Nhân Cách Của Nhà Trị Liệu, Can Thiệp Trẻ Có Rối Loạn Phát Triển
Có thể bạn quan tâm
Tác giả bài viết: GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam.
Tóm tắt: Nhân cách của các nhân sự tham gia hoạt động tại các Trung tâm can thiệp trẻ có rối loạn phát triển đặc biệt là tay nghề của đội ngũ chuyên gia là các trị liệu viên, can thiệp viên có một vị trí rất quan trọng quyết định hoạt động hành nghề của các trung tâm. Bài viết đã đi sâu bàn về các nội dung cần có trong nhân cách của các trị liệu viên, can thiệp viên, đặc biệt là làm rõ tay nghề trị liệu / can thiệp tâm lý của đội ngũ này.
Từ khóa: Nhân cách, nhân cách của nhà trị liệu / can thiệp tâm lý, tay nghề của trị liệu viên / can thiệp viên tâm lý.
(Bài viết đã được công bố trong Tuyển tập công trình khoa học Hội thảo quốc gia mang tên “Can thiệp Rối loạn phát triển dựa trên bằng chứng khoa học” do Hội Khoa học Tâm Lý-Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 18 – 19 tháng 12 năm 2021 tại thành phố Hà Nội, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2021, tr.378-385. )
* * *
1.Về sức khỏe tinh thần và các Trung tâm làm nhiệm vụ can thiệp trẻ có rối loạn phát triển
Con người cần phải có sức khỏe để sống, tồn tại. Năm 1960, E.Roger đã đưa vào lời mở đầu của Điều lệ tổ chức Y tế thế giới định nghĩa về sức khoẻ, đó là: “Tình trạng ổn định hoàn toàn về mặt thể lực, tâm hồn và xã hội chứ không chỉ là không có bệnh hay khuyết tật về thể lực”. Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm có tình trạng không có bệnh hay thương tật (Tổ chức Y tế thế giới) . Trên thực tế, có những người không có bệnh, không hề bị thương tật nhưng lại không có sức khoẻ vì đang bị suy sụp về mặt tinh thần do những nguyên nhân khác nhau. Ngược lại có những người lâm bệnh rất nặng, thậm chí là bệnh hiểm nghèo nhưng sức khoẻ tinh thần rất tốt. Họ vẫn lạc quan yêu đời, vẫn làm việc và biết động viên người khác.
Có một sức khỏe tốt nhất là một trong những quyền cơ bản con người dù thuộc bất kỳ chủng tộc, tôn giáo, chính kiến chính trị hay điều kiện kinh tế – xã hội nào.
Thế còn khái niệm Sức khoẻ tinh thần được hiểu thế nào? Tác giả Nguyễn Khắc Viện, trong cuốn Từ điển Tâm lý đã đưa ra khái niệm Sức khoẻ tâm trí (Mental Health): “Cũng gọi là sức khoẻ tâm thần; chúng tôi đề nghị tránh từ tâm thần, vì ngày nay từ ấy hàm ý bệnh hoạn. Do cuộc sống biến động sinh ra nhiều stress, tâm trí con người dễ bị rối loạn, cho nên việc phòng ngừa các chứng bệnh tâm lý đã trở thành mối quan tâm lớn của nhiều người và các tổ chức y tế, giáo dục, đoàn thể” [1, tr.298]. Ông viết tiếp: “ Khó mà xác định chính xác nội dung của từ này, vì con người là một phức hợp và sức khoẻ tâm trí là tổng hoà của nhiều tác nhân thể chất, xã hội, kinh nghiệm; quan điểm về sức khoẻ tâm trí của người này khác người kia. Nhưng dù sao cũng có thể có một kết luận chung để tìm cách tạo điều kiện cho con người, đặc biệt trẻ em, phát triển về tâm lý một cách hài hoà. Và sức khoẻ nói chung không thể chỉ khoanh vào lĩnh vực thể chất, mà phải bao gồm mặt tâm lý” [1- tr.298]. Nếu một người nào đó tinh thần, tâm lý, tâm trí có vấn đề, khi đó tinh thần, tâm trí, tâm lý của người đó có những rối nhiễu, rối loạn (disorders), được gọi là có những rối loạn tinh thần (mental disorders), hoặc còn gọi là rối loạn tâm trí, rối loạn tâm lý, và đôi khi còn được gọi bằng một từ chung là rối loạn phát triển. Theo một nghiên cứu đã được công bố, tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc rối loạn tinh thần chiếm 8% ở trẻ em và 29% ở tuổi vị thành niên, trong đó rối loạn tăng động giảm chú ý 14%; rối loạn cảm xúc 11,5%; rối loạn ứng xử chiếm hơn 9%. Năm 2019, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cho tiến hành một nghiên cứu khảo sát 834 học sinh tại Hà Nội và 726 học sinh tại Hưng Yên. Kết quả cho thấy, ở Hà Nội, tỷ lệ học sinh bị trầm cảm là hơn 31%, Hưng Yên là gần 19%. Gần 43% số học sinh Hà Nội tham gia khảo sát có tâm trạng lo âu, còn tại Hưng Yên là 36,5%. Tỷ lệ trẻ bị stress tại Hà Nội gần 39% và ở Hưng Yên là gần 22% [2].
