Nhận Biết Dấu Hiệu Rụng Trứng - Suckhoe123

Nội dung chính của bài viết:

  • Rụng trứng là một phần của cửa sổ thụ thai và là thời điểm mà khả năng mang thai ở mức cao nhất nhưng trứng vẫn có được thụ tinh thành công khi quan hệ trong vòng 5 ngày trước và một ngày sau đó.
  • Có nhiều dấu hiệu để xác định thời điểm rụng trứng, đó là: đau một bên bụng dưới, thay đổi thân nhiệt, thay đổi dịch nhầy cổ tử cung, nước bọt.
  • Các loại dụng cụ dự đoán rụng trứng có thể hiệu quả nhưng không nên sử dụng lâu dài nếu không thể mang thai.
  • Có nhiều nguyên nhân gây vô sinh không liên quan đến quá trình rụng trứng và rất nhiều trong số đó có thể được kiểm soát hoặc điều trị.

Rụng trứng diễn ra như thế nào?

Rụng trứng là hiện tượng diễn ra khi một quả trứng được phóng ra từ buồng trứng. Đôi khi, sự rụng trứng diễn ra nhiều hơn một lần trong một tháng và có những phụ nữ lại không rụng trứng ngay cả khi vẫn có kinh nguyệt. Đó là lý do tại sao rất khó xác định thời điểm rụng trứng.

Quá trình rụng trứng thường diễn ra trong vòng hai tuần trước khi bắt đầu hiện tượng ra máu kinh nguyệt. Thời điểm rụng trứng không cố định mà có thể thay đổi theo từng tháng. Tuy nhiên, việc dự đoán được thời điểm rụng trứng có thể giúp xác định khoảng thời gian dễ thụ thai nhất. Để thụ thai thành công thì cần quan hệ trong cửa sổ thụ thai. Đây là khoảng thời gian gồm có 5 ngày trước khi rụng trứng và ngày rụng trứng nhưng đôi khi còn có thêm một ngày sau đó nữa. Khả năng thụ thai thành công cao nhất là vào ngày rụng trứng và một ngày trước đó.

Rụng trứng có những dấu hiệu nào?

Không phải tất cả mọi phụ nữ đều có những biểu hiện rõ rệt báo hiệu rụng trứng nên không thấy các dấu hiệu này không có nghĩa là sự rụng trứng không diễn ra. Tuy nhiên, dưới đây là những dấu hiệu phổ biến để xác định thời điểm rụng trứng.

Đau một bên bụng dưới

Một số phụ nữ bị đau buồng trứng nhẹ trước hoặc trong thời gian rụng trứng. Hiện tượng này được gọi là hội chứng mittelschmerz, có nghĩa là cơn đau bụng giữa chu kỳ kinh nguyệt với biểu hiện là đau ở một bên bụng dưới. Nguyên nhân gây nên cơn đau này có thể là do sự phát triển của nang trứng – bộ phận của buồng trứng có nhiệm vụ giữ trứng trưởng thành – khiến cho bề mặt của buồng trứng bị kéo giãn.

Các cơn đau này thường là đau nhói hoặc cũng có thể đau âm ỉ, xảy ra ở một trong hai buồng trứng và có thể thay đổi về vị trí cũng như là mức độ đau vào mỗi tháng.

Hiện tượng đau này thường chỉ kéo dài trong một vài phút nhưng cũng có một số phụ nữ cảm thấy khó chịu trong thời gian dài hơn. Ngoài ra, các cơn đau đôi khi còn đi kèm với cảm giác nóng rát do chất lỏng bên trong nang trứng được giải phóng khi trứng tách khỏi buồng trứng. Chất lỏng này đôi khi gây kích ứng ở phúc mạc (lớp niêm mạc bao phủ bên trong ổ bụng) hoặc vùng xung quanh và còn có thể gây cảm giác nặng nề ở bụng dưới.

Tuy nhiên, hiện tượng đau ở vị trí quanh buồng trứng cũng có thể không phải do rụng trứng.

