Nhân Vật Lịch Sử - Huyện Hải Hậu

image banner
  • Trang Chủ
  • Giới thiệu
    • Lời giới thiệu
    • Bản đồ hành chính
    • Vị trí địa lý
    • Hệ thống chính trị
    • Chức năng, nhiệm vụ
    • Sơ đồ tổ chức
    • Lãnh đạo UBND huyện
    • Các đơn vị sự nghiệp
    • UBND các xã, thị trấn
    • Lịch sử xây dựng và trưởng thành của UBND huyện Hải Hậu
  • Tin tức sự kiện
    • Tin trong huyện
    • Tin trong tỉnh
    • Tin trong nước
  • Hội đồng nhân dân
    • Nhiệm kỳ 2021-2026
      • Tài liệu kỳ họp thứ 1
      • Tài liệu kỳ họp thứ 2
      • Tài liệu kỳ họp thứ 3
      • Tài liệu kỳ họp thứ 4
      • Tài liệu kỳ họp thứ 5
      • Tài liệu kỳ họp thứ 6
      • Tài liệu kỳ họp thứ 7
      • Tài liệu kỳ họp thứ 8
      • Tài liệu kỳ họp thứ 9
      • Tài liệu kỳ họp thứ 10
      • Tài liệu kỳ họp thứ 11
      • Tài liệu kỳ họp thứ 12
      • Tài liệu kỳ họp thứ 13
      • Tài liệu kỳ họp thứ 14
      • Tài liệu kỳ họp thứ 15
      • Tài liệu kỳ họp thứ 16
      • Tài liệu kỳ họp thứ 17
      • Tài liệu kỳ họp thứ 18
      • Tài liệu kỳ họp thứ 19
      • Tài liệu kỳ họp thứ 20
      • Tài liệu kỳ họp thứ 21
      • Tài liệu kỳ họp thứ 22
      • Tài liệu kỳ họp thứ 23
      • Tài liệu kỳ họp thứ 24
      • Tài liệu kỳ họp thứ 25
    • Tài liệu khác
  • HỆ THỐNG VĂN BẢN
    • Văn bản của huyện
    • Văn bản của tỉnh
    • Văn bản của TW
  • Thủ tục hành chính
    • Danh sách cán bộ, công chức đầu mối
    • Tiếp nhận, phản ánh kiến nghị
    • Thủ tục hành chính cấp huyện
    • Quy trình nội bộ
    • Thủ tục hành chính cấp xã
  • Tiếp cận thông tin
    • Danh mục thông tin công khai
    • Đầu mối cung cấp thông tin
    • Giới thiệu Luật tiếp cận thông tin
    • Danh mục bí mật nhà nước
  • Trang chủ
  • Du lịch Hải Hậu
  • Nhân vật lịch sử
NHÂN VẬT LỊCH SỬ - VĂN HOÁ

             I. THỜI KỲ NĂM 1945 TRỞ VỀ TRƯỚC

1. Trần Vu: Tên thuỵ là Phúc Đức, phả chép là cháu đời thứ 12 Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Sinh không rõ năm nào. Quê cũ: Thôn Lương Nội, xã Tương Đông, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường. Cụ Bà họ Mai, hiệu Từ Quang, quê ở làng Bát Tràng.

Sau khi được vua Lê phong chức Dinh Điền phó sở sứ, cụ Trần Vu cùng 3 cụ người làng là Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập cùng con cháu xuống khai khẩn vùng bãi bồi, lập nên xóm Phú Cường, sau là Quần Cường ấp, mảnh đất đầu tiên của huyện Hải Hậu ngày nay.

Năm 1917, Đinh Tỵ, Khải Định thứ 2 sắc phong: Dực bảo trung hưng linh phù tôn thần.

Năm 1924, Giáp Tý, Khải Định thứ 9, gia phong Quang Ý Trung Đẳng Thần.

Năm 1925, Ất Sửu, lại gia phong 2 chữ Đoan Túc.

Cụ qua đời vào ngày 22/3 âm lịch. Lăng mộ xây hình vuông, ở giữa là Long đình. Mặt Đông Long đình có tấm bia đá lớn. Tên bia “Quần Anh Thuỷ Tổ khảo Trần Công mộ bi ký” nghĩa là: “Bia ghi mộ thuỷ tổ ông họ Trần của Quần Anh”. Văn bia do cụ Nghè Đỗ Tông Phát soạn năm 1873. Nội dung nói về thân thế sự nghiệp của Trần Thuỷ tổ cùng 3 Thuỷ tổ khai sáng Quần Anh.

2. Vũ Chi: Thuỷ Tổ Vũ Chi còn gọi là Vũ Uy, Vũ Duy Uy, tự là Chính Tâm, duệ hiệu là Vũ Đại Lang sinh sống ở làng Cao Mật, nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Quê gốc của Thuỷ Tổ Vũ Chi ở làng Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương. Khoảng năm 1408, ông dời đến làng Cao Mật để sống.

Văn bia Tổ tích bi ký do cử nhân Vũ Luyện soạn năm 1925 chép (dịch) “Hoàng Thuỷ tổ, triều tiền Lê là Phó ba đại tướng quân ([1]), hiệu là Vũ Đại Lang, tự là Chính Tâm, thuộc dòng họ Vũ, một dòng họ có tiếng tăm ở xã Tương Đông. Đức Thuỷ tổ đã từng phò vua giúp nước nên được thụ phong là quan võ của triều đình… Thời Lê Thuận Thiên (1428) nơi đây là bãi bồi rộng ước chừng vài vạn mẫu… Tổ ta cùng 3 tổ Trần, Hoàng, Phạm đến đây khai hoang lập nghiệp”.

