Nhàn Vân đình Trần Duy Vôn Và Sách đế Vương Bảo Giám

NHÀN VÂN ĐÌNH TRẦN DUY VÔN VÀ SÁCH ĐẾ VƯƠNG BẢO GIÁM

ĐỖ THỊ BÍCH TUYỂN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Cụ Nhàn Vân Đình Trần Duy Vôn mà chúng tôi muốn nhắc tới ở đây là một người sống rất gần thế hệ chúng ta. Cụ nguyên là cộng tác viên của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, từng phụ bút viết bài cho báo Nam Phong hồi đầu thế kỷ XX và là người có vốn kiến thức phong phú về Hán Nôm và lịch sử. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, việc sử dụng chữ Hán không nhiều nên cụ đã về quê viết sách, vui thú điền viên. Sau này, Uỷ ban khoa học xã hội có nhu cầu dịch chữ Hán, nhất là nhóm các cụ Phạm Trọng Điềm, Trần Văn Giáp tìm thấy bản Quốc âm thi tậpcủa Nguyễn Trãi có về tận quê làng Quần Phương để gặp cụ. Sau này, cụ Trần Duy Vôn có nhường lại cả nguyên bản chữ Nôm cho Ban Hán Nôm và chính cụ khi xem bản này đã còn để lại rất nhiều bút tích. Năm 1970, Ban Hán Nôm được thành lập, cụ đã được đón về làm cộng tác viên thường trú. Cụ đã tham gia phiên dịch, biên tập nhiều bộ sách giúp ban Hán Nôm, dạy Hán Nôm cho lớp chuyên tu Hán Nôm khoá 2 của Uỷ ban Khoa học xã hội. Khi Viện Nghiên cứu Hán Nôm được thành lập, cụ đã có một thời gian cống hiến cho viện(1). Trong cuốn sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm - 30 năm xây dựng và phát triển đã ghi nhận, cụ Trần Duy Vôn từng tham gia công tác ở Ban Hán Nôm và Viện Nghiên cứu Hán Nôm, từng biên soạn và biên tập nhiều cuốn sách. Năm 1979, cụ lâm bệnh nặng và qua đời, song những gì cụ còn để lại cho Viện thì thật đáng trân trọng.

Ở chuyên luận này, chúng tôi muốn nói tới cụ với tư cách là một tác gia Hán Nôm của thế kỷ XX. Trong thời gian sống và làm việc, cụ đã trước tác, biên tập, sưu tập nhiều đầu sách Hán Nôm. Không kể số sách cụ gửi tặng bạn bè thân hữu hoặc còn lưu lại ở quê hương cho con cái, chỉ riêng ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi đã tìm thấy 12 tên sách do cụ biên tập, khảo cứu. Có thể liệt kê như sau:

1. Đại Nam cao tăng liệt truyện, kí hiệu VHb.313

Sách gồm 2 phần: Truyện về các Cao tăng Việt Nam và Khảo về Phật giáo du nhập vào Việt Nam (được trích từ báo Nam Phong).

2. Đại Nam Gia Long thực lục, kí hiệu VHv.2949

Chép lại sử thời kỳ Gia Long vào năm Bảo Đại 13 (1938)

3. Đế vương bảo giám, kí hiệu 314, biên soạn năm Bảo Đại 6 (1931).

Sưu tập các câu nói, lời bàn của Khổng Tử, Mạnh Tử, Đường Huyền Tông... về việc trị nước của các bậc đế vương, trích từ các sách như Luận ngữ, Mạnh Tử, Kinh Thi, Đường Quân thư...

4. Hà thành thi sao, kí hiệu VHb.319, biên tập năm 1975

Sưu tập các bài thơ viết về Hà Nội trong các sách Hoàng Việt thi tuyển, Truyền kỳ lục, Thăng Long cổ tích khảo... của các nhà thơ nổi tiếng như Trần Nguyên Đán, Phạm Sư Mạnh, Phạm Công Trứ...

5. Hồ Xuân Hương khảo tài liệu, kí hiệu VHb.320, biên tập năm 1974

Khảo cứu những bài viết và những tác giả nghiên cứu về Hồ Xuân Hương.

