Nhận Biết Dấu Hiệu Bệnh Ghẻ - Suckhoe123

Bệnh ghẻ là gì?

Bệnh ghẻ là một bệnh về da do một loài ký sinh đào hang ở dưới lớp thượng bì của da, sống bằng cách hút máu của vật chủ. Ghẻ gây ngứa ngáy dữ dội và tạo thành những đường màu xám trắng trên da cùng với các mụn nước đỏ.

Ghẻ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với da hoặc tiếp xúc với quần áo, ga trải giường hoặc khăn tắm của người bị bệnh.

Bất kỳ ai cũng có thể bị ghẻ nhưng bệnh này xảy ra phổ biến nhất ở những nơi đông đúc, chật hẹp và điều kiện sống không vệ sinh.

Nguyên nhân

Bệnh ghẻ là do một loài côn trùng sống ký sinh có tên khoa học là Sarcoptes scabiei gây ra, được gọi là cái ghẻ. Cái ghẻ có kích thước rất nhỏ nên mắt thường không thể nhìn thấy được. Khi quan sát bằng kính hiển vi thì sẽ thấy chúng có thân hình tròn với 8 chân.

Ghẻ sinh sản như thế nào?

Cái ghẻ đào hang và đẻ trứng dưới da. Sau khoảng 4 ngày thì trứng nở thành ấu trùng. Sau 4 ngày tiếp theo, ấu trùng sẽ trở thành ghẻ trưởng thành, chui ra khỏi hang lên bề mặt da và lại tiếp tục đào hang, đẻ trứng. Chu kỳ cứ thế tiếp tục cho đến khi được điều trị khỏi.

Cái ghẻ có thể sống và sinh sản trên da trong vài tuần trước khi hệ miễn dịch có phản ứng và các triệu chứng bắt đầu xuất hiện.

Cái ghẻ không sống trên động vật. Chúng bò chứ không thể nhảy hay bay. Cái ghẻ không thể sống xa cơ thể người quá 4 ngày, nhưng chúng có thể tồn tại từ 1 đến 2 tháng ở trên vật chủ.

Dấu hiệu nhận biết bệnh ghẻ

Chúng ta không thể nhìn thấy cái ghẻ bằng mắt thường nên chỉ có thể nhận biết bằng cách quan sát những biểu hiện mà chúng gây ra.

Biểu hiện thường gặp nhất khi bị bệnh ghẻ là nổi mụn nước và ngứa ngáy dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm do đây là lúc cái ghẻ di chuyển để đào hang. Mụn nước do ghẻ có dạng các nốt nhỏ màu hồng, nổi lên bề mặt da và bên trong chứa dịch. Những mụn nước này có thể mọc thành một hàng. Ghẻ đào rãnh trong lớp thượng bì và gây nổi các đường gờ ngoằn ngoèo màu trắng xám trên da (được gọi là luống ghẻ), ở đầu của các đường này có mụn nước. Bên trong mụn nước là nơi sinh sống của các cái ghẻ. Ngoài ra, một biểu hiện khác của bệnh ghẻ là bề mặt da có các mảng đóng vảy khô màu hồng đỏ. Cái ghẻ có thể ký sinh ở bất cứ đâu trên toàn bộ cơ thể nhưng chúng thường xuất hiện phổ biến ở những vị trí như:

  • Kẽ ngón tay
  • Nách
  • Xung quanh eo
  • Dọc bên trong cổ tay
  • Vùng bên trong khuỷu tay
  • Lòng bàn chân
  • Nếp gấp dưới vú
  • Xung quanh quy đầu
  • Trên mông
  • Trên đầu gối

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, ghẻ còn gây nổi mụn nước ở da đầu, lòng bàn tay và lòng bàn chân.

Biểu hiện của bệnh ghẻ cũng tương tự như hiện tượng phát ban do các bệnh khác như:

  • Viêm da
  • Bệnh giang mai
  • Các vấn đề do ký sinh trùng khác, chẳng hạn như bọ chét

Điều trị bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ cần điều trị bằng thuốc bôi do bác sĩ kê đơn.

Để giảm bớt các triệu chứng khó chịu do bệnh ghẻ gây ra thì bác sĩ sẽ kê thêm một số loại thuốc có tác dụng kiểm soát ngứa và sưng tấy.

