Nhận Diện Tiềm Năng, Thách Thức Và Những Vấn đề Cơ Bản Của đô Thị ...
Có thể bạn quan tâm
Tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế và xây dựng đô thị
- Vị trí địa lý: Thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, có đường bờ biển dài, lại là vùng cực Đông của đất nước nên nằm gần nhất với đường hàng hải Quốc tế; đồng thời, tiếp giáp với các tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk (là những trung tâm kinh tế, đô thị lớn của vùng Tây Nguyên). Vì vậy, Phú Yên có điều kiện để giao lưu, phát triển kinh tế biển, hàng hải, cảng biển, làm cửa ngỏ thông ra quốc tế của khu vực Tây nguyên và của cả nước.
- Điều kiện tự nhiên, đất đai: Có khí hậu nắng ấm hầu hết ở các tháng trong năm; có nhiều ao hồ, đầm, vịnh ven biển còn hoang sơ, cảnh quan phong phú nhưng chưa được đầu tư, khai thác. Khu vực ven biển gồm có: TP Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa, Sông Cầu, huyện Tuy An là các đô thị còn nhiều quỹ đất thuận lợi để có thể xây dựng, phát triển đô thị. Đất đai, thổ nhưỡng ở khu vực miền núi của tỉnh rất tốt để phát triển nông lâm nghiệp thành vùng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến.
- Cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối các khu vực: Tất cả các đô thị ở Phú Yên đều có hệ thống các trục đường giao thông kết nối hoàn chỉnh, không bị chia cắt. Đường giao thông đối ngoại kết nối liên tỉnh và quốc tế thuận lợi ở tất cả các tuyến, từ giao thông đường hàng không (với sân bay quốc tế Tuy Hòa), đường sắt (với hệ thống các ga đường sắt), đường bộ (có các tuyến quốc lộ đi qua như: Quốc lộ 1, 25, 29, 19C), đường thủy với các cảng biển (cảng Vũng Rô). Hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở các đô thị gồm cấp điện, cấp nước đều đã được đầu tư và đang đáp ứng trên 95% nhu cầu dân cư đô thị.
Những rào cản, thách thức
Như đã nêu trên, Phú Yên có rất nhiều lợi thế cạnh tranh với những tỉnh lân cận để có thể phát triển kinh tế, làm tiền đề xây dựng phát triển đô thị; nhất là hệ thống các đô thị ven biển, nơi có đầy đủ các tiềm năng phát triển so với những vùng còn lại trong tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế còn rất nhiều rào cản, thách thức cần phải có giải pháp tháo gỡ, đó là:
- Bối cảnh về quan hệ liên kết vùng, miền, khu vực:
Từ năm 2008, Phú Yên được đặt trong phân vùng kinh tế duyên hải Nam Trung Bộ thông qua đồ án quy hoạch xây dựng vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1086/QĐ-TTg ngày 12/8/2008; sau đó, Phú Yên lại được đặt trong mối quan hệ liên vùng giữa khu vực Nam Phú Yên và Bắc Khánh Hòa, thông qua đồ án quy hoạch xây dựng vùng Nam Phú Yên và Bắc Khánh Hòa đến năm 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 128/QĐ-TTg ngày 02/02/2012.
Các đồ án quy hoạch nêu trên đặt ra nhiều kịch bản phát triển kinh tế xã hội; xây dựng đô thị, nông thôn; phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế… dựa trên hành lang kinh tế và quan hệ tương hỗ giữa 2 tỉnh ven biển là Phú Yên và Khánh Hòa; trong đó nhấn mạnh mối quan hệ giữa khu vực Nam Phú Yên và Bắc Khánh Hòa, thông qua mối quan hệ hợp tác giữa Khu Kinh tế Vân Phong và Khu Kinh tế Nam Phú Yên. Nền kinh tế của tỉnh trong nhiều năm, đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển, có tính liên kết vùng miền nêu trên để khai thác các tiềm năng, thế mạnh sẵn có; qua đó, sẽ thúc đẩy phát triển các đô thị ven biển từ Tuy Hòa đến vịnh Vũng Rô.
