NHÂN VĂN GIAI PHẨM | Duyên Anh
Có thể bạn quan tâm
CUỘC DẤY ĐỘNG TUYỆT VỜI CỦA CHỮ NGHĨA VIỆT NAM
Dẫu Nhân Văn giai phẩm đã chết, tư tưởng đối kháng tư tưởng cộng sản vẫn còn. Vì tư tưởng của Nhân Văn giai phẩm sống dai hơn những người sinh ra nó. Nó trường tồn, ít nhất cho đến khi con người, kể luôn con người mác xít được giải phóng khỏi những giáo điều khốn kiếp của chủ nghĩa và mệnh lệnh đê tiện của lãnh tụ
Giống hệt phát xít, người mác xít mắc chứng nan y. Đó là ung thư óc. Ung thư óc biến họ thành con người tự tôn sùng mình một cách buồn cười. Với họ, cộng sản là quê hương của loài người, chủ nghĩa của họ bách chiến bách thắng, giai cấp của họ siêu việt. Khi họ nhân danh chủ nghĩa phát biểu một cái gì, cho một quyền lợi nào, ở bất cứ đâu, họ đều vinh danh cái tuyệt đối đúng của họ và khẳng định nó là chân lý. Mọi bất đồng, mọi phản kháng bị chụp mũ lạc hậu, phản động. Nói về giai cấp vô sản, lãnh tụ luôn luôn ngậm nước hoa phun vào giai cấp của mình từ tóc xuống đến móng chân. Nhưng phê bình giai cấp đối kháng, nhất là giai cấp tiểu tư sản, thì họ cũng thừa khả năng ngậm nước cống vấy nhơ, bôi nhục. Đôi khi vì nhiệt tình giai cấp cao độ, họ vấy nhơ vung vít mà quên cả cái gốc tiểu tư sản lãng mạn của sư tổ Karl Marx và cái gốc tư sản khoáng đạt, tài hoa của bậc thầy Fiedrich Engels! Hình như Marx và Engels chưa một lần đầu hàng giai cấp vô sản. Marx vẫn nguyên vẹn tâm hồn tiểu tư sản tới ngày nhắm mắt.
Vậy mà, môn đệ Tố Hữu dám lên lớp: “Tiểu tư sản vốn là giai cấp bấp bênh, sống trong cái bé nhỏ, cận thị của mình, nên thường không thấy, mà cũng không dám thấy sự thật gay gắt. Khi cá nhân bị động chạm, thì ‘hăng lên’ một lúc, có thể rất ‘tả’ nhưng khi được thỏa mãn phần nào, hoặc khi vấp váp ngã đau, thì lại lập tức chùn lại, rất sợ cái gì “đổ vỡ”. Cái ‘hăng’ ấy nhiều khi chỉ là biểu hiện của cái ‘sợ’. ‘Miệng hùm gan sứa’ chính là tính chất của người tiểu tư sản” (1). Hãy rộng lượng với Tố Hữu, rộng lượng với tất cả lãnh tụ cộng sản, quên ông ta là tiểu tư sản trùm váy rách vô sản. Hãy cứ coi ông ta là vô sản, dù vô sản giả vờ, vô sản viễn thị, thứ vô sản nhận rằng mình “là em của đĩ điếm” (2). Hãy chấp nhận miệng lưỡi vô sản của Tố Hữu miệt thị tiểu tư sản. Rồi bình tĩnh nói chuyện với ông ta những vấn đề gần gũi, những sự kiện cụ thể. Nói chuyện với Tố Hữu là nói chuyện với Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng. Bởi vì, lời phát biểu của Tố Hữu phải được Bộ Chính Trị nhất trí. Sự nô lệ tư tưởng của người cộng sản ở chỗ đó. Và do đó, họ cưỡng bách con người phải biết nô lệ tư tưởng như họ, phải cúi đầu ngưỡng mộ giáo điều, cấm sáng tạo. Những kẻ bị nô lệ tư tưởng Mác xít mới chính là những kẻ “sống trong cái bé nhỏ, cận thị của mình, nên thường không thấy mà cũng không dám thấy sự thật”. Họ không dám mở cửa nhìn bên ngoài. Khi có kẻ dám mở cửa giùm họ, dám bảo họ căng rộng mắt quan sát sự thật thì họ kết tội điên (3). Và khi nhiều kẻ can đảm công khai đòi mở mắt cho họ thì họ bấn loạn hò hét: “Kẻ địch của chúng ta rất ác độc và quỷ quyệt. Chúng không ngừng một phút phá hoại cách mạng. Chúng ta không có quyền nghỉ ngơi buông lỏng trận địa, dù chỉ một phút. Không thể ngủ gật trước kẻ địch, phải cảnh giác đấu tranh và đấu tranh kiên trì, triệt để. Đánh rắn phải đánh dập đầu, đánh tận hang, diệt từ trứng, không thể nửa chừng khoan nhượng” (4). Cái “hăng” của người cộng sản đấy. Con hùm chỉ dám lồng lộn tuyên chiến với con sứa, hai năm sau, trận chiến đã tàn. Vậy thì đâu là sự ưu việt của giai cấp vô sản? Đâu là sự bách chiến bách thắng của người cộng sản? Đâu là ngọn cờ quang vinh của đảng? Người cộng sản hằng rêu rao chỉ có họ mới biết quý trọng và bảo vệ con nguời. Song, họ lại coi con người văn nghệ là rắn và bầy tỏ tính người, tính Đảng của họ bằng cách “Đánh rắn phải đánh dập đầu, đánh tận hang, diệt từ trứng”. Phẩm cách của người cộng sản rõ rệt. Họ hèn. “Đấu tranh” với “một nhóm rất nhỏ”, với Nhân Văn giai phẩm, những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ cô đơn mà họ hung hăng quá. Họ có quân đội chiến thắng Điện Biên Phủ, có mấy sư đoàn đao phủ tàn sát 1 triệu 500 ngàn cường hào, ác bá, phản động, tư sản mùa Cải cách ruộng đất mà những nhà văn chống họ từ năm 1956, mãi đến năm 1958, biết chắc chắn dẹp xong kẻ thù, họ mới dám …tuyên chiến! Chẳng hiểu có bào thai văn nghệ nào bị Tố Hữu “diệt từ trứng”? Nhân văn giai phẩm, những người tiểu tư sản, những tâm hồn tiểu tư sản rực rỡ, những ngòi bút đã làm tư tưởng dấy động, đã bắt chữ nghĩa lên đường, đã khiến bạo lực hoảng hốt, đã đẩy gươm giáo chùn bước, đã phóng lên bầu trời tĩnh mịch cái hào quang của văn chương dấn thân, tôi xin được cúi đầu cảm phục. Nhưng Nhân văn giai phẩmtại sao?
Tại sao mãi đến mùa xuân 1956 mới xuất hiện Nhân Văn giai phẩm? Một vài nhà nghiên cứu đã đề cập tới hiện tượng băng rã của văn học Liên Xô sau khi Krushchev quật mồ Staline hạ bệ uy tín và hiện tượng trăm hoa đua nở giả tạo trên vương quốc đỏ của Mao Trạch Đông để cho rằng sự chống Đảng, sự đòi hỏi một chính sách “xét lại” của Nhân Văn giai phẩm chịu ảnh hưởng giây chuyền đệ tam quốc tế. Nhận định này có vẻ tính chất phiến diện mang nặng tính chất thời sự. Nó chỉ nhằm cung ứng tài liệu cho Phong trào tố Cộng ồn ào những năm 59, 60 ở Sài Gòn. Rồi chìm vào lãng quên. Nó đã không diễn tả nổi sự vụt thức tuyệt vời của lương tri văn nghệ Việt Nam sau những năm dài bị bóng tối của chủ nghĩa cộng sản chế ngự. Nó đã không diễn tả nổi sự dấy động của tư tưởng nhân bản, sức mạnh vô địch của chữ nghĩa của tài năng. Nó đã không diễn tả nổi sự kiêu ngạo tột đỉnh của nghệ sĩ trước bạo lực mác xít. Theo tôi, Nhân Văn giai phẩm là một biến cố trọng đại của lịch sử văn học nhân loại. Nó bão táp cuốn xoáy rung rinh chế độ và tưởng chừng chế độ suýt sụp đổ. Chưa hề thấy, trong các chế độ độc tài, cộng sản, văn chương đã bắt quyền lực thống trị sợ hãi đến nỗi phải phát động đấu tranh tiêu diệt nó. Và quyền lực thống trị không dám “nghỉ ngơi buông lỏng trận địa, dù chỉ một phút” (5). Quyền lực thống trị thú nhận: “Cơ sở giai cấp của bọn phá hoại còn tồn tại lâu dài trong xã hội ta. Khi đã hết giai cấp, thù địch vẫn còn. Vì tư tưởng của giai cấp có sức sống dai hơn giai cấp sinh ra nó” (6). Sự vĩ đại của tư tưởng Nhân Văn giai phẩm ở chỗ nó tự nguyện phản kháng. Nó phản kháng vì lương tâm của người cầm bút, của con người nguyên vẹn. Nó không phản kháng vì được quyền lực khích lệ, phản kháng làm dáng, phản kháng đua đòi. Nó sừng sững ngoài đời. Nó khước từ ân huệ đang có. Nó chiến đấu nhân danh con người, nhân danh dân tộc. Nó không được lôi ra từ ngục tù để phản kháng tuyết hận cá nhân hoặc phản kháng cò mồi. Cho nên nó phơi phới, nó dõng dạc:
Yêu ai cứ bảo là yêu Ghét ai cứ bảo là ghét Dù ai ngon ngọt nuông chiều Cũng không nói yêu thành ghét Dù ai cầm dao dọa giết Cũng không nói ghét thành yêu (7)
Nó hào sãng, nó phiêu bồng:
Nếu tôi chửa đến ngày thổ huyết phổi tôi còn xâu xé mãi lời thơ Tôi có thể mặc thây ngàn tiếng chửi tục tằn trừ tiếng chửi: ‘Sống không sáng tạo!’ (8)
Thời kỳ băng rã ở Liên Xô là một hiện tượng. Thời kỳ trăm hoa đua nở ở Trung Quốc là một hiện tượng. Nhân Văn giai phẩm hoàn toàn khác biệt. Nó là biến cố. Hơn thế nữa, nó là cảm hứng muôn thuở của nghệ sĩ phản kháng bạo lực; là phủ nhận quyết liệt thứ nghệ thuật bị chỉ huy, thứ nghệ thuật nhầy nhụa Đảng tính, thứ nghệ thuật phải “học tập cải tạo tư tưởng”, thứ nghệ thuật không sáng tạo, nghệ thuật “nằm”. Xác định giá trị tuyệt đối của Nhân Văn giai phẩm trong thời đại của nó xong rồi, chúng ta đi tìm nguyên nhân nào những nghệ sĩ dũng cảm đã làm nên Nhân Văn giai phẩm.
