Nhận Biết Các Dấu Hiệu Bị Dị ứng Da Mặt Và Cách Chăm Sóc, điều Trị ...

Bạn có từng thắc mắc rằng làm sao biết những triệu chứng bất ổn trên mặt là dấu hiệu bị dị ứng da mặt hay một vấn đề da mạn tính nào khác?

Da mặt là vùng da khá nhạy cảm nên dễ gặp phải tình trạng dị ứng nhất nếu tiếp xúc với các tác nhân kích thích hay dị nguyên từ môi trường. Cũng tương tự như tình trạng dị ứng nói chung, một chất hay tác nhân nào đó có thể gây ra dị ứng trên da mặt ở người này nhưng lại không gây ra vấn đề nào cho người khác. Tuy nhiên, một cách tổng quát các dấu hiệu bị dị ứng da mặt không khác nhau nhiều và biểu hiện thay đổi chút ít tùy thuộc vào nguyên nhân và phân loại dị ứng như sau: 

Bị dị ứng da mặt là gì?

Dị ứng da mặt là tình trạng trên da mặt xuất hiện các mẩn đỏ, phát ban sau khi bạn tiếp xúc với một số tác nhân nào đó gây dị ứng cho da. Cũng như các vùng da khác, việc da mặt bị dị ứng có thể gây ra nhiều tổn thương khác nhau cho da và ảnh hưởng đến nhiều vùng da lân cận. Da mặt bị dị ứng có nhiều mức độ khác nhau, mức độ sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên dị ứng, cơ địa của người bị dị ứng hay một số yếu tố đi kèm khác.

Những dấu hiệu bị dị ứng da mặt tương ứng với từng nguyên nhân

1. Viêm da tiếp xúc – dấu hiệu dị ứng da mặt thường gặp nhất

Da mặt nhạy cảm nhưng lại chịu tác động bởi các thành phần tự nhiên và nhân tạo nhiều nhất từ việc chăm sóc da (hóa mỹ phẩm) hay đơn giản chỉ là những tiếp xúc với các yếu tố môi trường. Như tên gọi, viêm da tiếp xúc gây ra bởi sự tiếp xúc trực tiếp của da với một vài trong số những thành phần này. Tùy vào cách làn da bị tác động, tình trạng này được chia thành 2 loại:

Viêm da tiếp xúc dạng kích ứng 

Bạn có thể vô tình để những hoạt chất có khả năng kích ứng mạnh như chất tẩy rửa, cồn, xà phòng đậm đặc, axit, kiềm, hóa chất nhuộm, thuốc tẩy sơn móng, thuốc diệt côn trùng… tiếp xúc trực tiếp và phá hủy da, gây ra đau rát, châm chích hoặc ngứa tại nơi tiếp xúc. Đặc biệt việc gãi có thể làm da bị rộp và xuất hiện bóng nước. Dị ứng không xảy ra trong trường hợp này.

Viêm da tiếp xúc dạng dị ứng

viêm da tiếp xúc

Dị nguyên không gây tổn thương trực tiếp nhưng kích thích hệ miễn dịch và gây ra những dấu hiệu bị dị ứng da mặt điển hình. Da rất ngứa do hệ miễn dịch giải phóng quá nhiều histamine, tạo ra mẩn (ban) hoặc mề đay lan rộng trên mặt. Đôi khi da có thể bị mất nước, khô và bong tróc. Việc không cưỡng lại được ý muốn cào gãi để giảm cảm giác ngứa có thể làm cho các nốt mẩn bị trầy xước, chảy dịch hoặc làm nghiêm trọng thêm cảm giác châm chích, nóng ran. Tình trạng dị ứng cũng có thể gây ra các bóng nước như bị phỏng.

Một thành phần nào đó trong mỹ phẩm, thuốc nhuộm tóc, chất tạo mùi, trang sức có thành phần là niken, nhựa một số loại cây, latex… đều có thể là những nguyên nhân gây ra các dấu hiệu bị dị ứng da mặt trong trường hợp này, tùy vào cơ địa mỗi người. Bạn có thể bị dị ứng sau một thời gian dài sử dụng sản phẩm mà không gặp trở ngại gì, làm cho việc xác định chính xác nguyên nhân trở nên khó khăn.

2. Dị ứng toàn thân gây ra những dấu hiệu bị dị ứng da mặt

Da mặt bị ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ, mề đay, căng cứng, thô ráp, châm chích, nóng ran… có thể không chỉ là dấu hiệu dị ứng da mặt, do một dị nguyên nào đó tác động trực tiếp lên da mặt mà còn có thể là do:

Thời tiết

Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, quá ẩm hoặc hanh khô có thể gây dị ứng cho một số ít người có cơ địa nhạy cảm, với những dấu hiệu bị dị ứng da mặt xuất hiện cả trên cơ thể như chân, tay, ngực, lưng…

Thức ăn

Bạn cũng có thể xuất hiện những dấu hiệu da mặt bị dị ứng rải rác trên cơ thể khi chẳng may ăn phải một thực phẩm gây dị ứng nào đó. Hải sản, đậu phộng, nhộng, sữa, trứng… là những món gây dị ứng thường gặp nhất.