Trong quá trình khẩn hoang, công việc đắp đê khai thông sông ngòi, cải tạo đồng ruộng đều do Thủy tổ Vũ Chi trực tiếp đảm nhiệm. Ông đã chỉ huy nhân dân đắp đê Đông, đê Nam (đê Hồng Đức)…khoanh vùng ngăn nước mặn. Cùng với đắp đê, Thuỷ tổ Vũ Chi còn cho cải tạo ngòi, lạch, đào sông Xẻ dẫn nước ngọt về thau chua, rửa mặn phục vụ canh tác làm cho đất đai được mở rộng, lúa khoai tươi tốt, đời sống cư dân ngày càng sung túc.

Với những công lao to lớn đó, năm 1917, Đinh Tỵ, là năm Khải Định thứ 2, sắc phong Dực bảo trung hưng linh phù tôn thần.

 Năm 1925, Ất Sửu, là năm Khải Định thứ 9, gia tặng Quang ý trung đẳng thần.

 Để ghi nhớ công lao của các vị Tổ đã có công đầu trong việc khai hoang, lấn biển thành lập làng xã, nhân dân suy tôn là “Tứ Tính, Cửu Tộc” và lập đền thờ.

3. Hoàng Gia: Thuỷ Tổ Hoàng Gia có miếu hiệu là: Thuỷ tổ Hoàng Công Tư Ngộ Phúc hiệu niên tăng hầu phủ quân. Nghĩa là Thuỷ Tổ Ngộ Phúc tên huý thường gọi Hoàng Gia. Không rõ năm sinh. Tương truyền rằng, họ Hoàng có nguồn gốc thuộc Thục Phán An Dương Vương. Sau khi cuộc kháng chiến của quân dân Âu Lạc dưới sự lãnh đạo của vua Thục (vua nước Âu Lạc) bị thất bại trước sự xâm lược của Triệu Đà. Con cháu của dòng dõi An Dương Vương tránh sự diệt tộc đã đổi sang họ Hoàng (mang dấu ấn họ vua), một nhánh nhỏ ở lại huyện Đông Anh, một dòng lớn chạy về Chương Mỹ và Thường Tín… Sau đó, dòng dõi của Thuỷ tổ Hoàng Gia đã từ Thường Tín về Tương Đông huyện Nam Chân (Nam Trực ngày nay).

Trong Tứ Tổ, Thuỷ Tổ Hoàng Gia được phân công lo việc học hành, dựng ngọn cờ Nho học, mở trường dạy chữ, nâng cao dân trí.

Năm 1917, Định Tỵ, Khải Định thứ 2, sắc phong: Dực bảo trung hưng linh phù tôn thần.

Năm 1925, Ất Sửu, Khải Định thứ 10, gia phong Đoan Túc Trung Đẳng Thần.

Nhân dân Quần Anh lập đền thờ, con cháu lập Tổ đường.

4. Phạm Cập: Theo các sách “Quần Anh địa chí”, “Quần Anh tiểu sử”, “Truyện cũ làng Anh”, gia phả họ Phạm và tư liệu văn bia các di tích thì Thuỷ tổ Phạm Cập, tự là Chính Trực, quê ở Tương Đông là một trong 4 vị Tổ khai sáng đất Quần Anh.

Trải qua một thời gian dài khai phá với biết bao mồ hôi công sức, Tứ tổ đã tạo dựng được một vùng đất bồi rộng rãi, lập thành xóm Phú Cường, sau đổi thành Quần Cường ấp. Thuỷ tổ Phạm Cập được phân công gánh vác trọng trách làm quản bạ, quản lý ruộng đất và nhân khẩu. Đất đai ngày càng rộng lớn, nhân dân ngày càng đông đúc, năm 1511 Quần Cường ấp được thăng lên thành xã Quần Anh.

Với công lao to lớn đó, ngày 25/7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) đã có Đạo sắc ghi rõ (dịch) “Sắc cho tỉnh Nam Định, huyện Hải Hậu, tổng Quần Phương, cả tổng phụng thờ vị tổ khai sáng, Chính Trực Phạm Cập đại lang linh thiêng, rõ rệt…Gia phong là: Dực bảo trung hưng linh phù chi thần”.

Để ghi công ơn Thuỷ tổ Phạm Cập, nhân dân Quần Anh lập đền thờ, con cháu lập Tổ đường thờ phụng.

5. Vũ Duy Hoà: Vũ Duy Hoà quê ở xã Mộ Trạch, huyện Đường An, phủ Hạ Hồng (nay là xã Tân Hồng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Ông thuộc dòng dõi Vũ Hồn, vốn từ đất Phúc Kiến (Trung Quốc) dời về phương Nam từ đời Đường và định cư tại Mộ Trạch. Ông sinh vào khoảng năm Bính Ngọ (1546). Trong thời kỳ làm quan, ông luôn tận tâm với công việc, được triều đình nhà Lê nhất mực tin dùng và giao cho nhiều trọng trách.

Vũ Duy Hoà còn là người có nhiều đóng góp tài năng và công sức cùng nhân dân khai hoang mở đất vùng đất phía Tây sông Hà Lạn thuộc huyện Hải Hậu.

Năm Giáp Ngọ, niên hiệu Quang Hưng thứ 17 (1594), ông được vua Lê giao giữ chức An phủ sứ trấn Sơn Nam. Năm Đinh Dậu (1597), An phủ sứ Vũ Duy Hoà đã đem gia đình và cộng sự xuống vùng đất ven biển thuộc cửa Lạn Môn có tên gọi là Cẩm Hà Trang, ông và các cộng sự nhận thấy vùng đất này thuận tiện cho việc khai hoang mở đất lâu dài. Ông đã cùng con cháu 5 dòng họ Vũ, Trần, Phạm, Đỗ, Đoàn kết nghĩa anh em, đoàn kết cùng nhau khai khẩn và chiêu mộ nhân dân các nơi tụ hội về lấn biển tạo lập vùng đất mới có tên gọi là Cẩm Hà cửu ấp. Đến năm Vĩnh Tộ thứ nhất (1619), làng Hà Lạn được thành lập và chia làm 8 thôn: Thượng Phúc, Trung Tự, Phượng Đông, Phượng Đoài (nay thuộc xã Hải Phúc), Phúc Lộc (nay thuộc Hải Lộc), Phúc Tự (nay thuộc Hải Thanh), Phúc Thuỵ, Trung Lương (nay thuộc Hải Hà).

