Nhận định Về Nhà Văn Tô Hoài Ngắn Gọn, Hay Nhất - TopLoigiai
Có thể bạn quan tâm
Bạn đang gặp khó khi làm bài văn Nhận định về nhà văn Tô Hoài? Đừng lo! Hãy tham khảo những bài văn mẫu đã được tuyển chọn và biên soạn với nội dung hay nhất của Top lời giải dưới đây để nắm được cách làm cũng như bổ sung thêm vốn từ ngữ nhé. Chúc các bạn có một tài liệu bổ ích!
Mục lục nội dung Nhận định số 1: “Nhà văn Tô Hoài: Sinh ra là để viết”Nhận định 2: “Nhà văn Tô Hoài, hạt ngọc của văn học”Nhận định 3: Nhà văn Tô Hoài - nhà văn của mọi lứa tuổiNhận định 4: Nhà văn Tô Hoài - Người hóm lẹm bậc nhất văn đàn ViệtNhận định số 1: “Nhà văn Tô Hoài: Sinh ra là để viết”
Với 95 năm tuổi trời, hơn 60 năm tuổi nghề và hơn 160 đầu sách đã xuất bản, đến nay, Tô Hoài là một trong số ít nhà văn hiện đại Việt Nam đạt được nhiều con số kỷ lục trong sự nghiệp sáng tác.
1. Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27.9.1920 tại làng Nghĩa Đô, Từ Liêm thuộc phủ Hoài Đức xưa (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội). Cách đây 6 năm, ngày 6.7.2014, nhà văn Tô Hoài từ giã cõi đời, khép lại hành trình hơn 70 năm đi và viết.
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh có kể câu chuyện lạ được nghe trong một lần đến thăm Tô Hoài ở Bệnh viện Việt Xô: Chuyện “trấn lột quan tài”: “Gia đình một người bệnh vừa qua đời đặt bộ phận dịch vụ của bệnh viên chuẩn cho một cỗ quan để sớm hôm sau thì liệm. Nhưng sớm hôm sau thấy trong chiếc quan tài đã có một xác chết đặt vào đấy từ lúc nào rồi. Ngồi với Tô Hoài một lúc thì biết đủ thứ chuyện linh tinh đại loại như thế” ("Tô Hoài với quan niệm về con người" - Văn nghệ số 25 - 2000). Đó cũng là cảm nhận chung của những ai đã từng tiếp xúc với Tô Hoài. Tất thảy đều thấy ông là một nhà văn từng trải, giàu vốn sống thực tế và “biết đủ mọi chuyện trên đời”. Chuyện đời cũng thế mà chuyện văn cũng vậy.
Trong “Cát bụi chân ai”, hình ảnh các nhà văn hiện lên thật sinh động bởi họ cũng là những con người của đời thường như mọi người: Xuân Diệu thì ăn rất khỏe và mắc cái bệnh “tình trai” thật phiền phức, Ngô Tất Tố xỉ mũi quệt ngay vào gốc cây, Nguyên Hồng mắc bệnh tháo dạ và luôn luôn có gói thịt chó ăn dở nhét trong cặp... Đành rằng nhà văn là phải có vốn sống nhưng không phải ai cũng có cái vốn sống đặc biệt, phong phú, giàu có đến từng chi tiết của đời thường như Tô Hoài. Tôi cho rằng, đó là năng lực thu nhận cuộc sống của Tô Hoài, một năng lực rất riêng, dường như là bẩm sinh, trời phú cho nhà văn này. Năng lực ấy, trước hết biểu hiện ở đôi mắt ông mà ai mỗi lần gặp cũng phải chú ý. Nguyễn Đăng Mạnh đã từng nói: “Vâng, tôi rất ấn tượng về đôi mắt của Tô Hoài - đôi mắt hẹp và dài, có đuôi. Tinh quái lắm! Tô Hoài, như đã nói, chỉ viết về đời thường, chuyện thường, vậy mà vẫn có sức hấp dẫn riêng, chính vì ông đã nhìn nhiều cái lạ trong những cái rất thường bằng đôi mắt ấy”. Một đôi mắt sắc sảo, tinh đời, hóm hỉnh, lại có duyện - nó là cái “cửa sổ tâm hồn” của nhà văn để vừa “thu” cuộc sống bề bộn, tươi nguyên vào tâm trí mình, sau đó lại “phát” ra cái cuộc sống đã được tinh lọc, thăng hoa ấy trên trang viết.