Thuốc

Dấu hiệu bị dị ứng có thể xuất hiện toàn thân và trên mặt do dị ứng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, hóa trị, thuốc điều trị bệnh tự miễn…

Các phần tử không khí

dấu hiệu bị dị ứng da mặt

Mùa xuân, hè là thời điểm sinh sôi của nhiều loại hoa cỏ và nấm mốc, làm cho nhiều người bị dị ứng với những triệu chứng như sổ mũi, chảy nước mắt, hắt hơi, đau họng… Nặng hơn, người bệnh có thể có những dấu hiệu bị dị ứng da mặt đã nêu bên cạnh những triệu chứng dị ứng chung.

3. Những tình trạng có thể gây nhầm lẫn với dấu hiệu bị dị ứng da mặt

  • Mụn: mụn trứng cá, mụn mủ, tổn thương gây viêm… có thể gây ra các mảng đỏ, dày lên hoặc có mủ… nhưng không phải là dị ứng.
  • Chàm (viêm da cơ địa): là một bệnh về da mạn tính phổ biến, cũng làm cho da rất ngứa, đỏ, khô và bong tróc.
  • Viêm nang lông: dễ bắt gặp ở nam giới thường xuyên cạo râu.
  • Mụn thịt: hình thành từ keratin, một loại protein bị kẹt lại trong da tạo ra những nốt li ti vô hại trên mặt.
  • Bệnh Rosacea: một loại viêm da mạn tính với đặc trưng là những mảng đỏ và sưng trên da.
  • Cháy nắng: Nếu bạn ở ngoài nắng mạnh quá lâu có thể gây bỏng da, làm cho da bị ửng đỏ, bong tróc và nổi bóng nước.

Cần làm gì khi thấy xuất hiện các dấu hiệu bị dị ứng da mặt?

Bị dị ứng da mặt phải làm gì hay dị ứng da mặt phải làm sao? Theo các chuyên gia, nếu không xử lý, chăm sóc và điều trị đúng, những dấu hiệu bị dị ứng da mặt tưởng chừng chỉ gây khó chịu thôi có thể sẽ để lại những vết sẹo vĩnh viễn gây mất thẩm mỹ.

Điều cần làm ngay khi bị dị ứng da mặt chính là ngưng tiếp xúc với những thứ bạn nghi ngờ có thể là nguyên nhân gây ra dị ứng để xem tình trạng có được kiểm soát hay không. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ dị ứng là do thuốc uống, bạn cần nói với bác sĩ để được đổi qua thuốc khác chứ không nên tự ý bỏ ngang.

Rửa mặt với nước mát hoặc hơi ấm và xà phòng dịu nhẹ để loại bỏ tác nhân dị ứng có thể còn bám trên da và làm sạch da. Nên tạm ngưng tất cả các sản phẩm chăm sóc da hoặc mỹ phẩm khác cho đến khi tình trạng dị ứng biến mất hoàn toàn.

Không cào, gãi gây tổn thương, nhiễm trùng da mặt và làm tình trạng thêm tồi tệ.

Dị ứng da mặt: Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

xét nghiệm dị ứng da

Bạn có thể gặp bác sĩ để được kê các loại thuốc bôi ngoài da giúp giảm ngứa, giảm nứt nẻ, bong tróc và giữ ẩm da một cách an toàn như antihistamine, hydrocortisone, calamine…

Một chất làm bạn dị ứng lại có thể rất an toàn với nhiều người. Do đó, cách tốt nhất để phòng tránh dị ứng tái phát là xác định chính xác nguyên nhân. Bạn có thể sẽ cần bác sĩ giúp làm việc đó. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về bệnh sử, thói quen, nghề nghiệp, các sản phẩm đang sử dụng, thuốc điều trị… để khoanh vùng, thu hẹp các tác nhân. Nếu cần thiết, các thử nghiệm với chất dị ứng trên da ở liều nhẹ sẽ được thực hiện.

Bạn cũng cần gặp bác sĩ nếu có những dấu hiệu bị dị ứng da mặt nghiêm trọng, cũng như nếu tình trạng không biến mất sau 2 – 3 tuần hoặc tái đi tái lại.

Bạn có thể quan tâm Xét nghiệm dị ứng da

Cẩn trọng với những dấu hiệu dị ứng nghiêm trọng

Hiện tượng sưng ở mí mắt, môi, lưỡi… có thể là biểu hiện của phù mạch (mạch máu bị sưng sâu bên dưới da). Phù mạch trong đường thở có thể làm cho bệnh nhân bị ngạt.

Sốc phản vệ hiếm khi xảy ra nhưng vô cùng nguy hiểm cho tính mạng. Người bị sốc phản vệ có những biểu hiện như huyết áp hạ, khó thở, mạch yếu và nhanh, nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, ngất… và cần được cấp cứu ngay lập tức.

Không khó để nhận ra dấu hiệu bị dị ứng da mặt trong đa số trường hợp với những biểu hiện đặc trưng như mẩn đỏ, ngứa, châm chích, mề đay… Tuy nhiên, đừng ngần ngại đi khám nếu bạn nghi ngờ da của mình có thể gặp phải những vấn đề nghiêm trọng hơn vì làn da không chỉ ảnh hưởng sự tự tin trong giao tiếp mà còn là một cơ quan không kém phần quan trọng của cơ thể.

Từ khóa » Các Loại Dị ứng Da Mặt