Nhân Rộng Các Mô Hình Quản Lý Người Nghiện, Người Sử Dụng Ma Túy

Nhân rộng các mô hình quản lý người nghiện, người sử dụng ma túy - Ảnh 1.

Ra mắt mô hình "Khu dân cư, cơ quan giáp ranh an toàn về an ninh trật tự và phòng, chống tội phạm ma túy" tại Hòa Bình

Theo Bộ Công an, tình hình người nghiện ma túy, sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước. Hiện nay toàn quốc có trên 217.059 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; 59.537 người sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là "nguồn cầu" tiêu thụ ma túy rất lớn.

Lo ngại hơn, số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy chủ yếu đang sinh sống ngoài xã hội tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh tội phạm và phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.

Trước thực trạng trên, nếu không có biện pháp quản lý, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý thì tình hình an ninh trật tự có nguy cơ ngày càng phức tạp.

Với phương châm đưa công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy về cơ sở, lấy quần chúng nhân dân làm nòng cốt phòng ngừa ngay từ cộng đồng, khu dân cư, công an các địa phương đã triển khai nhiều mô hình để ổn định an ninh trật tự, kéo giảm người nghiện, người sử dụng ma túy ngay tại cơ sở.

Tại Đồng Tháp, mô hình "Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng" được thành lập vào cuối năm 2018, đã lựa chọn 3 xã: Mỹ Tân (TP. Cao Lãnh), Tân Khánh Đông (TP. Sa Đéc) và xã An Bình A (nay là phường An Bình A, TP. Hồng Ngự) để làm thí điểm.

Để triển khai mô hình này, lực lượng Công an đã tiến hành rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác số người nghiện ma túy trên địa bàn để tham mưu UBND cấp xã ban hành Kế hoạch thực hiện. Từ đó, thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy (do Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách văn hóa - xã hội làm Tổ trưởng); Tổ công tác quản lý, giáo dục người nghiện ma túy (do Trưởng Công xã làm Tổ trưởng); Tổ thanh niên tình nguyện tuần tra giữ gìn an ninh trật tư trên địa bàn (do Phó Trưởng Công an xã làm Tổ trưởng).

Định kỳ hằng tháng, Công an xã chủ trì phối hợp với các ngành, tổ chức chính trị - xã hội được phân công tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ đối tượng để nắm bắt tâm tư, tình cảm hoặc thông qua sinh hoạt các Tổ, Câu lạc bộ của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ để tiếp xúc, tuyên truyền đối với người nghiện ma túy về hậu quả, tác hại của ma tuý và các chính sách có liên quan đến việc cai nghiện ma tuý.

Đồng thời vận động nhân dân tham gia tố giác tội phạm và phát giác người nghiện ma túy; báo cáo kết quả tiếp xúc, giáo dục và chuyển biến của người nghiện ma túy để lưu vào hồ sơ mô hình, phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá và tham mưu Hội đồng bảo vệ an ninh trật tự xét thanh loại đối với từng trường hợp cụ thể.

Sau một năm triển khai thực hiện thí điểm mô hình tại 3 xã, đến nay, mô hình đã được nhân rộng tại 121/143 xã, phường, thị trấn, thành lập được 308 tổ công tác với hơn 2.000 thành viên tham gia.

Qua đó, quản lý, giáo dục 1.411 đối tượng nghiện ma túy; vận động, giáo dục, chuyển biến 847 đối tượng. Số người nghiện ma túy được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm là 109 đối tượng và có 37 đối tượng sau cai nghiện được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng với số tiền 1,3 tỷ đồng để chăn nuôi, buôn bán, trồng trọt... góp phần phòng ngừa nguy cơ tái phạm tội. Đặc biệt, nhờ thực hiện mô hình này, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp không hình thành tụ điểm phức tạp về ma túy.

Tại Hòa Bình, mô hình "Khu dân cư, cơ quan giáp ranh an toàn về an ninh trật tự và phòng, chống tội phạm ma túy" tại phường Quỳnh Lâm và phường Đồng Tiến cũng là một trong những hoạt động cụ thể nhằm đưa công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy về cơ sở.

Theo Công an TP. Hòa Bình, phường Đồng Tiến và Quỳnh Lâm là địa bàn trọng điểm về trật tự xã hội và các tệ nạn ma tuý. Nơi giáp ranh của 2 phường là cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, hàng ngày có hàng trăm bệnh nhân đến uống thuốc Methadone. Trong đó, nhiều người nghiện vừa uống Methadone vừa sử dụng trái phép chất ma túy. Lợi dụng điều này, một số đối tượng đã đến đây, mở quán bán nước vỉa hè hoặc thuê nhà ở khu vực lân cận để bán ma túy.

Trước tình hình trên, mô hình "Khu dân cư, cơ quan giáp ranh an toàn về an ninh trật tự và phòng, chống tội phạm về ma túy" được thành lập nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong đó Công an 2 phường đóng vai trò tham mưu, triển khai các biện pháp công tác; Công an TP. Hòa Bình là đơn vị trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn.

TIN LIÊN QUAN
  • Tạo hiệu ứng lan tỏa, phấn đấu kiềm chế số người nghiện ma túy

    Tạo hiệu ứng lan tỏa, phấn đấu kiềm chế số người nghiện ma túy

  • Phân định rõ người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy

    Phân định rõ người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy

Trong năm 2021 và những tháng đầu năm nay, Công an TP. Hòa Bình đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ và Công an 2 phường Quỳnh Lâm, Đồng Tiến phát hiện, bắt xử lý 67 vụ, 79 đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy.

Với phương châm "gõ từng nhà, rà từng người nghiện", công an các xã, phường thường xuyên gọi hỏi, răn đe, giáo dục, cảm hoá trên 200 lượt người nghiện ma tuý, lập 128 hồ sơ quản lý giáo dục tại xã, phường, lập 46 hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc...

Có thể nói, việc tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phòng, chống ma túy, phát huy tốt vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, nhất là lực lượng Công an ở cơ sở đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy tại các địa phương trong thời gian qua.

Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Công an nhân dân, chủ công là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trên toàn quốc đã khám phá thành công 13.417 vụ, bắt 20.048 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy, thu giữ 466 kg heroin, 926 kg và 2.568.944 viên ma túy tổng hợp, 137 kg cần sa, cùng nhiều vật chứng liên quan; triệt xóa 204 điểm, 20 tụ điểm phức tạp về ma túy; phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, bắt giữ được các đối tượng cầm đầu, thu giữ số lượng ma tuý rất lớn.

Các cơ sở cai nghiện ma túy trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho gần 42.000 người, trong đó tiếp nhận mới gần 4.500 người theo quy định mới của Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi năm 2021; 100% các địa phương tổ chức quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng. Một số địa phương đã có nhiều sáng kiến khắc phục những khó khăn trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc; tổ chức nghiên cứu, triển khai thí điểm một số mô hình cai nghiện ma túy hoạt động hiệu quả theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện của Chính phủ...

Hoàng Giang

Từ khóa » Thuốc Cai Nghiện Ma Túy ở Hà Nội