2. Cuộc sống ấy đã đi vào tác phẩm của ông như thế nào? Trước hết, đó là cái làng Nghĩa Đô quê ông, nơi ông sinh ra, lớn lên. Cái làng quê ấy đã ào ạt đi vào tác phẩm của ông trên nghìn trang viết, “tôi viết như chạy thi, được năm truyện dài, truyện vừa, ba tập truyện ngắn, còn truyện thiếu nhi như Dế mèn thì mấy chục truyện, cái in, cái chưa in, tôi không nhớ hết...” (Tự truyện). Đó là cái truyện dài Quê người (1941), Giang thề (1943), Xóm Giềng ngày xưa (1943), ba tập truyện ngắn Nhà nghèo (1942), Chớp biển mưa nguồn (1942), O chuột (1943) và truyện cho thiếu nhi Con dế mèn, Dế mèn phiêu lưu kí (1941)... Vốn sống phải phong phú, giàu có và cái đài thu - phát ấy phải tài giỏi, nhạy cảm biết chừng nào thì cái làng quê bình thường như bao làng khác, với những người nông dân, người thợ dệt cũng bình thường mới tạo nên bấy nhiêu trang viết và để lại cho đời một vệt truyện đầy ấn tượng về vùng Kẻ Bưởi quê ông ven thành Hà Nội, trước Cách mạng tháng Tám. Cái Vệt truyện ấy chỉ toàn chuyện đời tư, đời thường: Vợ chồng đánh nhau, mẹ con chửi nhau, đi tắm đêm nhiều nhất là chuyện tình yêu trai gái ở làng quê và cả chuyện về loại vật. Vậy mà truyện nào cũng hay, cũng thú vị bởi mỗi truyện đều đem đến một điều mới lạ, hấp dẫn riêng. Đều viết chuyện vợ chồng đánh nhau, dỗi nhau nhưng Nhà nghèo, Buổi chiều ở trong nhà, Ông dỗi lại không giống nhau, mỗi truyện một nguyện cớ, một sắc thái riêng, để rồi người đọc thấm thía thấy rằng cái nguyên nhân sâu xa của những cuộc cãi nhau đó chính là cuộc sống nghèo đói của một vùng quê đã bị phá sản, bần cùng trước Cách mạng Tháng Tám. Đến chuyện trai gái làng quê yêu nhau thì mới thấy hết cái tài và cái tình của Tô Hoài, cũng chính là ma lực của cặp mắt tinh đời có đuôi ấy. Ông đã viết trong Tự truyện: “Quê người, Giăng thề, Xóm Giếng ngày xưa, trong đó có những mảnh đời, mảnh tình cỏn con của mình”, và hẳn là, những truyện ngắn về tình yêu của ông cũng như thế. Tô Hoài đã viết một loạt truyện ngắn về tình yêu của ông, yêu nhau mà không lấy được nhau. Không truyện nào giống truyện nào, mỗi truyện là một cảnh ngộ riêng, một số phận riêng của cuộc đời cũ lúc bấy giờ. Có mối tình dang dở vì so tuổi không hợp nhau (Lụa), có duyên phận không thành do đến phút cuối cùng, người con gái sợ không dám bỏ làng cùng ra đi với người yêu (Một chuyến định đi xa), có mối tình tan vỡ là do bố mẹ tham giàu (Một người đi xa về), lại có mối tình trớ trêu, cay đắng khi anh con trai cặm cụi học viết được Lá thư tình đầu tiên thì người con gái đã đi lấy chồng, và chua xót biết bao khi chỉ vì bả phù hoa của Kẻ Chợ mà có mối tình đã bay lên trời nhẹ bỗng như không (Vàng phai)... Những chuyện tình thật cảm động mà cũng thật buồn, bởi đằng sau những mối tình tan vỡ đó, là một làng quê cũng đang đảo lộn, phá sản, bần cùng. Người ta rủ nhau đi kiếm ăn xa ở Quê người mặc cho Giăng thề và Xóm Giếng ngày xưa vẫn còn đó. Nhưng làng xóm thì xơ xác buộn thiu, những cô gái làng đẹp nhất đã bị văn mình tỉnh “phỗng” mất và chuyện phụ tình, tham vàng bỏ ngãi cứ nhẹ như không. Vậy là chuyện đời thường đã thành chuyện xã hội, sự việc thường và những con người thường đã dệt thành bức tranh lịch sử ở một vùng quê khá tiêu biểu cho đất nước lúc bấy giờ, mặc dầu Tô Hoài không đề cập đến sự kiện gì quan trọng cũng chẳng có đấu tranh giai cấp, xung đột xã hội căng thẳng như trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố hay Chí Phèo của Nam Cao. Phải chăng đó là cảm nhận lịch sử, phản ánh lịch sử theo cách riêng của Tô Hoài và một sự cảm nhận như vậy không phải là không mang đến cho người đọc những rung động sâu sắc và thấm thía!
3. Có ai ngờ ngòi bút tưởng sinh ra chỉ để cắm sâu vào cùng đất ven đô ấy, sau Cách mạng tháng Tám, lại gắn bó với vùng cao Tây Bắc thật sâu nặng. Đó là một ngòi bút nhập cuộc, luôn theo sát các phong trào cách mạng nên đã nhanh chóng bén duyên với núi rừng Tây Bắc và trở thành ngòi bút thân thiết của Miền Tây. Ở đây, ông đã gặt được một lúc cả hai mùa: Mùa tình dân và mùa văn học. Có mùa tình dân thì mới có mùa văn học, như ông đã chân tình ghi nhân: “Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ trong tôi nhiều quá, tôi không thể bao giờ quên”. Vâng, ông không thể nào quên được hai tiếng “Chéo lù! Chéo lù!” (Trở lại! Trở lại!) cùng với đôi tay vẫy, lúc vợ chồng A Phủ tiễn ông ra khởi dốc núi Tà Quà, lúc vợ chồng Lỷ Nủ Chu tiễn ông dưới chân núi Cao Phạ. Hai tiếng “Chéo lù! Chéo lù!” đã theo ông về tận dưới xuôi và thôi thúc ông phải viết một cái gì đó để trả món nợ lòng cho những người mà ông thương mến. Và Truyện Tây Bắc đã ra đời, trở thành đỉnh cao của văn học viết và miền núi, cùng Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc về Tây Nguyên đánh Pháp. Với Truyện Tây Bắc (giải nhất Hội Văn nghệ Việt Nam 1955), Tô Hoài đã góp phần khai phá, đặt nền móng và mở ra một hướng sáng tạo mới cho các tác phẩm viêt về miền núi, về nhiều phương diện khai thác chủ đề, tìm hiểu và chọn lọc hiện thực và nhất là cảnh vật và con người miền núi trong tiềm năng và xu thế phát triển cách mạng của nó bằng con mắt tin yêu, bình đẳng và đoàn kết dân tộc. Nhưng ở đây cũng như Miền Tây (giải thưởng Hoa Sen 1970 của Hội Nhà văn Á - Phi), ta vẫn gặp một Tô Hoài của con người và cuộc sống đời thường, khi ông miêu tả một cô Mỵ lùi lũi như con rùa ở xó cửa, ngồi trong căn buồng nhỏ có cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ, trăng trắng và một đêm tình mùa xuân phơi phới, cô muốn đi chơi nhưng lại bị trói đứng vào cột nhà bằng cả một thúng sợi đay; một anh A Phủ bị đánh mặt sưng như hổ phù tập tễnh cầm con dao chọc tiết lợn để hầu làng ăn vạ, cuối cùng bị trói đứng vào cột dây mây chờ chết; rồi tiếng sáo gọi bạn tình, việc A Châu đọ tay với A Phủ vào lễ ăn thề giữa hai người. Khi ông dựng lên một phiên chợ vùng cao ngày xưa, bên gốc cây chồng say rượu, vợ ngồi chờ, người nằm la liệt quanh bàn đèn thuốc phiện, người ngồi quây quần bên nồi “thắng cố”. Tất cả đều là những chi tiết của đời thường đã đi vào những trang viết miền núi của Tô Hoài. Đó là kết quả của 8 tháng nhà văn thâm nhập vào Tây Bắc, đến với đồng bào các dân tộc vùng cao, đến với vợ chồng A Phủ trên đỉnh núi Tà Quà, cùng ăn cơm ngô, canh rau cải nấu với thịt chuột, có lúc ăn cả món “bọ hung xào”, cùng tham gia “cướp vợ” với thanh niên H’Mông trong những đêm trăng sáng giữa rừng. Và hẳn là, đôi mắt sắc sảo, tinh đời ấy đã nhìn thấy nhiều điều mời lạ, nhiều phong tục thú vị của một vùng đất thơ mộng và những con người tốt bụng mà ta chưa hiểu hết. Với hai tác phẩm Truyện Tây Bắc và Miền Tây, Tô Hoài đã ghi lại sinh động bằng hình thức nghệ thuật những chặng đường phát triển của dân tộc vùng cao từ cách mạng dân tộc dân chủ đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là đóng góp có ý nghĩa đối với quê hương văn học thứ hai của ông cũng như đối với nền văn học mới sau Cách mạng tháng Tám.
Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến mảng văn học thiếu nhi, hồi ký và tự truyện của Tô Hoài. Ở đây, ông cũng gặt hái được nhiều thành tựu mà tiêu biểu là ba tác phẩm đã được nhiều thế hệ độc giả yêu thích: Dế mèn phiêu lưu kí, Tự truyện, Cát bụi chân ai. Tô Hoài có thể xem là nhà văn viết cho thiếu nhi nhiều nhất với khoảng hơn 70 tác phẩm truyện, kịch bản phim, kịch nói, kịch múa rối. Những tác phẩm như Đảo hoang, Chuyện nỏ thần, Ông Gióng, Vừ A Dính, Kim Đồng, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Con mèo lười sẽ còn được lưu giữ trong tâm hồn tuổi thơ Việt Nam. Ông cũng là người viết hồi ký và tự truyện rất có duyên nhờ trí nhờ kỳ diệu và vốn sống phong phú, từng trải, nhất là ở ông có một quan niệm viết chân tình và đúng đắn: “Tôi cho viết hồi ký là khó khăn hơn cả sáng tác. Bởi đó là một cuộc đấu tranh tư tưởng để viết ra. Nó chân thành hay dối trá, nó thanh minh hay báo công khoe khoang. Làm thế nào cho khách quan nhất mà lại tình cảm nhất với một dụng ý về chủ đề thật rõ ràng. Đây là một mổ xẻ toàn diện, không phải nhẹ nhàng và chỉ có hứng thú. Với tôi, ở Tự truyện, tôi có ý thức dùng tôi để mổ xẻ một anh tiểu tư sản tri thức nghèo rất phổ biến ở nước ta”. Với Tự truyện và Cát bụi chân ai, ông đã làm được những điều ông nói.
4. Trong Tự truyện, tôi chú ý đến một đoạn viết của Tô Hoài khi ông mất việc rồi mà không dám nói với ai, vẫn phải đóng vai đi làm: “Ngày ngày, đúng giờ, tôi cuốc bộ vào thành phố, đi ngồi các vườn hoa. Tôi ngồi xem kiến bò đến tận lúc tôi có thể phân biệt rạch ròi ra từng loại kiên xây tổ khác nhau. Hôm này qua hôm khác, tôi ngắm quả sấu từ hôm rụng mắt cho tới khi nó vàng óng, nó chín". Có phải cuộc đời 60 năm cầm bút của ông cũng gian khổ, cần cù, bền bỉ như thế này chăng? Và từ một “mẹt chữ” thành “một thúng chữ”, đến nay, ông đã có hơn 150 tác phẩm trong đó có một số tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài để đến với bạn bè thế giới. Nhà xuất bản Văn học đã cho in Tuyển tập Tô Hoài gồm 4 tập từ 1987, Dế mèn phiêu lưu kí và Vợ chồng A Phủ đã được đưa vào sách giáo khoa phổ thông từ mấy chục năm nay. Nhà văn đã được nhận 3 giải thưởng văn học lớn cho tập Truyện Tây Bắc, tiểu thuyết Quê nhà, tiểu thuyết Miền Tây và năm 1996 nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuất - đợt 1 do Nhà nước phong tặng. Trong tâm thức mọi người, ông là nhà văn ruột thịt của Hà Nội, nhà văn thân thiết của vùng cao Tây Bắc và là nhà văn lớn - người bạn đời thường gần gũi của cả nước.
