Nhận Thức Về Chức Năng, Nhiệm Vụ Của Ban Dân Vận Các Cấp Trong ...

Công tác dân vận có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi là cương lĩnh của Đảng về công tác dân vận. Qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta đều có các nghị quyết chuyên đề về dân vận như nghị quyết về đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác dân tộc, tôn giáo, về công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, doanh nhân, người Việt Nam ở nước ngoài… để định hướng lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận.

Trong hệ thống các ban chuyên môn của Trung ương Đảng, các cấp ủy đảng, Ban dân vận có vai trò, vị trí quan trọng và được xác định là ban xây dựng Đảng để tham mưu cho Trung ương, cấp ủy các cấp về công tác dân vận của Đảng.

1. Về chức năng của Ban dân vận

Theo Quyết định số 78-QĐ/TW ngày 10/4/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI), Quyết định số 219-QĐ/TW, Quyết định số 220-QĐ/TW ngày 27/12/2013 của Ban Bí thư (khóa XI): Ban Dân vận Trung ương là cơ quan tham mưu cho Trung ương Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, chính sách, giải pháp lớn về công tác dân vận. Ban Dân vận Tỉnh ủy và tương đương, huyện ủy và tương đương là cơ quan tham mưu của cấp ủy, trực tiếp và thường xuyên là Ban thường vụ, Thường trực cấp ủy về công tác dân vận của Đảng, trong đó có công tác dân tộc, công tác tôn giáo; đồng thời Ban dân vận là cơ quan chuyên môn nghiệp vụ về công tác dân vận của cấp ủy.

Như vậy, chức năng chủ yếu của Ban dân vận là vừa tham mưu chủ trương, chính sách vừa tham mưu việc tổ chức, triển khai thực hiện công tác dân vận của Đảng. Hai nội dung này có quan hệ mật thiết với nhau: có tham mưu chủ trương đúng thì tham mưu triển khai tổ chức thực hiện công tác dân vận mới có hiệu quả; ngược lại, có tham mưu biện pháp, giải pháp sát đúng thực tiễn, sáng tạo thì mới tham mưu đưa được chủ trương, chính sách về dân vận vào cuộc sống.

2. Về nhiệm vụ của Ban dân vận

Cũng theo Quyết định số 78-QĐ/TW, ngày 10/4/2012 của Bộ Chính trị, Quyết định 219-QĐ/TW và Quyết định 220-QĐ/TW, ngày 27/12/2013 của Ban Bí thư, thì lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ban dân vận các cấp phải thực hiện tốt các nhiệm vụ:

Trước hết là nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của ban dân vận các cấp, đặc biệt là Ban Dân vận Trung ương.

Nội dung, phạm vi nghiên cứu của ban dân vận các cấp để tham mưu, kiến nghị cho Trung ương, cho cấp ủy là rất rộng lớn. Để nghiên cứu đạt kết quả tốt, ban dân vận phải khảo sát, điều tra, sơ kết, tổng kết thực tiễn, sâu sát cơ sở, sâu sát nhân dân, tham khảo kinh nghiệm các địa phương, kể cả nước ngoài, gắn với nghiên cứu lý luận thì mới tham mưu, đề xuất có cơ sở khoa học và thực tiễn.

Trong tình hình mới, sự biến động về số lượng, chất lượng các tầng lớp nhân dân; nhất là những tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, bùng nổ thông tin và sự phá hoại của các thế lực thù địch đang hàng ngày, hàng giờ ảnh hưởng đến các tầng lớp nhân dân như giai cấp công nhân, người lao động, đội ngũ trí thức, doanh nhân, thanh niên, phụ nữ… là rất lớn, đòi hỏi sự năng động, nhạy bén trong đánh giá, dự báo để tham mưu cho Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng, kịp thời, đặc biệt không để xảy ra “điểm nóng”, góp phần quan trọng ổn định chính trị. Nghiên cứu, đề xuất cho Trung ương, cho cấp ủy tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt nghiên cứu mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Đây là mối quan hệ được Đảng ta xác định là mối quan hệ “mật thiết”, mối quan hệ “cá nước”, mối quan hệ “máu thịt”, mối quan hệ sống còn vì Đảng ta từ nhân dân mà ra, vì lợi ích của nhân dân, có dân là có tất cả. Ban dân vận các cấp có nhiệm vụ thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho cấp ủy những biện pháp, giải pháp để củng cố, tăng cường mối quan hệ “máu thịt” này.

Từ trước đến nay, Đảng ta rất quan tâm đến việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân nhưng để vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh thì ban dân vận các cấp phải có trách nhiệm tham gia, góp ý với các cơ quan chức năng để tiếp tục kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước thể chế hóa phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành các văn bản quy phạm pháp luật để người dân được làm chủ trên thực tế tốt hơn.