Các rối loạn phát triển, có thể kể đến như tăng động giảm chú ý; chậm nói; chậm viết; rối loạn hành vi giao tiếp, ứng xử; trầm cảm; rối loạn lo âu; tự kỷ v.v… “Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh, được đặc trưng bởi hai suy yếu chính về giao tiếp, tương tác xã hội và có hành vi, sở thích hạn hẹp, định hình lặp lại” [3, tr.18].
Để hỗ trợ, giúp trẻ phát triển bình thường, hiện ở nước ta nói chung, ở Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam (Hội KHTL-GDVN) nói riêng đã có các đơn vị là các Trung tâm trực thuộc Hội mang một tên có dạng chung là “Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng Tâm lý – Giáo dục + tên riêng của Trung tâm). Nhiệm vụ của các Trung tâm là nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của khoa học Tâm lý học và Giáo dục học vào can thiệp trẻ có rối loạn phát triển (RLPT) ở các độ tuổi, giúp trẻ có được một sức khỏe tinh thần tốt; cung cấp các dịch vụ can thiệp tâm lý cho trẻ, cha mẹ trẻ và các đối tượng khác theo yêu cầu; liên kết hợp tác với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Trung tâm đã được phê duyệt. Về nhân sự, các Trung tâm có Giám đốc, phó giám đốc, nhân viên hành chính, kế toán… và kế theo là đội ngũ chuyên gia, nhân viên làm nhiệm vụ can thiệp trẻ có rối loạn phát triển. Đây là một lực lượng quan trọng quyết định chất lượng hành nghề của các trung tâm. Đội ngũ này là những nhà chuyên môn, chuyên gia được đào tạo chuyên về tâm lý học lâm sàng, tâm lý học tham vấn, trị liệu. Trong một vài năm gần đây, đặc biệt là từ các năm 2019 đến nay, các Trung tâm thuộc loại này ngày càng được mở ra nhiều đã nói lên tầm quan trọng và sự cần thiết phải có các Trung tâm nghiệp vụ Tâm lý học – Giáo dục học làm nhiệm vụ can thiệp trẻ có rối loạn phát triển. Những con số về sự xuất hiện ngày càng nhiều các Trung tâm can thiệp rối loạn phát triển (TTCTRLPT) trực thuộc Hội và uy tín của các trung tâm này ngày càng được cộng đồng xã hội thừa nhận đã khẳng định uy tín, vị thế của Hội KHTL-GDVN đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Trong vài năm gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cùng với các cán bộ của Hội đi kiểm tra đánh giá hiệu quả hoạt động thực tế của các Trung tâm. Tại các đợt kiểm tra, các cán bộ đại diện cho Bộ Khoa học và Công nghệ nhìn chung đã có các nhận xét, đánh giá khá tốt về hiệu quả hoạt động của các Trung tâm những nơi đoàn kiểm tra đến. Những tham gia góp ý, đề nghị do đại diện Bộ đề xuất đã được các đơn vị xem xét tích cực sửa chữa, hoàn thiện. Một đòi hỏi khách quan được đặt ra là đã đến lúc cần nhìn nhận cho rõ thêm về nhân cách các thành phần nhân sự của các trung tâm này, đặc biệt là nhân cách của các nhân sự trực tiếp tham gia hành nghề trị liệu / can thiệp tâm lý cho trẻ có rối loạn phát triển nhằm tạo điều kiện cho các trung tâm hoàn thành tốt sứ mệnh đã được xã hội và nhân dân giao phó.