Ngày 25 tháng Giêng năm Giáp Tý, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 5 (1624), An phủ sứ Vũ Duy Hoà qua đời. Triều đình phong tặng ông dòng chữ “Khai điền lập ấp, khuyến hiếu trung khai nhân hậu linh phù tôn thần”, đồng thời cho phép lập đền thờ. Mộ của ông được an táng trong khuôn viên chùa Hà Lạn.

6. Nguyễn Công Trứ: Nguyễn Công Trứ (1778- 1858) tự là Tồn Chất, hiệu là Ngô Trai, biệt hiệu là Hy Văn. Quê ở làng Uý Viễn (nay thuộc huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Ông sinh ở Thái Bình, nơi cha ông là Nguyễn Công Tấn làm tham tán Sơn Nam. Thời Tây Sơn ông theo cha về quê ăn học nhưng thi cử lận đận. Mãi đến năm 42 tuổi ông mới đỗ giải Nguyên khoa thi Hương năm Kỷ Mão (1819) tại trường Nghệ An.

Nguyễn Công Trứ làm quan dưới triều vua Minh Mạng và Thiệu Trị, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Hành tẩu Quốc sử quán, tri huyện Đường Hào (Hải Dương), Lang trung bộ Lại, Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Tham hiệp trấn Thanh Hoá, Tham tán quân vụ Bắc Thành… rồi Thị Lang bộ hình. Ông có tài năng về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là văn thơ và tổ chức khai hoang.

Năm 1828, ông đã dâng sớ lên vua Minh Mạng xin “khai ruộng hoang để yên nghiệp dân nghèo”. Trong sớ tâu lên vua, ông đã nêu rất chi tiết các biện pháp về tài chính, lương thảo, công cụ, nhân lực, tổ chức để bảo đảm sự thành công của công cuộc khai hoang. Vua Minh Mạng chấp thuận sớ tâu của Nguyễn Công Trứ và phong ông làm Dinh điền sứ phụ trách khai khẩn ở miền ven biển Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình.

Công cuộc khai hoang được khởi xướng vào tháng 3 năm Mậu Tý (1828). Đến năm 1829 tại Nam Định đã lập được 2 tổng: Hoàng Thu (Giao Thuỷ) và Ninh Nhất (Hải Hậu). Tổng Ninh Nhất được thành lập gồm 9 làng, ấp, trại . Ông đã cho phân chia đất ở, đất canh tác, đất làm đình, làm chùa, làm đền, bãi tha ma, bãi thả trâu bò, ao, hồ… Ông huy động nhân dân đắp đê ngăn mặn và vét sông, đào hào làm thuỷ lợi rất cụ thể thành một hệ thống tưới tiêu và giao thông thuận tiện.

Để ghi nhớ công đức của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, khi ông qua đời, nhân dân trong vùng đã đặt thần vị thờ ông tại các đền, đình làng. Hiện nay, đình An Trạch (Hải An), Đền An Phú, An Lễ (Hải Phong) là những nơi thường xuyên thờ phụng Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ.

7. Bùi Thúc Trinh (1811- 1891), tự Anh Xuyên, tục gọi là Nhất Trung, quê Quần Anh Hạ (xóm Đông Cường, Hải Bắc ngày nay). Ông là người tinh thông nho y. Ông đi thi mấy lần nhưng là gia đình theo Kitô giáo nên chỉ đỗ Nhất trường. Sau, ông chuyên tâm nghiên cứu y học, trở thành vị danh y. Ông đào tạo cho đời nhiều thầy thuốc giỏi và là một tác gia, cống hiến cho nền y học nước nhà những bộ sách quý giá. Tác phẩm:

Y học: Vệ sinh yếu chỉ, Sơ thí (3 quyển), Thuyết nghi (1 quyển), Vệ sinh mạch quyết, Điển trai y môn tập chung toát yếu.

Văn học:    - Di nhàn tập (thơ chữ Hán)

8. Đỗ Tông Phát, còn gọi là Đỗ Phát (1813- 1893), quê ở Quần Anh Hạ, (Hải Bắc ngày nay), tự là Xạ Phụ, hiệu Mai Hiên. Ông là học trò nổi tiếng xuất sắc của Tiến sỹ Ngô Thế Vinh, đỗ Tiến sỹ năm 1843 (khi mới 31 tuổi), được bổ chức Hoan Châu đề học (đốc học), sau đó hai lần làm Quốc tử giám tư nghiệp rồi Thượng biên (coi giữ vùng bờ biển Sơn Nam Hạ), rồi Dinh điền Phó sứ (1866), tiếp theo là Dinh điền Chánh sứ (1881), sau làm Tri phủ Ưng Hoà, Hải Hậu. Ông là người có công đầu khai khẩn lập nên tổng Quế Hải và tiếp nối sự nghiệp Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ xây dựng vùng đất tổng Ninh Nhất. Tác phẩm có: Khuê phạm ước ngữ (giáo khoa dành cho nam giới), Khuê phạm băng kinh (giáo khoa dành cho nữ giới), Tập lục Dương Đình phú lược; Văn thơ có: Thuỷ kinh lục , Mai viên thi văn, Sao biên thi tập, Hàn văn thơ cầm tháo (thơ, nhạc)…Đặc biệt bài Văn bia mộ cụ Thuỷ Tổ họ Trần do Tiến sỹ Đỗ Tông Phát soạn tháng 4/1873 còn là một tài liệu lịch sử quan trọng nhất xác định lịch sử hình thành đất Cồn ấp và xã Quần Anh cùng công lao khai khẩn lập ấp, xã của Tứ Tính, Cửu Tộc.