Bản báo cáo tổng kết “Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân Văn giai phẩm” của Tố Hữu đã dành cả hai trang để miệt thị giai cấp tiểu tư sản và “con người văn nghệ tiểu tư sản”. Hẳn nhiên, Tố Hữu ám chỉ anh em văn nghệ trong “Nhân Văn giai phẩm“. Có thể nói, đa số văn nghệ sĩ của Nhân Văn giai phẩm thuộc giai cấp tiểu tư sản trí thức. Vì cảm thấy nỗi đau đớn mất quê hương, vì thèm khát độc lập, tự do, dân chủ nên, khi tiếng súng gây hấn ở Nam bộ ầm vang, họ đã, cùng với toàn dân chuẩn bị chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Tiểu tư sản trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh đã đốt cháy Hà Nội để làm nên lịch sử. Ai dám quả cảm đứng giữa đường phố Thăng Long cản xe tăng của thực dân Pháp và hiên ngang mỉm cười đợi xe tăng nghiến tan xác? Người tiểu tư sản đấy. Bấy giờ chưa có anh hùng giai cấp vô sản. Bấy giờ những thứ Cù Chính Lan, La văn Cầu, Bế Văn Đàn còn mù mịt trong hang hốc mác xít đen ngòm. Bấy giờ chỉ có trung đoàn Thủ Đô, trung đoàn Ký Con tập hợp những người lính tiểu tư sản trí thức kháng chiến chống xâm lăng. Họ hát vang sông núi:
…Hà Nội cháy khói lửa rợp trời Hà Nội hồng ầm ầm rung Vang trong ta Tiếng hô xung phong Gầm nòng súng Bụi đường réo cuốn khô xác thù Từng thịt máu rơi Từng bờ tường mái hiên Từng căn gác Từng khu phố Từng khe cống Hànội vùng đứng lên Sông Hồng reo Hànội vùng đứng lên (9)
Rồi họ gạt nước mắt bỏ Hà Nội lạc tay thù. Họ ra đi với lời thề son sắt trở lại. Áo nâu, chân đất, người lính tiểu tư sản dấn thân:
…Lúc phá hết phố phường biệt ly đời gấm hoa Người vui đời áo nâu Quên hết u sầu Và đoàn người đi miên man trên đường gian nan Người bàng hoàng đưa câu ca theo nhịp chân không (10)
Họ đi kháng chiến với hào khí Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng… Như Trần Dần xác định thái độ ngày 13 tháng 5 năm 1982 trong điếu văn vĩnh biệt Tử Phác: (11)
“Có một chàng trai trong ầm ầm… gió rét… mưa bay… động tâm vì những người chiến trường áo mong manh… liền lấy cả tuổi xanh mình, tim thật mình… quay tơ… may áo… ai ai đề nhớ… Mỗi một đường tơ là mỗi dây tình… dâng NGƯỜI HIÊN NGANG… Thế là khúc tâm ca thành áo ấm trữ tình cho hơn một thế hệ những người áo mong manh chiến trường, những người hồi ấy hiên ngang kháng chiến… Sự tích chàng trai chỉ cần có thế: Tử Phác – Le Fier. Từ đầu… rồi khổ ải… 30… hơn 30 năm sau… ô hô”!
Trần Dần, sau hơn 30 năm, nhìn lại sự “Lạc đường vào lịch sử” (12) của mình, vẫn kiêu hãnh “những người hồi ấy hiên ngang kháng chiến”. Sự tích của họ “chỉ cần có thế” và “ai ai đều nhớ”, trừ người cộng sản, vì họ đã cướp công kháng chiến của toàn dân. Tâm trạng những người Nhân Văn giai phẩm là vậy. Họ đi kháng chiến và họ ước mơ kháng chiến thành công. Quả thật họ là những người tiểu tư sản lãng mạn cách mạng. Họ chấp nhận gian khổ:
…Rách tả tơi rồi đôi giầy vạn dặm Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa Mái đầu xanh hẹn mãi tới khi già Phơi nắng gió và hoa ngàn cỏ dại Theo tiếng gọi của những người Hà Nội Trở về Trở về chiếm lại quê hương (13)
Họ mơ mộng:
…Chúng ta ươm lại hoa Sắc hương phai ngày qua Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu Những bông hoa ngày mai Đón tương lai về tay Đang xuân đời mỉm cười vui hát lên Khi đoàn quân tiến về là đêm sáng dần (14)
Những người văn nghệ tiểu tư sản đã làm rộn ràng kháng chiến. Phạm Duy, Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Quang Dũng, Tử Phác, Trần Dần, Hữu Loan…, chẳng hạn. Thiếu Phạm Duy, Văn Cao là kháng chiến “nằm”, kháng chiến câm. Thi ca Tố Hữu, Hồ Chí Minh ư? Đồ bỏ! Ngay cả anh hùng giai cấp vô sản Nguyễn Thị Chiên, Cù Chính Lan… cũng do văn nghệ tiểu tư sản đánh bóng tô son. Cả Hồ Chí Minh nữa. Những người văn nghệ tiểu tư sản chỉ có một tội lỗi. Là thích đứng trên chính trị và chủ nghĩa. Dĩ nhiên, họ không có thủ đoạn chính trị. Triết lý sống của họ rất bình dị, rất người: Khi sự thật ở bên phải, họ ở bên phải. Khi sự thật ở bên trái, họ ở bên trái. Sự thật là kháng chiến bảo vệ tổ quốc, họ ở với kháng chiến, say mê kháng chiến. Vì đứng trên chính trị, họ không thèm ngó chính trị. Rốt cuộc, họ bị chính trị cộng sản dẫn dắt một cách tội nghiệp. Mãi cuối năm 1950, vì lãng mạn cách mạng, họ mới biết cái tròng cộng sản đã sát khít cổ họ. Cái tròng cộng sản, cuộc chỉnh huấn vũ trang tư tưởng, sự qui định thành phần giai cấp, sự khước từ sự nghiệp văn chương, nghệ thuật dĩ vãng làm bàng hoàng văn nghệ tiểu tư sản. Những chàng trai “hồi ấy hiên ngang kháng chiến” đã chết hết rồi. Những trung đoàn Thủ Đô, trung đoàn Ký Con bị đưa lên tuyến đầu cho giặc tiêu diệt hết rồi. Bây giờ chỉ còn lính của giai cấp vô sản hò hét:
Ta là người nông dân mặc áo lính chiến đấu vì giai cấp bị áp bức từ bốn nghìn năm Đau khổ giai cấp là đau khổ của ta…(15)
Bây giờ không còn đoàn kết kháng chiến nữa, không còn đảng phái quốc gia “liên hiệp” chống Pháp nữa. Bây giờ là Đảng Lao Động của giai cấp vô sản.
Đảng Lao Động Việt nam Đảng của chúng ta Vì giai cấp cần lao Đảng ta giải phóng nước nhà Đảng chúng ta là mặt trời Hồ Chí Minh là mặt trời Người sáng soi muôn lớp người vùng lên (16)
Văn nghệ tiểu tư sản như gái ngồi phải cọc. Họ chia làm 4 loại. Loại thứ nhất dứt khoát thái độ, nhanh chân chạy vào vùng Pháp chiếm đóng. Thà sống với quốc gia bù nhìn còn hơn sống với cộng sản chính cống. Họ khước từ chỉnh huấn rời bỏ đất Hồ.
Loại thứ hai dùng dằng nửa ở, nửa về vì trót lỡ vào Đảng. Loại thứ ba cam đành ở lại vì đã già nua, mệt mỏi. Hai loại này tự thấy kháng chiến vẫn cần mình. Giặc xâm lăng vẫn còn đó, bỏ đi là…đào ngũ hèn nhát. Máu quân tử tiểu tư sản cuồn cuộn chảy. Loại thứ tư hân hoan chỉnh huấn rồi tự nguyền rủa sự nghiệp cũ và biến thành kẻ thù của các giai cấp khác. Loại này tận dụng tài năng để nịnh hót Đảng, Bác và gây thù hận dân tộc. Biểu tượng trơ tráo nhất của loại này là Tô Vũ:
Hờn căm địa chủ gian ngoan Địa chủ tham tàn Già tay bóc lột bần cố nông (17)
Là Tạ Phước:
Ta là người Là người có mắt có tai Tay ta làm mà hàm ta chẳng nhai Vì ai Vì ai ta nghèo Đó là cách bóc tô bóc tức Trăm điều oan ức căm tức Của ta làm ra phải trở về ta(18)
Là Xuân Diệu:
Mỗi lần tranh đấu gay go Chúng con lại được Bác Hồ tới thăm Nghe lời Bác dạy khuyên răn Chúng con ước muốn theo chân của Người Chúng con thề nguyền một lời Quyết tâm thành khẩn…lột người từ đây (19)
Vẫn là Xuân Diệu:
Mẹ xưa săn sóc áo cơm Đảng nay săn sóc còn hơn mẹ hiền (20)
Dẫu đã quy định thành phần giai cấp, đã phân biệt địch và ta, đã “vũ trang cho anh em văn nghệ sĩ lập trường giai cấp vô sản để chiến thắng giai cấp địa chủ phong kiến”, những cuộc đấu tố vẫn còn lẻ tẻ và chưa xẩy ra ở miền đồng bằng nên văn nghệ tiểu tư sản đầu hàng giai cấp vô sản vẫn yên tâm và tự an ủi “Cách mạng nào chẳng cần một số người bị hy sinh, dù vô tội”! Nhưng mà nghệ thuật cổ võ thù hận và hót Đảng, hót Bác xem chừng lận đận. Lại đến hót Liên Xô, hót Trung Quốc nữa thì não nùng. Bởi thế, Quang Dũng, Hoàng Cầm hết hứng; Văn Cao, Tử Phác hết hứng. May mắn có cái chiến thắng Điện Biên Phủ và sự cưa đôi thân thể Việt Nam. Hào quang Điện Biên Phủ sáng chói gần hai năm. Đêm đã không sáng dần khi đoàn quân tiến về. Đêm tối dần. Sự chiếm lại Hà Nội vô ích. Những kẻ chiến thắng ngơ ngác. Nanh vuốt của Đảng chĩa ra tua tủa. Hòa bình giả tạo. Hạnh phúc bánh vẽ. Đến khi máu của 1 triệu 500 ngàn dân Việt Nam chết khốn khổ, chết theo 1 triệu 500 ngàn kiểu, chết trong “độc lập – tự do – hạnh phúc”, chết oan ức tức tưởi, chết vì lý tưởng giai cấp vô sản, chết vì chủ nghĩa cộng sản thì tinh thần dân tộc nổi dậy và lương tri con người thức tỉnh. Những người văn nghệ tiểu tư sản vụt thức nhanh nhất. Họ mang mặc cảm tội lỗi với dân tộc. Họ tự cho họ là đồng lõa với cộng sản sát hại đồng bào. Nghệ thuật không cổ võ chém giết, chôn sống con người. Nghệ sĩ không phải là sát nhân. Họ không thể lột người để trở thành súc vật man rợ như Xuân Diệu hò hét điên cuồng:
Anh em ơi, quyết chung lưng Đấu tranh tiêu diệt tàn hung tử thù Địa hào, đối lập ra tro Lừng chừng phản động đến giờ tan xương Thắp đuốc cho sáng khắp đường Thắp đuốc cho sáng đình làng hôm nay Lôi cổ bọn nó ra đây Bắt quỳ gục xuống đọa đầy chết thôi” (21)
Thơ là thông điệp của yêu thương. Thơ không bao giờ là những viên đá ném vào đầu con người “đọa đầy chết thôi”, dẫu con người là địa hào đối lập, phản động. Vậy thì những người văn nghệ phản tỉnh, lột áo Đảng vất vào thùng rác, khước từ ân huệ của Đảng, chấp nhận mọi hệ lụy, tự nguyện chống Đảng, chống thú tính của Đảng để trở về nguyên vẹn con người của Thượng Đế, con người biết yêu thương và biết rung động trước nỗi thống khổ của đồng loại, biết nhìn con người là một con người.
