Nhân Vật | Anh Hùng Nguyễn Văn Trỗi - Trường THCS Đông Hồ

Anh là con thứ ba trong một gia đình bần nông, mồ côi mẹ từ nhỏ. Sau Cách mạng tháng Tám (1945), anh được theo học trong trường cách mạng và tham gia hoạt động thiếu nhi ở xã.

Trước sự khủng bố của Mỹ - ngụy tại Duy Xuyên - Quảng Nam, năm 1956, gia đình anh đã vào Sài Gòn, trú tại ấp Tân Ba, Phú Nhuận, thuộc quận Tân Bình. Tại đây, anh vừa làm thuê để kiếm sống, vừa học nghề điện, sau đó trở thành công nhân Nhà máy điện Chợ Quán.

Nguyễn Văn Trỗi đã chủ động bắt liên lạc với tổ chức cách mạng và được giáo dục giác ngộ. Anh được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Việt Nam.

Ngày 17/2/1964, Nguyễn Văn Trỗi tình nguyện gia nhập Đội biệt động 65, Quân khu Sài Gòn - Gia Định.

Là một thanh niên giàu lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng, anh vừa hăng hái thực hiện mọi công tác được giao, vừa tích cực vận động giác ngộ bạn bè tham gia cách mạng.

Tháng 5/1964, Nguyễn Văn Trỗi được giao nhiệm vụ ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mác-na-ma-ra đang ở Sài Gòn. Theo kế hoạch, ngày 9/5/1964, Nguyễn Văn Trỗi thực hiện trận đánh bằng cách dùng mìn điểm hỏa bằng điện đặt ở cầu Công Lý, đón Mác-na-ma-ra đang trên đường đi ra sân bay Tân Sơn Nhất. Trận đánh chưa thực hiện được thì bại lộ, anh bị bắt.

Nguyễn Văn Trỗi bị chính quyền Sài Gòn giam ở khám Chí Hòa. Chúng dùng mọi thủ đoạn từ dụ dỗ, mua chuộc đến tra tấn dã man vẫn không khuất phục được anh. Ngày 10/8/1964, chúng đưa anh ra Tòa án quân sự kết án tử hình. Tại tòa án, khi tên quan tòa hỏi anh muốn nói gì, anh đáp: “Tôi chỉ muốn nói vắn tắt một câu: tôi rất tiếc chưa giết được Mác-na-ma-ra”.

Trước chí khí lẫm liệt của Nguyễn Văn Trỗi, Mặt trận Giải phóng Dân tộc Venezuela bắt sống tên trung tá Mỹ Micheal Smolen giữa thủ đô Ca-ra-cát và tuyên bố: “Nếu bọn Mỹ - Khánh ở sài Gòn giết chết anh Nguyễn Vẵn Trỗi thì một giờ sau Mặt trận Giải phóng dân tộc Venezuela sẽ hạ lệnh bắn tên Smolen”.  

Chính quyền Sài Gòn ngay lập tức ra lệnh đình chỉ vô thời hạn bản án của Nguyễn Văn Trỗi. Hai bên đồng ý trao đổi tù binh, nhưng sau khi Micheal Smolen được thả, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã trở mặt, đưa Nguyễn Văn Trỗi đi xử bắn bí mật ngay lập tức.

9 giờ 59 phút, ngày 15/10/1964, trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài, Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn tại Khám Chí Hòa. Trước khi bị xử bắn, anh đã hô lớn "Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo Nguyễn Khánh ! Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm!".

Chính quyền Sài Gòn bí mật chôn xác Nguyễn Văn Trỗi tại nghĩa trang Văn Giáp ở Giồng Ông Tố (nay thuộc phường Bình Trưng Đông, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh).

Trong phiên họp bất thường ngày 17/10/1964, Chủ tịch đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định truy tặng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng và Huân chương Thành đồng hạng nhất. Năm 1995, Đảng và Nhà nước ta truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho anh.

Khu Đảng bộ Sài Gòn, Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam đã quyết định truy nhận anh Nguyễn Văn Trỗi là đảng viên chính thức của Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi trong bức ảnh chụp Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trước pháp trường: "Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của Anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước - nhất là cho các cháu thanh niên học tập!” (3).

Tấm gương hi sinh của Nguyễn Văn Trỗi đã làm xúc động dư luận trong nước và thế giới. Anh mất đi, Tổ quốc và nhân dân mất đi một người con ưu tú, giai cấp công nhân mất đi một chiến sĩ kiên trung, nhưng lịch sử dân tộc sáng thêm một tấm gương thanh niên anh dũng, bất khuất. “Rõ ràng, một anh Trỗi mất đi, hàng ngàn, hàng vạn Nguyễn Văn Trỗi khác đã đứng lên giáng cho địch những đòn sấm sét”.

Từ khóa » Câu Chuyện Về Nguyễn Văn Trỗi