Nhận định 2: “Nhà văn Tô Hoài, hạt ngọc của văn học”
1. Nghe tin Tô Hoài mất, ai cũng buồn. Người ta thương tiếc một năng văn học đã ra đi. Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam nói: “Có những nhà văn, nhà thơ làm vinh dự cho chữ Hán, làm vinh dự cho chữ Nôm. Anh Tô Hoài, cùng với Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố… làm vinh dự cho chữ quốc ngữ. Tôi được gần các thế hệ đi trước, càng hiểu giá trị của những giây phút sống bên cạnh họ, kể cả khi các anh im lặng”. Nhận định về sự nghiệp của nhà văn Tô Hoài, Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội khẳng định: "Tô Hoài là một nhà văn lớn của Văn học Việt Nam hiện đại, người có 95 năm tuổi đời nhưng đã dành hơn 70 năm đóng góp cho văn học. Ông là nhà văn chuyên nghiệp, bền bỉ sáng tác và có khối lượng tác phẩm đồ sộ. Ông cũng nổi tiếng từ rất sớm với tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký. Văn chương của ông hướng về những con người, số phận, cuộc đời lấm láp, đời thường. Ông ra đi vì tuổi trời nhưng văn chương của ông vẫn còn nguyên giá trị. Tôi tin rằng 'chú Dế Mèn' cùng mảng viết tự truyện của ông sẽ được tìm đọc mãi". Quả đúng như vậy.. Ông được nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996) cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ. Kể tên những tác phẩm này ra chúng thấy có tên hai tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký và Vợ chồng A Phủ.
2. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Tô Hoài là Dế Mèn phiêu lưu ký, tác phẩm đã gắn liền với bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam và được dịch ra gần 40 thứ tiếng trên thế giới. Dế mèn phiêu lưu ký là tác phẩm văn xuôi đặc sắc và nổi tiếng nhất của Tô Hoài viết về loài vật, dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Ban đầu truyện có tên là Con dế mèn (chính là ba chương đầu của truyện) do Nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội phát hành năm 1941. Sau đó, được sự ủng hộ nhiệt tình của độc giả, Tô Hoài viết thêm truyện Dế Mèn phiêu lưu ký. Năm 1955, nhà văn mới gộp hai truyện với nhau để thành truyện Dế Mèn phiêu lưu ký như ngày nay.
Truyện đã được đưa vào chương trình học lớp 6 học kì 2 môn Ngữ văn. Tại cuộc hội thảo kỷ niệm 70 năm Dế Mèn phiêu lưu ký năm 2012, Tô Hoài cho biết, tác phẩm được ông khởi viết năm 17 - 18 tuổi. Theo nhà văn, bối cảnh cuộc phiêu lưu của Dế Mèn chính là vùng Nghĩa Đô ven sông Tô Lịch, nơi nhà văn dành cả tuổi thơ của mình ở đó với trò chơi đấu dế, đúc dế.
Thành công của tác phẩm không chỉ nhờ bút pháp vừa sắc sảo vừa sống động mà còn nhờ ông đã khéo léo thể hiện cuộc ra đi và lý tưởng say mê của Dế Mèn chính là sự giác ngộ chính trị của thanh niên trong nước dưới ảnh hưởng của Mặt trận Dân chủ Đông Dương thời kỳ đó. Các nhân vật loài vật trong truyện có tư tưởng hướng đến "thế giới đại đồng" - một danh từ mà thời đó ai cũng thích nói. Với Dế Mèn phiêu lưu ký, khi viết về tâm tư của thế hệ mình và phản ánh xã hội của thời đại mình, Tô Hoài chọn thể loại truyện đồng thoại, hướng về tuổi thơ, mà tuổi thơ chính là một biểu hiện của tinh thần nhân loại. Lựa chọn đó đã đưa Tô Hoài đi đúng hướng, viết nên một tác phẩm tiêu biểu nhất cho văn học thiếu nhi. Năm 1969, chia sẻ về tác phẩm, nhà văn cũng nhấn mạnh: “Viết đồng thoại Dế Mèn phiêu lưu ký, tôi không biết phân tích nội dung cũng như cách viết thể loại như bây giờ. Tôi chỉ viết thực tế quanh tôi và tư tưởng lớp thanh niên như tôi. Mọi nhận xét và thói quen cũng như phong tục của con người, tôi đều đem dùng cho việc xây dựng nhân vật”. Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, Tô Hoài viết truyện hướng về tính loại. Chính điều này làm cho tác có giá trị lâu bền. Ông khẳng định: “Trước năm 1945, các tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam, tiêu biểu là “Dế Mèn phiêu lưu ký”, hướng đến tính nhân loại, nhờ đó mà có giá trị lâu dài. Các tác phẩm về sau của ta không được như thế”.
Trong truyện này Tô Hoài thể hiện một phong cách hết sức đặc sắc. Thông qua lời miêu tả đầy tự tin, hạnh diễn của Dế Mèn về mình, kết hợp với việc dùng từ ngữ miêu tả, đặc biệt là tính từ rất chính xác và giàu tính tạo hình, Tô Hoài đã vẽ lên một hình ảnh rất cụ thể, sống động và hấp dẫn của một chàng dế thanh niên cường tráng. Tác giả tả ngoại hình tỉ mỉ từng bộ phận đến hình dáng chung, luôn làm nổi bật lên những nét đặc sắc đáng chú ý trong mỗi bộ phận và đều toát lên sự cường tráng, sung sức không chỉ ở nhân vật Dế Mèn mà những nhân vật khác trong truyện. Ngòi bút miêu tả đặc sắc điêu luyện của Tô Hoài đã khiến người đọc hiểu rất sâu sắc về thế giới loài vật đồng thời có thể bày tỏ thái độ yêu ghét đối với nhân vật được kể, được tả. Nét đẹp ấy trông có vẻ dữ tợn với tính nết tự phụ kiêu ngạo và xốc nổi. Nhân vật Dế Mèn là một chàng dế thanh niên cường tráng nhưng kiêu căng tự phụ về vẻ đẹp và sức mạnh của mình. Ngoại hình đẹp, nhưng hung hăng, hống hách và kiêu ngạo, hay bắt nạt kẻ yếu. Dế Mèn trêu chị Cốc dẫn đến cái chết thảm thương cho Dế Choắt. Dế Mèn thực sự hối hận, nhận ra lỗi lầm và rút ra bài học đường đời đầu tiên cho mình. Đó là bài học "ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ... mang vạ vào mình đấy". Dế Mèn giống một kẻ cà khịa, xốc nổi, ăn uống điều độ, đi đứng oai vệ. Thế giới loài vật qua ngòi bút miêu tả của Dế Mèn hiện ra thật sinh động. Tác giả đã quan sát tinh tường bằng con mắt hóm hỉnh, bằng tình cảm yêu mến loài vật và miêu tả chúng bằng cả trí tưởng tượng phong phú. Các loài vật vừa giống thực, sống động với những nét ngoại hình, tập tính sinh hoạt đặc trưng của chúng lại mang những nét tâm lý, tính nết, phẩm chất giống con người nên chúng rất gần gũi với người đọc, nhất là các bạn trẻ.
