Nhận Diện, Phòng Chống Tệ Nạn Xã Hội Trong Bối Cảnh Mới

Nhận diện, phòng chống tệ nạn xã hội trong bối cảnh mới - Ảnh 1.

Ông Trần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH). Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Năm 2021, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, cùng quyết tâm thực hiện của chính quyền các cấp, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần chung vào việc bảo đảm an ninh trật tự xã hội, phát triển kinh tế của đất nước. Nhân dịp Xuân Nhâm Dần, Báo điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH).

Nhìn lại năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19, xin ông cho biết rõ hơn về tình hình tệ nạn xã hội nói chung và một số kết quả trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội?

Ông Trần Ngọc Túy: Từ đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 xuất hiện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Chỉ thị về phòng, chống dịch COVID-19. Căn cứ vào các Chỉ thị và tùy diễn biến tình hình dịch, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã có những chỉ đạo sát sao, quyết liệt nhưng linh hoạt, thích hợp để bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch theo các mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, các biện pháp phòng, chống dịch cũng tác động đến công tác phòng chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Đơn cử như nhiều hoạt động truyền thông cộng đồng, tuyên truyền phòng ngừa mại dâm, phòng ngừa nghiện ma túy, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán còn hạn chế; COVID-19 cũng làm xuất hiện nhiều biến tướng trong hoạt động mại dâm, sử dụng ma túy…

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, cùng quyết tâm thực hiện của chính quyền các cấp, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chúng ta đã hoàn thiện thể chế công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy (Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật); trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do COVID-19 gây ra nhưng cả nước đã hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện, phòng chống mại dâm và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Như ông đã nói, tình hình tệ nạn xã hội vẫn phức tạp dù phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch, trong đó tệ nạn mại dâm đã có những biến tướng. Ông có thể cho biết rõ hơn về thực trạng này? Với chức năng của mình, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Túy: Thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh, dịch vụ (nhà hàng, quán bar, vũ trường, karaoke, massage…), tình hình mại dâm trá hình trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tại nhiều địa bàn, hoạt động mại dâm được chuyển sang hoạt động kín đáo dưới hình thức chào gọi, môi giới khách mua dâm qua mạng internet, zalo, facebook...

Trong năm 2021, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 2.378 đối tượng, trong đó, có 904 người bán dâm, 919 người mua dâm; 537 người là chủ chứa, môi giới; 18 người bán dâm dưới 18 tuổi và các đối tượng liên quan khác.

Qua đó, xử lý vi phạm hành chính liên quan đến mại dâm 1.898 đối tượng (trong đó xử phạt hành chính 10 người bán dâm dưới 18 tuổi). Xử lý hình sự 508 đối tượng chứa, môi giới mại dâm và số người mua dâm chưa thành niên. Bộ đội biên phòng đã xác lập và đấu tranh thành công 9 chuyên án, chủ trì bắt 21 đối tượng (có 4 nạn nhân bị bóc lột tình dục).

Tuy nhiên, cũng trong năm 2021, đã có 19.830 lượt người bán dâm được tư vấn, hỗ trợ (gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2020).

Dự báo trước tình hình tệ nạn mại dâm ngày càng phức tạp, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã kịp thời tham mưa Bộ LĐTB&XH trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mục tiêu của Chương trình là tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mại dâm; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong công tác phòng, chống mại dâm; tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội để hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.

Thưa ông, Luật Phòng chống ma túy năm 2021 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, trong đó công tác cai nghiện có nhiều điểm đổi mới. Ông có thể nêu một số điểm mới nổi bật và để đưa luật vào cuộc sống, chúng ta cần những giải pháp nào?