6. Khởi đầu sự lục, kí hiệu A.3093, biên tập năm Bảo Đại 8 (1933)

Ghi chép từ các sách cổ kim đông tây về những vấn đề như: Quốc thổ, tính thị, tôn giáo, thuật số, văn tự, quan chế, phong tục...

7. Nam thư mục lục, kí hiệu A.3098

Ghi mục lục 512 bộ sách của các tác gia Việt Nam từ Triều Lý đến triều Nguyễn, xếp theo thứ tự từng triều đại, từng tác giả.

8. Song quang thiền lục, kí hiệu VHb.321, biên soạn năm 1950

Ghi sự tích và di văn chùa Viên Quang và Thần Quang (được xây dựng từ triều Lý ở huyện Liên Thuỷ, Nam Định).

9. Số thứ loại biên, kí hiệu VHv.2964, biên tập năm 1946

Sách tra cứu thuật ngữ có mang chữ số về Nho, Phật, Gia tô..

10. Thiên tiên truyện khảo, kí hiệu A.3094, biên soạn năm Bảo Đại 10 (1935). Khảo về Công chúa Liễu Hạnh (một trong Tứ bất tử) gồm: 41 bài thơ, 6 bài văn tế, 27 câu đối, 1 văn bia, 1 giáng bút.

11. Trần vương khảo truyện, kí hiệu A.3095, biên khảo năm Bảo Đại 7 (1932)

Khảo cứu lịch sử, kê văn, tế văn, tự đối, bi ký, thi văn về Trần Hưng Đạo. Chép bài văn tế đền Vạn Kiếp do Nguyễn Bỉnh Khiêm soạn.

12. Việt Nam hiệu tước từ điển, kí hiệu VHv.2960, biên tập năm 1967.

Từ điển sắp xếp theo vần chữ cái La tinh dùng tra cứu miếu hiệu, thụy hiệu, lăng miếu, niên hiệu, tước hiệu của các nhân vật Việt Nam thời cổ. Có ghi tiểu sử của nhân vật.

Những sách đã liệt kê trên đây thiết nghĩ đều là những tư liệu rất cần thiết giúp cho chúng ta tra cứu các vấn đề về người xưa theo các chủ đề mà các sách đã biên soạn. Chẳng hạn cuốn Hà thành thi sao, tập hợp một cách tổng quát về những nhà thơ và những bài thơ xưa viết về Hà Nội; sách Khởi đầu sự lụcnêu ra các vấn đề về Quốc thổ, tính thị, phong tục; sách Việt Nam hiệu tước từ điển giúp tra cứu tên thuỵ hiệu của các nhân vật nổi tiếng thời cổ, rất đắc dụng cho những người mới làm công tác nghiên cứu Hán Nôm...

Đặc biệt, phải kể đến cuốn Đế vương bảo giám, kí hiệu VHb.314, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sách gồm 160 trang chữ Hán và một phần nhỏ chữ Nôm ở đầu sách; khổ 15x20cm, viết trên giấy dó, chữ viết chân phương đá thảo. Sách gồm 2 phần: Phần đầu giới thiệu sách, quá trình tiến dâng sách, bài biểu tiến sách và mục lục; Phần hai là phần chính, trích soạn 21 chương theo chủ đề, bao gồm các phần: Hành chính, Hiếu học, Tiến đức, Tự tỉnh, Cẩn ngôn, Hiếu niệm, Kính thiên, Pháp tổ, Mục tộc, Hiếu hiền, Bỉnh tín, Tiết kiệm, Thưởng phạt, Ngoại giao, Vũ bị, Viễn nịnh, Khứ sàm, Nạp gián, Minh sát, Ái dân, Dụng nhân.