Tình trạng ngứa ngáy có thể tiếp diễn trong nhiều tuần, ngay cả khi đã bắt đầu bôi thuốc. Phải luôn theo dõi để phát hiện các luống ghẻ và mụn nước mới. Đây là những dấu hiệu cho thấy cần phải tiếp tục điều trị.

Bất cứ ai tiếp xúc với người bị bệnh ghẻ cũng đều phải điều trị.

Biện pháp giảm triệu chứng

Có nhiều phương pháp tự nhiên để làm giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh ghẻ, ví dụ như dùng tinh dầu tràm trà, đắp lô hội…

Tinh dầu tràm trà

Tinh dầu tràm trà (tea tree oil) có thể chữa lành những mụn nước trên da và giúp giảm ngứa. Tuy nhiên, tinh dầu tràm trà không thể tiêu diệt trứng ghẻ ở sâu bên trong da.

Có thể hòa loãng tinh dầu tràm trà với nước và xịt lên chăn đệm.

Tinh dầu đinh hương và các loại tinh dầu khác

Tinh dầu đinh hương (clove oil) là một loại tinh dầu có đặc tính kháng khuẩn và đã được chứng minh là có thể tiêu diệt cái ghẻ.

Ngoài ra còn có một số loại tinh dầu khác cũng có thể có điều trị bệnh ghẻ như tinh dầu hoa oải hương (lavender), cỏ xạ hương (thyme) và nhục đậu khấu (nutmeg).

Những phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú hoặc người có vấn đề về sức khỏe khác cần tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi thử bất kỳ loại tinh dầu nào.

Rệp giường có gây bệnh ghẻ không?

Rệp giường (bed bug) là một loài côn trùng sống ở trên giường ngủ và những vật dụng xung quanh nhưng không phải nguyên nhân gây ra bệnh ghẻ. Bệnh ghẻ chỉ do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei gây ra. Cái ghẻ sống trong da để hút máu và sinh sản trong khi rệp giường không sống kí sinh trên cơ thể người. Cả hai đều hút máu và chủ yếu hoạt động vào ban đêm.

Ngoài ra, về kích thước thì cái ghẻ nhỏ hơn so với rệp giường. Khi trưởng thành, cái ghẻ có kích thước không lớn hơn đầu kim, hình tròn và có 8 chân. Rệp giường là loài côn trùng có hình bầu dục màu nâu đỏ, có 6 chân. Chúng có thể đạt đến kích thước 1 - 7 mm nên mắt thường có thể nhìn thấy được.

Vấn đề phát sinh

Mặc dù cái ghẻ không lây truyền bệnh cho cơ thể vật chủ nhưng tình trạng ngứa ngáy do ghẻ sẽ khiến người bệnh gãi liên tục, gây trầy xước da và dẫn đến các bệnh nhiễm trùng thứ phát, chẳng hạn như chốc lở.

Trong một số trường hợp, người bệnh còn bị ghẻ Na Uy. Đây là một dạng ghẻ nghiêm trọng hơn và xảy ra do hệ miễn dịch bị suy yếu hoặc khi bệnh ghẻ không được điều trị trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Phòng ngừa bệnh ghẻ

Có nhiều loại thuốc và sản phẩm điều trị bệnh ghẻ. Khi đi khám, bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp. Các sản phẩm không kê đơn có thể làm giảm các triệu chứng trong thời gian điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, những sản phẩm này đều không thể tiêu diệt hoàn toàn cái ghẻ - nguyên nhân gốc rễ gây ra các triệu chứng nên không thể thay thế được cho các loại thuốc kê đơn.

Để phòng ngừa bệnh ghẻ thì phải tránh tiếp xúc da và tránh chạm vào các vật dụng như quần áo, khăn tắm, giường của người bị ghẻ hoặc có dấu hiệu ghẻ. Để tránh bị lại sau khi đã điều trị khỏi thì phải vệ sinh nhà cửa thường xuyên, giặt chăn ga, quần áo, khăn lau bằng xà phòng và nước nóng rồi phơi khô (sấy bằng nhiệt độ cao nếu có thể) và bọc những đồ không thể giặt được trong túi nhựa kín trong ít nhất 5 ngày.

Từ khóa » Các Biểu Hiện Bệnh Ghẻ