Nhân Tố Tác động đến Sự Phát Triển Thanh Toán Không Dùng Tiền Mặt ...
Có thể bạn quan tâm
Tóm tắt: Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ cả về chất và lượng của nền kinh tế đã khiến hoạt động thanh toán bằng tiền mặt không còn đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cần ứng dụng một hình thức thanh toán thuận tiện hơn, an toàn hơn. Song hành cùng sự phát triển của hệ thống tài chính - ngân hàng, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ngày càng mở rộng về quy mô và loại hình giao dịch. Không thể phủ nhận, khi TTKDTM được khuyến khích và đưa vào như một phương thức thanh toán chính yếu trong xã hội, đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, nó sẽ tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng và trơn tru hơn. Song bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố rủi ro trong quá trình vận hành. Bài viết chỉ ra một số nguyên nhân tác động đến sự phát triển bền vững của hoạt động TTKDTM trong nền kinh tế số.
Factors affecting the development of non-cash payment in the digital economy
Abstract: The drastic development of the economy has made cash payment no longer meet needs of people. Therefore, it is necessary to apply a more convenient and safer form of payment. Non-cash payment activities are increasingly expanding in terms of types as well as volumes of transactions. Undeniably, when cashless payment develops, it brings many benefits to promote sustainable economic development. Non-cash payment will create transparency in transactions. Money flow is circulated more clearly and smoothly. But it still has many risk factors in operation. This paper points some causes affecting sustainable development of non-cash payment activities in the digital economy.
I. Đặt vấn đề
TTKDTM được hiểu là hình thức thanh toán thông qua các phương tiện khác không phải tiền mặt như tài sản, chứng chỉ có giá trị tương đương. Nghĩa là, người tiêu dùng có thể sử dụng các giấy tờ có giá, tài sản hữu hình (không phải vàng, bạc) hoặc sử dụng công cụ để thanh toán, nhưng chủ yếu thông qua các tổ chức tín dụng thay vì người tiêu dùng và người bán trực tiếp trao đổi với nhau như hiện nay. Bản chất của hình thức TTKDTM chính là trực tiếp làm giảm lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế.
Có thể thấy việc thúc đẩy TTKDTM được xem là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm đảm bảo an toàn trong các giao dịch, mang lại tiện ích cho người dân và tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong giai đoạn vừa qua hoạt động TTKDTM vẫn chưa đạt được hết kỳ vọng phát triển trông đợi.
II. Thực trạng phát triển TTKDTM trong nền kinh tế số
TTKDTM có vai trò đặc biệt quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia và cả nền kinh tế. Việc đẩy mạnh TTKDTM góp phần không nhỏ trong nâng cao khả năng tiếp cận tài chính và thúc đẩy tài chính toàn diện. Bên cạnh đó, các chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt được giảm đã góp phần vào công tác quản lý thuế, phòng, chống tội phạm, tham nhũng, các vấn đề về gian lận lợi ích. Việc được trang bị thêm các kênh giao dịch tiện ích giúp cho các nguồn vốn trong xã hội được luân chuyển một cách an toàn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí, thời gian... Chính vì vậy, trong thời gian qua, chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách định hướng cũng như hỗ trợ sự phát triển của hoạt động TTKDTM.
Ngày 30/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Đề án đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành chức năng và các địa phương, nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về TTKDTM trong nền kinh tế, thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt sang sử dụng các phương tiện TTKDTM, phương thức thanh toán điện tử. Trên cơ sở đó, đối với các khu vực dịch vụ công, Chính phủ cũng đã hỗ trợ thúc đẩy tiến trình TTKDTM bằng việc triển khai Chính phủ điện tử, cung ứng dịch vụ công cấp độ 3, 4. Cụ thể đến ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng với dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội,… Tại Nghị quyết số 02/2019/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Chính phủ đã yêu cầu đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Như vậy, trong toàn bộ giai đoạn 2016-2020, dưới sự nỗ lực của Chính phủ, hoạt động TTKDTM đã có sự cải tiến cả về chất và lượng với nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới. Cụ thể:
(1) Hạ tầng kỹ thuật và công nghệ thanh toán - bệ đỡ cho TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử được đầu tư, nâng cấp theo hướng tập trung, hiện đại. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống điện tử liên ngân hàng tăng 4,48%, giá trị giao dịch tăng 17,07% so với cùng kỳ năm trước. Hệ thống Napas cũng có những kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng trên 100% về số lượng và trên 137% về giá trị so với cùng kỳ. Tính đến nay, trên toàn quốc có khoảng gần 20.000 ATM và 280.000 POS, 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 47 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động.