Nguyên uỷ của sách này được cụ Trần Duy Vôn nói ở lời đề tựa như sau: Đế vương bảo giám được lấy trong sách cổ như kinh truyện, sử ký, chư tử. Phàm thuộc những việc của đế vương, phụng trích yếu, phân loại, biên tập nên. Trên viết nguyên văn, dưới dùng chữ Quốc ngữ dịch ra âm nghĩa. Tuy nhiên, quyển sách trên viết nguyên văn, dưới dùng Quốc ngữ như tác giả nói ở đầu sách hiện không còn nữa. Điều lý giải tại sao, chúng tôi đã tìm thấy ở cuối sách VHv.314 có mấy dòng viết bằng chữ Quốc ngữ (tiếng Việt) như sau: “Quyển sách trên đây nguyên viết 2 bản đủ nguyên văn chữ Nho dùng quốc ngữ (chữ Nôm) phiên âm dịch nghĩa đầy đủ, 1 cung tiến, 1 lưu lại ở nhà. Năm cải cách bị đội cải cách tịch thu. Nay chỉ còn bản sao chữ Nho sơ lược này do ông bạn Đặng Khê mua được mà cho lại.

Xuân Hà 1957

Nhàn Vân Đình cẩn chí

Tuy nhiên một điều đáng quý là ở bản VHb.314 này, cụ đã trình bày rõ ràng quá trình viết sách và dâng sách cho vua Bảo Đại. Hành trình của việc dâng sách phải trải qua nhiều cấp độ hành chính, cụ thể ở đầu sách cụ đã ghi tường tận như sau:

- Năm 1933 cụ đã viết 2 bộ sách, Đế vương bảo giám Mẫu nghi thiên hạ.

- Ngày 15-9-1941 Gửi hai bộ sách viết bằng hai thứ tiếng: Hán và Nôm đưa lên phủ đường Hải Hậu.

- Ngày 18-9-1941 Tri phủ Hải Hậu là Thị độc học sĩ Nguyễn Duy Sán chuyển lên Đốc thự bộ đường Nam Định. Công văn số 1387.

- Ngày hôm đó phụng lệnh của Tổng đốc Lương Văn Phúc chuyển lên chờ ở toà Chánh Công sứ.

- Ngày 22-9 Công sai đại thần Nam Định chuyển lên phủ Thống sứ Trung kỳ. Công văn số 1779.

- Ngày 27-9 Khâm sứ đại thần chuyển lên Bộ Nội vụ Nam triều. Công văn số 5127.

- Ngày 10-10 Hoàng thượng và Nam Phương Hoàng hậu loan giá về Bộ Nội vụ, Thượng thư cơ mật viện đại thần Quỳ tướng công Văn Tán dâng sách tiến vua ngự lãm. Công văn số 1331. Ngày hôm đó, phụng chỉ của Hoàng thượng, lệnh cho Sử quan ghi vào Sử ký.

- Ngày 16-12-1941 Văn phòng Cơ mật viện Phạm tướng công phụng chỉ dụ của Hoàng thượng phúc đáp Thượng thư Bộ Nội vụ: Hoàng thượng đặc ân sắc tặng Hàn lâm viện cung phụng và ban thượng cho Trần Duy Vôn. Công văn số 511. Nội dung của chỉ dụ này nguyên văn bằng tiếng Pháp, nhưng được tác giả dịch ra bằng chữ Nôm như sau:

Huế, ngày 16 tháng 10 năm 1941, Thư công văn số 511B-T Quan Thượng thư Cẩn lý Ngự tiền văn phòng tư đến Quan Nội vụ Thượng thư Huế.

Kính quan lớn!

Tiếp thư của ngài số 1391B, ngày mồng 1 tháng 10 năm 1941, do từ ấy Ngài có dâng lên Hoàng thượng do viên Trần Duy [] soạn ra, quán làng Quần Phương Thượng, phủ Hải Hậu tỉnh Nam Định. Tôi kính đến quan lớn rằng: Hoàng đế đã [ban] cho tác giả chức Hàn lâm viện cung phụng để được ân thưởng về sự đích đáng của viên ấy. Vậy tôi chuyển đính theo đây tờ khai lý lịch của tác giả xin quan lớn cho thừa hành ngay cái chỉ dụ của Hoàng thượng.