3. Một tác phẩm xuất sắc nữa của Tô Hoài cũng được chọn vào chương trình giảng văn của học sinh phổ thông trung học là truyện ngắn Vợ chồng A Phủ. Truyện ngắn được rút trong tập Truyện Tây Bắc (1953). Trong kháng chiến chống Pháp, ông đi khắp núi rừng Tây Bắc. Kết quả của những năm lặn lội đó là tập Truyện Tây Bắc ra đời (1953). Tập truyện gồm ba truyện là Cứu đất, cứu mường, Mường Giơn và Vợ chồng A Phủ. Tác phẩm này cùng được trao Giải nhất tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955. Những năm tháng tiếp theo ông sáng tác nhiều.
Truyện Vợ chồng A Phủ cũng như tập Truyện Tây Bắc nói chung bộc lộ rõ nét phong cách của Tô Hoài: màu sắc dân tộc đậm đà; chất thơ, chất trữ tình đằm thắm, lời văn giàu tính tạo hình.
Đọc xong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, gấp trang sách lại rồi mà chúng ta vẫn không quên được gương mặt “buồn rười rượi” của Mị. Đó là gương mặt mang nỗi đau của một kiếp người không bằng ngựa trâu. Đó là gương mặt tưởng như cam chịu, mất hết sức sống. Không, đằng sau gương mặt ấy, vẫn ẩn chứa một sức sống tiềm tàng không dễ gì dập tắt. Tô Hoài nói với Phan Thị Thanh Nhàn:“Muốn viết văn, điều quan trọng nhất là chi tiết. Mà chi tiết thì không thể phịa ra được. Phải chịu khó quan sát, ghi chép, đọc và tiếp xúc càng nhiều càng tốt”.
Gương mặt buồn rười rượi ấy không phải là gương mặt đầu tiên của cuộc đời Mị. Mị lớn lên, xinh đẹp với bao nhiêu khát vọng hạnh phúc. Gương mặt Mị phơi phới trong những đêm tình mùa xuân với tiếng sáo thiết tha và tình tứ. Có bao nhiêu người đã mê Mị. Có bao nhiêu chàng trai đã đứng nhẵn cả chân vách buồng Mị… Gương mặt đầu tiên của đời Mị là một gương mặt đầy hi vọng.
Nhưng vì món nợ của bố mẹ mà Mị phải trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra. Mị bị bắt theo tục lệ cướp vợ của người Mèo và khi ngồi trong nhà thống lí Pá Tra, nghe tiếng nhạc sinh tiền cúng ma rập rờn nhảy múa, Mị mới biết mình đã trở thành vợ A Sử. Tiếng nhạc sinh tiền cúng ma được tác giả miêu tả thật ai oán. Nó như tiếng nức nở chấm hết cuộc đời đang phơi phới xuân thì của một thiếu nữ.
Những ngày làm dâu với Mị là những ngày đau khổ. Là người phụ nữ có chồng mà Mị không được sống cuộc đời làm vợ. Mị chỉ là một thứ nô lệ. Đêm nào Mị cũng khóc. Miêu tả cuộc sống của Mị, tác giả cũng lên tố cáo tội ác của phong kiến miền núi. Và cái ý thức phản kháng đầu tiên đối với Mị là không chấp nhận cuộc sống nô lệ ấy. Cô tìm đến lá ngón để tự tử. Đây là phản ứng đầy tiêu cực, song không phải không chứng minh khát vọng sống của Mị. Muốn chết, nghĩa là muốn chống lại một cuộc sống không ra sống, nghĩa là còn tha thiết với cuộc sống, dĩ nhiên là cuộc sống khác chứ không phải cuộc đời nô lệ này.
Nhưng Mị đã không chết được. Sự phản kháng của Mị đã bị dập tắt. Mị chết mà món nợ vẫn còn đó thì bố Mị lại khổ hơn bao nhiêu lần bây giờ nữa. Mị không đành chết, đành trở lại nhà thống lí Pá Tra sống kiếp ngựa trâu.
Mấy năm sau bố Mị mất nhưng Mị không nghĩ đến việc ăn lá ngón tự tử nữa vì ở lâu trong cái khổ “Mị quen khổ rồi”. Bây giờ Mị cũng tưởng mình là con trâu, con ngựa. Khổ đau, đọa đầy đã làm cho Mị tê liệt. Còn đâu cô Mị phơi phới xuân sắc, xuân thì ngày xưa. Bây giờ chỉ còn một cô Mị “ ngày càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Mị như con người vô cảm với cuộc đời, mất ý thức về không gian, về thời gian. Buồng Mị ở chỉ có một lỗ bàn tay, trông ra trăng trắng không biết sương hay nắng. Mị làm việc quần quật trong cái đều đặn của thời gian “bao giờ cũng thế, suốt đời, suốt năm như thế”… Tâm hồn Mị đã tê liệt đi với kiếp sống ngựa trâu.
Chúng ta tưởng rằng thế là hết. Nhưng không, sức sống tiềm tàng một lần nữa lại bùng cháy trong tâm hồn Mị. Mị muốn sống với những tháng năm của những đêm tình mùa xuân. Cái gì đã làm hồi sinh một cô Mị “đầy xuân sắc, xuân tình” nơi một người đàn bà đang mòn mỏi bên tàu ngựa nhà thống lí ?