Thay đổi thân nhiệt

Thân nhiệt cơ bản hay thân nhiệt chuẩn (basal body temperature) là nhiệt độ của cơ thể khi mới thức dậy và chưa cử động vào buổi sáng. Trước khi rụng trứng, thân nhiệt cơ bản của phụ nữ thường dao động trong khoảng 36.1°C đến 36.4°C và khi quá trình rụng trứng diễn ra, thân nhiệt cơ bản thường tăng lên 36.4°C đến 37°C. Nguyên nhân dẫn đến sự tăng thân nhiệt này là do sự tiết progesterone – loại hormone giúp niêm mạc tử cung trở nên xốp và dày để chuẩn bị cho trứng sau khi thụ tinh bám vào và làm tổ.

Thân nhiệt cơ bản sẽ vẫn tiếp tục tăng lên cho đến khi bắt đầu hiện tượng ra máu nếu trứng không được thụ tinh. Bạn có thể đo thân nhiệt hàng sáng trước khi ra khỏi giường và theo dõi để xác định khoảng thời gian rụng trứng hàng tháng. Tuy nhiên, phương pháp này không phải khi nào cũng chính xác. Một nghiên cứu được tiến hành trên hơn 200 phụ nữ cho thấy nếu rụng trứng muộn thì không thể dự đoán được bằng bất kỳ phương pháp nào, kể cả đo thân nhiệt cơ bản. Phương pháp đo thân nhiệt cơ bản cũng không hiệu quả đối với những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều.

Thay đổi dịch nhầy cổ tử cung

Dịch nhầy cổ tử cung được tạo thành chủ yếu từ nước. Sự sản xuất dịch nhầy này được kích hoạt bởi sự gia tăng nồng độ hormone estrogen và thay đổi kết cấu khi đến cửa sổ thụ thai, do đó có thể quan sát dịch nhầy để dự đoán thời gian diễn ra sự rụng trứng.

Được sản xuất bởi các tuyến ở cổ tử cung, dịch nhầy cổ tử cung đóng vai trò là ống dẫn giúp đưa tinh trùng đến được với trứng. Trong cửa sổ thụ thai, lượng dịch nhầy này sẽ tăng lên, đồng thời trở nên lỏng hơn, nhớt hơn và trong suốt. Dịch nhầy cổ tử cung thường có kết cấu giống với lòng trắng trứng trong thời gian này.

Trong những ngày sắp rụng trứng, bạn sẽ nhận thấy lượng dịch nhiều hơn bình thường.

Vào những năm mà khả năng sinh sản đạt mức cao nhất, dịch nhầy cổ tử cung có thể giữ cho tinh trùng tồn tại được đến 5 ngày sau khi vào cơ thể phu nữ và làm tăng cơ hội thụ thai thành công. Ngoài ra, dịch nhầy này còn có vai trò là chất bôi trơn giảm ma sát trong khi quan hệ. Bạn có thể kiểm tra kết cấu của dịch nhầy cổ tử bằng cách đưa ngón tay vào âm đạo gần cổ tử cung, lấy ra một lượng dịch và quan sát. Nếu dịch có kết cấu dính và kéo sợi thì có thể bạn đang rụng trứng hoặc sắp rụng trứng.

Thay đổi ở nước bọt

Trước hoặc trong quá trình rụng trứng, estrogen và progesterone còn làm thay đổi cả trạng thái nước bọt khi khô. Cụ thể, vào thời gian này, trong nước bọt khô có những hạt tinh thể có hình giống như như lá dương xỉ. Tuy nhiên, vì nước bọt có thể bị ảnh hưởng bởi thói quen hút thuốc, ăn uống và đánh răng nên đây là một dấu hiệu nhận biết rụng trứng không chính xác.

Các biện pháp kiểm tra rụng trứng tại nhà

Hiện nay có một số loại dụng cụ thử rụng trứng và máy theo dõi khả năng thụ thai tại nhà. Hầu hết các thiết bị này giúp xác định rụng trứng bằng cách đo nồng độ các hormone như luteinizing (LH) trong nước tiểu. Nồng độ hormone này bắt đầu tăng cao trong 1 đến 2 ngày trước khi rụng trứng.