2.Nhân cách của trị liệu viên, can thiệp viên làm nhiệm vụ can thiệp trẻ có rối loạn phát triển
Các trung tâm làm nhiệm vụ can thiệp trẻ có rối loạn phát triển muốn hoạt động có hiệu quả, được xã hội thừa nhận thì trước tiên, các thành viên của các trung tâm này, trực tiếp và quan trọng nhất là đội ngũ các chuyên gia, các trị liệu viên, can thiệp viên làm nhiệm vụ can thiệp phải có nhân cách cao đẹp. Thuật ngữ Nhân cách là một phạm trù cơ bản của tâm lý học. Khái niệm nhân cách gắn liền với khái niệm con người, khái niệm cá nhân, được hiểu là tổng hòa các phẩm chất xã hội, được cá nhân lĩnh hội trong hoạt động và giao tiếp, phản ánh giá trị xã hội của cá nhân đó trong cộng đồng [4, tr.110].
Có thể mô tả nhân cách của nhà trị liệu viên (TLV), can thiệp viên (CTV) làm nhiệm vụ can thiệp trẻ có RLPT theo sơ đồ sau (sơ đồ 1):
2.1.Về phẩm chất chính trị – tư tưởng
Phẩm chất chính trị – tư tưởng của nhà Trị liệu viên, Can thiệp viên làm nhiệm vụ can thiệp trẻ có RLPT cần trước tiên những phẩm chất sau:
■ Yêu tổ quốc: Thể hiện ở lòng yêu quê hương đất nước, luôn luôn sẵn sàng hành động vì tiếng gọi của tổ quốc, nguyện vọng của nhân dân mình.
■ Yêu con người: Thể hiện ở cái tâm, tấm lòng, tình thương yêu đồng loại, yêu thương vì con người mà hành động, kính trọng và sẵn sàng giúp đỡ những người gặp khó khăn, yêu thương trẻ em, đặc biệt là các trẻ có những phát triển không bình thường, có những trắc trở trong phát triển tâm lý cần hết lòng giúp đỡ.
■ Có bản lĩnh chính trị vững vàng của nhà chuyên môn trị liệu / can thiệp tâm lý: Thể hiện ở thái độ, bản lĩnh trung thực, chính xác trong nghiệp vụ thực hành can thiệp trị liệu tâm lý.
■ Ý thức tổ chức kỷ luật cao: Thể hiện trong hành nghề, tuân thủ các quy định, nguyên tắc về nghiệp vụ do đơn vị đề ra, tuân thủ các đòi hỏi của luật pháp hiện hành.
■ Xu hướng là người Công dân toàn cầu theo đòi hỏi của hội nhập quốc tế.
2.2. Về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp
Đạo đức nghề nghiệp của nhà TLV / CTV trị liệu can thiệp tâm lý phải trong sáng, công bằng, luôn hết lòng vì cuộc sống bình an, tốt đẹp của con người, của trẻ em mà mình được phó thác nhiệm vụ can thiệp, hỗ trợ, điều chỉnh. Trần Văn Công và các cộng sự trong nghiên cứu của mình (2020) đã đề xuất 9 tiêu chuẩn đạo đức thực hành nghề [3, tr 130-134] cho cơ sở can thiệp trị liệu trẻ có rối loạn phổ tự kỷ bao gồm:
■ Trung thực về nền tảng học vấn, khả năng và kinh nghiệm.
■ Thực hành các phương pháp can thiệp mang tính khoa học có bằng chứng. Không sử dụng các phương pháp can thiệp chưa được biết về nguyên lý và hiệu quả.
■ Thường xuyên tiếp cận, học hỏi các phương pháp can thiệp mới nhất.
■ Đặt lợi ích và nhu cầu của trẻ lên vị trí hàng đầu. Mọi quyết định trong trị liệu phải trên cơ sở xem xét, cân nhắc lợi ích của trẻ.
■ Không đưa hình ảnh và / hoặc thông tin cá nhân của trẻ và gia đình lên các phương tiện thông tin đại chúng (trừ mục đích nhân đạo và được sự đồng ý của cha mẹ / người giám hộ của trẻ).
■ Tôn trọng đồng nghiệp. Không đưa thông tin sai lệch, xuyên tác về cá nhân và cơ sở khác.
■ Tôn trọng trẻ và gia đình trẻ. Không bình luận hay phán xét về các vấn đề của trẻ, tôn trọng mọi quyết định của gia đình trẻ liên quan đến vấn đề can thiệp và dạy dỗ trẻ.
■ Đảm bảo tính công bằng trong quá trình can thiệp: Mọi trẻ em đều được can thiệp, hướng dẫn, chỉ bảo một cách đầy đủ và tận tâm, được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp với từng lứa tuổi.
■ Không lợi dụng trẻ và gia đình trẻ dưới bất cứ hình thức nào.