Nước ta là một quốc gia đa dân tộc, tôn giáo, vì thế nghiên cứu để phát huy văn hóa, truyền thống, để tham mưu xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân là nhiệm vụ rất quan trọng của hệ thống chính trị, trong đó ban dân vận có trách nhiệm chủ yếu.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân có hiệu quả là một yêu cầu nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Trong đó, ban dân vận phải phối hợp nghiên cứu tham mưu cho Trung ương, cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo. Song song với việc nghiên cứu các nội dung trên, ban dân vận cấp ủy các cấp phải nghiên cứu sâu sắc các nghị quyết, quyết định, quy định, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến người dân, đến công tác dân vận; đặc biệt là bài báo “Dân vận” của Bác Hồ, Nghị quyết số 25-NQ/TW (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”…, đồng thời tham gia ý kiến việc thể chế hóa các nghị quyết về dân vận của cơ quan chính quyền các cấp. Thực tế, các nghị quyết của Đảng chỉ có thể thực hiện có hiệu quả khi được Nhà nước thể chế hóa thành chính sách, pháp luật, thành các đề án, dự án để chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Một nhiệm vụ được cấp ủy các cấp rất quan tâm là phối hợp theo dõi, tổng hợp tình hình nhân dân như tình hình dân tộc, tôn giáo, các giai tầng xã hội, các vấn đề bức xúc trong nhân dân để báo cáo, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư (đối với Ban Dân vận Trung ương), cho cấp ủy (đối với ban dân vận các cấp) lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Hiện nay, người Việt Nam ở nước ngoài có trên 4,5 triệu người và có xu hướng ngày càng tăng nhanh, đòi hỏi việc tham mưu, tập hợp, vận động để bà con hướng về xây dựng đất nước phải làm tốt hơn. Ban Dân vận Trung ương được Bộ Chính trị giao chủ trì hoặc tham gia, phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất vấn đề này là một nhiệm vụ mới mẻ, nặng nề.

Trên cơ sở làm tốt công tác nghiên cứu để đề xuất đưa mục tiêu, chương trình công tác dân vận vào dự thảo nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tham mưu, đề xuất giúp cấp ủy ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác vận động quần chúng, đề xuất ban hành các quy định, quy chế, về chương trình công tác dân vận toàn khóa, về kế hoạch kiểm tra hằng năm và sơ kết, tổng kết các nghị quyết, các văn bản của Đảng, Nhà nước về dân vận sau 5 năm, 10 năm…

Về nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận thì nhiệm vụ hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ công tác dân vận cho các cấp, các ngành là rất cần thiết để mọi người hiểu đúng, làm đúng.

Nội dung hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của ban dân vận các cấp chủ yếu là công tác dân tộc, công tác tôn giáo, công tác dân vận của chính quyền, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, hướng dẫn thực hiện hoặc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định của Đảng, việc quản lý tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng… Đi đôi với việc hướng dẫn, phải tăng cường tham mưu cho cấp ủy xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng về dân vận như kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW (khóa XI), các nghị quyết chuyên đề về dân vận, Quyết định 290-QĐ/TW (khóa X), Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI)… Đồng thời tham mưu cho cấp ủy kiểm tra các cơ quan nhà nước trong việc thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, quyết định của Đảng về công tác dân vận, về phát huy quyền làm chủ của nhân dân….

Để nội dung hướng dẫn ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện thì ban dân vận các cấp phải nắm rất chắc nội dung cần hướng dẫn, đồng thời phải sát thực tế ở địa phương, cơ sở khi ban hành văn bản. Nhiệm vụ kiểm tra, giám sát có chất lượng cao hay thấp tùy thuộc vào xác định nội dung cần kiểm tra, giám sát để tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo; đồng thời ban dân vận phải bố trí cán bộ có kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực đó và tranh thủ ý kiến góp ý của chuyên gia, cán bộ chuyên ngành trước khi thực hiện kiểm tra, giám sát. Nếu thấy cần thiết, phải tham mưu cấp ủy để mời cán bộ có kiến thức, kinh nghiệm về nội dung cần kiểm tra, giám sát tham gia đoàn công tác thì kết quả sẽ tốt hơn.

Về nhiệm vụ thẩm định, thẩm tra

Ban dân vận các cấp được giao nhiệm vụ thẩm định, thẩm tra các đề án về công tác dân vận, chủ yếu là các đề án của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp. Tham gia thẩm định, thẩm tra các đề án thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… có liên quan mật thiết đến nhân dân như các chương trình: xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, các đề án liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân và công tác dân vận của HĐND, UBND.