Cụ còn để lại những bài thơ nổi tiếng. Xin giới thiệu 2 bài thơ của cụ: Mùa xuân cấy lúa

(Dịch thơ)        

Bể mới nên nương, đất chưa nhuần

Thay chua, đổi ngọt mới gian truân.

Đường cầy xuân muộn sương mây tưới.

Khoảnh ruộng bồi non cấy gặt dần.

Bò sớm đi còn sao điểm tóc.

Bừa chiều về đã khói chen chân.

Lại mong thời tiết sao cho thuận.

Núi thẳm đêm đêm ngắm bóng vân.[2]

Và bài  Khuyên con:

Con đừng tham rượu với tham hoa.

Tham rượu, tham hoa ấy mất nhà

Thường bởi rượu say, hoa quyến rũ,

Chỉ vì hoa đẹp, rượu khề khà.

Rượu vào thêm gợi tình hoa thắm,

Hoa nở càng vui chén rượu ra.

Rượu hết, hoa tàn, tiền cạn túi.

Hoa đâu, người nhỉ, rượu đâu ta!

9. Trần Văn Gia (1836 - 1892), Ông tự là Hạnh Chi, sau đổi thành Chân Tâm, hiệu Hoè Phù Hải Cường, quê Quần Anh Trung (Hải Trung ngày nay). Ông là học trò Hoàng giáp Phạm Văn Nghị (tên Trần Văn Gia là do Phạm Văn Nghị đặt cho). Đỗ cử nhân năm 1868. Ông theo học ở Quốc Tử Giám và dự bốn khoa thi Hội nhưng đều không đỗ. Ra làm quan, ông lần lượt giữ chức vụ: Điển tịch Viện Hàn lâm sung Hành tẩu bộ Binh, Biên tu Quốc sử quán, Tri huyện Yên Mô, Tri huyện Yên Khánh (Ninh Bình). Năm 1882, ông được thăng Giám sát Ngự sử đạo Nghệ Tĩnh.

Năm 1883, khi quân Pháp đánh chiếm Nam Định, đang để tang mẹ ở quê, ông đã liên hệ với các sỹ phu yêu nước, chiêu mộ hương dũng, chuẩn bị khí giới, mưu tính việc khôi phục tỉnh nhà. Nhưng rồi triều đình ký hoà ước 1884, quân Pháp đặt ách thống trị trên cả nước, ông cáo bệnh về quê, lập trường Hải Châu dạy học, nhằm giữ vững tinh thần yêu nước trong sỹ phu và nhân dân địa phương, đợi thời hành động. Khi phong trào Cần Vương tan rã, ông cùng một số văn thân chủ trương đưa những thanh niên có nghĩa khí ở quê hương lên Bắc Giang tham gia nghĩa quân Đề Thám và phong trào Kỳ Đồng, bố trí một số người vào hàng ngũ binh lính Pháp, chuẩn bị nội ứng cho những hoạt động chống Pháp sau này. Ông mất năm 1892, để lại nhiều tác phẩm thơ văn thể hiện thái độ phản đối chủ trương chủ hoà của triều đình, là nỗi đau buồn trước vận mệnh đất nước, là sự phẫn nộ hướng vào giặc Pháp xâm lược và bọn tay sai của chúng. Tác phẩm có:

Biên tập: Thi vị tất thi, Trần tộc đồ phả.

Soạn: Phúc cơ đình tứ ước, Hương lão hội lệ, Thượng lão hội lẹ.

Sáng tác: Tích chỉ tập, Gián viên xướng thù, Kinh du tập, Công dư tạp ký, An mô nha lục, Hoè Anh thủ cảo.

10. Trần Ruân (1858- 1923).Ông tự là Điền Chi. Quê Quần Anh Trung, (nay là Hải Trung) đỗ Cử nhân năm 1884. Buồn vì đất nước bị xâm lược ông từ chối không ra làm quan. Năm 1892, thầy học ông là Cử nhân Trần Văn Gia (tức Ngự Gia) chỉ huy nghĩa quân văn thân địa phương, quá cố. Theo đề nghị và di chúc của thầy, ông kế tục lãnh đạo phong trào. Ông là một sỹ phu yêu nước, kiên quyết chống thực dân Pháp.

Cuộc đời hoạt động chính trị quân sự của ông gặp nhiều gian khổ, ông bị đô hộ Pháp bắt đi bắt lại nhiều lần.

Ông sáng tác, dịch thuật sách, truyện, văn thơ chữ Hán, chữ Nôm để nêu lên ý chí của mình hoặc cung cấp cho thời sự. Tác phẩm có: Hương Sơn lịch phả, Tam Tự kinh diễn âm, Chính khí diễn âm, Quy khứ lai từ diễn âm,  Đông A gia huấn, Điền chi thi văn…          

11. Phạm Văn Ngọ (1905 - 1932).Quê xóm chợ Đình xã Quần Phương Trung, nay là xóm 12 xã Hải Trung. Ông là công nhân nhà máy sợi Nam Định. Trưởng thành trong phong trào của giai cấp công nhân, được kết nạp vào tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội năm 1927, sau là Đảng Cộng sản Đông Dương. Giữa năm 1930 được cử làm Bí thư tỉnh uỷ Hải Phòng, tháng 10/1930 được cử vào Xứ uỷ Bắc Kỳ. Tháng 11/1931 bị giặc bắt, bị kết án khổ sai chung thân, giam ở nhà tù Sơn La (1932) rồi hy sinh ở đây khi mới 27 tuổi.