2.3. Say mê yêu nghề trị liệu, can thiệp tâm lý
Tiêu chuẩn này đòi hỏi những người làm nhiệm vụ trị liệu, can thiệp tâm lý phải:
■ Yêu nghề trị liệu, can thiệp tâm lý. Thực tiễn đã cho thấy, những ai làm nhiệm vụ trị liệu, can thiệp tâm lý nếu không có tình cảm say mê, yêu mến nghề mình đã chọn thì không thể thành công trong nghề nghiệp.
■ Say mê học suốt đời, tự hoàn thiện, nâng cao trình độ chuyên môn.
2.4. Có tay nghề trị liệu / can thiệp tâm lý giỏi
Phẩm chất nhân cách của nhà trị liệu / can thiệp tâm lý cuối cùng phải được thể hiện ở tay nghề trị liệu, can thiệp tâm lý vững vàng, giỏi, đóng góp công sức cụ thể cho sự tiến bộ, ổn định của cuộc sống cộng đồng. Nội dung này sẽ được trình bày sâu ở phần sau.
3.Tay nghề của nhà trị liệu / can thiệp trẻ có rối loạn phát triển
Tay nghề của nhà trị liệu / can thiệp tâm lý trẻ có rối loạn phát triển là một phẩm chất quan trọng trong nhân cách của các trị liệu viên / can thiệp viên tâm lý nói lên trình độ thành thạo hành nghề trị liệu, can thiệp tâm lý trẻ có rối loạn phát triển. Tay nghề của nhà trị liệu / can thiệp tâm lý là một thành phần trong cấu trúc nhân cách của các TLV / CTV hành nghề trị liệu tâm lý.
Để hiểu rõ hơn về tay nghề của nhà trị liệu / can thiệp tâm lý, rất cần thiết phải chỉ ra cấu trúc tâm lý của nội dung này.
3.1. Thành phần Trí tuệ trong cấu trúc tâm lý tay nghề của nhà trị liệu / can thiệp tâm lý.
Đây là thành phần đầu tiên tạo nên tay nghề của nhà trị liệu / can thiệp tâm lý nói lên sự hiểu biết chuyên sâu của TLV / CTV về lĩnh vực khoa học trị liệu, can thiệp, tham vấn tâm lý, thể hiện:
■ Hiểu rõ, nắm vững cơ sở khoa học của các phương pháp và hình thức can thiệp tâm lý hiện đang được sử dụng.
■ Có kiến thức rộng rãi về khoa học tâm lý học nói chung, các khoa học xã hội liên ngành, tâm lý học lâm sàng, tâm lý học tham vấn, tâm lý học trị liệu.
3.2. Thành phần Cảm xúc
Thành phần cảm xúc trong cấu trúc tâm lý tay nghề của nhà trị liệu / can thiệp tâm lý chính là thái độ của TLV / CTV đối với công việc thực hành trị liệu / can thiệp, thể hiện ở:
■ Tình thương yêu con người, yêu trẻ.
■ Say mê với công việc trị liệu / can thiệp tâm lý chăm sóc trẻ.
3.3. Thành phần ý chí
Thành phần ý chí trong cấu trúc tâm lý tay nghề của TLV / CTV tâm lý chính là các nỗ lực, sự bền bỉ, quyết tâm trong hành nghề trị liệu, tham vấn, can thiệp tâm lý đối với con người. Thành phần này thể hiện ở:
■ Có ý chí tự vượt khó khăn trong hoạt động can thiệp / trị liệu.
■ Kiên trì, bền bỉ, nhẫn nại tự rèn luyện sự thành thạo các kỹ xảo, kỹ năng trị liệu, can thiệp.
■ Năng lực biết tự kiềm chế, điều chỉnh thái độ cảm xúc trong hành nghề trị liệu / can thiệp.
■ Có ý chí tự học tập, quyết tâm “học suốt đời” nâng cao trình độ tay nghề trị liệu, can thiệp.
3.4. Kỹ năng, kỹ xảo hoạt động can thiệp
Đây là thành phần trung tâm, quan trọng nhất, quyết định nhất nhằm khẳng định tay nghề của trị liệu viên / can thiệp viên hoạt động trị liệu / can thiệp tâm lý, bao gồm:
■ Kỹ năng, kỹ xảo sử dụng thành thạo các phương pháp can thiệp dựa trên hành vi như: Phương pháp can thiệp phân tích hành vi ứng dụng (ABA); Phương pháp huấn luyện phép thử cụ thể (DTT); Phương pháp hỗ trợ hành vi tích cực (PBS); Phương pháp điều trị phản hồi then chốt (PRT) v.v…
■ Kỹ năng, kỹ xảo sử dụng thành thạo các phương pháp tiếp cận theo sự phát triển của trẻ như: Can thiệp phát triển mối quan hệ (RDI); Huấn luyện đáp ứng v.v…
■ Kỹ năng, kỹ xảo sử dụng thành thạo các phương pháp nhằm khắc phục các khó khăn cụ thể nào đó ở trẻ thông qua một liệu pháp được khẳng định có độ tin cậy về mặt khoa học như Huấn luyện giao tiếp chức năng (FCT); Ngôn ngữ ký hiệu; Hệ thống giao tiếp trao đổi tranh (PECS) v.v…
■ Kỹ năng, kỹ xảo sử dụng thành thạo các phương pháp can thiệp dựa trên y sinh học.
