Nhận Diện Dấu Hiệu Mẹ Bị Xổ Bụng Sau Sinh Và Cách Khắc Phục - VOH

Thông thường, tùy theo cơ địa và điều kiện chăm sóc, một vài người chỉ mất vài tháng là tiêu hết mỡ thừa, da bụng sẽ mượt mà trở lại. Nhưng có nhiều chị em 1 đến 2 năm sau sinh, bụng vẫn như mang bầu 5 tháng, da bèo nhèo, chảy xệ, chùng nhão mà không cách nào cải thiện.

Vì sao phụ nữ bị xổ bụng sau sinh?

Theo TS, BS Lê Văn Hiền (PGĐ BV Quốc tế Hạnh Phúc), phụ nữ cũng giống như nam giới đều có cơ ở vùng bụng, gọi là cơ thành bụng. Chức năng của cơ thành bụng là giữ “form” dáng chuẩn và giúp cố định các cơ quan nội tạng trong ổ bụng không bị đổ về phía trước.

nhan-dien-dau-hieu-me-bi-xo-bung-sau-sinh-va-cach-khac-phuc-voh

Khi mang thai tử cung lớn dần làm cơ thành bụng bị tách sang 2 bên (Nguồn: Internet)

Khi mang thai, tử cung lớn dần làm cơ thành bụng bị tách sang 2 bên. Sau thời gian 9 tháng 10 ngày cơ thành bụng giãn ra quá lâu không co hồi lại được và lúc này các cơ quan nội tạng sẽ không nằm đúng vị trí mà phần lớn sẽ bị đẩy về phía trước. Nếu trong dân gian gọi trường hợp này là xổ bụng sau sinh thì y khoa gọi là hở thành bụng.

Phụ nữ sau sinh là đối tượng thường bị hở thành bụng và đôi khi tình trạng này cần được điều trị để lấy lại “form dáng” cũng như không làm rối loạn chức năng của ruột.

Đối tượng nào dễ bị xổ bụng sau sinh?

Tình trạng xổ bụng sau sinh thường được chia thành 2 dạng: Xổ bụng do mỡ và xổ bụng do hở thành bụng.

nhan-dien-dau-hieu-me-bi-xo-bung-sau-sinh-va-cach-khac-phuc-1-voh

Tình trạng xổ bụng thường gặp ở phụ nữ sau sinh (Nguồn: Internet)

Nếu như xổ bụng do mỡ thường hay gặp ở những phụ nữ tăng cân nhiều, béo phì, thì xổ bụng do hở thành bụng sẽ xuất hiện ở các nhóm đối tượng sau:

  • Người bị suy dinh dưỡng
  • Sinh con nhiều lần.
  • Sinh con to.
  • Mang đa thai.
  • Đa ối.

Cách chữa xổ bụng sau sinh như thế nào?

Điều trị xổ bụng sau sinh thì sẽ tùy vào mức độ. Mức độ nhẹ bạn có thể khắc phục bằng chế độ ăn uống và tập luyện, mức độ nặng hơn sẽ phải tiến hành can thiệp phẫu thuật.

  1. Tập luyện

Đối với việc tập luyện, bạn nên tập trước khi mang thai, trong giai đoạn thai kỳ và ở thời điểm sau sinh thì nên tập càng sớm càng tốt. Sau 48 tiếng bạn đã có thể tập được các động tác bụng, cơ sàn chậu nhẹ nhàng, sau đó 1 tháng bạn có thể tới phòng tập. Không nên có quá nhiều kiêng cữ trong việc vận động, tập luyện sau sinh bởi vì khi bạn thực hiện các động tác tập bụng nó sẽ giúp săn chắc vòng 2 và vòng 3, chính việc này sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng sa tử cung ở phụ nữ sau sinh.

Đối với những trường hợp xổ bụng do mỡ thì bạn cần tập luyện nhiều hơn. Ngoài việc tập luyện các bài tập co hồi cơ thành bụng, bạn cần tập luyện thêm các động tác giúp đốt cháy mỡ bụng.

Ngoài ra, bạn không quá phụ thuộc vào việc đeo đai bụng, bởi thực tế việc đeo đai bụng chỉ có tác dụng siết bụng tạm thời. Nếu muốn cơ săn chắc thì chỉ có một biệt pháp duy nhất đó là luyện tập. Khi tập luyện nên chú trọng vào 2 vùng, đó là vùng bụng và vùng hông để giúp làm săn chắc cơ vùng bụng, vùng hông cũng như cơ sàn chậu.