Sự gia tăng lượng LH thường là một yếu tố dự báo khá chính xác về sự rụng trứng. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ, nồng độ LH vẫn tăng mà không hề diễn ra sự rụng trứng. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do một vấn đề có tên là hội chứng nang hoàng thể hóa không vỡ (luteinized unruptured follicle syndrome).

Một số thiết bị có tác dụng đo, theo dõi và lưu trữ thông tin về nồng độ hormone estrogen và hormone luteinizing trong vài tháng nhằm dự đoán khoảng thời gian rụng trứng vào mỗi tháng. Điều này giúp người dùng xác định được những ngày dễ thụ thai nhất. Một số loại thiết bị đòi hỏi phải xét nghiệm nước tiểu hàng ngày trừ khi có kinh nguyệt.

Một số dụng cụ xét nghiệm tại nhà được đưa vào âm đạo trước khi đi ngủ và để qua đêm. Những dụng cụ này lấy thông số nhiệt độ của cơ thể và truyền dữ liệu đến một ứng dụng nhằm dễ dàng theo dõi thân nhiệt cơ bản.

Bên cạnh đó còn có một số phương pháp kiểm tra khả năng thụ thai tại nhà bằng cách phân tích chất lượng tinh trùng của nam giới cũng như là nồng độ nội tiết tố của nữ giới trong nước tiểu. Việc kiểm tra khả năng sinh sản của cả nam và nữ sẽ phù hợp các cặp vợ chồng đang muốn có con.

Ngoài ra còn có các dụng cụ thử nước bọt để dự đoán rụng trứng nhưng không phải khi nào cũng chính xác do nước bọt bị ảnh hưởng bởi nhiều thói quen sinh hoạt và những dụng cụ này cũng không xác định được chính xác ngày rụng trứng mà chỉ giúp dự đoán khoảng thời gian sắp rụng trứng. Dụng cụ thử nước bọt cho hiệu quả cao nhất khi được sử dụng ngay vào buổi sáng và duy trì đều đặn hàng ngày trong thời gian vài tháng.

Những phương pháp kiểm tra rụng trứng này có mức độ chính xác khác nhau nhưng đều phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của người dùng. Hơn nữa, các phương pháp kiểm tra tại nhà đều không có tác dụng phát hiện những vấn đề về khả năng sinh sản không phải do nội tiết tố, ví dụ như:

  • Ống dẫn trứng bị tắc
  • U xơ
  • Vấn đề về dịch nhầy cổ tử cung

Xét nghiệm tinh trùng tại nhà cũng không thể kiểm tra được chất lượng tinh trùng.

Rụng trứng và khả năng sinh sản

Phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt thất thường thường rụng trứng không đều hoặc không rụng trứng. Tuy nhiên, kể cả những người có kinh nguyệt đều đặn cũng vẫn có thể không rụng trứng. Cách duy nhất để xác định cụ thể bạn có rụng trứng hay không là đi khám để làm xét nghiệm nội tiết tố trong máu.

Mặc dù khả năng sinh sản giảm dần theo tuổi tác nhưng hiện nay, ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ gặp vấn đề vô sinh. Cần đi khám bác sĩ hoặc đến các trung tâm Tư vấn Sức khoẻ sinh sản nếu bạn:

  • dưới 35 tuổi và không thể mang thai trong vòng một năm dù đã cố gắng tích cực
  • trên 35 tuổi và không thể mang thai trong vòng 6 tháng dù đã cố gắng tích cực

Hiện nay, nhiều vấn đề về khả năng sinh sản, ở cả nam và nữ, đều có thể được điều trị mà không cần các biện pháp tốn kém hay xâm lấn. Do đó, khi đã quan hệ trong cửa sổ thụ thai mà vẫn không có thai thì cần đi khám ngay. Càng trì hoãn lâu thì sẽ càng cảm thấy căng thẳng, lo lắng và khả năng điều trị thành công sẽ càng giảm.

Từ khóa » Cách Nhận Biết Trứng Rụng Bên Nào