(2) Hoạt động thanh toán qua ví điện tử ngày càng thu hút và chiếm tỷ trọng cao. Tính đến hết ngày 25/5/2021, đã có 43 tổ chức không phải là ngân hàng được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó 36 tổ chức đã cung ứng dịch vụ ví điện tử trên thị trường (theo Vụ Thanh toán - NHNN). Quy mô thanh toán qua Internet, điện thoại di dộng hay mã QR liên tục tăng cao, đặc biệt kênh thanh toán qua mã QR tăng 92% về số lượng và 161% về giá trị chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021.
(3) Thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công đã được chú trọng, tăng cường. Tính đến cuối tháng 6/2020, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) đã hoàn thành kết nối thanh toán điện tử liên ngân hàng tại 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; kết nối với Tổng cục Hải quan có 30 ngân hàng tham gia nộp thuế điện tử và thông quan 24/7; số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt tỷ lệ trên 95% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; hơn 30 bệnh viện triển khai đăng ký kết nối thu viện phí thông qua thanh toán điện tử. Tại các thành phố lớn, nhiều trường học đã vận hành hệ thống thanh toán học phí qua ngân hàng. Thanh toán các dịch vụ thiết yếu như điện, nước đặc biệt tăng trưởng về quy mô với hơn 90% tỷ trọng thanh toán.
(4) Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo việc xây dựng và chính thức vận hành Hệ thống thanh toán bù trừ tự động các giao dịch bán lẻ từ tháng 7/2020 (ACH). Với việc xử lý giao dịch đa kênh, hoạt động liên tục 24/7, hoạt động triển khai này hỗ trợ người sử dụng tối ưu nhu cầu. Tiêu chuẩn xây dựng hạ tầng ACH dựa trên ISO 20022 dễ dàng mở rộng nhanh và tích hợp giữa các hệ thống.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua, với những sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích cùng nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ thiết thực đã tạo thuận lợi và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ TTKDTM, qua đó góp phần hạn chế tiếp xúc, ngăn ngừa sự lây nhiễm dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, trong suốt năm 2020 cho đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng hoạt động thanh toán vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Giữa bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID -19, NHNN đã có những chỉ đạo kịp thời theo thẩm quyền về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, NHNN đã 2 lần liên tiếp chỉ đạo Napas, các NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán và phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến. Theo đó, hàng loạt ngân hàng đã thực hiện các chính sách miễn phí chuyển tiền trên App trong hệ thống nội bộ của ngân hàng, hoặc thậm chí là chuyển đến ngân hàng khác, đặc biệt là với những món chuyển tiền giá trị nhỏ. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng (trong đó lần 1 là 517 tỷ đồng và lần 2 là 487 tỷ đồng). Mới đây nhất, ngày 30/7/2021, NHNN chỉ đạo Napas tiếp tục giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho các giao dịch trên ATM, POS; giảm phí tối thiểu 75% phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho các giao dịch chuyển khoản ngân hàng từ ngày 1/8 – 31/12/2021. Các TCTD điều chỉnh giảm phí giao dịch trên ATM, POS xử lý qua Napas và phí giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 cho khách hàng với mức giảm tối thiểu bằng mức giảm phí mà Napas đã điều chỉnh giảm.
Từ những kết quả đạt được có thể thấy, trong giai đoạn vừa qua TTKDTM đã và đang khẳng định được vai trò trong nhiều mặt của cuộc sống.
III. Các nhân tố tác động đến sự phát triển TTKDTM trong nền kinh tế số
Mặc dù được chính phủ vô cùng quan tâm tạo điều kiện, song có thể thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì tốc độ phát triển TTKDTM chưa tương xứng với kỳ vọng, đặc biệt là sự chênh lệch trong phát triển ở những khu vực trung tâm và khu vực xa trung tâm từ đó đặt ra thách thức làm sao để phát triển bền vững hoạt động TTKDTM trong nền kinh tế số. Có thể xác định một số nguyên nhân như sau:
- Thứ nhất, mặc dù đã được cải thiện nhiều và liên tiếp đưa ra những văn bản quy phạm hướng dẫn cũng như điều chỉnh nhưng hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán điện tử vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ. Các quy định còn bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, nhiều dịch vụ mới ra đời nhưng hành lang pháp lý chưa được thiết lập cụ thể (như tiền kỹ thuật số, tiền điện tử…) để tạo môi trường phát triển dịch vụ và hình thành cơ chế bảo vệ các chủ thể, khách thể trong hoạt động cũng như xây dựng quy trình giải quyết tranh chấp hiệu quả, khách quan.
- Thứ hai, thói quen, tâm lý của người dân vẫn còn e ngại trong việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt ở các khu vực nông thôn, việc sử dụng TTKDTM gần như còn rất mới mẻ đối với đại đa số người dân.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số tài khoản thanh toán là 88,5 triệu tài khoản, thấp hơn tổng dân số và con số này tập trung ở một nhóm dân cư nhất định, khoảng 35%. Như vậy, còn 65% dân số chưa có tài khoản ngân hàng. Đối với người có tài khoản ngân hàng, lượng tiền mặt sử dụng trong giao dịch mua, bán vẫn nhiều hơn qua tài khoản. Nguyên nhân là do tâm lý e ngại khi cung cấp thông tin cá nhân để thanh toán, sợ bị ăn cắp thông tin, bị tin tặc hack tài khoản và mất tiền.
Theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) năm 2019, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 98% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền. Chỉ tiêu tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn còn cao so với mục tiêu đã đề ra tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg (đến ngày 31/12/2019 là 11,33%).
- Thứ ba, vấn đề an toàn trong bảo mật tài khoản và thanh toán cũng là một rào cản đáng kể trong việc đẩy nhanh tốc độ TTKDTM. Thực tế, TTKDTM mang lại nhiều lợi ích vượt trội nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng, trong đó có vấn đề về rủi ro trong thanh toán, tính bảo mật, an toàn dữ liệu người dùng. Đã có những trường hợp cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ thanh toán bị rò rỉ, ăn cắp thông tin hay bị tống tiền, lừa đảo bởi các tin tặc. Vì vậy, cho rằng sử dụng TTKDTM trên các ứng dụng là thiếu an toàn, thao tác phức tạp đã khiến nhiều người nảy sinh tâm lý kháng cự trong thay đổi, đặc biệt đối với nhóm khách hàng từ độ tuổi trung niên trở lên.
- Thứ tư, cơ sở hạ tầng và sự kết nối, tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán còn có những hạn chế nhất định. Cụ thể, giữa các trung gian thanh toán và đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ còn thiếu đồng bộ. Càng những khu vực xa trung tâm thì điều ấy lại càng thể hiện rõ. Bên cạnh đó, mua bán hàng hoá ở khu vực nông thôn chủ yếu vẫn theo hình thức trực tiếp tại cửa hàng, mang tính nhỏ lẻ, bản thân các cơ sở cung ứng hàng hoá có quy mô vốn và sự đầu tư hạn chế.
Hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động TTKDTM còn chưa có tính tích hợp, chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, các tổ chức tài chính (gồm ngân hàng, trung gian thanh toán và ví điện tử) đều xây dựng hệ thống trang thiết bị thanh toán riêng tại một điểm chấp nhận thanh toán, do vậy, vừa lãng phí lại không tận dụng được hạ tầng chung. Các hình thức thanh toán mới như max QR, sinh trắc học... bắt đầu phát triển nhưng chưa được quy hoạch, đánh giá để triển khai diện rộng.
Việc TTKDTM hiện nay còn thiếu đồng bộ giữa các trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Các ngân hàng và công ty Fintech chịu trách nhiệm lớn về việc cung cấp các phương tiện thanh toán cho người dân, nhưng các đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa mới là nơi để người dân thực hiện việc TTKDTM chưa nhiều. Tại nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa, người dân vẫn chưa thể áp dụng các phương tiện TTKDTM...
- Thứ năm, đối với các khu vực dịch vụ công:
Kết nối giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ công và ngân hàng còn chưa đồng bộ và chưa được triển khai ở tất cả các khu vực dịch vụ công trên toàn quốc mà chủ yếu tập trung trong một nhóm, hoặc những khu vực nhất định. Việc kê khai các dịch vụ công điện tử còn khó khăn, chưa có hướng dẫn chi tiết hoặc có nhưng là khó hiểu/khó sử dụng đối với đại đa số dân cư.
Nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ công ngay ở khu vực thành phố cũng chưa triển khai, hoặc triển khai hạn chế các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt do chưa có hệ thống dữ liệu tập trung, chuẩn hoá (như các trường học công lập, bệnh viện,…)
Chưa có cơ chế tài chính cho phép các đơn vị cung ứng dịch vụ công trả phí dịch vụ thanh toán cho ngân hàng để bù đắp chi phí đầu tư và cung ứng dịch vụ dẫn đến khó khăn cho cả ngân hàng cũng như các đơn vị cung ứng dịch vụ công trong việc hợp tác triển khai dịch vụ.
IV. Một số giải pháp và khuyến nghị
Phát triển TTKDTM và những lợi ích của nó là không thể phủ nhận đối với sự phát triển của nền kinh tế. Để tiếp tục thúc đẩy phát triển TTKDTM, thanh toán điện tử đạt được các mục tiêu của Quyết định 2545/QĐ-TTg, trong thời gian tới, cần tiếp tục bám sát các giải pháp nêu ra tại Quyết định 2545/QĐ-TTg và Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:
- Một là, đối với vấn đề pháp lý và sự hỗ trợ từ chính phủ:
Thực hiện rà soát, nghiên cứu, ban hành các chính sách thích hợp hỗ trợ hoạt động TTKDTM. Cần có những quy định cụ thể liên quan đến cơ chế tài chính và phí tham gia của các bên liên quan trong một giao dịch thanh toán (đặc biệt là với những giao dịch trong khu vực dịch vụ công). NHNN chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ việc triển khai các mô hình dịch vụ thanh toán mới để kịp thời đảm bảo công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia (hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng); hoàn thiện Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ để đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng. Tiếp tục hoàn thiện và phổ biến ứng dụng các giải pháp xác thực, nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử (ekyc) để thúc đẩy tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trong hoạt động TTKDTM, thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, đảm bảo hoạt động an ninh, an toàn, hiệu quả.
Hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của các tổ chức tín dụng với hạ tầng của các cơ quan cung ứng dịch vụ công để đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ vào thanh toán nhằm giảm tải lượng tiền mặt.
Phối hợp với NHNN triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng và triển khai Chiến lược Quốc gia về Tài chính toàn diện tại Việt Nam; Thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ.
Xã hội hoá trong việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với cả những người nhận lương hưu, nhận chế độ bảo hiểm xã hội.
- Hai là, các giải pháp liên quan đến việc thay đổi thói quen và nhận thức của người dân:
Tiền mặt là một công cụ được ưa chuộng trong thanh toán và từ lâu đã trở thành thói quen khó thay đổi của người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp. Để thúc đẩy TTKDTM, cần giúp người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này. Hiểu biết đầy đủ là động lực để mỗi người cảm thấy an toàn và thuận tiện trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng cung cấp, từ đó đưa ra quyết định lựa chọn phương thức thanh toán. Tại các quốc gia đang phát triển, trình độ dân trí còn hạn chế nên thói quen sử dụng tiền mặt đã ăn sâu bám rễ vào tiềm thức của dân chúng, việc triển khai TTKDTM gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, tại các nước phát triển mỗi công dân đều sử dụng tài khoản ngân hàng. Vì vậy, cần khuyến khích công dân mở tài khoản ngân hàng và trải nghiệm để nhận thấy sự thuận tiện và thoải mái khi sử dụng dịch vụ ngân hàng cung cấp. Tuyên truyền phát triển TTKDTM cần đồng bộ chứ không chỉ phát triển và tung hô ở một hoặc một vài hình thức thanh toán, tránh sự hiểu không đúng của đại bộ phận dân cư. Phổ biến kiến thức đơn giản và rõ ràng giúp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân, khuyến khích sử dụng các phương thức TTKDTM.
- Ba là, các giải pháp nhằm mở rộng, tăng trưởng hoạt động TTKDTM đối với các ngân hàng:
Tăng cường các hoạt động marketing hướng dẫn khách hàng mở tài khoản, giao dịch thanh toán qua các phương tiện điện tử.
Tích hợp thẻ của khách hàng để giảm thủ tục đăng ký mở thẻ và hướng tới sử dụng thẻ linh hoạt trong hệ thống ngân hàng. Chủ động liên kết với nhà mạng để thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của khách hàng sang các ví điện tử của khách hàng tại các thuê bao khi những dự án của nhà mạng được pháp luật cho phép.