Để nội dung thẩm định, thẩm tra có chất lượng, hiệu quả, kịp tiến độ thời gian mà các tổ chức gửi văn bản thẩm định, thẩm tra đề nghị, ban dân vận các cấp cũng phải phân công chuyên gia, cán bộ am hiểu sâu về lĩnh vực đề án nghiên cứu, tham mưu góp ý cho lãnh đạo ban có ý kiến cuối cùng. Nếu đề án có nội dung khó, ban dân vận các cấp cần tổ chức tọa đàm, hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia, các ngành, đơn vị khác góp ý trước khi phúc đáp.

Về nhiệm vụ phối hợp

Ban dân vận các cấp có nhiệm vụ phối hợp với ban tổ chức của cấp ủy trong việc tham mưu quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và việc thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ban dân vận cấp ủy; tham gia ý kiến về công tác dân vận của cấp ủy trực thuộc theo phân cấp quản lý. Chủ trì phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan trong các hoạt động chung về công tác dân vận, công tác nghiên cứu, kiểm tra, tuyên truyền, vận động, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ… Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Về quan hệ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của ban dân vận các cấp là mối quan hệ phối hợp, nhưng ban dân vận có nhiệm vụ tham mưu trực tiếp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư (đối với Ban Dân vận Trung ương), cho cấp ủy (đối với ban dân vận cấp ủy các cấp) để Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Ngoài nhiệm vụ phối hợp trên, Ban Dân vận Trung ương được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ “định kỳ 6 tháng tổ chức giao ban công tác dân vận trong khối dân vận Trung ương và ban dân vận các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương”.

Theo quan điểm của Đảng ta: “Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt”(1). Vì thế, ban dân vận chỉ có thể tham mưu tốt cho cấp ủy khi thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phối hợp với các ban, bộ, ngành trong công tác dân vận, nhất là trách nhiệm của các đồng chí trưởng ban. Như sự phân công của Trung ương, trong giai đoạn hiện nay, việc phối hợp với các ngành chức năng khối nhà nước để làm tốt công tác dân vận của chính quyền là rất quan trọng, vì mọi hoạt động liên quan đến người dân đều thông qua hoạt động của các cơ quan nhà nước các cấp.

Về thực hiện một số nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao

Ban Dân vận Trung ương được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực Hội đồng công tác quần chúng Trung ương. Hội đồng có chức năng tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quần chúng. Đồng thời cũng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Ban có chức năng tham mưu cho Trung ương về những chủ trương, giải pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở.

Đối với ban dân vận các cấp, chủ yếu được cấp ủy giao nắm tình hình hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng ở địa phương, nắm tình hình tôn giáo, dân tộc, các “điểm nóng”, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác dân vận của chính quyền và các đề án đột xuất khác liên quan đến công tác dân vận…

Nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thẩm định và phối hợp có mối quan hệ mật thiết với nhau. Thực hiện tốt nhiệm vụ này là tạo điều kiện làm tốt nhiệm vụ kia và ngược lại.

Thước đo đánh giá ban dân vận các cấp là mức độ hoàn thành các nhiệm vụ được giao, là các đề án, các văn bản tham mưu, đề xuất Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, được cấp ủy thông qua, chấp nhận, được cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị, các ngành, các cấp thực hiện.

Để có thể hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, trước hết cán bộ lãnh đạo, chuyên viên công chức, viên chức, người lao động của ban dân vận các cấp phải nỗ lực, phấn đấu, tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Đặc biệt, lãnh đạo ban dân vận các cấp, nhất là đồng chí trưởng ban, phải chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nghiên cứu chuyên sâu để đội ngũ này vừa nghiên cứu lý luận, vừa tổng kết thực tiễn nhằm tham mưu trực tiếp cho lãnh đạo ban có chất lượng, hiệu quả cao hơn.

Ngoài sự nỗ lực của ban dân vận các cấp, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của cấp ủy đối với công tác dân vận có ý nghĩa quyết định; Trung ương Đảng, cấp ủy đảng cần tạo điều kiện, tăng cường cho ban dân vận các cấp cả về tổ chức bộ máy, cán bộ, kinh phí, phương tiện hoạt động. Xác định đúng ban dân vận là một ban xây dựng Đảng có chức năng tham mưu chủ yếu về công tác dân vận của Đảng - một nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo một số nơi cấp ủy còn thiếu quan tâm công tác dân vận của Đảng.

Nhận thức đầy đủ, sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ của mình theo Quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là tiền đề quan trọng để Ban Dân vận Trung ương và ban dân vận các cấp làm tốt công tác tham mưu cho Đảng trên lĩnh vực quan trọng này.

1. Nghị quyết 25-NQ/TW (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.

Từ khóa » đan Vân Sơ