Có phải vì Tết năm ấy đầy không khí rạo rực của ngày xuân. Đó là những xuân gió rét dữ dội làm ửng vàng sắc cỏ tranh, làm đổi màu hoa thuốc phiện và cũng đánh thức lòng người.
Tết năm ấy, Mị lén uống rượu. Mị uống ực từng bát như cho hả giận, như nuốt vào lòng sự căm hận. Men say của hơi rượu ngày xuân đã đưa Mị trở về những ngày xuân thủa trước. Mị như quên đi hiện tại đắng cay để sống với ngày xưa.
Và có lẽ đánh thức Mị nhiều hơn cả là âm vang của tiếng sáo gọi bạn tình ngày xuân: “Mị nghe tiếng sáo vọng lại tha thiết bồi hồi, rồi Mị thấy phơi phới trở lại, lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước”. Trong cái nồng nàn của hơi men, trong âm vang thiết tha của tiếng sáo, Mị nhận ra mình còn trẻ, trẻ lắm. Mị muốn đi chơi. Không còn cô Mị mòn mỏi bên tàu ngựa nữa mà cô Mị đã thức tỉnh. Không khí mùa xuân, men rượu và tiếng sáo đã thức tỉnh Mị. Nhưng đó chỉ là những tác nhân. Những tác nhân ấy làm sao có thể đánh thức tâm hồn Mị nếu như tâm hồn ấy đã chết. Những khổ đau của cuộc đời làm cho tâm hồn Mị chai sạn đi, nhưng bên trong vẫn âm ỉ ngọn lửa của lòng khao khát được sống, được hạnh phúc. Và những tiếng gọi kia của cuộc đời đã làm bùng cháy sức sống tiềm tàng ấy.
Nhưng lại một lần nữa Mị bị vùi dập. Thấy Mị muốn đi chơi, A Sử đã trói đứng Mị vào cột nhà trong buồng. Trong mớ dây trói cay nghiệt ấy Mị vẫn sống với ngày trước. Chỉ đến khi bước đi theo tiếng sáo như một người mộng du thì mới đắng cay nhận ra mình đang bị trói. Đời Mị bị trói buộc vào bao nhiêu sợi dây trói hữu hình và vô hình. Trước cái thực tại đắng cay ấy, Mị ngày càng câm lặng như con rùa nuôi trong xó cửa, cúi đầu tê tái trong thân phận của kiếp ngựa trâu.
Đến đây chúng ta tưởng Mị sẽ cam chịu với số phận nghiệt ngã của mình. Nhưng không, cái sức sống tiềm tàng nơi Mị một lần nữa nâng cô đứng dậy, vùng lên thoát khỏi kiếp đọa đầy.
Như một sự run rủi của số phận, A Phủ bị bắt về làm nô lệ của nhà thống lí Pá Tra. Hình tượng A Phủ tượng trưng cho sức sống bị đọa đày. Năm ấy rừng động, hổ về bắt mất một con bò nên A Phủ bị trói vào góc nhà như Mị ngày nào. Nhưng với Mị, A Phủ bị trói hay có bị chết cô cũng không mảy may quan tâm. Những lần trở dậy sưởi lửa vào ban đêm, đi qua nơi A Phủ bị trói, Mị dửng dưng như không có A Phủ ở đó. Thậm chí như nhà văn viết: “Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi”… Tâm hồn Mị đã giá lạnh, đã tê dại đi đến mức nào !
Vậy mà tâm hồn ấy đã thay đổi. Lòng Mị đã không dửng dưng nữa khi lé mắt nhìn sang thấy “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xạm đen lại” của A Phủ. Giọt nước mắt tuyệt vọng và cay đắng của A Phủ đã đánh thức tâm hồn Mị. “Mị chợt nhớ lại A Sử trói Mị cũng trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ không biết lau đi được”. Từ giọt nước mắt của người, Mị nhớ đến giọt nước mắt của mình. Từ nỗi đau của mình, Mị nghĩ đến nỗi đau của người. Mị nhận ra có mình trong cái bóng dáng của A Phủ đang bị trói kia. Mị thương mình ngày trước nên cũng thương A Phủ bây giờ, thương A Phủ “việc gì phải chết”… Chính tình thương ấy đã nâng Mị đứng dậy, truyền cho Mị lòng can đảm cắt dây trói cho A Phủ và cũng chính là cắt dây trói cho mình. Nhiều ý kiến cho rằng hành động cắt dây trói của Mị là hành động tự phát, ngẫu nhiên. Đó là hành động không hề tự phát mà có ý thức, ý thức từ nỗi đau của chính mình.
Sau lần thức tỉnh này Mị không còn bị đưa trở lại kiếp ngựa trâu như trước nữa. Mị đã cùng A Phủ bước vào cuộc đời tự do để trở thành “Vợ chồng A Phủ”, cuộc hôn nhân của sự vùng lên.
Tô Hoài đã miêu tả sâu sắc và cảm động sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị. Sức sống ấy như ngọn lửa âm ỉ cháy không dễ gì có thế dập tắt được. Miêu tả ngọn lửa của lòng ham sống vẫn nồng nàn và mãnh liệt nơi một tâm hồn tưởng đã tê liệt vì những đọa đầy về thể xác cũng như tinh thần cho thấy một niềm tin mãnh liệt vào con người của nhà văn. Thắp sáng ngọn lửa của khát vọng sống ấy, Tô Hoài cũng làm bừng sáng giá trị nhân văn cao cả của tác phẩm.
Tô Hoài được nhiều người biết có phần nhờ hai tác phẩm trong trường học: Dế mèn phiêu lưu ký và Vợ chồng A Phủ. Hai tác phẩm ấy là những hạt ngọc quý giá của hơn 150 tác phẩm của ông. Chúng ta tin đó là những viên ngọc sẽ sáng mãi trong đời.
Nhận định 3: Nhà văn Tô Hoài - nhà văn của mọi lứa tuổi
Suốt cuộc đời gần 80 năm sáng tạo bền bỉ của mình, Tô Hoài đã để lại một lượng tác phẩm đồ sộ với gần 200 đầu sách, trong đó có hơn 60 đầu sách viết cho thiếu nhi ở nhiều thể loại khác nhau.