- Ngày 31-12-1941 Quan Nội vụ Thượng thư Huế đã có thư chuyển đến Khâm sứ Trung Kỳ trình bày rõ việc Trần Duy Vôn đã được Hoàng thượng đặc ân thưởng là Hàn lâm viện cung phụng.

- Ngày 27-1-1942 Quan Khâm sứ Trung Kỳ chuyển công văn đến quan Công sứ Nam Định

- Ngày 3-2-1942 Công sứ Nam Định chuyển đến Tổng đốc Nam Định

- Ngày 10-2 Tổng đốc Nam Định chuyển cho Tri phủ Hải Hậu.

- Ngày 13-2 Tri phủ Hải Hậu chuyển về làng Quần Phương (quê hương của tác giả).

Hành trình dâng sách diễn ra từ ngày 15-9-1941 qua nhiều cấp, song nhanh chóng được vua ngự lãm và đặc ân ban thưởng vào ngày 10tháng 10 năm 1941, tức là chưa đầy 1 tháng.

Sách còn ghi lại chỉ chuẩn cho cụ như sau:

Chuẩn Tòng cửu phẩm Văn giai Trần Duy Vôn (Nam Trực tỉnh Hải Hậu phủ Quần Phương Thượng xã) trước tác hữu công. Thưởng thăng cải thụ Hàn lâm viện cung phụng, đẳng nhân nhiếp thử tòng lục, tuân phụng. Tư lục giả.

Hàn lâm viện cung phụng Trần Duy Vôn báo chiếu.

Nghĩa là:

Chuẩn cho Tòng cửu phẩm Văn giai Trần Duy Vôn (người xã Quần Phương Thượng, phủ Hải Hậu tỉnh Nam Định) trước tác có công. Ban thưởng cho và thăng cho nhận chức Hàn lâm viện cung phụng, các ngươi hãy tuân lệnh và ghi vào. Tuân phụng. Nay ghi lại.

Hàn lâm viện Trần Duy Vôn y lệnh.

Sau chỉ dụ có kèm theo sắc văn như sau:

Sắc Tòng cửu phẩm văn giai Trần Duy Vôn trước tác hữu công. Tư Lại bộ thần thanh thỉnh chuẩn nhĩ thưởng thăng cải thụ Hàn lâm viện cung phụng. Khâm tai!

Bảo Đại thập lục niên thập nhất nguyệt thập tứ nhật

Thống sứ quan ấn tịnh kí.

Nghĩa là:

Sắc ban cho Tòng cửu phẩm văn giai Trần Duy Vôn, trước tác sách có công. Nay bộ Lại biết tiếng, xin cho phép thăng thưởng, đổi cho nhận chức Hàn lâm viện cung phụng. Kính lấy.

Ngày 14 tháng 11 năm Bảo Đại 16 (1941)

Quan Thống sứ đóng dấu và kí.

Phải thừa nhận rằng sách Đế vương bảo giám được biên soạn công phu, có thể giúp ích cho bậc quân vương trị nước. Những vấn đề mà sách đề cập không xa lạ nhưng thâm thuý mà thiết thực, từ việc dùng người hiền, xa người không có tài, xa người xiểm nịnh,... cho đến những vấn đề về chính sự, thưởng phạt, ... đã được tác giả trích dẫn một cách hợp lý, sâu sắc. Ở mỗi chương đều trích khoảng từ 12 đến 20 câu trong các sách kinh điển như: Tứ thư, Ngũ kinh, Chiến Quốc sách, Tả truyện, Quốc ngữ, Hàn Phi Tử, Bách gia chư tử..., các sách sử của Trung Quốc như Tống sử, Tuỳ sử, Đường sử... và một số câu trong Quốc sử như Cương mục chính biên, Đại Nam Gia Long thực lục....

Số sách kinh điển mà tác giả tham khảo và trích dẫn khiến chúng tôi thán phục. Qua quá trình khảo sát, chúng tôi tập hợp được 33 sách cổ Trung Hoa và lời của Bách gia chư tử được trích dẫn tuỳ theo nội dung của từng chương.

Những câu được chọn dẫn trong sách đều là những câu cách ngôn theo chủ đề, nhằm muốn giúp cho bậc cai trị đất nước tham bác, suy ngẫm và vận dụng trong việc cai trị đất nước, giữ yên muôn dân. Chẳng hạn, ở chương Hiếu học, cụ đề tựa rằng: Học phải gắn với thực hành. Giáo hoá dân chúng hình thành tập tục tất phải từ việc học. Vậy lấy Hiếu học làm chương thứ 2... Hay ở chương Hiếu niệm, cụ đề tựa: Chín chữ cù lao, một lòng nghĩ đến Hiếu. Đức Hiếu thật lớn lao thay. Cái lớn lao của thánh Thuấn là hiếu vậy...

Vào đầu thế kỷ XX, sách này được viết lên nhằm mục đích giúp cho bậc quân vương cai trị đất nước, còn đối với thế hệ trẻ đầu thế kỷ XXI ngày nay, thiết nghĩ là cuốn sách vừa để học vừa để dạy kinh điển rất đáng quý trọng.

Sách không có phần dịch ra chữ Quốc âm (chữ Nôm) như nguyên uỷ của cụ, nhưng ở phần Tiến thư biểu, cụ có ghi hai thứ chữ: Chữ Hán và chữ Nôm. Dưới đây, chúng tôi xin dẫn toàn văn Biểu tiến thư bằng chữ Nôm của tác giả để chúng ta hiểu rõ hơn về mục đích của cụ:

Thần Trần Duy Vôn, thưởng thụ Cửu phẩm văn giai, nguyên báo quán tòng sự, quán làng Quần Phương Thượng, tổng Quần Phương phủ Hải Hậu tỉnh Nam Định dập đầu trăm lạy, kính tâu:

Ngỡ thấy: Non sông có chủ, hoa cỏ đầy xuân; Gió Á mây Âu, bể học hỏi nghìn trùng mở rộng. Ngày có tháng Hán, nền văn đàn muôn nghĩa xây cao. Thần thực vui thực mừng, có biên dịch hai bộ sách trong những kinh, truyện, sử, tử và các cổ thư. Nhan là Đế vương bảo giám và Thiên hạ mẫu nghi(2), đằng tả trân trọng kính dâng. Phục dĩ

Đế vương trị thiên hạ lấy đạo học mà khôi trương, chính thể được trích trong nối sách làm căn cứ. Cổ kim kết bạn, thánh triết hun lòng. Thầm trộm nghĩ đông tây tuy hai, tâm lý cùng một, dầu cựu học hay tân học, tư tưởng hay nào có khác đâu. Nên cổ nhân các thánh nhân, tham cứu rộng vẫn là chỗ mới. Vua Huệ Đế trừ luật cắp sách(3); Vua Hiếu Minh ưa xem kinh nghệ(4). Bốn trăm năm nghiệp Hán lừng lẫy hoa phong, vua Thái Tổ mua các kì thư(5); Vua Thái Tông đọc Tỵ đến Thân(6). Mười tám đời triều Tống rỡ ràng văn vận, thủy chung nghĩ tới. Cao hậu nêu gương sáng triều Ân, tha thiết chẳng dời. Vũ công để danh lừng nước Vệ.

Các tiên đế trước về bản triều ta, Thị thư viện soạn bộ Cương mục chính biên. Trong khi sáng nghiệp gian nan, đức Thế Tổ mở coi không chán. Phạm Đình Lưu tiến tập Bang giao điển lệ. Trong buổi thư thành ninh ổn, đức Nhân Hoàng nhàn lãm làm vui. Dấu cũ còn truyền, vẻ nay thêm dạng. Kính duy Đức Hoàng đế bệ hạ: đức kịp Đường Ngu, học kiêm Âu Á. Nối nghiệp cũ, nước bốn nghìn năm cai trị vững ngôi cao; Dân ba nghìn triệu trông ngóng. Nào khi xa giá như Tây, hạt văn minh đem cả đất nhà. Tay từng lựa chọn, những lúc vũ mao tuần bắc, tranh phong hoá vẽ thêm mầu mới. Lòng luống ân cần, dòng hiền đức giúp thời, không kỳ phái cổ phái kim, cho sách báo xuất bản, chẳng hạn Văn hoa, Văn pháp, rộng lượng như trời như bể, hết [] bao hàm, thi ân như móc như mưa, gồm đều thấm nhuần. Bởi thế, anh tài cùng nối gót, miếu đường đầy Y Doãn, Chu Công. Năm chi ẩn dật phải ra đời, [] [] vịnh Hứa Do Sào Phủ. Lưới trời thu khắp, nhân vật tót nào.