Tuy nhiên, vì nhiều điều kiện khác nhau, việc thực hiện các đồ án nêu trên chưa được như mong muốn, làm chậm các cơ hội về đầu tư và phát triển. Những định hướng liên kết vùng miền, thông qua các hành lang kinh tế của tỉnh Phú Yên và các tỉnh lân cận, theo đó cũng chưa được thực hiện, làm cho nền kinh tế Phú Yên phần lớn phát triển dựa vào nội lực mà chưa có các yếu tố ngoại lực thúc đẩy, kích thích.
- Lịch sử phát triển các đô thị và các giới hạn không gian:
Do địa hình của tỉnh Phú Yên đa số là đồi núi kéo dài tới giáp biển làm cho khu vực đất bằng thuận lợi để xây dựng đô thị thường hẹp và trải dài. Bên cạnh đó, vị trí và cao độ của Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam đã chia cắt các đô thị thành 2 khu vực phía Đông và phía Tây mà thông thường, phía Đông giáp biển, đất đai có điều kiện tốt hơn để xây dựng phát triển còn phía Tây thì ngược lại. Quốc lộ 1 (sau này là các tuyến tránh Quốc lộ) có vai trò như những đường giới hạn cho sự phát triển các đô thị, tính từ biển trở về phía Tây. Lịch sử hình thành và phát triển các đô thị ven biển của tỉnh đều theo sự lan tỏa của dân cư theo chiều từ dọc Quốc lộ 1 đến biển, khi mà những khu vực dọc theo Quốc lộ có điều kiện tốt hơn để phát triển thương mại dịch vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng trên nền tảng những đô thị lịch sử; còn những khu vực ven biển thường là khu vực nông thôn tự phát với sinh kế gắn với việc đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, ít có điều kiện để giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng.
Lịch sử phát triển TP Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa là một đặc trưng cho sự phát triển lan tỏa này.
Ngày nay, vấn đề xây dựng và phát triển các đô thị biển đang là 1 thách thức khi mà chiều hướng phát triển từ phía Đông giáp biển về phía Tây là ngược lại với lịch sử hình thành và phát triển đô thị từ Tây sang Đông, gắn với Quốc lộ 1 và đường sắt nêu trên. Cạnh đó là những thách thức về giới hạn phát triển bởi vị trí, cao độ của Quốc lộ 1 và đường sắt hiện nay; sắp tới là một giới hạn lớn hơn nữa từ việc xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam.
- Địa hình và dân cư:
- Dân số: Theo thống kê dân số Phú Yên (năm 2019) đạt gần 1 triệu dân; nhưng các số liệu điều tra thực tế cho thấy số dân hiện đang sinh sống tại Phú Yên chỉ vào khoảng chưa đến 900.000 dân. Gần 100.000 dân đang trong độ tuổi lao động, học tập phải đi làm ăn xa, không có mặt tại Phú Yên. Thật vậy, ở những vùng nông thôn, miền núi của tỉnh, qua các khảo sát, đánh giá độc lập, một phần lớn dân cư là thanh niên (đa phần là nam thanh niên) không có mặt ở nhà thường xuyên mà thay vào đó là người già, phụ nữ và trẻ em. Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy Phú Yên là tỉnh có mức xuất cư khá cao, tỷ suất di cư thuần trong 5 năm trước của Phú Yên là -3,1%. Vấn đề này làm cho nhu cầu lao động cần thiết trong tỉnh khan hiếm và các dự báo về tăng trưởng, phát triển đô thị có phần sai lệch.
- Đặc điểm địa hình và tình trạng phân bố dân cư: Dân cư trong tỉnh phân bố không đồng đều, tập trung nhiều ở các đô thị, nông thôn ven biển và thưa dần về miền núi. Mật độ dân số bình quân ở các đô thị ven biển tuy thấp khi lấy tổng dân số chia cho diện tích tự nhiên; nhưng khi tính lượng dân số của từng khu vực chia cho diện tích hiện trạng của từng đơn vị ở, khu dân cư thì mật độ dân cư lại rất cao.
Ví dụ: Dân số huyện Tuy An (năm 2019): 123.167 người, với diện tích đất tự nhiên của huyện là: 40.788,25 ha; tương đương mật độ dân số bình quân là: 302 người/km2; nhưng khi tính mật độ dân số trên diện tích đất xây dựng đô thị của huyện là: 4.853,7 ha thì mật độ dân số lên đến 2.539 người/km2.
