Nhận định Và Phân Tích đề Thi Ngữ Văn Tốt Nghiệp THPT Năm 2021

Xem thêm: Đáp án gợi ý đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tất cả các môn

Xem đề Văn TẠI ĐÂY

NHẬN ĐỊNH VỀ ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN

KÌ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2021

Tổ Ngữ văn – Hệ thống giáo dục HOCMAI

Đề thi môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp THPT năm 2021 giữ nguyên cấu trúc chính của đề thi THPTQG và Tốt nghiệp THPT những năm gần đây với 2 phần là Đọc hiểu (3,0 điểm) và Làm văn (7,0 điểm).

Phần Đọc hiểu (3,0 điểm)

Ngữ liệu cho phần Đọc hiểu là một ngữ liệu ngoài SGK trích từ trong cuốn sách Bí mật của nước của Masaru Emoto. Ngữ liệu đọc hiểu có dung lượng vừa phải, phù hợp với quỹ điểm của phần thi thi. Tuy nhiên, ngữ liệu này mang nội hàm và mạch ngầm liên kết nghĩa khá khó đối với học sinh. Vì vậy, nếu không đọc kĩ, không có những trải nghiệm đọc và suy nghĩ sâu sắc thì học sinh cũng khó có thể hoàn thành tốt các câu hỏi của phần Đọc hiểu. 

Bốn câu hỏi kiểm tra kiến thức về đọc – hiểu văn bản phân bổ theo các cấp độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu và vận dụng.

– Câu 1, 2 là hai câu hỏi ở mức độ nhận biết, hỏi về thông tin được đề cập đến trong đoạn trích, cụ thể là “Sự ra đời của một dòng sông diễn ra như thế nào?” và “Món quà cuối cùng nước dành tặng cho loài người trước khi hoà vào biển cả là gì?”. Để làm được 2 câu đọc hiểu này, các em phải đọc thật kĩ và tìm được thông tin trong đoạn ngữ liệu đã cho.

– Câu 3 là câu hỏi thông hiểu, từ một câu văn trong đoạn ngữ liệu, học sinh sẽ trình bày cách hiểu của mình về dòng chảy của nước và cuộc sống của con người. 

– Câu 4 là một câu hỏi ở mức độ vận dụng yêu cầu học sinh rút ra bài học về lẽ sống qua hành trình từ sông ra biển của nước trong đoạn trích. 

Trong những câu hỏi đọc hiểu này, câu hỏi số 4 sự thay đổi về cách hỏi so với đề thi của các năm trước. Mức độ câu hỏi cũng giảm từ vận dụng cao xuống vận dụng. 

Cụ thể, câu hỏi đọc hiểu số 4 ở đề thi các năm trước yêu cầu học sinh nêu ý kiến đồng tình hay không đồng tình về một quan điểm được tác giả đưa ra trong đoạn trích và giải thích cho sự lựa chọn đó. Cách ra câu hỏi như vậy được nhận xét là có “liên hệ gần gũi” với vấn đề nghị luận của câu số 2 phần Làm văn (câu viết đoạn văn nghị luận xã hội). Điều này dễ dẫn tới hiện tượng trùng lặp khi học sinh làm bài. 

Trong đề thi Tốt nghiệp THPT 2021, câu số 4 phần Đọc hiểu yêu cầu học sinh rút ra bài học về lẽ sống qua nội dung của đoạn trích. Có thể thấy, việc thay đổi cách ra câu hỏi như vậy sẽ khắc phục tình trạng trùng lặp khi viết bài, đồng thời vẫn đảm bảo được mục đích kiểm tra đánh giá khả năng đọc hiểu văn bản của học sinh. Có thể thấy, đây là một sự thay đổi khá phù hợp, có sự tiếp thu những ý kiến nhận xét về các đề thi trước đây. 

Phần Làm văn (7,0 điểm)

Phần Làm văn vẫn giữ nguyên cấu trúc bao gồm hai câu: một câu hỏi nghị luận xã hội và một câu hỏi nghị luận văn học. 

Câu 1 (2,0 điểm)

Câu 1 là câu hỏi yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 200 chữ) bàn về một vấn đề được rút ra từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu. Đề bài đưa ra yêu cầu nghị luận về “sự cần thiết phải biết sống cống hiến”. Đây là một vấn đề tư tưởng gắn liền với cuộc sống con người, gợi cho học sinh nhiều suy nghĩ.

Để giải quyết câu hỏi này, học sinh phải đưa ra và bảo vệ được quan điểm của bản thân bằng những lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục. Việc yêu cầu học sinh viết đoạn văn trong câu nghị luận xã hội vừa giúp kiểm tra được kiến thức và kĩ năng, đồng thời cũng phù hợp với thời lượng và quỹ điểm của một đề thi tốt nghiệp THPT. 

Ngoài ra, học sinh cũng có thể liên hệ đến thực tế cuộc sống những ngày gần đây, khi dịch bệnh COVID 19 bùng phát tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, các y bác sĩ, những chiến sĩ, những bạn tình nguyện viên…. sẵn sàng “ra trận”, cống hiến sức mình cho Tổ quốc.

Câu 2 (5,0 điểm)

Câu 2 là câu hỏi nghị luận văn học. Ngữ liệu nghị luận là một đoạn thơ trích từ tác phẩm Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh. Đây là một văn bản học sinh đã được học trong chương trình Ngữ văn 12 học kì I, không nằm trong nội dung giảm tải của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Đoạn thơ đã cho tập trung thể hiện nguồn gốc và biểu hiện của sóng cũng như của tình yêu. Từ đó, học sinh cũng phải rút ra nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh. Đó là vẻ đẹp truyền thống, nhưng cũng rất hiện đại. 

Ma trận đề thi:

Câu Nội dung Cấp độ nhận thức Chương trình
Nhận biết Thông hiểu Vận dụng Vận dụng cao Ngữ văn 12 (chủ yếu)
I.1 Đọc – hiểu x
I.2 Đọc – hiểu x
I.3 Đọc – hiểu x
I.4 Đọc – hiểu x
II.1 Viết đoạn văn NLXH x
II.2 Viết bài văn NLVH x
Tổng 2 1 1 2
Tỉ lệ 33,3% 16,7% 16,7% 33,3%

Nhận định chung về toàn bộ đề thi

– Đề thi Tốt nghiệp THPT năm 2021 môn Ngữ văn vẫn giữ nguyên cấu trúc với 2 phần là Đọc hiểu (3,0 điểm); Làm văn (7,0 điểm) chia thành 2 câu hỏi. 

– Đề thi Tốt nghiệp THPT năm 2021 môn Ngữ văn có cấu trúc giống với đề thi tham khảo Bộ công bố vào tháng 3/2021. 

– So với đề thi những năm trước đây, đề thi lần này có sự thay đổi đáng chú ý trong câu số 4 phần đọc hiểu. Đây là sự thay đổi phù hợp. 

– Đề đảm bảo kiến thức cơ bản và không có kiến thức thuộc nội dung giảm tải. 

– Đề vừa sức với học sinh, học sinh trung bình không khó để đạt mức điểm 5 – 6; học sinh khá cứng đạt 7 – 8,5 điểm. Tuy nhiên để đạt mức điểm 9-10 đòi hỏi học sinh phải phát huy được tư duy phản biện, các trình bày vấn đề nghị luận sắc bén, thể hiện quan điểm cá nhân mang tính sáng tạo.

Từ khóa » đề Thi Môn Văn Ptth Năm 2021