■ Kỹ năng, kỹ xảo sử dụng thành thạo các phương pháp can thiệp tổng hợp như mô hình can thiệp sớm (ESDM); phương pháp TEACCH; Phương pháp SCERTS v.v…
■ Kỹ năng, kỹ xảo sử dụng thành thạo các phương pháp can thiệp dựa trên gia đình v.v…
■ Cùng với việc thành thạo các phương pháp can thiệp là sự thành thạo vận dụng phù hợp các hình thức can thiệp, như can thiệp sớm, can thiệp chuyên biệt, can thiệp cá nhân, can thiệp nhóm v.v…nhằm tăng hiệu quả tối đa của trị liệu tâm lý v.v…
Các thành phần trong cấu trúc tâm lý tay nghề của nhà trị liệu / can thiệp tâm lý có quan hệ mật thiết với nhau trong đó kỹ năng, kỹ xảo hoạt động can thiệp là thành phần quan trọng nhất tham gia khẳng định trình độ tay nghề của các trị liệu viên / can thiệp viên.
Có thể mô tả cấu trúc tâm lý tay nghề của nhà trị liệu / can thiệp tâm lý theo sơ đồ sau (sơ đồ 2):
* * *
Sự thừa nhận, tin tưởng, khẳng định của người dân và toàn xã hội khi đưa con em mình đến can thiệp tại các trung tâm hành nghề can thiệp trị liệu tâm lý là thước đo hiệu quả hoạt động nghề nghiệp của các Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tâm lý – giáo dục làm nhiệm vụ hành nghề trị liệu, can thiệp tâm lý trực thuộc Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam.
Hơn lúc nào hết, các cán bộ, chuyên gia, chuyên viên hành nghề trị liệu, can thiệp tâm lý cần tích cực rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, không ngừng học hỏi, ý chí “học suốt đời” để hoàn thiện nhân cách, trau dồi tay nghề can thiệp, trị liệu tâm lý đóng góp nhiều công sức hơn nữa cho sự phát triển, ổn định xã hội, xây dựng đất nước hiện nay./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Từ điển Tâm lý, Nguyễn Khắc Viện (Chủ biên), Nhà XB Thế Giới, Hà Nội 1995, tr.298.
2- Nguồn tự liệu “Dòng chảy sự kiện” , VOV1 ngày 10-12-2020
3- Trần Văn Công (2019) (chủ biên), Tiêu chuẩn hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020.
4- Nguyễn Ngọc Phú (1998) (Chủ biên), Tâm lý học quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
5-Nguyễn Ngọc Phú (2001) (Chủ biên), Tâm lý học sư phạm quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
Một số hình ảnh từ Hội thảo:
Từ khóa » Ctv Tâm Lý
-
Top 14 Ctv Tâm Lý
-
Tuyển Cộng Tác Viên
-
Việc Làm Ngành Tâm Lý | Facebook
-
CTV Tư Vấn Tâm Lý CNC Team - Home | Facebook
-
Tuyển Cộng Tác Viên Phòng Tham Vấn Tâm Lý | THPT Nguyễn Hữu Huân
-
[Online] Dự Án Cộng Đồng Tâm Lý Học Tuổi Trẻ Tuyển ... - YBOX
-
BFN Academy Tuyển CTV Online - A Crazy Mind
-
Tuyển Dụng Ctv Tư Vấn Tâm Lý Học đường Tại Hà Nội - Công Ty Tnhh Mtv ...
-
Việc Làm CTV ( Cộng Tác Viên) - Tại Nhà Tại Hà Nội - Thế Giới Tâm Lý ...
-
CTV Ngôn Ngữ - VinBigData
-
CTV Tư Vấn Tâm Lý Học đường Tại VINSCHOOL Việt Nam - Joblum
-
Tuyển Dụng
-
Dự Án Cộng Đồng Tâm Lý Học Tuổi Trẻ Tuyển Dụng Cộng Tác Viên ...