Nhắc đến Tô Hoài, nhiều người nghĩ ngay đến “Dế mèn phiêu lưu ký”. Hơn hai mươi tuổi, Tô Hoài đã tạo được một kiệt tác ở thể đồng thoại. Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Điệp, “Dế Mèn phiêu lưu ký” được ông viết cho thiếu nhi, nhưng cũng là viết cho người lớn vì ẩn trong tác phẩm này là những bài học nhân sinh sâu sắc. Tại đây, ta nhận thấy sự mẫn cảm và óc quan sát tinh tế của Tô Hoài. Ông tả loài vật nào đúng với bản chất và đặc điểm của loài vật ấy.
“Ống kính của Tô Hoài vừa sắc nét trong việc tái hiện lại các chi tiết, vừa có khả năng tạo ra sự lưu chuyển hợp lý giữa các trường đoạn, màu sắc du ký và màu sắc tự truyện hòa vào nhau hết sức sống động. Với ‘Dế Mèn phiêu lưu ký’, Tô Hoài thực sự là cây bút hàng đầu về nghệ thuật miêu tả thế giới loài vật”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Điệp đánh giá.
Ngoài “Dế Mèn phiêu lưu ký” nổi tiếng, ông có hàng loạt sáng tác được trẻ em nhiều thế hệ yêu thích như: “Mực tàu giấy bản”, “Nói về cái đầu tôi”, “Ngọn cờ lau”, “Thằng phó”, “Chuyện ông Gióng”, “Võ sĩ Bọ Ngựa”, “Ba anh em”, “Ba bà cháu”, “Câu chuyện ngày chủ nhật”, “Con mèo lười”, “Đám cưới chuột”, “Đảo hoang”, “Chuyện nỏ thần”, “Chim chích lạc rừng”… Ở mảng sáng tác này, dù là đề tài sinh hoạt, cổ tích hay lịch sử, ngay cả khi tuổi tác không còn trẻ, Tô Hoài vẫn có được cách cảm nhận và thể hiện đời sống qua trang văn phù hợp với tâm hồn, nhận thức của tuổi thơ. Và ông đã dẫn dắt các em đến với một thế giới có vô vàn điều kỳ thú, góp phần bồi đắp nhân cách, nuôi dưỡng vẻ đẹp và sự trong sáng, cao thượng cho những tâm hồn thơ bé.
Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Điệp, trong các sáng tác dành cho thiếu nhi của Tô Hoài, yếu tố đặc biệt nhất là ông không giả giọng trẻ con để kể chuyện trẻ con như nhiều cây bút khác từng làm. Ông rất hiểu tư duy trẻ thơ, kể với chúng theo cách nghĩ của chúng, lý giải sự vật theo lô gíc của trẻ. Hơn thế, với biệt tài miêu tả loài vật, nhà văn đã dựng lên một thế giới gần gũi với trẻ thơ. “Truyện thiếu nhi của Tô Hoài không rơi vào tình trạng dạy dỗ cho con trẻ những bài học luân lý cứng nhắc, không bắt chúng tập làm người lớn từ thuở còn bé thơ. Từng bước một, lũ trẻ sẽ hiểu dần được đời sống từ những bài học đường đời đầu tiên”, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Điệp nói.
Là một tài năng lớn của văn học nghệ thuật nước nhà, Tô Hoài đã đạt nhiều giải thưởng sáng tác như Giải Nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1956 với tập “Truyện Tây Bắc”; Giải A - Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội năm 1970 với tiểu thuyết “Quê nhà”; Giải thưởng của Hội Nhà văn Á - Phi năm 1970 với tiểu thuyết “Miền Tây”; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt 1, năm 1996 và Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2010. Tác phẩm của Tô Hoài đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và giới thiệu tại nhiều quốc gia như Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ba Lan, Séc, Đức, Bungari, Cu Ba, Mông Cổ, Nhật Bản.../.
Nhận định 4: Nhà văn Tô Hoài - Người hóm lẹm bậc nhất văn đàn Việt
Nhà văn Tô Hoài có tên khai sinh là Nguyễn Sen. Ông sinh ngày 7-9-1920 tại xã Kim An, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (cũ). Nhưng tuổi thơ ông sống ở quê ngoại gắn liền với con sông Tô Lịch ở làng Nghĩa Đô, thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (cũ), nên ông lấy bút danh là Tô Hoài.
Ngoài ra ông còn có nhiều bút danh khác như: Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Vũ Đột Kích, Hồng Hoa, Phạm Hòa. Ông bước lên văn đàn Việt Nam từ cuối những năm 30 của thế kỷ XX, đến nay đã hơn 80 năm cầm bút. Ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, đợt I, năm 1996, cho cụm tác phẩm: Dế mèn phiêu lưu ký, Truyện Tây Bắc, Vợ chồng A Phủ, Miền Tây, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ...
Nhà văn Tô Hoài có biệt tài quan sát tập tính các loài vật hơn bất cứ nhà văn Việt nào từ trước tới nay. Ông mô tả loài chuột gồm đủ mặt từ chuột nhắt, chuột cống, đến chuột cộc, chuột bạch, chuột xù... Tất cả bọn chúng đều ngơ ngác nhìn quanh quẩn. Như là họ hít phải cái không khí lạ. Như là họ chẳng quen bò giữa nơi khoáng đãng. Và họ lại nối đuôi nhau, tha thẩn, từ từ bò vào, cũng như lúc bò ra.
Ông viết giản dị đến mức tự nhiên, như là hít thở khí giời, cơm ăn, nước uống. Có lẽ trời đã phú cho ông một bộ óc quan sát tinh tế, một con mắt tình đời. Từng có người nhận xét nhà văn Tô Hoài là người hóm hỉnh. Tôi nghĩ, như vậy đúng nhưng chưa đủ, mà phải là một nhà văn hóm lẹm. Tính từ lẹm dùng để chỉ sự sắc, nhưng mà sắc ngọt của một vật dụng nào đấy như dao, cuốc, xẻng, rìu, đục, cưa...
