Nhận Thức Về Bản Chất Của Chủ Nghĩa Tư Bản Cần được Quán Triệt ...
Có thể bạn quan tâm
Cuốn sách quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã khái quát những thành tựu mới nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam trong phát triển quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dựa trên những nhận thức mới nhất về bản chất và biểu hiện của chủ nghĩa tư bản hiện đại, tạo căn cứ thuyết phục để trả lời cho những câu hỏi: “Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?”(1) trong bối cảnh sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào.
Tổng kết bối cảnh mới của thế giới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát rõ biểu hiện mới của chủ nghĩa tư bản hiện đại về mức độ bao phủ toàn cầu, thành tựu to lớn trong giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học-công nghệ; điều chỉnh chế độ phúc lợi xã hội... thể hiện tiềm năng tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư khẳng định rõ: cho đến nay “chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó”(2), khủng hoảng, suy thoái kinh tế, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nhiều mặt, cả về y tế, xã hội lẫn chính trị, kinh tế vẫn đang diễn ra dưới tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Sự bất lực của chủ nghĩa tư bản trong giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội đang làm gia tăng bất công xã hội, giảm sút nghiêm trọng đời sống nhân dân, gia tăng thất nghiệp, khoảng cách giàu-nghèo, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc.
Những tình huống “phát triển xấu”, những nghịch lý “phản phát triển”, từ địa hạt kinh tế-tài chính đã tràn sang lĩnh vực xã hội, làm bùng nổ các xung đột xã hội, và ở không ít nơi từ tình huống kinh tế đã trở thành tình huống chính trị với các làn sóng biểu tình, bãi công, làm rung chuyển cả thể chế.
Như vậy, bản thân thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản không thể giúp giải quyết được những khó khăn, và trong nhiều trường hợp còn gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho các nước nghèo; làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa lao động và tư bản toàn cầu. Sự thật đó đã làm phá sản những lý thuyết kinh tế hay mô hình phát triển của chủ nghĩa tư bản.
Mặt trái của chủ nghĩa tư bản hiện đại còn biểu hiện thông qua khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái... đang đặt ra những thách thức rất lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại.
Những mâu thuẫn, mặt trái đó xuất phát từ bản chất không thay đổi của chủ nghĩa tư bản trước hết về phương diện kinh tế với tư cách là sự chi phối quyết định của quy luật giá trị thặng dư dưới hình thái lợi nhuận. Tổng Bí thư khẳng định: “Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế-xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội. Đó cũng chính là những đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa. Các cuộc khủng hoảng đang diễn ra một lần nữa chứng minh tính không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái của nó”(3).
Bản chất kinh tế quyết định thể chế chính trị của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” của phương Tây không thể bảo đảm quyền lực thật sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, mà chủ yếu vẫn thuộc về và phục vụ lợi ích thiểu số giàu có. Thể chế đó chỉ là dân chủ hình thức, trống rỗng, không thực chất, do sự chi phối của quyền lực đồng tiền, đặc biệt sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản.
Nhận thức mới về bản chất và biểu hiện của chủ nghĩa tư bản ngày nay là căn cứ lý luận khoa học quan trọng để củng cố niềm tin vào việc lựa chọn con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội và xác định nội dung chính của mô hình chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam cần xây dựng.
Đó là “một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người… sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội… một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm… sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường… một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”(4).
Từ đó, “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(5).
Trong điều kiện, Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, từ trình độ lực lượng sản xuất rất thấp, lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề; các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại cho nên lại càng khó khăn, phức tạp, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, trong đó, cần nhận thức rõ rằng, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa không phải là bỏ qua những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản, mà là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa.
Từ nhận thức về bản chất và biểu hiện của chủ nghĩa tư bản hiện đại, những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được, Tổng Bí thư đã khẳng định: “thực hiện được mục tiêu đó, chúng ta phải: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện”(6), trong đó, việc đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới.
Những chỉ dẫn sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu trên về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dựa trên nhận thức khoa học mới nhất về bản chất và biểu hiện của chủ nghĩa tư bản hiện đại thể hiện sự kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cần được quán triệt và cụ thể hóa trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh mới.
----------------------------
(1) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2022, tr.17. (2) Sđd ,tr.19. (3) Sđd, tr.20. (4) Sđd, tr.21-22. (5) Sđd, tr.24. (6) Sđd, tr.24-25.
Từ khóa » Bản Chất Thực Sự Của Chủ Nghĩa Tư Bản Là Gì
-
Chủ Nghĩa Tư Bản – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tư Bản Là Gì? Bản Chất Và Các Hình Thái Của Chủ Nghĩa Tư Bản?
-
Bản Chất Của Chủ Nghĩa Tư Bản Là Gì? Bản Chất đó Có Thay đổi Trong ...
-
Bản Chất, đặc điểm, Xu Hướng Vận động Của Chủ Nghĩa Tư Bản Hiện đại
-
Bản Chất Của Tư Bản
-
Nhận Diện Bản Chất Của Chủ Nghĩa Tư Bản Ngày Nay
-
Bản Chất Của Tư Bản. Sự Phân Chia Tư Bản Thành Tư Bản Bất Biến Và ...
-
CHÍNH TRỊ: BÀI 4 BẢN CHẤT CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA ...
-
Bàn Luận Về Bản Chất Của Chủ Nghĩa Xã Hội Qua Bài Viết Của Tổng Bí ...
-
Bản Chất Của Khủng Hoảng Kinh Tế Trong Chủ Nghĩa Tư Bản
-
Một Số Vấn đề Lý Luận Và Thực Tiễn Về Chủ Nghĩa Xã Hội Và Con ...
-
Chủ Nghĩa Mác - Lênin, Tư Tưởng Hồ Chí Minh Là Nền ... - Sinh Viên
-
[PDF] Chủ Nghĩa Tư Bản Là Gì?
-
Quan Niệm Duy Vật Về Lịch Sử Xuất Phát Từ Luận điểm Cho Rằng Sản ...