Qua khảo sát về phân bố dân cư và mật độ dân số cho thấy, đa số dân cư Phú Yên tập trung đông đúc ở các khu vực ven biển với mật độ dân cư rất cao và phân bố không đồng đều giữa khu vực đô thị và nông thôn. Mật độ dân cư còn đặc biệt cao, có nơi lên đến hơn 5.000 người/km2 tại những khu vực là làng chài truyền thống, điểm dân cư nông thôn ven biển, làng xóm thuộc các xã ven đô thị thành phố Tuy Hòa…
Cạnh đó, các số liệu khảo sát về địa hình cho thấy, 3/4 diện tích tự nhiên của tỉnh là đồi núi; trong đó, trên 30% diện tích có độ dốc từ 11-40%, chỉ khoảng 50% diện tích có độ dốc tự nhiên <10%; đa số quỹ đất thuận lợi để xây dựng, phát triển đô thị tại Phú Yên là những khu vực ven biển. Như vậy, theo phân tích về phân bố dân cư và mật độ dân cư như trên thì những khu vực thuận lợi để xây dựng, phát triển đô thị hiện nay đều đang là những khu vực dân cư hiện hữu, khó có khả năng di dời, tái định cư. Những khu vực ven biển khác, chưa có dân cư thì đa số là đồi núi, ao, vịnh làm chia cắt, phân tán không gian, khó có thể hình thành đô thị lớn.
- Những xung đột:
- Dân cư và tài nguyên thiên nhiên: Như đã nêu trên, đa số dân cư sinh sống ven biển tỉnh Phú Yên được tập trung ở những làng chài truyền thống, điểm dân cư nông thôn ven biển; nơi có các điều kiện thuận lợi về đất đai bằng phẳng, tài nguyên du lịch phong phú. Hầu hết họ đều có sinh kế liên quan đến đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản ven bờ; nên khu vực sinh sống đều gắn liền với mặt nước đầm, vịnh, vùng nước ven bờ biển. Với tập quán sinh sống lâu đời và công nghệ nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản thô sơ, lạc hậu nên hầu hết các khu dân cư, làng chài gắn với vùng nước nuôi trồng, đánh bắt ven bờ đều đã và đang bị khai thác ngày càng mất kiểm soát, môi trường bị ô nhiễm trên diện rộng, khó có thể phục hồi. Điều kiện sinh sống của người dân thấp kém vì thiếu các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công ích cần thiết.
- Đất rừng, đất lúa và đất xây dựng đô thị: Ở những năm 80s, 90s, lúc kinh tế còn khó khăn, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đa số các tỉnh ven biển miền Trung được Chính phủ khuyến khích phát triển các dự án trồng rừng phòng hộ, chống cát bay. Ngoại trừ những khu dân cư, khu vực đô thị hiện hữu thì phần lớn đất còn lại ven biển đều thuộc các dự án trồng rừng phòng hộ. Xuất phát điểm của các tỉnh đều từ các tỉnh thuần nông, với phần lớn diện tích là đất sản xuất nông nghiệp trồng lúa với hơn 70% dân cư sinh sống tại các vùng nông thôn, phụ thuộc kinh tế vào nông nghiệp. Nay, để tạo ra quỹ đất xây dựng, phát triển đô thị thì chắc chắn phần lớn diện tích rừng, đất trồng lúa sẽ được chuyển đổi, thay thế. Ở Phú Yên hiện nay, hơn 52% diện tích tự nhiên đang được quản lý là rừng, 33% là đất sản xuất nông nghiệp các loại nên việc chuyển đổi sẽ gặp rất nhiều khó khăn về pháp lý, khó có sự thống nhất giữa các quy hoạch.
- Thị trường đất đai: Thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất (kể cả hợp pháp và bất hợp pháp) ở các tỉnh miền Trung trong những năm gần đây diễn ra rất sôi động, đã đẩy giá đất lên rất cao so với mặt bằng chung và vượt xa khả năng tài chính của đại đa số dân cư các đô thị và nông thôn. Những “dự án phân lô” hầu như chỉ do nhà đầu tư mua đi bán lại đất đai để đầu cơ mà khó có người có nhu cầu thực sự, đủ khả năng để mua và xây dựng công trình.
