Nhạc Thiếu Nhi: Nghịch Lý Thiếu - Thừa

  • Nhạc sĩ Hoàng Thu Trang và những đam mê dành cho âm nhạc thiếu nhi
  • Thị trường âm nhạc thiếu nhi: Sân chơi bị lãng quên?

Trong 20 năm sự nghiệp, thời gian đầu tên tuổi Nguyễn Văn Chung gắn bó với dòng nhạc tình. Anh có rất nhiều tình khúc đình đám một thời như "Vầng trăng khóc", "Đêm trăng tình yêu", "Chiếc khăn gió ấm", "Con đường mưa", "Bay giữa ngân hà", "Tình yêu mang theo"… Các bản hit này đã làm nên danh tiếng cho nhiều ca sĩ như Nhật Tinh Anh, Khánh Ngọc, Khánh Phương, Nam Cường… "Nhật ký của mẹ" có thể coi là ca khúc thiếu nhi đầu tay của anh và tạo nên tiếng vang lớn. Qua giọng hát cảm xúc của Hiền Thục, "Nhật ký của mẹ" mau chóng trở thành "bài hát quốc dân" vì hễ nhắc đến tình mẫu tử, người ta lại ngân nga trên môi giai điệu bài hát này.

1 am nhac thieu nhi.jpg -0
Các gameshow âm nhạc thiếu nhi vẫn chuộng dùng nhạc người lớn (Ảnh mang tính chất minh họa).

Thành công ngoài sức tưởng tượng của "Nhật ký của mẹ" đã giúp Nguyễn Văn Chung vững bước hơn khi quyết định dấn thân vào dòng nhạc con trẻ. Anh tâm sự: "Từ khi làm cha, tôi mới bắt đầu có suy nghĩ là mình phải viết nhạc thiếu nhi, vì trước tiên điều đó tốt cho chính các con của mình! Sau đó là tốt cho các bé thiếu nhi con của khán giả và các bé thiếu nhi Việt Nam nói chung". Tám năm qua, gia tài ca khúc thiếu nhi của anh đã lên đến 300 tác phẩm, khai thác đa dạng đề tài như: gia đình, mái trường, các ngày lễ tết, những bài học nhỏ, thế giới tuổi thơ... Hồi cuối năm 2020, anh được tổ chức kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận "Nhạc sĩ trẻ sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi nhất Việt Nam".

Nhưng vinh dự này không bằng niềm tự hào khi ca khúc của anh được nhiều khán giả nhỏ tuổi đón nhận. Phải thừa nhận rằng, dù có đến 300 ca khúc nhưng số ca khúc được phát hành rộng rãi chỉ chiếm một phần nhỏ. Ngoài "Nhật ký của mẹ", số ca khúc được công chúng nhớ tới chỉ có vài bài hát như: "Gia đình nhỏ, hạnh phúc to", "Mẹ ơi có biết", "Cảm ơn chú bộ đội", "Điệu múa thiên nga"… Điều đáng buồn hơn là nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chọn con số 300 để dừng viết. Thời gian tới anh sẽ trở lại với dòng nhạc tình và tập trung khai thác vấn đề xã hội.

 Sự dứt áo ra đi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khiến mảnh đất nhạc thiếu nhi vốn đã thưa vắng tác giả lại càng vắng vẻ. Số nhạc sĩ trẻ có sáng tác cho thiếu nhi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài Nguyễn Văn Chung thì có thêm nhạc sĩ Hoài An và Đỗ Hoài Phúc. Hồi năm 2019, hai người đã phát hành 100 MV ca khúc cho các bé với nội dung xoay quanh tình cảm gia đình, phong tục truyền thống, câu chuyện dân gian… Có thể kể thêm vài cái tên thỉnh thoảng có ca khúc phù hợp với trẻ nhỏ như Sa Huỳnh (bài "Về ăn cơm"), Tiên Cookie "Chiếc bụng đói"... "Bống bống bang bang" và "Hai cô tiên"- bài hát chinh phục đông đảo em nhỏ, vốn  không phải là sáng tác nhắm đến thính giả nhí. Cả hai nhạc phẩm này thực chất đều là nhạc phim của "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" và "Ngày xửa ngày xưa". Khi phổ biến, tác giả không ngờ lại được trẻ em vô cùng yêu thích và trở thành sự lựa chọn quen thuộc trong các tiết mục văn nghệ ở trường học.

Nói vậy để thấy những nhạc sĩ trẻ thực sự gắn bó với dòng nhạc thiếu nhi như Nguyễn Văn Chung, Hoài An là vô cùng hiếm hoi. Bởi không phải ai cũng đủ bản lĩnh để gắn bó với dòng nhạc này. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết: "Sáng tác nhạc thiếu nhi dễ ở chỗ câu từ ngắn gọn, dễ hiểu, cảm xúc trong sáng đơn thuần. Nhưng rất khó ở việc không phải ai cũng có thể thực sự bước vào thế giới của con trẻ, không phải ai cũng có một tình yêu lớn dành cho trẻ thơ. Bản thân tôi sẽ không tài nào hoàn thành nổi 300 bài hát nếu chưa có con. Hằng ngày, cùng con chơi đùa, cùng con lớn lên, tôi mới thấu hiểu mong muốn, ước mơ và góc nhìn của trẻ để đưa vào các sáng tác".

2 ns nguyen van chung.jpg -0
Nguyễn Văn Chung là một trong số ít nhạc sĩ trẻ gắn bó bền bỉ với dòng nhạc thiếu nhi.

Để chinh phục thiếu nhi, tác phẩm phải hướng chủ đề vào đúng điều các em muốn. Vì không hiểu tâm lý, ý thích của thiếu nhi nên nhiều ca khúc không thể sống được. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng được một bậc tiền bối cho xem tập nhạc thiếu nhi khá dày dặn. Thế nhưng, những bài hát này đều nằm im trên giấy chứ chưa đến được đông đảo công chúng. Một phần vì đa số bài hát đều viết theo lối cũ với điệu hành khúc hoặc tung tăng. Lời ca quá đơn giản, chung chung, thậm chí là ngô nghê hay giáo điều sáo rỗng. Nhạc sĩ - nhà báo Hữu Trịnh cũng thừa nhận nhiều bài nhạc thiếu nhi rất dở, giai điệu nhạt nhòa hoặc bắt chước như thời cũ. Trẻ em bây giờ được nghe rất nhiều loại nhạc nên sở thích của các em rất khác thế hệ ông bà, cha mẹ. Các bé được tiếp cận nhiều nguồn thông tin nên chúng giỏi hơn, thông minh hơn, gu thẩm mỹ âm nhạc và độ cảm thụ do đó cũng cao hơn.

"Muốn các em yêu thích thì bài hát thiếu nhi ngày nay phải đáp ứng nhiều tiêu chí cùng lúc như: Có tiết tấu hiện đại, ngôn ngữ chân thật, gần gũi với đời sống của tuổi thơ. Nội dung phải đúng với những gì chúng đang quan tâm, hình ảnh cũng phải đầy màu sắc, đủ thu hút và tạo sự thú vị. Bên cạnh đó, thông điệp bài học ý nghĩa phải được lồng ghép nhẹ nhàng, khéo léo, không hô hào sáo rỗng... Tất cả điều đó cần được nghiên cứu một cách cẩn thận và khoa học trước khi đặt bút viết một bài hát thiếu nhi với nguồn cảm xúc sẵn có" - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung phân tích. Sở dĩ "Về ăn cơm", "Bống bống bang bang", "Nhật ký của mẹ", "Mẹ ơi có biết", "Chiếc bụng đói"... được các em yêu thích vì giai điệu bắt tai, thời thượng, ca từ ý nghĩa, vui nhộn. Ca khúc thiếu nhi không ngại với thể loại pop, rock, R&B hay thậm chí là rap, hip hop, EDM… mới mong chinh phục thị hiếu các em.

Thời gian gần đây, đã có những nỗ lực của ngành văn hóa để bổ khuyết nguồn tác phẩm cho trẻ em. Đơn cử như hồi cuối tháng 4-2021, lần đầu tiên Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức trại sáng tác ca khúc thiếu nhi tại Tam Đảo. Kết thúc trại, ban tổ chức thu hoạch gần 80 tác phẩm với nhiều sáng tạo thú vị, hấp dẫn. Nhưng đến nay, độ phủ sóng của các tác phẩm này vẫn rất hạn chế. Điều này được lý giải rằng: Ca khúc thiếu nhi khó phổ biến còn do tính thương mại không cao như nhạc người lớn. Khi chưa lo đủ cơm áo thì ít ai có đủ bản lĩnh để chi tiền túi cho điều chưa chắc đã sinh ra lợi nhuận và danh tiếng. Viết ra ca khúc đã đủ mệt thì khâu thu âm, quay MV, quảng bá phát hành ngốn một phần chi phí không nhỏ. Mà phát hành MV xong, ít người hưởng ứng thì nhạc sĩ cháy túi.

Chính những điều trên khiến nhạc thiếu nhi loay hoay với nghịch lý: Bên cung thừa tác phẩm, bên cầu lại khát ca khúc phù hợp. Để chữa cháy thì thiếu nhi buộc hát nhạc người lớn, nhạc tiếng Anh hoặc chế lời cho phù hợp với lứa tuổi khi tham gia gameshow hay trình diễn văn nghệ. Ngay như dự án của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và Hoài An, dù rất nỗ lực và được đánh giá là ca khúc hợp thời, hợp thị hiếu các em nhỏ nhưng chỉ một vài sáng tác của họ sống được trong đời sống giải trí của các em. Nguyễn Văn Chung có bài hát được đưa vào chương trình âm nhạc của sách giáo khoa cấp tiểu học, đó là: "Nhật ký của mẹ", "Gia đình nhỏ - hạnh phúc to", "Mẹ ơi có biết", "Chơi cả mùa hè", "Cám ơn chú bộ đội".

Để 300 ca khúc được lan tỏa rộng rãi chứ không nằm phí hoài trên giấy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho hay thời gian tới, dù tập trung sáng tác đề tài xã hội nhưng anh vẫn dành thời gian quảng bá ca khúc thiếu nhi. Cụ thể, ngoài việc in sách nhạc, anh dự định sẽ đến các trường học, trung tâm văn hóa thiếu nhi … để quảng bá loạt ca khúc tâm huyết của mình, vực dậy phong trào thiếu nhi hát nhạc thiếu nhi. Anh tin các đồng nghiệp khác khi nhìn lại hành trình đầy nỗ lực của mình sẽ có thêm tự tin để đến với dòng nhạc này, góp thêm cho khu vườn trẻ thơ thêm đa sắc.

Từ khóa » Nguyễn Văn Chung Sáng Tác Nhạc Thiếu Nhi