Chị đội bỗng chùn lại Nhìn đứa bé mồ côi Cố tìm vết thù địch Chỉ thấy một con người (22)
Và đó mới chính là nguyên nhân tạo nên Nhân Văn giai phẩm. Ý nghĩa sâu sắc của nó ở đó. Tinh thần nhân bản của nó ở đó. Giá trị tuyệt vời của nó ở đó. Chỉ có những kẻ mù lòa vì quyền lợi giai cấp vô sản, vì quyền lực thống trị; chỉ có những kẻ thấm đòn chữ nghĩa mới ngớ ngẩn phát biểu: “Chúng ta đã biết rõ về nhóm phá hoại Nhân Văn giai phẩm. Con người của họ không chút nhân văn, sáng tác của họ không gì là giai phẩm” (23)
Không có cuộc dấy động chữ nghĩa nào ngoạn mục hơn cuộc dấy động chữ nghĩa của Nhân Văn giai phẩm. Trong lịch sử văn học thế giới và lịch sử nhân loại hôm nay, ngày mai và mãi mãi, Nhân Văn giai phẩm ví như ngọn đuốc soi sáng lương tri của người cầm bút ở bất cứ một cảnh huống nào con người bị tước đoạt quyền làm người, con người bị bạo lực chế ngự. Người cầm bút không thể là công cụ của chế độ, của chủ nghĩa, của giai cấp. Họ cũng không thể là đồng lõa của tội ác. Bổn phận của họ là tạo dựng niềm cảm thông giữa con người với con người. Nghĩa vụ của họ là chống Đảng tính, thú tính trong tâm hồn con người. Nhân Văn giai phẩm đã thực hiện sứ mạng thiêng liêng đó. Khởi sự, những người văn nghệ tiểu tư sản, “những người hồi ấy hiên ngang kháng chiến”, những người đã viết “khúc tâm ca thành áo ấm trữ tình cho hơn một thế hệ những người áo mong manh chiến trường” – phô bầy niềm khao khát tự do sáng tác, tự do viết sự thật làm rung động đáy hồn mình. Nghệ phẩm không bao giờ là bánh mì, bánh đúc, bánh chưng do một cửa tiệm sản xuất với những tay thợ nhào nặn, chế biến theo đúng cân lạng, khuôn mẫu của ông chủ. Không bao giờ có thứ nghệ thuật mặc đồng phục, thứ nghệ thuật “trăm thứ hoa đều nở ra cúc vạn thọ hết” (24). Nghệ sĩ không bao giờ là trâu bò ăn cỏ giái điều, ăn chỉ thị sáng tác, ăn mệnh lệnh tư tưởng rồi “nằm” nhai lại! Không bao giờ có thứ nghệ thuật làm nên bằng nghị quyết. Không bao giờ có thứ nghệ thuật bằng lòng cái hiện tại tầm thường. Trần Dần viết:
Chẳng thể rúc kèn cũ rích vác loa mồm kêu: “Hiện tại rất thiên đường” Không Thiên đường chúng ta là nối đuôi nhau vô tận triệu thiên đường Đi mãi chẳng bao giờ thỏa Tôi có thể mắc nhiều tội lỗi chẳng bao giờ quá ngu đi mắc tội: nằm Han rỉ khác gì cái chết Chết con tim chẳng còn dám đau thương (25)
Và bài thơ Hãy đi mãi của kiện tướng Trần Dần phải được coi như Tuyên ngôn của Nhân Văn giai phẩm, tuyên ngôn của nghệ sĩ, của những con người can đảm chiến đấu cho tự do, bất chấp bạo lực và hình phạt của bạo lực.
Khi trái đất còn đeo bom trước ngực thắt lưng còn lựu đạn, bao xe Khi bạo lực còn khua môi mõm mốc xì khẩu đại bác mỏi dừ vẫn sủa Khi bóng tối còn đau như máy chém những lời ca đứt cổ bị bêu đầu Lũ đao phủ tập trung hình cụ mặt trời lên phải mọc giữa rừng gươm Khi thế kỷ còn rung chuông lừa bịp Những canh gà báo trượt rạng đông, Con rắn lưỡi cắn người như cắn ngóe Khi xe tăng chửa đi cấy đi cầy Như một lũ tù nhân cần cải tạo Khi con thò lò ngày đêm hai mặt đói meo còn quay tít trên kiếp người hạ giá Những khi ấy sẵn sàng nổi giận loài người còn tổ chức nhau đi…
Chỉ cần một chút xíu lương tâm, người cộng sản không còn là người cộng sản nữa. Nghệ sĩ chẳng thể nào trở thành cộng sản. Thế Lữ đã nói lên điều này trước khi đi kháng chiến:
Anh dù bảo tính tình tôi hay đổi Không chuyên tâm, không chủ nghĩa nhưng cần chi (26)
Bởi thế, chỉ cần một cơn gió lương tâm, đã xao xuyến đến lóng xương ống tủy nghệ sĩ. Huống chi cả đại dương máu, cả sa mạc xương khô người nghệ sĩ nhìn rõ là máu xương của con người; người nghệ sĩ biết rõ con người đã bị con người lột người thành quỷ sát hại. Những khi ấy sẵn sàng nổi giận. Tuyên ngôn của Nhân Văn giai phẩm là “canh gà” báo đúng “rạng đông”. Nó bắt câm nín những “hồi chuông lừa bịp” của chủ nghĩa cộng sản vô luân lý, phi nhân bản. Nó khiến hình cụ của đao phủ run rẩy. Nó làm bạo lực toát mồ hôi. Nó phóng thẳng vào mặt lãnh tụ những mũi “kiếm heo may” đau buốt. Nó công khai. Vì nó anh hùng. Nó không thèm phục kích hèn hạ, chụp mũ đê tiện, rỉ tai hạ cấp. Nó mã thượng. Bởi nó tiểu tư sản phong lưu. Tín hiệu chói sáng của nó tỏa ra. Hào quang Điện Biên Phủ lu mờ. Cờ đỏ tái úa. Sao vàng nhợt nhạt. Những thành tích vĩ đại “dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng” trở nên khôi hài. Chủ nghĩa cộng sản bách chiến bách th¡ng trở nên lố bịch. Và búa ư? Và liềm ư? Búa và liềm cũng thấm nỗi đau bị phản bội và nức lòng muốn chiến đấu vì tự do của con người. Tuyên ngôn vang vọng cùng khắp. Văn nghệ nhất loạt đứng dậy, đứng thẳng, ngẩng mặt về phía bạo lực. Người người, lớp lớp (27) sẵn sàng đi mãi:
Hãy đi mãi có thể mỏi mọi điều không mỏi tấn công Phải làm lại chúng ta, tất cả không tha để đừng có một ai lần lữa khi nào chân lý gọi tên đi Hãy đi mãi dù mưa băm nát mặt Sương rơi, hơn đạn xưa đau đầu Dù bốn mùa nhưng nhức nắng mưa mùa bão tuyết thế chân mùa gió độc Hãy đi mãi dù mưa đông phục kích hay lửa hè đánh trộm sau lưng…(28)
Trừ những tên ngụy văn nghệ, những tên công an, mật vụ văn nghệ, những tên văn nghệ tình nguyện lột ngườI mất hẳn nhân tính chỉ còn thú tính và Đảng tính và những anh văn nghệ cầu an là ngơ ngác, bần thần, câm nín. Còn, tất cả, đều căng danh dự và khí phách của người cầm bút, ngạo nghễ thách thức bạo lực. Ngay cả Nguyên Hồng (29), vô sản từ bụng mẹ, con cưng của Đảng, cũng dõng dạc lên tiếng:
“Tự do sáng tác ví như tế bào máu trong cơ thể. Ngăn cấm nghệ sĩ tự do sáng tác là huỷ diệt tế bào, là giết chết con người“.