II. THỜI KỲ TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY

1. Phạm Hạp (1897 - 1993): pháp hiệu Thanh Thiện, pháp danh Đức Nhuận, nên thường gọi là Hoà thượng Thích Đức Nhuận. Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, quê ở làng Quần Phương, huyện Hải Hậu.

Năm lên 7 tuổi, ông bắt đầu đi học đến năm 15 tuổi (1912), ông đã có trình độ căn bản về Nho học. Từ đó ông phát nguyên xuất gia học Phật, đến những năm 1920- 1921 trở thành một thiền gia có uy tín trong giáo hội Phật giáo Bắc Kỳ.

Từ năm 1939- 1945, ông tu giảng tại các chùa lớn ở các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Nội…, đào tạo được một số tăng tài cho Giáo hội. Sau toàn quốc kháng chiến, ông trụ trì ở chùa Đồng Đắc (Ninh Bình), tham gia phong trào Phật giáo cứu quốc trong vùng Pháp chiếm. Bị Pháp khủng bố, năm 1953 ông phải tạm lánh lên Hà Nội.

Năm 1953, ông giữ chức Phó hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam, kiêm trụ trì chùa Phổ Giác, năm sau trụ trì chùa Quán Sứ. Năm 1956, về trụ trì chùa Hoàng Ân (Quảng Bá) ở Hà Nội.

Từ sau ngày đất nước thống nhất đến năm 1981, ông được cung thỉnh làm Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Từ khi giữ trọng trách này, ông đề đạt với chính quyền ba nguyện vọng khẩn yếu của Giáo hội:

- Cho mở trường đại học Phật giáo tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn.

- Cho mỗi tự viên được nhập hộ khẩu một số tăng chúng để lo Phật tự.

- Cho phép phật tử được tự do đến chùa tu niệm.

Ông viên tịch ngày 23/12/1993, tại Hà Nội, thọ 97 tuổi.

2. Đoàn Thanh Tảo (1906- 1979), pháp danh Thanh Thao, hiệu Trí Hải, nên gọi là Hoà Thượng Thích Trí Hải, được các nhà nghiên cứu và giới phật học tôn vinh là bậc Thiền sư. Ông sinh ngày 19/5/1906 tại xã Quần Phương Trung (Hải Trung). Ông xuất gia tu hành từ năm 17 tuổi. Hoà Thượng là người có công lớn trong việc chấn hưng Phật giáo Việt Nam thời cận đại. Là một trong những người vận động sáng lập Hội Phật Giáo Việt Nam. Năm 1951 là Phó Hội chủ Khoá đầu tiên Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Hoà Thượng được Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà mời làm cố vấn Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Ông viên tịch ngày 30/6/1979, tại Hải Phòng, thọ 74 tuổi.

“Thiền sư Trí Hải là một vị danh tăng của Phật giáo Việt Nam thời cận đại. Ngài được tăng ni và Phật tử cả nước tôn kính là một vị Cao tăng có đầy đủ giới đức và trí tuệ. Tên tuổi của Ngài gắn liền với công cuộc chấn hưng Phật giáo ở nước ta vào những năm đầu của Thế kỷ XX.

Hơn 50 năm hành đạo, thiền sư viết khoảng 200 bài báo đăng trên các báo Đuốc Tuệ, Tinh Tấn, Diệu Âm, Tin tức Phật Giáo...; Trước tác và biên dịch khoảng 70 đầu sách”. Tiêu biểu là các tác phẩm: Nghi thức tụng niệm, Gia đình giáo dục, Kinh thập thiện, Phật học phổ thông, Phật học vấn đáp, Đồng nữ La Hán, Cái hại vàng mã, Phật hoá tiểu thuyết, Nhân Gian Phật Giáo Đại Cương (xuất bản năm 2003), Hồi ký thành lập Hội Phật Giáo Việt Nam (xuất bản  năm 2004), Phật học Ngụ Ngôn (xuất bản năm 2009).

3. Hoà Thượng Thích Tâm Thông

Thế danh: Nguyễn Thế Tiến, sinh ngày 27/11/1916 tại thôn An Ninh xã Hải Trung, nay là xóm 2 xã Hải Trung.

Năm 15 tuổi Ngài xuất gia đầu Phật.

Năm 1942, Ngài được Hội Phật giáo Chấn hưng cử vào Huế tu học tại Phật học đường Bảo Quốc- Huế.

Năm 1946, Ngài được cử làm Thư ký Hội Phật giáo Cứu Quốc.

Năm 1947, Ngài bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Nam Định.

Năm 1948, Ngài trốn thoát và về công tác tại chùa Cồn.

Năm 1949, Hải Hậu bị thực dân Pháp tạm chiếm, Ngài về chùa Quán Sứ Hà Nội.

Năm 1987, Ngài được suy cử giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Năm 1997, Ngài được suy cử làm Phó Pháp Chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ngài được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì và nhiều phần thưởng của Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc VN.

Ngài viên tịch ngày 25/8/1999.

4. Vũ Văn Hiếu (1907 - 1943). Ông sinh ngày 20/3/1907 tại ấp Văn Định xã Quần Phương Thượng, nay là xã Hải Anh. Ông là con thứ 3 trong một gia đình nghèo, được cô ruột nuôi ăn học. Đỗ Thành Chung rồi học trường Kỹ nghệ Hải Phòng, ở đây, ông tham gia phong trào yêu nước nên bị đuổi học. Năm 1928 phải ra mỏ Hà Tu để kiếm sống. Nhờ giác ngộ Cách mạng, tháng 6/1929 trở thành Đảng viên Cộng sản. Tháng 8/1930, được phân công làm bí thư đầu tiên của đặc khu Hồng Quảng (sau là tỉnh Quảng Ninh). Ông bị thực dân Pháp bắt 3 lần. Sau lần thứ nhất tháng 2/1931 bị bắt đày đi Côn Đảo. Năm 1936, chính phủ Mặt Trận Bình Dân Pháp ra đời, ông được ra tù lại tiếp tục hoạt động Cách mạng cùng các ông Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh… Ông giữ cương vị Phụ trách Văn phòng trung ương Đảng. Tháng 1/1940 lại bị bắt đầy đi Côn Đảo lần thứ 2.

