Nhấp Nhỏm Thị Trường Xe Máy - VOV Giao Thông

 

Nhiều tháng nay, giá bán xe máy liên tục bị đẩy lên cao. Nhiều hãng xe luôn ở trong tình trạng khan hàng. Thậm chí, nhiều đại lý còn không dám nhận thêm cọc vì không biết khi nào hàng mới về trở lại.

Xe tăng giá đã đẩy từ những loại trước nay được xếp vào nhóm bình dân thì nay trở thành một trong những mẫu xe “hot” khiến nhiều khách hàng có nguồn kinh tế eo hẹp khó tiếp cận được chiếc xe ưng ý.

Nguyên nhân nào khiến giá xe máy tăng cao?

Nhiều hãng xe luôn trong tình trạng khan hàng, giá bán tăng vọt. (ảnh: VietnamFinance)

Nhiều hãng xe luôn trong tình trạng khan hàng, giá bán tăng vọt. (ảnh: VietnamFinance)

Khảo sát thị trường xe máy ở ĐBSCL cho thấy, giá bán nhiều mẫu xe máy của Yamaha, Piaggio, Suzuki... vẫn khá ổn định và có tăng nhưng không đáng kể, trong khi đó, nhiều mẫu xe tay ga “ăn khách” với khả năng tiết kiệm nhiên liệu như Honda Vision, Honda AirBlade, Honda SH Mode… lại có phần tăng giá so với trước.

Đang có dự định mua xe cho con đi học, nhưng giá quá cao nên chị Trần Ngọc Thắm ở huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) cũng đang lưỡng lự. Phần vì chưa gấp và phần vì tìm chưa được loại xe mình ưng ý: “Dòng xe Honda giờ tăng quá, để nó chựng chựng lại mới mua được, vừa hợp túi tiền, vừa dòng xe mình thích nữa. Mình mua xe là mình để làm của, giống như mình chạy lâu nên không gấp lắm. Tại giờ xe nhà ai cũng có, nên muốn đổi xe phải đợi vừa đúng xe mình thích, vừa hợp túi tiền, rồi mẫu mã này kia nữa mới mua được, chứ không vội vàng. Vào đại học thì không gấp đâu, khi vừa rẻ, vừa hợp túi tiền thì mình mua xe mới. Mình tìm cách xài đỡ dòng xe nào đó, chứ không cần thiết alo vào những dòng xe đắt đỏ để mình mua”.

Quan sát tại các đại lý xe máy khu vực ĐBSCL dễ thấy thị trường xe máy đang có nhiều biến động, nhiều mẫu vẫn ít hàng, không phong phú như trước đây. Một trong những mẫu xe tăng giá thời gian qua là SH Mode - tăng 500.000 đồng, lên mức 72,6-82,6 triệu đồng. Đây là giá bán chỉ mới tính thuế giá trị gia tăng, chưa tính các loại phí trước bạ, biển số. Với mức giá này, mẫu xe SH Mode chênh lệch đến 17-22 triệu đồng so với giá đề xuất của nhà sản xuất.

Mẫu xe ăn khách khác của Honda là Lead tiếp tục tăng giá thêm gần 500.000 đồng/chiếc, lên 51-54 triệu đồng (cao hơn giá đề xuất 9-11 triệu đồng). Air Blade 160 cc cũng tăng giá thêm 500.000 đồng, lên 62-64 triệu đồng/chiếc (chênh lệch 5,5-6,5 triệu đồng so với giá đề xuất). Đối với dòng Vision, trước đây giá trung bình tầm khoảng 36 – 38 triệu/xe thì nay đang chạm ngưỡng trên 40 triệu đồng

Theo đại diện một của hàng xe máy trên địa bàn thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, thị trường xe máy mấy tháng gần đây có phần tăng hơn trước, tùy theo dòng xe, hãng xe: “Hiện dòng xe SH bán chạy nhất là SH 125, SH 350 vẫn giữ múc giá cũ, thậm chí có một số phiên bản có giảm hơn. Khoảng 1 tháng trở lại đây dòng xe Wave Alpha, xe Air Blade bán rất nhiều.

Đặc biệt dòng xe cao cấp hơn như Future cũng bán chạy hơn trước. Đối với dòng Wave alpha hiện đang vào mùa mua sắm của học sinh, sinh viên nên cung cấp đủ, hiện tại tồn kho cũng còn rất nhiều, tất cả các phiên bản điều có đủ nguồn hàng. Trung bình trước đây 100 xe bán ra thì xe vision chiếm hơn 60%”.

Nhiều mẫu xe giá bán cao hơn giá niêm yết rất nhiều (ảnh: Honda)

Nhiều mẫu xe giá bán cao hơn giá niêm yết rất nhiều (ảnh: Honda)

Theo một số đại lý, dù giá tăng cao nhưng khách muốn mua một số dòng như Vision cũng không có xe ngay mà phải đợi do hàng nhập về không kịp, hoặc phải chấp nhận ra cửa hàng có chiếc nào lấy chiếc đó. Theo thông tin được biết từ Head Honda trên địa bàn TP. Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), trong những ngày tới dòng xe Vision sẽ có đủ để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn Tỉnh.

Các hãng xe cũng cho biết, nguyên nhân phần lớn dẫn đến tình trạng khan hàng, tăng giá các loại xe nói chung và xe máy nói riêng là do thiếu nguồn cung chip và chi phí đầu sản xuất tăng. Do Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid", nên nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa, đây là diễn biến được vị đại diện cho rằng, đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung chip của cả ngành công nghiệp ô tô, điện tử, xe máy toàn cầu…

Khi thị trường xe máy mới khan hàng và tăng giá, thậm chí là không có ngày hẹn giao hàng, nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang tìm mua xe cũ, nhất là các xe đời xưa, khiến thị trường này “lên ngôi” sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Sau thời gian dài tìm kiếm, bà Nguyễn Thị Hồng Khoa, ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang vừa mua được chiếc xe máy cúp 50 cũ thay vì mua xe mới. Khoe với chúng tôi, bà Khoa cho biết ban đầu định sắm xe mới cho đứa cháu đi học đại học nhưng sau khi tìm hiểu, đi coi xe ở nhiều tiệm thấy xe mới giá cao quá vượt khả năng của gia đình nên mọi người quyết định mua xe cũ vì mẫu mã hợp lý và quan trọng hơn hết là hợp hợp túi tiền của gia đình.

Bà Nguyễn Thị Hồng Khoa bày tỏ: “Mình mua xe cũ loại xe hồi xưa, cúp 50 hồi đó rất là tốt, bền nên mình truy tìm mua xe đó cho cháu đi học. Mua thì 12 triệu, nhưng còn thiếu bửng xe, đồ cũng chưa có, có thể hơn cái đó mình chưa mua. Về tài chính cũng rẻ hơn, xe thì rất bền, nhẹ lắm đạp một cái là chạy”.

Trong xu hướng điện hóa toàn cầu và trong bối cảnh giá xăng tăng cao như hiện nay, chuỗi cung ứng linh kiện vốn bị đứt gãy khiến giá xe máy tăng theo, việc lựa chọn phương tiện đi lại cũng là điều người tiêu dùng cần cân nhắc.

Bên cạnh những xe máy, ô tô, người tiêu dùng cũng có thể lựa chọn thêm các mẫu xe điện, vừa tiết kiệm chi phí vận hành vừa góp phần bảo vệ môi trường so với các dòng xe máy chạy xăng.

Từ khóa » Thị Trường Xe Máy Giá Rẻ