- Bốn là, các giải pháp nhằm nâng cao tính an toàn trong sử dụng TTKDTM:
Một nền kinh tế muốn mạnh phải đi liền với hệ thống thanh toán hiện đại. Vì vậy, xây dựng một hệ thống thanh toán hiện đại là mục tiêu dài hạn của hệ thống tài chính Việt Nam. Hệ thống thanh toán được tổ chức tốt, an toàn làm tăng doanh số thanh toán và giúp dịch vụ thanh toán trở nên hoàn thiện hỗ trợ các hoạt động khác phát triển. Vì vậy, cần tăng cường các giải pháp quản lý an toàn như đảm bảo an ninh thẻ, tránh gian lận tài khoản giả, thẻ giả, sử dụng thẻ công nghệ thẻ chip với độ an toàn cao thay cho thẻ từ.
Với những giao dịch điện tử, cần tìm cách nâng cao tính an toàn đối với người sử dụng thông qua các hình thức xác thực hiện đại hơn. Nhiều ngân hàng hiện nay đã sử dụng các công nghệ tiên tiến như Smart OTP hay Soft OTP trong xác thực giao dịch điện tử để đảm bảo an toàn. Song với trường hợp liên kết các ví điện tử thì việc quản lý an toàn vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn. Vì vậy, giải pháp ở đây là cần thực hiện đồng bộ bắt buộc trong yêu cầu xác thực để được sử dụng ví điện tử và có các giới hạn trong thanh toán người dùng có thể đăng ký để tránh rủi ro xảy ra.
Tóm lại, muốn phát triển kinh tế toàn diện là phải phát triển đồng bộ cả về năng lực thanh toán và phương thức thanh toán. Hệ thống thanh toán có hiện đại mới thúc đẩy cả các quan hệ giao thương quốc tế. Vì vậy, cần xây dựng văn hoá TTKDTM trong toàn dân kết hợp với nâng cao chất lượng hệ thống thanh toán để TTKDTM thực sự trở thành một phần trong cuộc sống của mỗi người dân.
Tài liệu tham khảo:
- Chính phủ (2019), Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/1/2019, về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021;
- Lê Thị Thanh (2020), Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, thực trạng và giải pháp, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2020.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2019), Báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2019), Báo cáo kết quả 2 năm thực hiện đề án Thanh toán không dùng tiền mặt;
- Nguyễn Thanh Thảo (2020), Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2020;
- Phương Chi (2021), Phát triển đồng bộ hạ tầng thanh toán có tính kết nối nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ, Tháng 6/2021.
- Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020;
- Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 2545/QĐ-TTg, ngày 30/12/2016, phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016–2020;
- Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 241/QĐ-TTg, ngày 23/2/2018, phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng với dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội;
- Thủ tướng Chính phủ (2020), Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam;
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 17 năm 2021
Từ khóa » Thanh Toán Không Dùng Tiền Mặt Là Gì
-
THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT
-
Các Hình Thức Thanh Toán Không Dùng Tiền Mặt - Luật Hoàng Phi
-
Điều Kiện Về Chứng Từ Thanh Toán Không Dùng Tiền Mặt
-
Thanh Toán Không Dùng Tiền Mặt Là Xu Hướng Phát Triển Trên Thế Giới
-
[DOC] Sử Dụng Các Phương Tiện Thanh Toán Không Dùng Tiền Mặt để Quản ...
-
Thanh Toán Không Dùng Tiền Mặt Là Gì? Quy định Pháp Luật Về Dịch ...
-
Thanh Toán Không Tiền Mặt Là Gì? Các Hình Thức Thanh Toán ... - VinID
-
Các Hình Thức Thanh Toán Không Dùng Tiền Mặt ở Việt Nam
-
Thanh Toán Không Dùng Tiền Mặt - Sự Lựa Chọn An Toàn Trong Giao ...
-
Thanh Toán Không Dùng Tiền Mặt, Theo Pháp Luật Hiện Hành
-
Thanh Toán Không Dùng Tiền Mặt ở Việt Nam: Thực Trạng Và Giải Pháp
-
Thanh Toán Không Dùng Tiền Mặt Khó Phát Triển Nếu Thiếu Truyền Thông
-
Thanh Toán Không Tiền Mặt Là Gì Và Những Lợi ích Không Thể Phủ Nhận
-
Thanh Toán Không Dùng Tiền Mặt Quy định Thế Nào?