Mặc dù bị tra tấn dã man ở trong “chuồng cọp” Côn Đảo và chế độ nhà tù hà khắc, ông vẫn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Cách mạng. Ông hy sinh vào cuối tháng 3/1943 tại nhà tù Côn Đảo. Trước khi trút hơi thở cuối cùng đã trao lại cho ông Lê Duẩn (sau này là Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam) tấm áo của mình và căn dặn:

Đồng chí giữ tấm áo này mặc, phải sống để phục vụ Đảng cho Cách mạng.

Đây là câu nói Tổng bí thư Lê Duẩn nói tại Côn Đảo năm 1976.

Nhà thơ Tố Hữu đã viết:       Chết còn cởi áo cho nhau

                                        Nắm cơm để lại người sau ấm lòng

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Đảng và chính quyền huyện Côn Đảo đã dựng Tượng đài về tấm gương tiêu biểu của những người Cộng sản Việt Nam. Huyện Hải Hậu đã trùng tu Khu di tích Nhà ông Vũ Văn Hiếu và đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá.

5. Đào Hồng Cẩm (1924 - 1990): tên thật là Cao Mạnh Tủng, sinh ngày 4/1/1924, tại xã Hải Phú. Sinh thời sống ở Hà nội. Ông là nhà viết kịch. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Đào Hồng Cẩm hoạt động ở địa phương, tham gia quân đội từ năm 1947, từng làm nhiều công tác, trong đó hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật là chủ yếu; đã qua các cương vị: Chính trị viên Đoàn văn công Đại đoàn 308 (1951), trợ lý văn nghệ Tổng cục Chính trị (1957), Giám đốc nhà văn hoá (1970).

Ông say mê văn chương từ nhỏ, nhưng đến năm 1957 mới có vở diễn chính thức. Ông là 1 trong những nhà viết kịch có nhiều vở công diễn trong những năm 1960- 1975, tham gia Ban Chấp hành Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là đại biểu Quốc hội khoá VII, đại tá, Nghệ sỹ Ưu tú. Ông qua đời ngày 16/01/1990,  tại Hà Nội thọ 66 tuổi.

Tác phẩm: Chị Nhàn (kịch, 1961), Nổi gió, (kịch, 1964), Đại đội trưởng của tôi (kịch, 1974), Tổ Quốc (kịch, 1976). Ngoài ra còn nhiều vở kịch khác được công diễn như: Nghị Hụt (1957), Trước giờ chiến thắng (1960), Ông cháu (1965), Bước theo anh (1966), Một người mẹ (1978), Đêm và ngày (1980)… Nhiều vở diễn của ông được giải cao tại các Hội diễn văn nghệ toàn quốc như: Chị Nhàn, Đại đội trưởng của tôi… Có vở dựng thành phim sân khấu như Nổi gió.

Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - nghệ thuật, đợt I năm 1996.

6. Nguyễn Thi (1928- 1968): Tên thật là Nguyễn Hoàng Ca, quê xã Quần Phương (Hải Anh). Sau này lúc đi bộ đội làm thơ, viết văn, lấy tên là Nguyễn Ngọc Tấn. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nguyễn Thi mồ côi cha sớm, thủa nhỏ phải đi sống nhờ họ hàng ở quê.  Đầu năm 1945, ông vào Nam, tham gia Cách mạng tháng Tám tại Sài Gòn. Trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Thi làm công tác tuyên huấn, rồi làm đội trưởng văn công quân khu miền Đông Nam Bộ. Thời gian này, ông sáng tác nhiều thơ, thơ ông giản dị, giàu tình cảm và đậm chất dân tộc; một số bài được tập hợp trong tập Hương Đồng Nội (1950).

Đầu năm 1955, tập kết ra Bắc, làm Đội trưởng văn công Sư đoàn 330. Năm 1956, chuyển về tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thời kỳ này ông chuyên viết ký và xuất bản 2 tập chuyện ngắn Trăng sáng (1960), Đôi bạn (1962).

Năm 1962 ông trở lại chiến trường miền Nam, tham gia chống Mỹ trong lực lượng văn nghệ giải phóng. Ông sống gắn bó với người dân Nam Bộ và trực tiếp chiến đấu như người chiến sỹ. Nguyễn Thi sáng tác ở nhiều thể loại văn xuôi khác nhau, ở lĩnh vực nào ông cũng có những thành công đáng kể, đưa đến cho văn học cách mạng Việt Nam những tác phẩm đạt chất lượng cao cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật: Người mẹ cầm súng, Những sự tích đất thép, Chuyện xóm tôi (ký), Mẹ vắng nhà, Những đứa con trong gia đình (Truyện ngắn), Đại đội anh hùng, Dòng kinh quê hương (Tuỳ bút)…

Tháng 5/1968, ông theo một đoàn pháo binh, tham dự tấn công Mậu Thân đợt thứ hai và hy sinh trên chiến trường tại đường Minh Phụng, thành phố Sài Gòn. Ông để lại một số tác phẩm tuy đang viết dở dang nhưng đã có tầm cỡ của những tác phẩm xuất sắc: Sen trong Đồng (truyện), Ước mơ của đất (ký), Ở xã Trung Nghĩa (tiểu thuyết).

Nguyễn Thi được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- nghệ thuật năm 2000.

7. Vũ Mão (1939-2020):  

Vũ Mão, sinh năm 1939, quê xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 1949, ông làm liên lạc viên của Quân giới Việt Nam. Năm 1951, ông tham gia Thiếu sinh quân Việt Nam, sau đó đi học ở Trường thiếu sinh quân Việt Nam tại Quế Lâm, Trung Quốc, và học văn hóa tại Nam Ninh, Trung Quốc từ năm 1954 đến năm 1957.

