ngồi ngẫm nghĩ như một tu sĩ, chốc chốc lại nhấp một tí rượu. Ông không phải là người nghiện rượu, nhưng hình như sinh ra ông ấy là khi nghĩ cái gì phải nhấp một chút rượu. Nếu tính uống đều từ sáng, đến chiều, đến tối phải chừng nửa lít, có khi nhiều là một lít. Nhưng ông không say rượu... Trong chuyến đi thực tế ở Cẩm Phả, tôi ngủ một đêm với Trần Chung. Đêm, mở mắt ra thấy ông đi lại trong nhà. Trời nóng. Ông ấy cởi trần. Đến sáng hôm sau tỉnh giấc vẫn thấy ông tha thẩn. Tôi hỏi: “Anh có viết được nốt nhạc nào không?”. Ông bảo: “Không được nốt nhạc nào cả”. Thế mà cả đêm hút hết hai bao thuốc lá Điện Biên! Thế đấy, nếu người viết định viết thì không bao giờ viết được.

Con người Trần Chung có thể tóm lại là thế này: Ông không có một chút quyền chức gì, danh hiệu gì ngoài danh hiệu nhạc sĩ. Ông không có nhiều tiền tài, không ham muốn. Ông chẳng có gì cả... Ông sống hồn nhiên lắm... Ông như dự báo ngày ông ra đi, thanh thản trở về trong vòng tay Đất Mẹ: Cúc Phương ơi chiều nay tôi đến bên em/ Bâng khuâng giữa động người xưa, vui với cây trò ngàn năm/ Cho tôi ngủ lại cùng cỏ cây hoa lá/ nằm nghe tiếng sóng ngàn xưa vỗ về...

Theo Nhạc sĩ Văn Dung -Thu Hằng ghi (TT&VH Cuối tuần)

Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Cúc Phương ơi