Kể cả các khu vực là đất phát triển các dự án thương mại dịch vụ mà theo Luật đất đai, thuộc trường hợp chủ đầu tư phải thỏa thuận bồi thường với chủ sử dụng, cũng bị đẩy giá bồi thường lên rất cao, xấp xỉ với giá đất ở, nhất là những khu vực ven biển. Hầu hết các dự án thương mại dịch vụ ven biển đều bị chậm tiến độ, xin điều chỉnh ranh giới, thay đổi tổng mức đầu tư… vì gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thỏa thuận bồi thường, hổ trợ tái định cư, tính giá thuê đất.
Việc xây dựng đô thị và phát triển kinh tế xã hội trong những năm gần đây bị tác động rất nhiều từ thị trường đất đai và hiện tượng đầu cơ đẩy giá đất lên cao như trên.
Giải pháp cho việc phát triển đô thị ven biển
Để xây dựng, phát triển đô thị ven biển tỉnh Phú Yên thì, ở góc độ quản lý Nhà nước, Sở Xây dựng nhận thấy phải thực hiện các giải pháp sau đây:
- Liên kết vùng miền và các yếu tố ngoại lực để thúc đẩy phát triển kinh tế
Cần phải xác định bối cảnh phát triển kinh tế của tỉnh trong mối quan hệ tương hỗ giữa các tỉnh lân cận, thông qua các chính sách phát triển kinh tế cấp vùng miền của Trung ương. Qua đó khẳng định vai trò, vị trí của tỉnh để có thể khai thác đúng tiềm năng, thế mạnh mà không phải cạnh tranh trực tiếp với các tỉnh lân cận. Những khu vực có thể đầu tư, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp để bổ trợ, hình thành các hành lang kinh tế, cần phải có những hợp tác, phát triển liên vùng, được cam kết thực hiện bởi chính quyền các địa phương để mang tính khả thi cao, tránh việc đầu tư không có trọng tâm.
Ở Phú Yên là việc xây dựng phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên và đầu tư phát triển đô thị thị xã Đông Hòa ở phía Nam của tỉnh, khi đặt trong bối cảnh liên kết vùng Nam Phú Yên-Bắc Khánh Hòa.
- Xóa bỏ các giới hạn
- Quốc lộ 1 và đường sắt: Như đã phân tích, Quốc lộ 1 và đường sắt là một lợi thế, nhưng vị trí và cao độ của nó lại là rào cản lớn nhất cho sự phát triển đồng đều giữa 2 phía Đông, Tây của các đô thị. Ở những khu vực có Quốc lộ 1 và đường sắt đi qua cần xác định rõ những hành lang cách ly và tổ chức các đường giao thông giao cắt thật hợp lý để có thể kết nối liên khu vực nhằm hình thành các trục liên kết không gian cho toàn bộ đô thị. Như vậy, việc xây dựng phát triển đô thị sẽ không bị giới hạn bởi các đường ranh giới; thậm chí dần tiến tới không còn lệ thuộc vào địa giới hành chính của nó.
- Cấu trúc đô thị phi truyền thống: Do địa hình bị chia cắt nhiều bởi đầm, vịnh, đồi núi hoặc quỹ đất xây dựng đô thị thường trải dài dọc theo Quốc lộ 1 nên quy mô các đô thị ven biển Phú Yên thường rất nhỏ và có cấu trúc đô thị không rõ ràng. Cạnh đó, hiện trạng dân cư phân bố không đồng đều và mật độ dân cư chênh lệch lớn giữa các khu vực đã làm cho việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung của đô thị, làm nền tảng phát triển lan tỏa bị hạn chế. Nhà nước không đủ vốn để đầu tư hạ tầng, xây dựng các khu đô thị hoàn chỉnh mà ngày nay, việc phát triển các khu đô thị phần lớn là thực hiện bởi các dự án phát triển nhà ở, do nhà đầu tư thực hiện.
Vì vậy, việc áp dụng các lý thuyết về quy hoạch đô thị cũ (về tổ chức các đơn vị ở, khu ở, đơn vị ở láng giềng…) cho các phương án mở rộng đô thị, xây dựng các khu đô thị mới, do Nhà nước thực hiện, không còn phù hợp.