Thần, sinh chốn hải tần, giữ chữ nghề nghi học. Ngoài mười năm theo đòi báo quán, tiêu dao cây bút cũ làm văn chương đạo nghĩa phô bày. Trên chín bệ thưởng tứ luân âm, vinh dực tấm thân hèn, đủ quốc sủng gia khánh thêu dệt. Tao phùng như thế, báo đáp dường sao. Hỏi [] trung thành, dám nay tấn tiến. Muôn mong thánh giám soi xa, phàm thư xem tới. Chữ sai ngoa, nghĩa thố ngộ, khoan thứ bao dung. Mầu huệ vũ, khí dương xuân nồng nàn thắm thệ, khiến thần được xem thiên ngưỡng thánh, đính đới cảm kích vô cùng. Thần tình dưới nồng thắm nỗi không xiết run sợ mong mỏi. Vậy xin có biểu kính dâng.

Ngày 24 tháng 7 năm Bảo Đại 16 (1941)

Thần Trần Duy Vôn lại khấu

Sách Mẫu nghi thiên hạ mà cụ Trần Duy Vôn nói đến ở trên hiện không còn. Ở cuối sách Đế vương bảo giám kí hiệu VHb.314 có thấy nhắc đến Thiên hạ mẫu nghi nhưng chỉ có phần mục lục, ngoài ra không có chút nội dung nào.

*

* *

Những bộ sách của cụ Trần Duy Vôn thiết nghĩ là những tài liệu rất quý đối với những cán bộ nghiên cứu Hán Nôm nhất là cán bộ trẻ. Đây có thể coi là những cẩm nang để tra cứu, tham khảo rất thiết thực. Ngày nay, chúng ta đã có trong tay nhiều quyển sách tra cứu tiện lợi như Tên tự, tên hiệu của các tác gia Hán Nôm(7), Lịch sử Phật giáo Việt Nam(8), Tứ thư tập chú(9) (bản dịch)..., nhưng thiết nghĩ sách Việt Nam hiệu tước từ điển, Đại Nam cao tăng liệt truyện, Đế vương bảo giám... của cụ rất đáng để chúng ta tham khảo. Cụ rất xứng đáng là một tác gia Hán Nôm của thế kỷ XX.

Chú thích:

(1)Nguồn tư liệu này do PGS.TS Nguyễn Tá Nhí cung cấp. Nhân đây, chúng tôi xin được cảm ơn.

(2)Xem lời giải thích ở phần dưới

(3) Ý này được soạn trong chương Hiếu học trích từ Hán-Phàn Chuẩn

(4) Ý này được soạn trong chương Hiếu học trích từ Tống sử.

(5) Ý này được soạn trong chương Hiếu học trích từ Tống sử

(6) Ý này được soạn trong chương Hiếu học trích từ Tống sử

(7) Trịnh Khắc Mạnh, Tên tự, tên hiệu của các tác gia Hán Nôm, Nxb KHXH, 2002

(8) Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Viện Triết học, Nxb KHXH, 1988

(9) Tứ thư tập chú, bản dịch, Nxb KHXH, 1998.

Tài liệu tham khảo:

1. Di sản Hán Nôm- Thư mục đề yếu, Nxb Khoa học xã hội, 1993

2. Đế vương bảo giám, VHb.314, Thư viện Viện Hán Nôm

3. Viện Nghiên cứu Hán Nôm - 30 năm xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứuHán Nôm, 2000

Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.592-603

Từ khóa » Chữ Hán Nôm Duy