Ông Trần Ngọc Túy: Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, trong đó lĩnh vực cai nghiện ma túy đã được xây dựng trên quan điểm tôn trọng quyền công dân, quyền con người, quyền được tự nguyện tiếp cận các dịch vụ cai nghiện ma túy, hỗ trợ xã hội sau cai nghiện ma túy, trong Luật đã có nhiều điểm mới và được Chính phủ hướng dẫn tại chi tiết Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Một trong những điểm đáng chú ý, đó là về quy trình cai nghiện ma túy, lần đầu tiên quy trình cai nghiện ma túy với 5 giai đoạn, kết hợp các biện pháp y tế, giáo dục, lao động, hỗ trợ xã hội được quy định trong Luật với các nội cụ thể, chi tiết trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, đồng thời, cũng quy định rõ việc tổ chức cai nghiện ma túy phải được thực hiện theo quy trình cai nghiện này ở tất cả các hình thức, biện pháp cai nghiện.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo tính thống nhất, khoa học và thực tiễn trong việc tổ chức cai nghiện ma túy hiện nay, khắc phục tình trạng các cơ sở cai nghiện do không đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự nên không thực hiện đầy đủ quy trình dẫn đến chất lượng, hiệu quả của công tác cai nghiện ma túy hiện nay chưa được như mong muốn.

Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên được chi tiết trên cơ sở Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng minh bạch, đơn giản, rút gọn hồ sơ, trình tự thực hiện; làm rõ vai trò của từng cơ quan (Ủy ban nhân dân, cơ quan công an, cơ quan lao động - thương binh và xã hội) trong việc thực hiện các trình tự, thủ tục này.

Đối với cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi (không coi là biện pháp xử lý hành chính), Nghị định 116 quy định chi tiết về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 với tinh thần đây là một trong các biện pháp hỗ trợ nhằm giúp trẻ em cai nghiện, phục hồi về sức khỏe, hành vi để tiếp tục học tập, trở thành người có ích cho xã hội.

Để bảo đảm việc bố trí, huy động các nguồn lực hiện có tham gia, hỗ trợ cai nghiện tự nguyện, một trong các điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy được cụ thể hóa trong Nghị định là thay đổi cơ quan chủ trì tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng từ Ủy ban nhân dân cấp xã (trước đây) sang Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; đồng thời, quy định rõ nội dung quản lý cai nghiện tự nguyện của Ủy ban nhân dân cấp xã; để đảm bảo các điều kiện tổ chức cai nghiện, chính sách khuyến khích, động viên người nghiện tự nguyện cai nghiện, Nghị định quy định cụ thể chế độ hỗ trợ đối với người cai nghiện tự nguyện, chế độ hỗ trợ đối với người tham gia công tác quản lý, hỗ trợ người nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.

Ngoài ra, còn có những điểm mới khác trong công tác cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, trong quản lý sau cai nghiện ma túy…

Để chuẩn bị các điều kiện cho việc triển khai Luật, Nghị định đi vào cuộc sống, UBND các cấp tỉnh cần khảo sát, thống kê toàn bộ số người nghiện ma túy trên địa bàn, đặc biệt là nhóm người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi để chuẩn bị, xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực cho công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy.

Đồng thời đánh giá khả năng tiếp nhận của các cơ sở cai nghiện ma túy (bao gồm cả cơ sở cai nghiện công lập và cơ sở cai nghiện tư nhân), điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự để thực hiện quy trình cai nghiện ma túy; chuẩn bị các phương án tổ chức cai nghiện bắt buộc theo quy định mới.

Bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự để tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, Nghị định hướng dẫn và các quy định pháp luật có liên quan khác. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy…

Nhận diện, phòng chống tệ nạn xã hội trong bối cảnh mới - Ảnh 2.

Trong năm 2021, các cơ sở cai nghiện ma túy trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho khoảng 68.500 người. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, dịch COVID-19 gây ra những tác hại về kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người dân, làm tăng nguy cơ phụ nữ, trẻ em bị lừa gạt mua bán và đưa trái phép ra nước ngoài. Chúng ta có khó khăn gì trong việc hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán không, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Túy: Có thể thấy, khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đi đôi với việc tạm đóng cửa nơi làm việc và trường học thì học sinh từ các gia đình nghèo khó tiếp cận được với máy tính và Internet, có nguy cơ bỏ học vĩnh viễn để làm việc phụ giúp gia đình.

Áp lực tìm kiếm việc làm để hỗ trợ gia đình trong những thời điểm cấp bách này tạo ra nguy cơ đối với trẻ em gái và gia đình các em, đó là có thể bị những kẻ tuyển dụng dụ dỗ rơi vào hoàn cảnh bị mua bán, bị cưỡng ép lao động và bóc lột tình dục. Do đó, việc phát hiện, phòng ngừa cho nhóm có nguy cơ cao là thách thức.

Ngoài ra, các quy định về chế độ hỗ trợ nạn nhân, đối tượng hỗ trợ, trình tự hỗ trợ thiếu thống nhất, không khả thi, mức hỗ trợ không phù hợp, như thiếu quy định cụ thể về từng loại đối tượng được hỗ trợ, bao gồm những nạn nhân tự trở về, nạn nhân ở địa phương khác, nạn nhân là nam giới, nạn nhân bị mua bán trong nước, nên chính quyền các địa phương gặp khó khăn trong việc hỗ trợ cho các đối tượng nạn nhân khác nhau. Các nạn nhân chủ yếu được thăm khám sức khỏe ban đầu và điều trị các bệnh thông thường, nhưng nhiều nạn nhân trong quá trình bị mua bán đã bị xâm hại, cưỡng bức, đánh đập, bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cần phải chữa trị ngay, với chi phí khám và điều trị lên đến hàng triệu đồng, vượt quá khả năng chi trả của nạn nhân và cơ sở....

Đây là một số khó khăn trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, nhưng với sự nỗ lực, trong năm 2021, các lực lượng chức năng xác định 110 người là nạn nhân bị mua bán. Trên cơ sở nhu cầu của nạn nhân, các lực lượng chức năng đã hỗ trợ cho 100 nạn nhân (đạt 100% chỉ tiêu). Trong số 100 nạn nhân được hỗ trợ có 95 nạn nhân người Việt Nam, 5 nạn nhân là người nước ngoài; 88 nạn nhân là nữ, 12 nạn nhân là nam.

Bước sang năm 2022, trong bối cảnh mới, khi cả nước đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) sẽ có những giải pháp gì đề nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn xã hội, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Túy: Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động truyền thông về phòng, chống mại dâm; phòng ngừa nghiện ma túy, điều trị, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán qua các phương tiện truyền thông, mạng Internet, các hội nghị, hội thảo trực tuyến…để không bị đứt gãy các hoạt động tuyên truyền, tập huấn.

Đồng thời hoàn thiện chính sách phòng, chống tệ nạn xã hội, trong đó tập trung hoàn thiện chính sách phòng, chống mại dâm, hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm ở Việt Nam bảo đảm tôn trọng quyền con người, chú trọng các giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với chính người mại dâm và xã hội, góp phần vào sự ổn định và phát triển đất nước.

Tăng cường chỉ đạo, điều hành, giám sát trong thực thi các chính sách phòng, chống mại dâm và các chương trình hỗ trợ can thiệp; thúc đẩy lồng ghép và triển khai các chính sách sẵn có về các dịch vụ trợ giúp dành cho người bán dâm trên cơ sở tôn trọng các quyền, lợi ích hợp pháp và không kỳ thị, phân biệt đối xử với người bán dâm …

Đồng thời đề xuất các giải pháp đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, đảm bảo cung cấp dịch vụ hỗ trợ người nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về quản lý người nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm, người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và nạn nhân bị mua bán trong bối cảnh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 cũng như hậu COVID-19.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Giang (thực hiện)

Từ khóa » Những Hình ảnh Tệ Nạn Xã Hội