Để tập luyện hiệu quả nhất bạn cần tập luyện với huấn luyện viên để có thể tập luyện đúng cách và quá trình tập cũng sẽ điều độ hơn. Tuy nhiên, nếu không có thời gian đến phòng tập bạn vẫn có thể tập luyện tại nhà bằng cách lên mạng internet xem các bài tập và tự tập theo.

nhan-dien-dau-hieu-me-bi-xo-bung-sau-sinh-va-cach-khac-phuc-2-voh

Động tác plank giúp phục hồi cơ vùng bụng bị căng giãn (Nguồn: Internet)

Bên cạnh tập luyện bạn cũng cần có một chế độ ăn phù hợp, cân bằng, đầy đủ. Trong bữa ăn phải có protic, gluxit, đạm, béo đặc biệt là các vitamin và khoáng chất.

  1. Phẫu thuật

Những trường hợp mẹ sinh nhiều lần, mang song thai thì việc tập luyện sẽ không còn hiệu quả, do đó bạn có thể sẽ được chỉ định phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật nếu bác sĩ thấy có mỡ bụng nhiều sẽ lấy bớt mỡ bụng ra, đồng thời tiến hành gia cố lại lớp cân (gân) bên trong để thành bụng săn chắc và cắt bớt da để sửa lại “form” dáng chuẩn.

Sau khi phẫu thuật bạn vẫn phải duy trì chế độ tập luyện, bởi trong lúc phẫu thuật ngoài việc gia cố vùng cân, bác sĩ sẽ kéo cơ thành bụng về lại vị trí cũ. Do đó, nếu bạn luyện tập điều độ không chỉ giúp cơ săn chắc mà còn có thể tránh được tình trạng thành bụng bị nhão trở lại.

Phòng ngừa xổ bụng sau sinh bằng cách nào?

TS, BS Lê Văn Hiền cho biết, để phòng ngừa xổ bụng sau sinh, bạn cần ý thức trong việc luyện tập. Nên luyện tập trước khi mang thai, trong khi mang thai vẫn có thể luyện tập (trừ những trường hợp doạ sảy thai, dọa sinh non) để giúp các cơ săn chắc, tăng tính đàn hồi và giúp phụ nữ sau sinh không bị xổ bụng.

Luyện tập trước, trong và sau mang thai không chỉ giúp ngăn ngừa hở thành bụng mà nó còn giúp cuộc sinh diễn ra dễ dàng hơn.

Cách nhận biết xổ bụng khi đang mang thai

Bạn hoàn toàn có thể nhận biết bản thân có bị xổ bụng hay không ngay trong lúc mang thai. Nếu bạn nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao thì có thể bạn sẽ bị xổ bụng sau sinh.

Ngoài ra, khi nhìn vào bụng mình bạn có thể nhận biết bằng cách:

  • Đầu tiên: Rốn bị lòi. Rốn bị lòi là 1 trong những dấu hiệu hở thành bụng.
  • Thứ 2: Sờ bụng thấy mỡ không nhiều nhưng lại to.
  • Thứ 3: Ăn no thấy bụng dưới to hơn.

Như vậy, với những chị em nào nhận thấy bản thân có các dấu hiệu xổ bụng thì cần phải áp dụng ngay các biện pháp tập luyện ngay từ đầu để giúp ngăn chặn tình trạng hở thành bụng cũng như có được vóc dáng chuẩn sau sinh trong thời gian sớm nhất.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Cách trị nám sau sinh bằng nguyên liệu tự nhiên : Làn da phụ nữ sau sinh thường xuất hiện những vết thâm nám do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Tuy nhiên, mẹ đừng lo lắng bởi có rất nhiều cách trị nám sau sinh hoàn toàn tự nhiên và đơn ... ‘Điểm mặt’ những nguyên nhân gây đau lưng sau sinh và cách khắc phục : Đau lưng là vấn đề thường gặp ở phụ nữ sau sinh. Tình trạng này gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người phụ nữ. Vậy làm cách nào để thoát khỏi chứng đau lưng sau sinh?

Từ khóa » Hiện Tượng Xổ Bụng Sau Sinh