Một giải pháp mới cho việc tổ chức không gian đô thị trong điều kiện hiện nay của tỉnh Phú Yên, nhằm vượt qua các giới hạn phát triển, xóa nhòa các đường ranh giới, kể cả địa giới hành chính, thích ứng với điều kiện dân cư phân tán; đó là: Áp dụng lý thuyết quy hoạch đô thị TOD (Transit Oriented Development) để xây dựng cấu trúc các đô thị ven biển. Đây liệu có là giải pháp khả thi?
- Giải quyết các xung đột
- Câu chuyện tái định cư, thay đổi tập quán: Để khai thác đất đai, tài nguyên thiên nhiên ven biển nhằm xây dựng, phát triển đô thị theo hướng hiện đại, bền vững thì, việc đầu tiên phải tính đến là giải quyết các vấn đề về: Tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao năng suất đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản; tái tạo, phục hồi môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích liên quan đến khai thác và sử dụng mặt nước… Đây là câu chuyện được bàn thảo rất nhiều và có nhiều chính sách đã được áp dụng, nhưng việc triển khai vẫn chưa được đồng bộ, triệt để trên thực tế. Đối với người dân sinh sống bằng việc đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản thì việc tái định cư mà không gắn với việc tổ chức lại sản xuất thì khó mà thực hiện. Khu vực nuôi trồng mà không được đầu tư hạ tầng cơ sở, tổ chức tập trung thành từng vùng chuyên canh, đồng thời áp dụng công nghệ cao để kiểm soát ô nhiễm thì khó có thể sản xuất bền vững và ổn định, nâng cao năng suất. Vì vậy, giải pháp cho việc tái định cư, thay đổi tập quán cho người dân ven biển là cần phải có những mô hình tổ chức các khu dân cư, làng nghề đánh bắt, nuôi trồng, phù hợp với phong tục tập quán, sinh kế của người dân ven biển, để áp dụng thí điểm từng khu vực, tiến tới nhân rộng thành những cụm điểm dân cư, tồn tại song song với việc xây dựng và phát triển đô thị.
- Chuyển đổi đất rừng, lúa: Các cơ quan quản lý về nông nghiệp và tài nguyên cần phải thống nhất về quy hoạch và cân đối các chỉ tiêu về diện tích đất rừng, đất trồng lúa, phù hợp thật sự với nhu cầu của toàn tỉnh và Quốc gia. Qua đó, chủ động chuẩn bị hành lang pháp lý cần thiết cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất xây dựng đô thị. Để giải quyết vấn đề này thì các số liệu diện tích (đất rừng, đất lúa và đất xây dựng đô thị) cần phải được cân đối trên cùng một dữ liệu về quy mô dân số đô thị hiện trạng và dự báo. Các nội dung quy hoạch cần phải được thể hiện trên cùng 1 hệ quy chiếu về tọa độ và hiện trạng để thống nhất quản lý. Một vấn đề quan trọng là hệ thống pháp luật về: Đầu tư, Xây dựng, Đất đai, phải được thống nhất những quy định về quy trình thực hiện 1 dự án phát triển đô thị. Để xây dựng đô thị hiện đại thì nhất thiết công cụ quản lý Nhà nước cũng phải được hiện đại tương ứng.
- Minh bạch thị trường bất động sản và hạn chế đầu cơ: Giá đất tăng cao ở các đô thị, nông thôn ven biển là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển, khi mà nó vượt quá khả năng tài chính của đại đa số nhân dân. Nạn đầu cơ đất làm cho các đô thị bị bỏ hoang đất đai, không được xây dựng công trình, không phát triển được dân cư như mong muốn. Đây là vấn đề liên quan nhiều đến chính sách của Nhà nước, tham gia điều tiết thị trường bất động sản. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, để quản lý thị trường bất động sản đảm bảo công bằng xã hội, hạn chế đầu cơ thì Nhà nước quản lý bằng công cụ thuế và minh bạch về tài chính.