Ngay cả Phùng Quán (30), được Đảng giáo dục từ nhỏ, Đảng “trồng người” từ ấu thơ, cũng chống đối sự gian dối, giả trá của Đảng:
Tôi muốn làm nhà văn chân thật chân thật trọn đờI Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã (31)
Khí thế tiến công hừng hực. Nhân Văn giai phẩm, những bước đầu, chỉ đòi giành lại quyền tự do sáng tác, tự do nói lên mọi sự thật trong chế độ “dân chủ, cộng hoà – độc lập, tự do, hạnh phúc”. Giành lại quyền tự do sáng tác là khước từ văn nghệ bị chỉ huy, văn nghệ mặc đồng phục ca ngợi đồ tể sát nhân, cổ võ chém giết con người, hủy diệt tình người. Giành lại quyền tự do nói lên mọi sự thật là phanh phui sự tàn bạo của Đảng và lãnh tụ, là tố cáo tội ác của chủ nghĩa. Đảng nổi giận nhưng Đảng bất lực. Và Đảng im lặng. Tuy nhiên, lác đác đã thấy vài tên mật vụ văn nghệ công kích thái độ của Nhân Văn giai phẩm. Thì chỉ làm tăng cường độ dũng cảm:
Hãy đi mãi Dù có phen chót ngã hãy bó đôi chân lầm lỡ mà đi Hãy tin chắc rồi ta xứng đáng một vòng hoa đỏ nhất phủ quan tài (32)
Và Nhân Văn giai phẩm rộn ràng bước lên chủ nghĩa cộng sản bằng những bước chân dũng sĩ chữ nghĩa. Những bước chân đạp tung mọi cánh cửa bưng bít sự thật, dấu diếm tội ác; những bước chân dẫm nát cái linh thiêng muôn năm của lãnh tụ; những bước chân đá bay mọi giáo điều ô uế của chủ nghĩa đã đè nặng lên thân phận dân tộc và con người văn nghệ. Bây giờ, mọi sự được “mặc khải”. Cái vĩ đại của Đảng, Bác và lãnh tụ chỉ là:
Do con mắt bé tẻo Chẳng nhìn xa chân trời Do bộ óc trây lười Chỉ một mầu sắt rỉ Đã lâu năm ngủ kỹ Trên trang sách im lìm Do mấy con người máy Đầy gân thiếu trái tim (33)
Những con mắt bé tẻo, những bộ óc trây lười của những con người máy thiếu trái tim; những ông bình vôi đặc xịt lạc hậu và ngu xuẩn – vô cùng đó, chính là bọn lãnh tụ cộng sản chiếu nhất, chiếu nhì, bọn bóc lột con người, bóc sức lao động của con người tinh tế nhất, đốn mạt nhất. Họ cứ ăn đại táo, đặc táo và cứ khoe khoang chủ nghĩa của họ, chế độ của họ “không còn người bóc lột người”! Phùng Quán vén cho thế giới biết một cảnh tượng xã hội chủ nghĩa:
Những bà mẹ già quấn giẻ rách Da đen như củi cháy giữa rừng Kéo giây thép gai tay máu chảy ròng Bới đồn giặc trồng ngô tỉa lúa … Những đứa em còm cõi Lên năm lên sáu tuổi đầu Cơm thòm thèm độn cám và rau Mới tháng ba đã mong ngóng đến Tết Để được ăn cơm no có thịt … Chị em công nhân đổ thùng Yếm rách chân trần Quần xăn quá gối Run lây bẩy chui vào hầm xia tối Vác những thúng phân Ta thuê một vạn một thùng Có người không dám vác Các chị em suốt đêm quần quật Sáng ngày vừa đủ nuôi con (34)
Những cảnh tượng mà Phùng Quán miêu tả đầy rẫy trong chế độ cộng sản. Bọn lãnh tụ bình vôi đều biết. Nhưng vì thiếu trái tim, họ vẫn thản nhiên nhồm nhoàm đặc táo một cách hồ hởi và khỏa lấp sự hưởng thụ của mình bằng khẩu hiệu “Tất cả vì nhân dân”! Nhân dân đói khổ, lãnh tụ sung sướng, hai đề tài này bị cấm viết hoặc viết theo mệnh lệnh “Nhân dân anh hùng khắc phục đói khổ” và “Lãnh tụ thừa mứa đạo đức cách mạng”! Lãnh tụ thiếu trái tim nên không xúc động mọi đau đớn của con người. Tuy nhiên, lãnh tụ rất thèm nghe những lời suy tôn, tâng bốc. Lãnh tụ cộng sản là bọn quan liêu hơn quan liêu, phong kiến hơn phong kiến. Không bao giờ họ thuộc về giai cấp vô sản cả. Họ lợi dụng vô sản, giương danh những người vô sản, làm ô uế vô sản để tạo dựng một giai cấp thống trị mới tàn bạo và tinh vi hơn bất cứ giai cấp thống trị nào trên trái đất. Đó là thứ “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”, thứ “thiếu trái tim” mất nhân tính mà Phùng Quán chỉ thẳng mặt, mắng mỏ:
Những con chó sói quan liêu Nhe răng cắn rứt thịt da các mạng (35)
Mà Hữu Loan (36) khinh bỉ:
Chúng nó ngụy trang Bằng tổ chức Bằng quan điểm nhân dân bằng lập trường chính sách … Mũi như chim vỗ cánh Bụng phềnh như trống làng Thấy mình đạo đức tài năng hơn tất (37)
Đủ mọi mặt, các dũng sĩ Nhân Văn giai phẩm thi triển chữ nghĩa, tư tưởng khiến bạo lực cộng sản tối tăm mặt mũi. Ở đây, trên cái trận tuyến không khoan nhượng, không hòa đàm giữa bạo lực và người cầm bút, giữa chủ nghĩa và chữ nghĩa, chúng ta không được phép đặt vấn đề nghệ thuật và kỹ thuật qua những tác phẩm Nhân Văn giai phẩm. Ở đây, chúng ta đã hiểu và cần thiết hiểu thêm rằng, người cầm bút chỉ đòi hỏi quyền làm người cho mọi người, quyền tự do sáng tác, công bằng và công lý thật sự và không bao giờ đòi hỏi thù hận hay nợ máu mà bạo lực đã gây ra, nếu người cầm bút chiến thắng. Ngược lại, bạo lực chiến thắng, hình phạt của nó sẽ không động lòng trắc ẩn, sẽ không tha thứ những kẻ đã dám ngạo mạn khinh thường “chân lý cộng sản”, đã dám xếp hạng lãnh tụ chung với lũ bính vôi cũ mèm, sứt mẻ, vô dụng, nghìn năm không sáng tạo. Người cầm bút của Nhân Văn giai phẩm đã nhìn rõ cánh cửa nhà tù Hỏa Lò, đã nhìn rõ con đường dẫn đến các trại cải tạo khổ sai lao động, đã nhìn rõ sự thê thảm của vợ con mình, trước giây phút nhập cuộc. Rồi dấn thân. Và trực diện chiến đấu với bạo lực. Bạo lực trước mặt. Bạo lực sau lưng. Bạo lực bên trái. Bạo lực bên phải. Bạo lực tuốt trần lưỡi lê. Bạo lực lên đạn súng ống. Bạo lực vung mã tấu. Bạo lực rút dao găm. Người cầm bút chỉ võ trang bằng nhiệt tình và lòng tự phụ. Họ hối hả sau một vụt thức. Chữ nghĩa phóng tới tấp. Cần mạnh, cần nhanh. Không có thì giờ gò gẫm vần điệu, tỉa tót lời văn. Lửa vào thơ. Bão tố vào văn. Ở đây, chỉ cần một thái độ sống và một thái độ viết. Chính vì thái độ sống và thái độ viết mà chúng ta, mà những người yêu chuộng tự do trên thế giới, có Nhân Văn giai phẩm. Để vinh tôn. Để suy nghĩ. Để truy nã thái độ sống của mình. Và, với những người cầm bút, nhất là những người cầm bút Việt Nam, quốc nội và quốc ngoại, cộng sản và quốc gia, truy nã thái độ viết của mình: Thái độ với bạo lực, bất kể bạo lực đến từ phía nào. Khi bạo lực còn đe dọa con người hàng ngày, khi nỗi khổ còn tươi máu, khi những trại tập trung cải tạo còn là mồ chôn sống con người, khi dân tộc còn rên xiết dưới gót giầy mác xít, khi các nhà văn còn quằn quại lao tù; những thứ văn nghệ ký sự tâng bốc lẫn nhau, những thứ tùy bút miêu tả ăn uống, những thứ thơ lai căng thủ bút nắn nót chỉ là dấu tích ô nhục của thời đại. Không hẳn thứ văn nghệ cầu an, thứ văn nghệ “nằm”, tiếp tay cho bạo lực. Nhưng, quả thật, trong thời gian “sẵn sàng nổi giận”, những thứ văn nghệ vừa kể, đã bêu riếu văn nghệ chiến đấu của những người cầm bút ngạo nghễ giữa rừng gươm, mũi dáo. Và cái sự tuyên dương một nhà văn thư lại của bù nhìn, nhân viên của đài phát thanh chiến lược Mỹ những “40 năm sự nghiệp” không gây nổi chút xao xuyến về thân phận con người, là nỗi mỉa mai mang nặng tính chất “sống không sáng tạo”. Cộng sản đã chôn vùi Nhân Văn giai phẩm nhưng vẫn đều đều nguyền rủa. Thế giới chưa biết gì về Nhân Văn giai phẩm. Chúng ta thì lãng quên, cố tình quên. Mà chúng ta cứ ồn áo… chiến đấu, ồn ào xưng tụng lẫn nhau những thứ chẳng đáng xưng tụng chút nào. Bạo lực trước mặt, chúng ta ngoảnh mặt. Và chúng ta hiên ngang chống bạo lực cách xa trăm núi, nghìn sông, một đại dương. Bởi thế, cần thiết nhìn lại Nhân Văn giai phẩm. Để truy nã thái độ sống và thái độ viết của mình.
Thái độ sống và thái độ viết, sau những năm tháng Hỏa Lò, trại cải tạo khổ sai lao động và đầy đọa ngoài đời, trong điếu văn vĩnh biệt Tử Phác ngày thứ năm, 13 tháng 5 năm 1982 (26 năm sau khi viết Tuyên ngôn Nhân Văn giai phẩm), Trần Dần vẫn khẳng định xã hội cộng sản là “mùa ung thư nhân thế” (38) và chiến hữu Nhân Văn giai phẩm của anh, Tử Phác, đã chết “quằn quại trong không khí nhân thế ung thư” (39). Trần Dần vẫn kiêu hãnh bầy tỏ thái độ: “Chúng tôi… những người từ đầu… Từ đầu chí cuối.”(40). Nghĩa là Nhân Văn giai phẩm bất khuất. Nhân Văn giai phẩm chưa bao giờ đầu hàng, không bao giờ đầu hàng. Những kẻ đã đầu hàng không được coi như dũng sĩ chữ nghĩa Nhân Văn giai phẩm. Dẫu đã chết, những người làm nên Nhân Văn giai phẩm mãi mãi để lại một thái độ. “Anh để lại cho chúng tôi một thái độ. Chúng tôi ở lại. Anh đi… Âm dương cách trở.” (41) Âm dương không cách trở giữa người Nhân Văn đã chết và người Nhân Văn còn sống. Vì họ chiến đấu bên nhau, còn chiến đấu bên nhau. Cho đến ngày bạo lực quỵ. “Từ đầu chí cuối”. Hai mươi sáu năm sau, Trần Dần bọc thêm vàng son cho Nhân Văn giai phẩm hai mươi sáu năm trước:
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi Sét nổ trên đâu không xô ngã tôi Bút tôi ai cướp giật đi Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá (42)
Phải nhận định một cách sâu sắc thái đô sống và thái độ viết của Nhân Văn giai phẩm mới hiểu sự phi thường của Nhân Văn giai phẩm trước bạo lực cộng sản. Để tôn vinh văn nghệ “dùng dao viết văn lên đá”. Để khinh thường “văn nghệ tròn trặn quá hòn bi” (43). Sét đã nổ ầm ỹ trên đầu Nhân Văn giai phẩm vẫn phóng chữ nghĩa về phía bạo lực:
Tôi muốn đúc thơ thành đạn Bắn vào tim những kẻ làm càn Những con người tiêu máu của dân Như tiêu giấy bạc giả (44)
Vẫn dồn đẩy “liêm sỉ con người” (45) hạ rạp bọn lãnh tụ vô liêm sỉ:
Phải làm tổng vệ sinh cho kỳ hết mọi thằng Những người đã đánh bại xâm lăng Đỏ bừng mặt vì những tên quốc sỉ Ngay giữa thời nô lệ Là người, chúng ta không ai biết cúi đầu (46)
Và sự tuyệt diệu, chan chứa ý nghĩa Nhân Văn giai phẩm là nó đã chiến đấu để giành lại tình người, tính người, phẩm cách người. Nó không để con người bị xâm lăng bởi tính Đảng để biến thành tính thú và rồi bị hủy diệt. Có lẽ, Hoàng Cầm đã chứng minh một cách hùng hồn rằng, người văn nghệ chân chính chằng bao giờ hóa kiếp cộng sản được. Trong kháng chiến chống Pháp, trước 1950, anh đã viết:
…Ai còn ai chết Ai cũng chết cả rồi Cái còn vĩnh viễn là người Việt Nam (47)
Chủ nghĩa cộng sản không đủ khả năng hủy diệt tình nghĩa Việt Nam, đấu tranh giai cấp không đủ khả năng ngăn cách giữa người Việt Nam với người Việt Nam. Tình nghĩa Việt Nam, tình nghĩa con người đã thôi thúc người cầm bút chiến đấu giành lại tình người, tính người, phẩm cách người. Tín hiệu nhân bản của Nhân Văn giai phẩm sáng chói trong thời đại một nửa trái đất bị đe dọa hủy diệt nhân tính hoặc đã bị hủy diệt nhân tính. Và những con người ngất ngư cần thiết phải “thắp sáng cuộc đời” bằng chiến đấu chống bạo lực công sản để:
Vào một cuộc đấu tranh mới với những người không phải của chúng ta Anh có nghe thấy không Vào một cuộc đấu tranh mới Để mở tung các cánh cửa sổ Mở tung cả cửa bể Và tung ra hàng loạt hàng loạt những con người thật của chúng ta (48)
“Những người không phải của chúng ta”, những lãnh tụ cộng sản và chủ nghĩa của họ ví như bạch tuộc, sâu bọ phá hoại đời sống:
Những con bạch tuộc Bao nhiêu tay nhận chìm một con người Đất nước đang lên da lên thịt Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải Đã thấy loài sâu nằm tròn trong cuống Chúng muốn các em nhỏ muốn biết đi phải rụng Mòn mỏi dần sức vỡ đất khai hoang Làm rỗng những con người, lùi dần niềm hy vọng Héo dần mầm sáng tạo, mất phẩm giá con người Những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc Những tên muốn làm cây to che cớm mầm non (49)
Muốn tiêu diệt bạch tuột, sâu bọ cộng sản, con người phải đi mãi. Nhân Văn giai phẩm chỉ là khởi sự, là phát động cuộc chiến đấu trường kỳ. Hãy đi mãi, hãy vác thánh giá nhân danh con người bị đầy đọa:
Nếu tôi bị gió sương đầu độc một hôm nào ngã xuống giữa đường đi tôi sẽ ngã như người lính chết trận hai bàn tay chết cứng vẫn ôm cờ Nếu vầng nhật thui tôi làm bụi nắng oan khiên đốt lại làm tro Bụi tôi sẽ cùng ta vẫn sống vẫn chia nhau gió bấc xẻ mưa phùn Nếu dĩ vãng đè trên lưng hiện tại nặng nề hàng tạ đắng cay tôi sẽ nổ tung ngàn kho đạn tiếng kêu tan xác pháo mọi cái gì cũ rích Nếu hàm răng chuột nhắt gậm nhấm cả tình yêu cùng dự định tôi sẽ biến thân tôi thành thép nguội làm thất bại mọi thứ dũa đã quen dũa người tròn trặn quá hòn bi Ở trong tôi nếu còn sức mạnh gì chính là sức những ai nghèo khổ nhất những ai lao lực nhất địa cầu ta Tôi vẫn nâng chiếc đầu lâu nặng nề sáng tạo như nâng một viễn vọng đài trên cuộc sống hàng ngày nhí nhách Tôi vẫn cháy ngọn hải đăng con mắt ở trong biển sống từng đêm Tôi vẫn đóng những câu thơ như người thợ đóng tầu chở khách đi về phía trước
Ba mươi năm tưởng đã quá xa mà vẫn thật gần. Có lẽ nó chỉ quá xa với những thứ văn nghệ “tròn trặn quá hòn bi”, những thứ văn nghệ “mặc thây ngàn tiếng chửi tục tằn sống không sáng tạo”, những thứ văn nghệ sét rĩ cũ rích. Nhưng nó vẫn thật gần với những người khao khát tự do và nhân quyền và những người cầm bút phừng phực lửa sáng tạo và chiến đấu, những người cầm bút biết và dám phẫn nộ trước bạo lực, bất kể già hay trẻ, cũ hay mới, quốc nội hay quốc ngoại. Nó mãi mãi là cảm hứng của chữ nghĩa dấy động, của văn chương lên đường, của tư tưởng xung kích. Đồng thời, nó mãi mãi là những “mũi kiếm heo may” làm nhức nhối tim sắt của bạo lực cộng sản. Nhân Văn giai phẩm, cơn ác mộng của chủ nghĩa cộng sản, của lãnh tụ cộng sản Việt Nam. Đến nay, cộng sản Việt Nam còn bàng hoàng, còn cảnh giác cao độ ảnh hưởng củaNhân Văn giai phẩm. Rốt cuộc, cộng sản đã biểu dương sự ưu việt của chủ nghĩa họ bằng cách sử dụng đòn bẩn.: Đóng cửa Nhân Văn giai phẩm và bỏ tù những người cầm bút. Và “lãnh tụ vĩ đại” Hồ Chí Minh “giải độc nhân dân” bằng câu nói vội vàng quên cả học tập:”Nhân Văn giai phẩm là những hạt giống xấu mọc trên miếng đất của những tư tưởng lạc hậu”!
Nhưng đóng cửa báo, bỏ tù người cầm bút, tại sao?
Sức công phá của chữ nghĩa chống bạo lực mãnh liệt quá. Vì đúng quá. Vì hợp lòng quần chúng bị trị. Vì hợp lòng cán bộ trung cấp, hạ cấp. Vì hợp lòng quân đội. Vì chính nghĩa. Chính nghĩa là dám hắt nước lạnh vào mặt Đảng, dám nói những điều mà không ai dám nói. Ở bất cứ không gian và thời gian nào, giai cấp bị trị cũng luôn luôn chống đối giai cấp thống trị. Ở các nước độc tài, quân phiệt, sự chống đối, cái mà ta quen gọi là quyền đối lập, bị nghiêm cấm. Riêng ở các nước cộng sản, đối lập có nghĩa là phá hoại, phản động. Hình phạt của phá hoại, phản động là ngục tù, trại cải tạo, xử tử. Cho nên. không hề có đối lập ở các nước cộng sản. Nhân dân, giai cấp bị trị, chỉ được phép tin tưởng triệt để vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà Nước, dù đường lối, chính sách ấy tạo ra đói khổ, bất công, tham nhũng, thối nát, tàn bạo… Giai cấp bị trị cam đành câm nín, dẫu sự phẫn nộ đã lên đến tuyệt đỉnh sau mùa Cải cách ruộng đất. Cuộc dấy động củaNhân Văn giai phẩn đáp ứng đúng nỗi thèm khát của nhân dân. Cán bộ là đầy tớ của nhân dân. Những người đầy tớ tốt thường tỏ ra có liêm sỉ, không thích nịnh hót thượng cấp, không biết nịnh hót lãnh tụ, răm rắp làm theo lời Bác “cần kiệm, liêm chính, giữ tác phong đạo đức cách mạng, giữ phẩm chất cách mạng”, còn ăm ắp lương thiện thì bị đầy ải, trù ếm, chụp mũ và nghèo đói hốc hác. Nhân Văn giai phẩm đáp ứng nỗi thèm khát của cán bộ (50). Bộ đội là lính bảo vệ tổ quốc. Ròng rã 10 năm chiến đấu gian khổ, chiến thắng vẻ vang có nhiều mà cơm áo không đủ ăn mặc; hòa bình vừa tới đã chuẩn bị chiến tranh; tuổi trẻ đã tiêu hao mà vẫn chưa một ngày mơ ước tương lai gia đình đầm ấm. Nhân Văn giai phẩm đáp ứng đúng nỗi thèm khát của bộ đội (51). Thế là chữ nghĩa thành nam châm cuốn hút lòng người. Chữ nghĩa lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, và, có lẽ, cả lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại – kiến tạo một sức mạnh tinh thần vũ bão. Nó thổi sự can đảm vào tâm hồn con người đã nhiều năm khiếp nhược. Nó cấy tin tưởng vào tâm hồn con người đã nhiều năm mất mát niềm tin. Nó gieo rắc mầm hy vọng mới. Nó hứa hẹn một đạp nát thành quách độc tài. Người cầm bút được coi hơn cả anh hùng. Người cầm bút là cứu tinh của giai cấp bị trị.
Nhân Văn giai phẩm (52) bán chạy vô cùng. Lịch sử văn chương, báo chí Hà Nội dễ chỉ có một lần. Từ thủ đô bay về các tỉnh. Từ tỉnh bay về huyện, xã… Quần chúng nô nức đón đợi nó. Phấn khởi gấp ngàn lần nghe tin chiến thắng Điện Biên Phủ. Tuổi trẻ thành phố rạo rực. Quần chúng chờ mong giây phút đứng dậy. Chữ nghĩa réo sôi. Là gươm đâm thấu tim chủ nghĩa. Là đạn nổ tan pháo đài chế độ. Báo của Đảng không ai thèm nhòm ngó. Báo của Đảng ế dài dài. Một vài tờ báo thân Đảng theo Nhân Văn giai phẩm chống Đảng. Đường phố đọc, thảo luận Nhân Văn giai phẩm. Công sở, xí nghiệp bàn tán Nhân Văn giai phẩm. Nhân Văn giai phẩm dán lên các cửa văn phòng cơ quan nhà nước. Ai dán? Không ai biết. Tưởng chừng sắp bạo động. Sức công phá mãnh liệt của chữ nghĩa ghê gớm đến nỗi Đảng phải thú nhận: “Chúng chỉ là một nhúm nhỏ vài chục người trong mấy nghìn văn nghệ sĩ. Mà tại sao chúng lại có thể tác hại ghê gớm như những con chuột khoét lỗ chân đê, gây ra lụt lớn”?(53) Mấy ngàn văn nghệ sĩ của Đảng, thứ văn nghệ “mặc thây ngàn tiếng chửi tục tằn sống không sáng tạo”, thứ văn nghệ lột người cỡ Xuân Diệu, a dua cỡ Nguyễn Công Hoan (54), thứ văn nghệ vẹt của Đảng cỡ Bút Thép, Như Phong (55) chỉ biết cắm mặt thụ hưởng và cúi đầu nịnh hót thì có giá trị gì? Trùm văn nghệ Tố Hữu đã quá ngu xuẩn vì quá kiêu ngạo khi tung ra cái luận điệu ngớ ngẩn trên! Chỉ cần 10 nhà văn có kích thước và thừa thãi can đảm. Là đủ rồi. Giá trị không cần lượng. Giá trị cần phẩm. Và cần nhất chính kiến, thứ chính kiến của người văn nghệ công chính, của văn nghệ hãy đi mãi.
“Sự tác hại ghê gớm” của Nhân Văn giai phẩm còn ghê gớm hơn khi nó quyến rũ được những tay văn nghệ đã khước từ làm người (đã lột người, dùng chữ của Xuân Diệu) trở về con người. Ở đây, chữ nghĩa nhân bản đã lay động lương tri của nghệ nhân, những bồi bút chuyên nhồi thuốc súng bắn vào quần chúng bị trị, chuyên lắp ống đu đủ vào hậu môn lãnh tụ mà thổi bài suy tôn. Đảng ngao ngán: “Một số đồng chí phụ trách nhất là ở Hội nhà văn sống trong sự bao vây của Nhân Văn giai phẩm, bị chúng lũng đoạn về tư tưởng và tổ chức mà cũng không hề hay biết nên càng không chú ý đến những lời nhắc nhở của những anh chị em khác và của Đảng… Mất cảnh giác đến nỗi bị chúng vừa khen vừa dắt mình đi xuống vực mà vẫn tưởng là đi tới tương lai! Thật là nguy hiểm. Chung quy là sự mơ hồ lập trường, và chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do tiểu tư sản đã bịt mắt nhiều anh chị em, nhiều đồng chí chúng ta làm cho tê liệt cảnh giác cách mạng, tạo ra tình hình nhiều nơi cơ hồ như bỏ thành trống cho kẻ địch chiếm. Đó là một bài học rất cay xót” (56). Không xuyên tạc rẻ tiền, không đề cao quá đáng, chính sự thú nhận của Đảng đã tố cáo sự hèn yếu của Đảng và diễn tả sự khuynh loát, sự thao túng của Nhân Văn giai phẩm.
Bạo lực sợ hãi chữ nghĩa. Bạo lực hoảng hốt. Bạo lực xuống tay. Xuống tay cách nào. Xuống tay một cách rất bần tiện, rất đê hèn, rất cộng sản. Hơn hai lần, cộng sản chơi đòn bẩn với văn nghệ Việt Nam. Một lần ở Hà Nội. Một lần ở sài Gòn. Xin được nói lần thứ hai trước lần thứ nhất.
Ngày 30-4-1975, cộng sản thôn tính Sài Gòn. Ngày 1-5-1975 bốn nhật báo cũ vội vàng xuất bản 2 trang để kịp hoan hô chế độ mới và nguyền rủa chế độ cũ. Ngày 2-5-1975, bốn nhật báo này bị cấm xuất bản. Thế là toàn bộ báo chí Sài Gòn, thương mại và hội đoàn, chính trị và văn nghệ, khoa học và kỹ thuật, nhất loạt bị đình bản. Toàn bộ các nhà in, cá cơ sở ấn loát bị tiếp quản. Kinh nghiệm Nhân Văn giai phẩm quá “cay xót”, cộng sản không muốn chữ nghĩa nổi dậy, ở Sài Gòn. “Diệt từ trứng nước”, đó là châm ngôn của họ. Thay thế lập tức vào khoảng trống báo chí, nhât báo Sài Gòn giải phóng của Thành ủy ra đời. Những người văn nghệ Sài Gòn bị gọi đến Toà Đại Sứ Đại Hàn (đường Nguyễn Du) đang ký địa chỉ. Cộng sản muốn biết chính xác những người văn nghệ không di tản và không kịp di tản. Mọi việc bình yên. Cộng sản cho ra thêm tuần báo Văn nghệ giải phóng. Chưa có quyết định nào về thân phận tác phẩm văn học Sài Gòn. Nhưng nó cần ra vỉa hè gỡ lại chút vốn của các nhà xuất bản, các nhà phát hành sau những rỉ tai đe dọa tịch thu và thiêu hủy. “Tác phẩm văn học miền Nam ngơ ngác trên các vỉa hè sài Gòn thất thủ. Văn học nghệ thuật miền Nam bán xon tập thể, đồng giá rẻ mạt. Văn học nghệ thuật miền Nam buồn tủi, lẫn lộn với dép râu dưới ống kính nhạo báng xấc láo của bọn quay phim Hà Nội nhận chỉ thị Đảng” (57). Họ rất cần văn nghệ phẩm của chúng ta ra vỉa hè. Để nhục mạ chúng ta. Để chứng minh sự khuất phục của văn học chống văn học mác xít.
Cộng sản cho xuất bản thêm các tuần báo Phụ nữ giải phóng, Tuổi trẻ… và đem từ Hà nội vào Nhân dân, Quân đội nhân dân, văn nghệ Hà nội sáng tác và trình diễn. Tất cả chưa đả động gì tới các nhân nhà văn nào. Họ chỉ mạt sát sự ô nhiễm của văn hóa thực dân mới. Nhưng tiếng tru của chó sói đã rít, phát ngôn viên của Đảng, Trần Bạch Đằng(58), hừng hực thù hận tuyên bố: “Bọn văn nghệ miền Nam không còn chỗ đứng dưới ánh mặt trời nữa”! Buổi họp đầu tiên của Hội văn nghệ giải phóng được tổ chức tại đường Trương Minh Giảng (sau này đổi thành đường Nguyễn Văn Trỗi), không có bóng dáng văn nghệ Sài Gòn quốc gia chân chính. Người ta mời Bình Nguyên Lộc. Anh cáo bệnh nằm nhà.
Sau tiếng thét của nghệ nhân rèn mã tấu Trần Bạch Đàng, thứ văn ghệ lột người, một thông cáo chính thức của Nhà nước cộng sản loan báo cấm phổ biến toàn bộ tác phẩm của 50 nhà văn Sài Gòn. Đồng thời, thêm một thông cáo cấm tàng trữ văn hóa phản động, đồi trụy. Chiến dịch tận diệt văn hóa Mỹ-Ngụy mở màn. Lớp lớp xuống đường, giăng khẩu hiệu, hò hét, hùng hổ tiến tới các vỉa hè tịch thu sách báo cũ, tự điển cũ, sách giáo khoa cũ…; ập vào các hiệu bán sách, các nhà cho thuê truyện, càn quét tàn dư “Mỹ-Ngụy”. Người ta chỉ đốt tượng trưng. cán bộ văn hóa dấu một số. Công an dấu một số. Bộ đội dấu một số. Nhân dân dấu một số. Người ta đem về miền Bắc. Văn học nghệ thuật Sài Gòn đã ngược Trường Sơn “một cách ngoạn mục, bất chấp mệnh lệnh của Đảng và Nhà Nước” (59).
Cộng sản cấm văn nghệ hành nghề, tịch thu tác phẩm của họ chưa đủ, họ bắt nhân dân học tập Thông Cáo, chụp lên đầu văn nghệ Sài Gòn các thứ mũ phản động, tay sai của CIA, gián điệp văn hóa do Mỹ gài lại để phá rối an ninh tổ quốc… Họ huyễn hoặc nhân dân tạo cho nhân dân sự ngờ vực văn nghệ rồi thù hận văn nghệ, cô lập văn nghệ, không tin văn nghệ, không nghe văn nghệ… Từ xã ấp, phường khóm, công xưởng, xí nghiệp lên tới tiểu học, trung học, đại học, “tội ác” của văn nghệ Sài Gòn (Sài Gòn và Hồ Chí Minhgrad khác hẳn nhau) được miệng lưỡi rắn cộng sản thêu dệt… kiên trì và kiên quyết. Đòn bẩn của Nhạc Bất Quần cộng sản đó. Đảng rất khoan dung, độ lượng. Nhân dân phẫn nộ. Đảng vì nhân dân thôi. Nhưng Đảng thất bại ở Sài Gòn năm 1975 như Đảng đã thất bại ở Hà Nội năm 1956. Thủ thuật sét rỉ, thiếu sáng tạo ấy đã làm Đảng vỡ mặt. Nếu nhân dân miền Bắc đã không thù hận Nhân Văn giai phẩm thì nhân dân miền Nam cũng đã không thù hận văn nghệ Sài Gòn. Mà còn bỉ thử sách báo Hà Nội, sân khấu Hà Nội đem vào. Có một phản ứng ngược lạ lùng khiến Đảng điêu đứng.
“Văn học nghệ thuật Sài Gòn đã ngược Trường Sơn ra Hà Nội. Nó lấn át văn học nghệ thuật khô cằn, văn học nghệ thuật đường một chiều, văn học nghệ thuật rèn mã tấu, nhồi thuốc súng của Hà Nội. Nó làm quên lãng “nhà thơ lớn nhất” Hồ Chí Minh. Nọ hạ thấp “nhà thơ lớn nhì” Tố Hữu. Nó phơi phới. Nó thật sự chiến đấu. Súng đạn đã vất bỏ. Tướng tá đã phi tang tích chiến bào. Chữ nghĩa còn lại. Nhà văn vẫn nghênh ngang. Văn học nghệ thuật Sài Gòn xô bồ lắm. Đồng ý. Nhưng nó tác dụng thật mạnh đối với những kẻ chiếm đóng Sài Gòn. Cuốn lịch Tam Tông Miếu cũng sừng sững. Nghệ thuật bói bài đã là mới lạ. Kể chi đến tư tưởng nhân bản và hành văn bay bổng của văn chương Sài Gòn. Hà Nội tuyệt đường tiểu thuyết. Tiểu thuyết vẽ một chân trời mơ ước, tạo dựng một xã hội không giống xã hội hiện hữu. Và thế là phản kháng ở xã hội xã hội chủ nghĩa. Là phản động. Là phá hoại. Là đi tù. Hà Nội đọc tiểu thuyết Sài Gòn. Chìm trong xã hội tiểu thuyết. Mê say. Mơ mộng cái gì khác hơn cái đã mòn teo hơn 30 năm. Tiểu thuyết Sài Gòn có những nhân vật thần tượng. Không phải Nixon, Brejnev, Hồ Chí Minh. Chỉ là người bình thường. Chú Tư Cầu. Đôi khi là du đãng. Trần Đại. Lãnh tụ bị coi như đồ bỏ, nếu tồi. Vậy thì Đảng điên lên. Phòng triển lãm tội ác Mỹ Ngụy mở ra” (60). Bên ngoài là máy chém, bom CBU. Bên trong là Phạm Duy, Nhất Hạnh, Doãn Quốc Sĩ, Duyên Anh, Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu… Người đàng ngoài vô, người bưng biền ra, thấy những tên sách triển lãm ở phòng triển lãm tội ác Mỹ Ngụy, tò mò đi tìm kiếm, đi mua lén lút giá cắt cổ. Rồi đọc. Rồi mê. Và quên Đảng, quên Bác. “Dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng” không hấp dẫn bằng “Cậu Chó”. Mặt trận súng đạn hoàn toàn im lặng. Mặt trận chữ nghĩa khởi sự ồn ào” (61).
Không thể tiêu diệt nổi văn nghệ Sài Gòn bằng… nhân dân, Đảng công khai nhập cuộc. Nhật báo Giải Phóng của cục R chỉ đích danh từng nhà văn nguyền rủa, kết tội. Cuối cùng, Đảng “sáng tạo” một quả mìn gài dưới chân Đài kỷ niệm các nước đồng minh viện trợ Việt Nam ở công trường Duy Tân, trước Viện đại học Sài Gòn. Quả mìn nổ tung. Dân lành chết vài mạng. Đảng giật mìn tối 1-4-1976, sáng 2-4-1976, Đảng loan báo văn nghệ Sài Gòn nhúng tay vào vụ phá hoại này và bắt văn nghệ Sài Gòn bỏ tù. Chiến dịch bắt bớ văn nghệ sĩ khổi sự từ đêm 2-4-1976 đến đêm 8-4-1976. Rồi ngưng lại. Mãi đến 28-4 mới bắt thêm một số nữa (62).
Khi đã nhốt kỹ những nhà văn chính kiến, những nhà văn đối kháng tư tưởng mác xít một cách quyết liệt, Đảng cộng sản bèn anh hùng nhục mạ các nhà văn trên sách báo, vô tuyến truyền thanh, truyền hình của Nhà Nước một cách vẻ vang. Nhà văn Sài Gòn đã bị cấm hành nghề. Khí giới của họ chỉ là chữ nghĩa. Vậy mà Đảng cộng sản bách chiến bách thắng phải “sáng tạo” vụ “ném đá dấu tay”, phải vận dụng một bầy mật vụ võ trang súng ngắn súng dài, còng tay nhà văn lại rồi mới dám đọc quyết định bắt họ bỏ tù thì nhà văn rất xứng đáng hãnh diện. “Nhà văn, anh đã chấp cộng sản không những hai tay mà còn cả hai chân nữa. Họ sợ hãi anh, sợ hãi ảnh hưởng tư tưởng của anh. Họ bắt anh, nhốt anh vào xà lim, còng tay còng chân anh rồi mới dám tiêu diệt anh hưởng của anh trên sách báo, vô tuyến truyền thanh, truyền hình của họ. Chưa đủ, anh đã chấp họ hai tay, hai chân mà họ vẫn chưa dám một mình đánh anh. Họ phải kêu gào quần chúng làm hậu thuẫn cho họ, bắt quần chúng học tập thù ghét anh, cưỡng bách quần chúng ký kiến nghị chống anh, rồi mới đánh anh. Đó là chiêu thức bẩn và hèn. Ở Việt Nam, ở Liên Xô và ở bất cứ hang hốc nào có cộng sản” (63).
Chiêu thức bẩn và hèn của ngụy tiểu nhân cộng sản đã khiến họ bị tẩu hỏa nhập ma. Quần chúng thương yêu văn nghệ Sài Gòn hơn. Nghệ phẩm Sài Gòn lên giá. Giá mướn một cuốn sách mỗi ngày xuýt xoát nửa thánh lương công nhân. Nhân Dân, cơ quan trung ương của Đảng phải lên tiếng dài dài phê bình “hiện tượng đọc sách phản động, nghe nhạc vàng” của thanh niên Hà Nội và các thành phố miền Bắc. Nhạc vàng Sài Gòn đã xâm lăng các cửa hàng ăn uống, mậu dịch quốc danh Hà Nội! Thì Đảng liền tung tiếp đòn bẩn: Hạ uy tín của những nhà văn mà tuổi trẻ hâm mộ bằng thủ thuật rỉ tai họ đê tiện trong tù, họ làm chó săn ngoài trại cải tạo. Và thuê bọn văn nghệ “tròn trặn quá hòn bi”, bọn văn nghệ cộng sản khinh bỉ không thèm bắt, phóng tin khắp nơi, quốc nội và quốc ngoại, bôi bẩn các nhà văn.
Cũng chiêu thức ấy, Đảng đã đánh Nhân Văn giai phẩm cuối năm 1956. Phá ngầm không kết quả. Vận động nhân dân không xong. Đảng cộng sản quang vinh đành cưỡng bức các đoàn thể nhân dân ký kiến nghị lên án nghiêm khắc Nhân Văn giai phẩm. Kiến nghị do Đảng soạn thảo, dĩ nhiên. Nhân dân dơ tay nhất trí mà lưng bị họng súng dí sát. Cò mồi của Đảng đại diện nhân dân ký rất hồ hởi. Đảng vì nhân dân thi hành kiến nghị của nhân dân. Ngày 15-12-1956 Hồ Chí Minh ban hành lệnh cấm tự do tư tưởng. Nhân Văn giai phẩm bị đóng cửa vĩnh viễn. Các nhà văn, nhà báo chống Đảng bị đầy tới các trại cải tạo lao động khổ sai. Nữ sĩ Thụy An (64) và lãnh tụ Nhân Văn giai phẩm Nguyễn Hữu Đang (65) khước từ học tập cải tạo. Hai người bị còng tay tống vào Hỏa Lò, bị đưa ra tòa án nhân dân. Trong phiên xử, cộng sản sợ nữ sĩ Thụy An có thể tụt quần nhục mạ công lý cộng sản nên phải ra lệnh cho hai công an gái đứng cạnh canh chừng bà bên vành móng ngựa. Nữ sĩ Thụy An thuộc phái cổ, bà đội khăn quấn tóc. Và bà đã rút cây kim gút gài khăn chọc thủng một mắt trước sự kinh ngạc của phán quang Đảng. Bà dõng dạc tuyên bố: “Tôi chỉ nhìn xã hội cộng sản bằng nửa con mắt”!
Lời tuyên bố đanh thép của nữ sĩ Thụy An, của tiếng nói sống động cuối cùng của Nhân Văn giai phẩm son sắt được ví như một phương châm khắc lên đá thể hiện tấm lòng chung thủy, tinh thần bất khuất của những người cầm bút vàng mười chiến đấu cho tự do và quyền làm người của loài người trên trái đất.
Ông Hồ Chí Minh nói: “Nhân Văn giai phẩm là những hạt giống xấu mọc trên miếng đất của những tư tưởng lạc hậu”. Ông ta đã quên câu chuyện thổ ngơi của Án Tử. Ông Hồ Chí Minh cũng bị ung thư óc, nên ông ta quên lý luận cách mạng. Do đâu có cách mạng? Vậy thì bởi sao chữ nghĩa phải phẫn nộ vậy? Ông ta đã từng hết lời ca ngợi Trần Dần (66) rồi chính ông ta bảo Trần Dần là “hạt giống xấu”! Những nghệ nhân cộng sản đã vận dụng tài năng suy tôn mắt, trán, râu, tóc lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh mà quên chưa suy tôn cái lưỡi của ông ta. Theo tôi, Nhân Văn giai phẩm là những bông sen thơm ngát trổ mọc từ cái đầm bùn tanh hôi cộng sản rặt những tư tưởng lạc hậu. Văn nghệ “làm sáng tỏ quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin” (67) là thứ văn nghệ gì? Văn nghệ “phải cải tạo mình kiên quyết, theo lập trường vô sản, tư tưởng xã hội chủ nghĩa, nâng cao không ngừng trình độ chính trị để có thế giới quan đúng đắn của chủ nghĩa Mác-Lênin” (68) là thứ văn nghệ gì? Văn nghệ “đoàn kết chung quanh Đảng lãnh đạo” (69) là thứ văn nghệ gì? Đó là thứ văn nghệ nằm, văn nghệ sét rỉ, văn nghệ nô dịch tư tưởng, văn nghệ không sáng tạo, văn nghệ tôi mọi, văn nghệ công cụ, văn nghệ hiếu hỉ, thương vay khóc mướn, văn nghệ cổ võ chém giết, văn nghệ đồng lõa với tội ác… Nhân Văn giai phẩm chối bỏ thứ văn nghệ ấy. Họ muốn là những con người thật với những rung động của con người thật. “Không có Đảng không thể thành người, càng không thể thành người văn nghệ của chủ nghĩa xã hội” (70). Nhân Văn giai phẩm đã khước từ người không tim do Đảng nặn ra, đã đạp ngã người văn nghệ do chủ nghĩa sản xuất. Đảng bị ung thư óc nên Đảng ưa nói nhảm. Đảng bảo “không có Đảng không thể thành người”. Thực sự, Đảng chưa bao giờ là người, cộng sản chưa bao giở là người, họ đang thèm khát làm người. Ước mong của họ:
Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương Nếu là mây tôi sẽ là một vầng mây ấm Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương (71)
Nhân Vân giai phẩm đã dạy lãnh tụ cộng sản là người, đã lay động lương tri làm người của họ. Nhưng họ không nghe. Đó là quyền của họ. Họ sợ làm người. Và họ phải diệt con người. Họ phải diệt Nhân Văn giai phẩm và những người cầm bút chống đối họ vì lý tưởng con người. Họ diệt nổi không? Câu trả lời của chúng ta: Không. Họ còn sợ hãi Nhân Văn giai phẩm không? Câu trả lời của chúng ta: Còn, còn sợ hãi lắm. Bắng chứng là họ đòi hỏi văn nghệ của họ “nhất thiết phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng” và coi cuộc đấu tranh chống chữ nghĩa phản kháng tư tưởng mác xít “là một công việc lâu dài, gian khổ, phức tạp, nên Đảng ta rất kiên trì nhưng cũng rất kiên quyết” (72). Họ không ngừng bêu nhục những người cầm bút đối nghịch họ, ngoài đời va trong sách vở, ngoài nước và trong nước, đã chết hay còn sống. Họ không ngại khai quật mồ mả tổ tiên của những người cầm bút đối nghịch họ bằng bao vây kinh tế, răn đe, bắt bớ…
Phản ứng kiên quyết và kiên trì của bạo lực cộng sản đối với Nhân Văn giai phẩm chỉ là phản ứng của kẻ yếu hèn. Họ rất sợ hãi chữ nghĩa dấy động, nhất là chữ nghĩa dấy động của tài năng biết kết hợp. Nhân Văn giai phẩm đã là bão tố làm rung rinh pháo đài chế độ cộng sản Việt nam, sẽ mãi mãi là ngọn hải đăng soi sáng lương tri của những người cầm bút trong mù khơi bạo lực. Người cầm bút không được phép “tròn trặn quá hòn bi”, không được phép “mặc thây ngàn tiếng chửi tục tằn sống không sáng tạo”, không được phép “nằm”, không được phép im lặng trước bạo lực, bất kể bạo lực đến từ phía nào. Thời đại của chúng ta rất cần thiết một cuộc đấy động chữ nghĩa. Tư tưởng của người cầm bút sẽ tạo dựng lại một giá trị tinh thần mới cho đời sống đang chới với trong thác lũ vật chất, sẽ đẩy mọi thứ bạo lực tập sự cho những tham vọng u mê vào bóng tối, sẽ làm thay đổi tất cả. Để hướng về cái thiện, cái tốt, cái đẹp. Để, nói theo Trần Dần “chẳng còn ai bần tiện, loài người đã biết sống chung nhau” (73).
