Nhận Diện Khó Khăn để Nâng Cao Các Chỉ Số Cải Cách Hành Chính

Nhận diện khó khăn để nâng cao các chỉ số cải cách hành chính
Nhận diện khó khăn để nâng cao các chỉ số cải cách hành chính

Qua công bố của các cơ quan trung ương, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh Hà Nam năm 2021 đều bị giảm điểm và thụt lùi về thứ hạng. Trong đó, đáng chú ý có một số tiêu chí thành phần không đạt điểm tối đa hoặc không có điểm. Kết quả này cho thấy các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên nhân dẫn đến giảm hạng các chỉ số để có những giải pháp khắc phục hiệu quả.

Nhận diện khó khăn để nâng cao các chỉ số cải cách hành chính

Trong đó, đáng chú ý chỉ số phản ánh kết quả CCHC của tỉnh PAR INDEX có tới 22/43 tiêu chí không đạt điểm tối đa và 3/43 tiêu chí không có điểm, gồm: Thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ công ích; mức độ thu hút đầu tư của tỉnh; mức độ thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội… Các tiêu chí trong Chỉ số PAPI cũng có sự giảm điểm, nhất là tiêu chí Cung ứng dịch vụ công và Quản trị môi trường nằm trong nhóm trung bình thấp và thấp nhất cả nước. Trong khi năm 2020, tiêu chí Tham gia của người dân ở cơ sở và Cung ứng dịch vụ công lại ở mức cao nhất cả nước.

Chỉ số SIPAS có tiêu chí đạt tỷ lệ rất cao, đặc biệt tiêu chí hài lòng về tiếp nhận xử lý góp ý, phản ánh, kiến nghị (GYPAKN) tăng mạnh so với năm 2020, đạt 92,59%, vươn lên đứng đầu cả nước. Chỉ số trên cho thấy việc tiếp nhận, xử lý ý kiến GYPAKN của các cơ quan hành chính nhà nước đã được quan tâm và chỉ đạo sâu sát hơn. Tuy nhiên, tiêu chí hài lòng về công chức và sự hài lòng về kết quả dịch vụ đều ở vị trí không cao, xếp thứ 49/60 tỉnh, thành phố.

Nhận diện khó khăn để nâng cao các chỉ số cải cách hành chính
Nhận diện khó khăn để nâng cao các chỉ số cải cách hành chính
Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị BTV Tỉnh ủy chiều ngày 22/6/2022 sau khi Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo, đề xuất giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện để nâng cao chỉ số quản trị hành chính công, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những yếu kém, hạn chế trong công tác CCHC. Trong đó, ngoài nguyên nhân khách quan là do tác động của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm qua đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của tỉnh, còn có các nguyên nhân chủ quan thuộc về trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, đó là: công tác tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ về CCHC của một số cơ quan chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan chưa được đề cao; năng lực, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, kỷ luật của một số cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong thi hành công vụ có lúc có nơi chưa nghiêm túc; cơ sở vật chất, kinh phí dành cho công tác CCHC ở các địa phương, đơn vị chưa nhiều. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về CCHC, về các chỉ số đánh giá đến người dân, tổ chức chưa hiệu quả,... Những hạn chế trong công tác CCHC chính là “rào cản” ảnh hưởng rất lớn đến thu hút nguồn đầu tư, phát triển kinh tế địa phương, đồng thời, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân về một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và phục vụ.

Năm 2022 là năm khá khó khăn do cả hệ thống chính trị phải tập trung phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Để đạt được mục tiêu trong năm 2022, Chỉ số PAR INDEX của tỉnh tăng 10-12 bậc; Chỉ số PAPI tăng 3-4 bậc; Chỉ số SIPAS tiếp tục duy trì trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao nhất cả nước, đòi hỏi tỉnh phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách chế độ công vụ, công chức để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tạo sự hài lòng, niềm tin của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính.

Nhận diện khó khăn để nâng cao các chỉ số cải cách hành chính

Tại hội nghị bàn về các giải pháp nâng cao chỉ số PAR INDEX, SIPAS và PAPI vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải căn cứ các báo cáo phân tích, đánh giá các chỉ số có liên quan đến công tác CCHC, tiến hành kiểm điểm việc làm được, chưa làm được, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo công tác CCHC và khẩn trương đề ra, thực hiện quyết liệt các biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém được chỉ ra. Nghiêm túc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tổ chức thực hiện công tác CCHC. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, bảo đảm hoàn thành 100% các nhiệm vụ đúng thời hạn.

Đồng thời, các đơn vị cần nghiên cứu kỹ các nội dung, tiêu chí các bộ chỉ số về CCHC, từ đó đề xuất sáng kiến, giải pháp trong quá trình thực hiện. Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo CCHC; từng thời điểm cần tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, đánh giá những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, kịp thời đề ra những nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả khắc phục khó khăn; phát hiện, biểu dương, khen thưởng cách làm mới, mô hình hay tạo động lực thúc đẩy CCHC.

Nhận diện khó khăn để nâng cao các chỉ số cải cách hành chính
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.
Nhận diện khó khăn để nâng cao các chỉ số cải cách hành chính
Người dân tìm hiểu thông tin về giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh (ảnh trái); Tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Hành chính công tỉnh (ảnh phải).

Đặc biệt, phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức, không quan liêu cửa quyền. Để cải thiện các chỉ số thì yếu tố con người đóng vai trò quyết định, nhất là đội ngũ CBCCVC làm việc tại bộ phận “một cửa”, bởi đây là những người làm việc trực tiếp với dân, là tuyên truyền viên tích cực giúp người dân biết và hiểu hơn về những điểm mới trong công tác CCHC, góp phần đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến. Để có được đội ngũ CBCC có tâm, có tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì phải có chính sách tuyển dụng thu hút nhân tài, thực hiện quy trình quản lý bổ nhiệm đúng người, đúng việc, thường xuyên sâu sát kiểm tra, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ này.

Cùng với đó, tập trung triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ về xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả trong tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị và phục vụ cho nhân dân tốt hơn. Phấn đấu từ ngày 1/7/2022 các đơn vị thực hiện trả kết quả TTHC  cho người dân qua dịch vụ bưu chính.

Nhận diện khó khăn để nâng cao các chỉ số cải cách hành chính
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố Phủ Lý.

Với những giải pháp cụ thể, tin rằng công tác CCHC của tỉnh sẽ có sự chuyển biến tích cực trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Nội dung: Thanh Vân

Ảnh: Thế Trang

Thiết kế: Quốc Khánh

www.baohanam.com.vn

2356 04:52 28/06/2022 bình luận

Từ khóa » Những Tồn Tại Khó Khăn Trong Cải Cách Hành Chính