Về nghĩa bóng cụm từ hóm lẹm được dùng để chỉ một người vừa có khiếu hài hước, vừa sắc xảo nhưng rất ngọt ngào như nhà văn Tô Hoài. Ông chỉ cần viết ra những cái ông quan sát thấy, như không cần làm văn chương chút nào, không cần hư cấu, thêm mắm thêm muối gì cũng đã là văn rồi, một thứ văn vừa hài hước, sắc xảo và sâu cay, nhưng vẫn gần gũi với cuộc sống.
Qua các tác phẩm, Tô Hoài đã thể hiện rõ sự hóm lẹm của mình. Chẳng hạn như chú Dế Mèn, Dế Trũi chơi với nhau như anh em kết nghĩa kiểu Lưu- Quan- Trương trong truyện Tam Quốc của Trung Quốc. Họ sẵn sàng quên mình vì bạn, vì nghĩa lớn. Còn chú Xiến Tóc trầm lặng, nhưng tính tình thì sáng nắng chiều mưa, yêu đời đấy, mà cũng chán đời ngay. Rồi đến chị Cào Cào ồn ào và duyên dáng luôn thích khoe bộ cánh thời trang. Chim Chả Non đích thị là một tay công tử bột, chỉ được cái mẽ bên ngoài, còn đầu lại rỗng tuếch, chẳng làm nên tích sự gì...
Ông mô tả về các con vật thì không ai có thể viết hay hơn. Đây là chú mèo mướp lừ đừ nghiêm nghị tựa một thầy dòng, trên mình có khoác bộ áo thâm. Hắn có cái cốt cách quý phái và trưởng giả. Lúc nào cũng nghĩ ngợi như sắp mưu toan một việc gì ghê gớm lắm. Còn cậu gà trống ri bé nhỏ sống côi cút một thân, một mình khi còn trẻ nhỏ. Ấy vậy mà lớn lên lại có bộ mặt khinh khỉnh ta đây... Hóm lẹm đến thế này thì không biết đây là cuộc sống của loài vật hay của loài người. Nhưng dù là loài nào vẫn khiến người đọc cảm thấy vừa ngậm ngùi, vừa xót xa cho phận kiếp làm CON (vật/ người) (!?).
Sự hóm lẹm của nhà văn Tô Hoài không chỉ thể hiện ở việc miêu tả dáng vẻ bên ngoài, tập tính của những con vật đã từng gắn bó với cuộc đời ông từ tuổi ấu thơ, như một sự hóm hỉnh ở những người có khiếu hài hước, mà còn thể hiện rất rõ ở cách đánh giá, nhận định về con người, sự việc và tác phẩm văn chương của đồng nghiệp. Có lẽ điều ấy đã khiến một người vừa sắc xảo, vừa uyên bác như Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh cũng không dễ gì nhận ra tư tưởng của ông là gì.
Nguyễn Đăng Mạnh cho biết: "Về Tô Hoài, tôi cứ nghĩ mãi không biết tư tưởng của ông là gì. Nhiều tác phẩm của ông tôi thích, nhưng không tìm ra một tư tưởng chung. Tư tưởng Nguyên Tuân là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc gắn với những giá trị văn hoá cổ truyền của dân tộc; Nam Cao là nỗi đau đớn trước tình trạng con người không giữ nổi nhân tính, nhân phẩm vì miếng cơm manh áo và cái chất hèn, chất nô lệ đã thấm vào trong máu không biết từ kiếp nào... Còn tư tưởng Tô Hoài là gì? Tôi lúng túng quá”.
Theo tôi, hầu hết các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài đều có chung một đặc tính nổi trội là viết rất tự nhiên về những cái đời thường, mà ông quan sát thấy, bằng một lối diễn đạt nôm na và dân dã, đến mức người đọc rất khó nhận biết ông định nói gì, nên nhầm tưởng rằng ông không có tư tưởng, chỉ nói tếu táo cho vui. Nhưng nếu xâu chuỗi lại tất cả những điều ông nói thì mới thấy ông giấu tư tưởng vào những chuyện đời thường, khá đơn giản và rất tinh tế.
---/---
Như vậy Top lời giải đã trình bày xong bài văn mẫu Nhận định về nhà văn Tô Hoài. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!
Từ khóa » Tô Hoài Là Nhà Văn Như Thế Nào
-
Tô Hoài, Nhà Văn Của Mọi Lứa Tuổi | Tạp Chí Tuyên Giáo
-
Tô Hoài – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đôi Nét Về Nhà Văn Tô Hoài - Tác Giả
-
Tô Hoài, Cây Bút Tên Tuổi Của Nền Văn Học Cận đại Việt Nam
-
Nhà Văn Tô Hoài: Sinh Ra Là để Viết - Báo Lao Động
-
“Tô Hoài - Nhà Văn Của Mọi Lứa Tuổi”
-
Nhà Văn Tô Hoài-Cây đại Thụ Văn Chương, Một đời Cần Cù đi Và Viết
-
Tô Hoài Là Nhà Văn Của Người Thường, Chuyện Thường - Vietnamnet
-
Nhà Văn Tô Hoài - Vô Vàn Kiến Thức
-
Tô Hoài, Cây Bút Tên Tuổi Của Nền Văn Học Cận đại Việt Nam
-
Tìm Hiểu Về Tác Giả Tô Hoài
-
Tiểu Sử Nhà Văn Tô Hoài: Sự Nghiệp Sáng Tác Văn Học Của ông
-
Tác Giả Tô Hoài | Tác Giả - Tác Phẩm Lớp 12
-
Tiểu Sử Cuộc đời Và Sự Nghiệp Sáng Tác Của Nhà Văn Tô Hoài