Sau chót, nhân ông Tố Hữu, đại biểu của bạo lực, vinh tôn giá trị của tư tưởng đối kháng tư tưởng mác xít: “Cơ sở giai cấp của bọn phá hoại còn tồn tại lâu dài trong xã hội ta. Khi đã hết giai cấp, thù địch vẫn còn. Vì tư tưởng giai cấp có sức sống dai hơn giai cấp sinh ra nó” (74), tôi xin tạm kết luận bài này bằng câu nối dài “giáo điều” của ông Tố Hữu. Dẫu Nhân Văn giai phẩm đã chết, tư tưởng đối kháng tư tưởng cộng sản vẫn còn. Vì tư tưởng của Nhân Văn giai phẩm sống dai hơn những người sinh ra nó. Nó trường tồn, ít nhất, cho đến khi con người, kể luôn con người mác xít, được giải phóng khỏi những giáo điều khốn kiếp của chủ nghĩa và mệnh lệnh đê tiện của lãnh tụ.
Để trả lời “những tên muốn làm cây to che cớm mầm non”, những tên “làm rỗng con người”, làm “lùi dần niềm hy vọng”, làm “héo dần mầm sáng tạo”, những tên thích nịnh hót, tâng bốc, những tên không biết xấu hổ “tội nằm”, ở bất cứ nơi nào trên trái đất.
Paris, 8-9-1986
(1) “Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân Văn giai phẩm trên mặt trận văn nghệ”. Báo cáo của Tố Hữu đọc ngày 5-6-1958 tại Hànội.
(2) Trích bài Từ ấy trong tập thơ mang cùng tên của Tố Hữu. … Tôi đã là con của vạn nhà Là em của vạn kiếp phôi pha Là anh vạn mái đầu em bé Không áo cơm cù bất cù bơ
(3) Việt Phương, năm 1972, cho xuất bản tập thơ Cửa mở. Vì muốn thoát khỏi sự nô lệ tư tưởng Nga, Tầu, có những câu tiến bộ: Đã đến lúc đồng hồ Liên Xô không thể tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ Trăng Trung Quốc không thể tròn hơn trăng nước Mỹ bị Tố Hữu kết tội: “Thằng điên làm thơ ở phủ thủ tướng”, bị mất chức bí thư của Phạm Văn Đồng. Nhờ Phạm Văn Đồng can thiệp nên Việt Phương không phải học tập cải tạo.
(4) Bài đã dẫn (Bđd). Tố Hữu đọc báo cáo này trong cuộc họp ngày 5-6-1958, hai năm sau khi sát hại Phan Khôi, bỏ tù Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang… tại trụ sở Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam ở Hà Nội. Trong buổi họp mặt này có mặt hơn tám trăm văn nghệ sĩ đủ các ngành văn học nghệ thuật. Nghi6 quyết của tám trăm văn nghệ sĩ được đọc sau đó: “… Chúng tôi vô cùng phấn khởi, ra sức học tập chính trị, học tập lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, học tập các đường lối chính sách của Đảng…”
(5), (6) Tố Hữu, bđd
(7) Lời mẹ dặn, Phùng Quán
(8) Hãy đi mãi, Trần Dần
(9) Người Hà Nội, Nguyễn Đình Thi
(10) Phạm Duy, quên tựa đề bài
(11) Tử Phác, tác giả Chiều về chiến khu, Quê hương anh bộ đội, Vượt sông Đà tiến sâu vào Tây Bắc. Bài Tiếng hát quay tơ được phổ biến ở Hà Nội từ 1950 rồi Sài Gòn từ 1954. Nó bị cấm cuối năm 1951 vì được xếp vào loại lãng mạn cách mạng. Bài hát có những câu: “Người chiến sĩ ầm gió rét mưu bay, đắm mình trong khói súng, chiến trường áo mong manh, căm thù nuôi ấm thân… Mỗi một đường tơ là mỗi dây tình trong lòng em dâng người hiên ngang…” Tử Phác cũng ở trong Nhân Văn giai phẩm.
(12) Tên một tác phẩm của Nguyễn Mạnh Côn viết về tâm trạng những người theo kháng chiến chống Pháp.
(13) Thơ của Chính Hữu.
(14) Tiến về Hà Nội, Văn Cao.
(15) Bài hát của bộ đội vô sản sau ngày quy định thành phần giai cấp.
(16) Đảng ca
(17) Hờn căm địa chủ, Tô Vũ
(18) Của ta làm ra phải trở về ta, Tạ Phước
(19) Bác dạy, Xuân Diệu
(20) Đảng hơn mẹ, Xuân Diệu
(21) Giết hết, Xuân Diệu
(22) Em bé lên sáu, Hoàng Cầm
(23) Tố Hữu (Bđd)
(24) Phan Khôi
(25) Hãy đi mãi, Trần Dần
(26) Cây đàn muôn điệu, Thế Lữ
(27) Tên một tác phẩm của Trần Dần viết về trận đánh Điện Biên Phủ
(28) Hãy đi mãi, Trần Dần
(29) Nguyên Hồng, nhà văn tiền chiến, tác giả Những ngày thơ ấu, Bỉ vỏ…
(30) Phùng Quán, nhà văn bộ đội, sinh năm 1931, thuộc giai cấp vô sản
(31) Lời mẹ dặn, Phùng Quán
(32) Hãy đi mãi, Trần Dần
(33) Em bé lên sáu tuổi, Hoàng Cầm
(34), (35) Chống tham ô lãng phí, Phùng Quán
(36) Tác giả bài thơ Mầu tím hoa sim mà Phạm duy đã phổ nhạc
(37) Cùng những thằng nịnh hót, Hữu Loan
(38), (39), (40), (41) Lời buồn chia với tang gia, Trần Dần
(42) Lời mẹ dặn, Phùng Quán
(43) Hãy đi mãi, Trần Dần
(44) Chống tham ô lãng phí, Phùng Quán
(45), (46) Cùng những thằng nịnh hót, Hữu Loan
(47) Đêm liên hoan, Hoàng Cầm
(48) Anh có nghe không, Văn Cao. Văn Cao là nhạc sĩ tài hoa, tác giả Thiên Thai, Suối Mơ, Trương Chi… và Quốc ca Việt cộng.
(49) Những ngày báo hiệu mùa xuân, Văn Cao
(50), (51) Cán bộ đa số không phải đảng viên. Bộ đội cũng vậy. Chỉ có cán bộ, bộ đội trong Ban chấp hành chi bộ, xí nghiệp, đơn vị mới là đảng viên cộng sản. Chính ủy đại đội, trung đoàn… là đảng viên cốt cán. thừa hành lệnh Đảng.
(52) Cộng sản quy tất cả báo chống Đảng vào một giai cấp phá hoại là Nhân Văn giai phẩm
(53) Tố Hữu, Bđd
(54) Nguyễn Công Hoan mạt sát Phan Khôi thậm tệ. Về sau, vì cuốn Đống rác, bị Đảng phủ nhận hết công lao cách mạng. Khi chết, trên cáo phó không hề được ghi một thứ huân chương nào, kể cá huân chương lao động.
(55) Như Phong, ngự sử văn nghệ Đảng, không phải Như Phong Lê Văn Tiến, nhà văn Sài Gòn.
(56) Tố Hữu, Bđd
(57) Nhà tù, hồi ký của Duyên Anh
(58) Trần Bạch Đằng là đảng viên vai vế, ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. Ông ta là cháu ruột của dân biểu Phan Thiết Trương Kỳ Sanh. Viết văn, làm thơ, ông ta ký Hưởng Triều, Trần Quang, tác giả bản báo cáo bắt văn nghệ sĩ Sài Gòn chiến dịch 2-4-1976.
(59) Nhà tù, hồi ký của Duyên Anh
(60) Phòng triển lãm tội ác Mỹ Ngụy ở ngay ngã tư Trần Quý Cáp – Lê Quý Đôn
(61) Nhà tù, hồi ký của Duyên Anh
(62) Vụ án hồ Con Rùa, Huỳnh Bá Thành, nhà xuất bản Tuổi Trẻ, Sài Gòn 1982. Ngót 6 năm sau khi bắt nhốt văn nghệ Sài Gòn, cộng sản mới tung thêm cuốn sách này nhằm tố cáo các nhà văn giật mìn sát hại dân chúng và âm mưu lật đổ chính quyền cộng sản. Cuốn sách bêu nhục nhà văn một cách hạ cấp.
(63) Nhà tù, hồi ký của Duyên Anh
(64) Thụy An, nhà văn tiền chiến danh tiếng. Bà bị bắt cuối năm 1956 và được thả cuối năm 1975, trải qua ngót 20 năm tù ngục.
(65) Nguyễn Hữu Đang là người Nhân Văn giai phẩm được thả cuối cùng. Ông ra đời năm 1976, đúng 20 năm tù ngục.
(66) Hồ Chí Minh đã ca tụng cuốn Người người lớp lớp của Trần Dần và tuyên dương Trần Dần.
(67), (68), (69), (70) Tố Hữu, Bđd
(71) Bài hát của cộng sản, nhan đề Tự nguyện. Một số người nói bài này là lời thơ của Tố Hữu (sic)
(72) Tố Hữu, Bđd
(73) Hãy đi mãi, Trần Dần
(74) Tố Hữu, Bđd
Share this:
Từ khóa » Nhân Văn Giai Phẩm Nghia La Gi
-
Phong Trào Nhân Văn – Giai Phẩm – Wikipedia Tiếng Việt
-
Biện Pháp Thanh Trừng - Nhân Văn Giai Phẩm
-
#65 – Sự Kiện Nhân Văn – Giai Phẩm, Cuộc Thanh Trừng Năm 1967 ...
-
Phong Trào Nhân Văn Giai Phẩm - Nghiên Cứu Quốc Tế
-
Vài Nét Về Nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm - VOA Tiếng Việt
-
Phong Trào Nhân Văn - Giai Phẩm - Wiki Là Gì
-
Vụ Nhân Văn Giai Phẩm Từ Góc Nhìn Của Đại Tá Công An - CVD
-
Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm Đấu Tranh Cho Cái Gì?
-
Một đánh Giá Mới Về Nhân Văn - Giai Phẩm - BBC News Tiếng Việt
-
Phong Trào Nhân Văn-Giai Phẩm Nghĩa Là Gì?
-
Nhân Văn Giai Phẩm Phần I : Tìm Hiểu Phong Trào - RFI
-
Chương 1: Tìm Hiểu Phong Trào “Nhân Văn Giai Phẩm”
-
Ôn Lại Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm - Radio Free Asia
-
Hai Bài Viết đáng đọc Lại Về Nhân Văn - Giai Phẩm