Năm 1960, ông theo học ngành Thủy nông và Quy hoạch thủy lợi tại Học viện Thủy lợi Điện lực và tốt nghiệp kỹ sư Thủy lợi năm 1964. Sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại trường đến năm 1971.

Năm 1971, ông được điều chuyển về công tác tại Ty Thủy lợi Quảng Ninh làm đội trưởng đội quy hoạch. Cuối năm đó, ông được bổ nhiệm làm Phó Ty Thủy lợi. Năm 1976, ông được thăng làm Trưởng ty Thủy lợi.

Tháng 1/1979, ông được phân công làm Bí thư Huyện ủy Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đến năm 1980.

Năm 1980, ông được điều sang làm Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh niên tỉnh Quảng Ninh. Tháng 11/1980, ông được phân công làm Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phụ trách tổ chức và kiêm Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Trung ương Đoàn.

Tháng 4/1982 đến tháng 11/1987, ông được bầu làm Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Trong thời gian công tác Đoàn Thanh niên, ông là người khởi xướng phong trào Công trường thanh niên cộng sản xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình trên sông Đà. Đây là một dấu son của phong trào Thanh niên trong thời kỳ mới. Tại sân Nhà truyền thống của nhà máy Thủy điện Hòa Bình có một khối bê tông hình chóp cụt, trên đó có tấm biển thép khắc chìm dòng chữ: "Nơi lưu giữ bức thư của những người xây dựng Thủy điện Hòa Bình gửi thế hệ mai sau. Thư được mở vào ngày 1/1/2100". Đây là sự huyền bí mà cho đến nay nhiều người khao khát muốn được biết.

Ông đồng thời cũng là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa V, VI, VII, VIII, IX (từ năm 1982 đến năm 2006)

Tháng 5/1987, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VIII. Từ tháng 12/1987 đến tháng 7/1992, là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Ông đã thay đổi lề lối hoạt động của Văn phòng Quốc hội như cho truyền hình trực tiếp các phiên họp, bỏ phiếu bằng máy móc, tăng cường giao lưu với Nghị viện các nước.

Từ tháng 7/1992 đến tháng 7/2002, là Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Từ tháng 7/2002 đến tháng 7/2007 là Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội.

Ông cũng đóng góp lớn vào hoạt động ngoại giao nghị viện, mở rộng hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và nghị viện các nước trên thế giới, đúng vào thời điểm đất nước ta hội nhập mạnh mẽ.

Ông còn là một nhà thơ, nhạc sĩ với nhiều ca khúc tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, về đất nước và con người. 

Tháng 1/2008 ông nghỉ chế độ hưu trí theo quy định. Ông mất năm 2020.

III. ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN

A. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp

 1. Liệt sỹ Trần Văn Chử: Sinh năm 1910, quê xã Hải Trung, tham gia cách mạng từ năm 1930, nguyên là Uỷ viên thường vụ huyện uỷ, Chính trị viên đội võ trang tuyên truyền huyện Hải Hậu thời kỳ 1947- 1950. Hy sinh ngày 08/9/1950. Ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân (AHLLVTND) ngày 5/12/2007.

2. Trần Mạnh Phấn, sinh năm 1926, quê quán xã Hải Anh, Trưởng ban trinh sát- Trung đoàn 88, sư đoàn 308, Quân đoàn 1. Ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực Lượng Vũ Trang nhân dân ngày 23/02/2010

3. Liệt sỹ Vũ Giao Hoan, sinh năm 1923, quê quán xã Hải Thanh, Tổ trưởng tổ 1- Đội vũ trang tuyên truyền huyện Hải Hậu. Ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân dân ngày 28/5/2010.

4. Bùi Văn Ba, sinh năm 1912, quê quán xã Hải An, Cán bộ Công an huyện Hải Hậu. Ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực Lượng Vũ Trang nhân dân ngày 09/10/2014.

5. Bùi Văn Cứu, sinh năm 1922, quê quán xã Hải An, B1CS, Trung đoàn 34- Tất Thắng, tỉnh Nam Định. Ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực Lượng Vũ Trang nhân dân ngày 09/10/2014

6. Vũ Văn Hiếu, sinh năm 1907, quê quán xã Hải Anh, Bí thư đặc khu ủy mỏ Quảng Ninh, Phụ trách Văn phòng Trung ương Đảng. Ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực Lượng Vũ Trang nhân dân ngày 10/8/2015

B. Thời kỳ chống Đế quốc Mỹ

1. Liệt sỹ Vũ Xuân Thiều: Sinh năm 1945, quê xã Hải An, là phi công lái máy bay chiến đấu Mích 21 đầu tiên bắn rơi máy bay B52 của Mỹ năm 1972. Hy sinh năm 1972. Được truy tặng danh hiệu AHLLVTND ngày 20/12/1994.

2. Liệt sỹ Vũ Quang Trung: Sinh năm 1942, quê thị trấn Thịnh Long, nguyên là Tiểu đoàn trưởng bộ đội Phòng không - Không quân; hy sinh năm 1972. Được truy tặng danh hiệu AHLLVTND ngày 08/11/ 2000.

3. Liệt sỹ Nguyễn Xuân Sinh: Sinh năm 1948, quê thị trấn Thịnh Long, nguyên khẩu đội trưởng pháo phòng không 12 ly7; hy sinh tại trận địa ở khu vực ven cửa sông Ninh Cơ ngày 07/5/1972. Được truy tặng danh hiệu AHLLVTND ngày 05/12/2007.

4. Bùi Văn Quảng: Sinh năm 1947, quê xã Hải Long, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, được phong danh hiệu AHLLVTND ngày 23/11/1968.

5. Đỗ Văn Chiến: Sinh năm 1946, quê xã Hải Đông, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, được phong danh hiệu AHLLVTND ngày 22/12/1969.

6. Kim Ngọc Quảng: Sinh năm 1944, quê xã Hải Đường, tham gia chiến đâu ở chiến trường miền Nam, được phong tặng danh hiệu AHLLVTND ngày 22/12/1969.

7. Nguyễn Ngọc Quỳnh: Sinh năm 1937, quê xã Hải Hà, tham gia chiến đấu ở chiến trường Miền Nam, được phong tặng danh hiệu AHLLVTND ngày 11/01/1973.

8. Nguyễn Huy Hiệu: Sinh năm 1947, quê xã Hải Long, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị năm 1972, được phong danh hiệu AHLLVTND ngày 20/12/1973. Hiện nay ông là Tiến sỹ, Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

9. Nguyễn Quang Hạnh: Sinh năm 1941, quê xã Hải Đường, tham gia chiến đấu ở chiến trường Miền Nam, được phong tặng danh hiệu AHLLVTND ngày 12/9/1975.

10. Phạm Viết Bảo: Sinh năm 1950, quê xã Hải Lộc, được phong tặng danh hiệu AHLLVTND ngày 31/10/1978.

11. Nguyễn Thi, Sinh năm 1928, quê xã Hải Anh, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, tham gia chiến đấu ở Cục chính trị quân giải phóng, được truy tặng danh hiệu AHLLVTND ngày 22/12/2010

12. Nguyễn Thành Chung, Sinh năm 1934, quê xã Hải Trung, Chuẩn úy Trợ lý công binh- Đại đội 28 Ban Chỉ huy quân sự huyện Hải Hậu, được truy tặng danh hiệu AHLLVTND ngày 09/10/2014

13. Lại Ngọc Ngợi: Sinh năm 1952, quê xã Hải Long, Trung úy, Đại Trưởng Đại đội Công binh, tỉnh đội Quảng Nam, được phong tặng danh hiệu AHLLVTND ngày 26/7/1912.

IV. Danh sách người Hải Hậu giữ chức vụ từ Phó Chủ tịch UBND tỉnh trở lên:

1- Hoà thượng Thích Thế Long

Thế danh: Phạm Thế Long, sinh năm 1909 tại xã Hải Anh, Hải Hậu.

Ông là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là Phó Chủ tịch Hội “ Phật giáo Châu Á vì Hòa bình”.

Ông được bầu là Đại biểu Quốc hội và được Quốc hội bầu là Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá VII.

Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương kháng chiến hạng Ba.

Ông viên tịch ngày 23 tháng 3 năm 1985.

2- Hoàng Quốc Thịnh: Quê xã Hải Sơn, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội thương.

3- Vũ Mão: Sinh năm 1939, quê xã Hải Anh, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng khóa V, VI, VII, VIII, IX; nguyên Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chánh văn phòng Quốc hội...

4- Nguyễn Huy Hiệu: Sinh năm 1947, quê xã Hải Long, Uỷ viên TW Đảng, Thượng tướng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (11/1998-2011).

5- Hoàng Kỳ: Sinh năm 1947, quê xã Hải Tây, Trung tướng, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.

6- Trần Sơn: Sinh năm 1961, quê xã Hải Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ.

7- Vũ Hải Sản: Sinh năm 1961, quê quán xã Hải Đường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trung tướng, Thứ Trưởng Bộ Quốc phòng.

8- Vũ Hải Hà: Sinh năm 1969, quê quán xã Hải Anh (con trai Vũ Mão), Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc Hội.

9- Trần Văn Nhung: Sinh năm 1948, quê xã Hải Châu, Tiến sỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo (2001-2008).

10- Nguyễn Thanh Tịnh sinh năm 1970; quê quán xã Hải Trung. Tại Quyết định 198/QĐ-TTg ngày 6/2/2020, Thủ tướng điều động, bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiệm kỳ 2016 - 2021, giữ chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

11- Nguyễn Văn Khá: Sinh năm 1943, quê xã Hải Thanh, Thiếu tướng, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam

12- Trần Minh Oanh: Sinh năm 1949, quê xã Hải Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định (2004 - 2009).

13- Nguyễn Văn Xuyên: Sinh năm 1941, quê xã Hải Minh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.

14- Phạm Văn Kiệm: Sinh năm 1949, quê xã Hải Phương, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định (2003 - 2009).

15- Nguyễn Văn Tuấn: Sinh năm 1954, quê xã Hải An, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định (2009-2014).

16- Trần Văn Chung: Sinh năm 1962, quê xã Hải Tây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định (Từ năm 2015-2020)

([1]) Phó ba tướng quân ở đây có nghĩa là vị tướng quân hàng phục được sóng biển

[2] Bóng vân: Chỉ vua Hàm Nghi chạy ra Sơn phòng, Hà Tĩnh khi Pháp xâm chiếm nước ta

image advertisement

image advertisement

anh tin bai

anh tin bai

anh tin bai

image advertisement

anh tin bai

anh tin bai

image advertisement

anh tin bai

anh tin bai

image advertisement image advertisement

image advertisement

image advertisement

anh tin bai

image advertisement

image advertisement

anh tin bai

image advertisement

image advertisement

anh tin bai Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Liên kết web site
select
  • Cổng thông tin điện tử tỉnh Nam Định
  • HTX Dược liệu Hải Hậu
  • Trường PTTHA Hải Hậu
Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân huyện Hải Hậu Địa chỉ : Thị trấn Yên Định - Huyện Hải Hậu Điện thoại: (0228) 3877141 * Email: banbientap.hhu@namdinh.gov.vn Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Văn Sơn - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hải Hậu
Giấy phép Số: 05/GP-TTĐT-STTTT ngày 07/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định.
Chung nhan Tin Nhiem Mang

Từ khóa » Kể Tên 10 Anh Hùng Dân Tộc đặt Câu Nói Về Mỗi Người đó