Nhập 14.000 Con Bò Khi Bệnh "bò điên" Tái Xuất ở Brazil - Báo Công Lý

Nhập 14.000 con bò khi bệnh "bò điên" tái xuất ở Brazil

Mới đây, tờ Beef Central (Brazil) đăng tải thông tin có một lô hàng xuất khẩu bò với gần 14.000 con bò sống từ Brazil đang trên con tàu có tên MV Nada để về Việt Nam. MV Nada đã rời cảng Vila Do Conde và dự kiến cập cảng Thị Vải của Việt Nam vào cuối tháng 9.

Trước đó, Beef Central cho biết Brazil đã nỗ lực để có được quyền tiếp cận xuất khẩu gia súc sống của mình sang Việt Nam trong vài năm. Đường biển quá xa là yếu tố chính cản trở sự phát triển của thương mại trong thời gian đó, nhưng giá bò Úc cao kỷ lục đã giúp gia súc Brazil có lợi thế trên thị trường ở thời điểm hiện tại.

Đánh giá về mức độ cạnh tranh giữa bò Úc và bò Brazil, Beef Central nhận định bò Úc có lợi thế hơn bò Brazil ở thị trường Việt Nam. Bò Úc vào Việt Nam với thuế suất ưu đãi bằng 0 trong khi bò Brazil phải chịu thuế nhập khẩu 5%.

Ngoài ra, Beef Central cũng đánh giá trước đây Việt Nam chống dịch Covid-19 rất tốt nhưng hiện tại Việt Nam đối mặt với khó khăn nhiều hơn trước biến thể Delta của Covid-19.

1.jpg
Năm 2019, Brazil từng phải dừng xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc sau khi phát hiện trường hợp bệnh "bò điên". (Ảnh: Reuters)

Đáng chú ý, lô hàng 14.000 con bò sống được xuất khẩu sang Việt Nam tại thời điểm Brazil phát hiện ra 2 trường hợp mắc bệnh bò điên. Vì vậy, Brazil bị đình chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc, bạn hàng lớn nhất về thịt bò của Brazil.

Cụ thể, AFP đưa tin, ngày 4/9/2021, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil tạm ngừng xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc vì có 2 trường hợp nhiễm bệnh bò điên xuất hiện tại bang Mato Grosso nước này . Động thái này được thực hiện dựa trên thỏa thuận an toàn thực phẩm đã ký kết với Bắc Kinh.

Lệnh tạm dừng xuất khẩu sẽ có hiệu lực cho tới khi Trung Quốc kết thúc quá trình đánh giá và phân tích về thông tin liên quan đã được đưa ra.

Doanh nghiệp nhập khẩu cần được quản lý chặt chẽ

Tờ Beef Central mô tả khá chi tiết về số lượng lô hàng cũng như thời gian cập bến của lô hàng và mục đích nhập khẩu của nhà nhập khẩu.

Beef Central cho biết lô hàng 14.000 con bò được vận chuyển bằng đường biển rồi đến một cơ sở cung cấp thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam. Lô hàng này được đánh giá không chỉ mở ra thị trường nhập khẩu gia súc lớn mà còn đặc biệt ở chỗ lô hàng toàn bò đực.

Những con bò đực này không được xuất khẩu cho mục đích chăn nuôi, mà để nhập vào các trại chăn nuôi làm gia súc trung chuyển để cung cấp thịt cho dân số gần 100 triệu người của Việt Nam.

Theo Beef Central, các nhà khai thác thức ăn chăn nuôi ở nhiều thị trường xuất khẩu khắp châu Á, bao gồm cả Việt Nam có sở thích nhập khẩu bò đực nguyên con.

Tờ này cũng khẳng định thương vụ được thực hiện dựa trên thoả thuận xuất khẩu được cho là có sự hợp tác giữa một doanh nghiệp và một nhà nhập khẩu gia súc hiện tại của Úc. Tuy nhiên, Beef Central không tiết lộ danh tính đơn vị nhập khẩu này.

Số lượng rất lớn bò nhập khẩu từ Brazil sẽ góp phần bù đắp vào việc thiếu hụt nguồn cung thịt bò cũng như giảm bớt sự “thống trị” của bò Úc tại thị trường Việt Nam.

Cụ thể, nhu cầu đối với thịt bò ở Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng 5-6%/năm. Mức tiêu thụ thịt bò trung bình của người Việt đạt 3,15 kg thịt xẻ/người/năm và sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới.

Thế nhưng, sản lượng thịt bò trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nên lượng bò thịt và thịt bò nhập khẩu về liên tục tăng. Trong đó, thịt bò Úc chiếm thị phần lớn nhất.

Tuy nhiên, có một thông tin rất quan trọng đó chính là đây không phải lần đầu tiên Brazil đối diện với bệnh bò điên. Năm 2012, Brazil gây rúng động toàn cầu khi bệnh bò điên xuất hiện khiến nhiều nước phải huỷ tạm dừng nhập khẩu. Năm 2019, điều này lặp lại, Brazil đã phải dừng các lô thịt bò xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi phát hiện trường hợp bệnh “bò điên” ở bang Mato Grosso.

Trước đó, trong năm 2017, Brazil lại dính sự cố thịt bò “thối” khiến nhiều nước quay lưng với thịt bò Brazil. Năm 2018, Việt Nam xem xét nhập khẩu trở lại thịt bò Brazil. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, không văn bản nào về vấn đề này được công bố rộng khắp. Vì vậy, chưa biết được liệu doanh nghiệp nhập khẩu 14.000 con bò từ Brazil có được cấp phép hay không.

Từ khóa » Bò đực Brazil