Ví dụ: Để hạn chế đầu cơ đất đai, bất động sản thì Nhà nước đánh thuế cao đối với người sở hữu căn nhà thứ 2, thứ 3; đồng thời, áp thuế rất cao đối với giao dịch bất động sản từ căn nhà thứ 2 trở đi. Cạnh đó, việc minh bạch hóa trong quản lý tài chính của tổ chức, cá nhân và thông qua giao dịch điện tử sẽ quản lý tốt được nguồn vốn xã hội ở mỗi lĩnh vực đầu tư.
Tổng kết, đánh giá
Phú Yên có rất nhiều lợi thế cạnh tranh với những tỉnh lân cận để có thể phát triển kinh tế, làm tiền đề xây dựng phát triển hệ thống các đô thị ven biển. Ở từng lĩnh vực, ngành nghề kinh tế, xã hội cũng đã có rất nhiều giải pháp để thực hiện.
Tuy nhiên, trên thực tế, dường như các giải pháp đều chưa được triển khai đồng bộ, thống nhất với nhau theo 1 trình tự nhất định.
Theo kinh nghiệm quản lý và qua thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của cả nước, nhận thấy, logích thực hiện phải theo thứ tự:
- (1) Phát triển kinh tế đô thị theo hướng liên kết vùng, miền, khu vực;
- (2) Xóa bỏ các giới hạn phát triển để xây dựng cấu trúc đô thị theo hướng liên kết đa điểm, đa cực; phương pháp quy hoạch TOD có thể được vận dụng rộng rãi hơn;
- (3) Giải quyết các xung đột nội tại của đô thị theo hướng tập trung thay đổi tập quán, sinh kế của dân cư ven biển, để có thể cải tạo môi trường, khai thác hợp lý đất đai, bình ổn và minh bạch hóa thị trường bất động sản.
Những vấn đề đặt ra về phát triển đô thị Hiện đại – Xanh – Thích ứng – Bền vững, ở góc nhìn của Sở Xây dựng Phú Yên, chúng ta nên bắt đầu từ những vấn đề cơ bản, thiết thực nhất. Từng giải pháp phải thích ứng với từng điều kiện cụ thể của từng khu vực, từng địa phương.
Tỉnh Phú Yên có diện tích tự nhiên: 5.045 km², chiều dài bờ biển: 189 km, dân số (năm 2019): 961.152 người.
Hệ thống đô thị và nông thôn gồm có: 01 thành phố (TP) là đô thị loại II (TP Tuy Hòa), 02 thị xã là đô thị loại III và loại IV (thị xã Sông Cầu và thị xã Đông Hòa), 06 thị trấn là đô thị loại V, đồng thời là huyện lỵ thuộc các huyện và 88 xã.
Cấu trúc các đô thị của tỉnh có thể phân thành 3 khu vực: (1) Khu vực ven biển gồm: TP Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa và huyện Tuy An; (2) Khu vực miền núi gồm: Các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân; (3) Khu vực trung du gồm: các huyện Tây Hòa và Phú Hòa.
Dân cư phân bố chủ yếu ở khu vực ven biển và trung du, thưa dần về khu vực miền núi.
Sở Xây Dựng Phú Yên (Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2022)
Từ khóa » Dân Số Của Tỉnh Phú Yên
-
Phú Yên – Wikipedia Tiếng Việt
-
Dân Số Phú Yên Năm 2022 Mới Nhất Là Bao Nhiêu?
-
Giới Thiệu Tổng Quan Về Tỉnh Phú Yên (01/06/2020)
-
Thống Kê Dân Số Phú YÊn - - Kế Hoạch Việt
-
Bản đồ Hành Chính Tỉnh Phú Yên & Thông Tin Quy Hoạch 2022
-
Tổng Quan Những điều Cần Biết Về Tỉnh Phú Yên
-
Dân Số Phú Yên - Tieng Wiki
-
Giới Thiệu Tổng Quan Về Tỉnh Phú Yên
-
Số: 171/2010/NQ-HĐND - Phú Yên
-
TỈNH PHÚ YÊN - Trang Tin điện Tử Của Ủy Ban Dân Tộc
-
[PDF] TỈNH PHÚ YÊN - PHẦN I : ĐẶT VẤN ĐỀ
-
Nghị Quyết 14/2021/NQ-HĐND - Phú Yên
-
Phú Yên - Cổng Thông Tin điện Tử Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư