Nhật Bản Sử Dụng Tế Bào Gốc đa Năng Trong điều Trị Ung Thư

Nhật Bản sử dụng tế bào gốc đa năng trong điều trị ung thư - Ảnh 1.

Một phòng thí nghiệm tế bào iPS tại Đại học Kyoto. Ảnh: asia.nikkei.com

Ngày 29/6, nhóm nghiên cứu của Đại học Chiba và Viện nghiên cứu lý hóa Nhật Bản Riken đã công bố phương pháp điều trị ung thư đầu tiên trên thế giới bằng cách cấy ghép các tế bào miễn dịch NKT (Natural killer T cells) được tạo ra từ các tế bào gốc đa năng (iPS) cho các bệnh nhân ung thư. Ca cấy ghép đầu tiên dự kiến sẽ được thực hiện vào tháng Tám tới.

Kế hoạch thử nghiệm lâm sàng nói trên đã được Cơ quan Dược phẩm và Thiết bị Y tế (PMDA) Nhật Bản phê duyệt ngày 27/5 vừa qua. Theo đó, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành thử nghiệm bước đầu đối với 4 đến 18 bệnh nhân ung thư vùng đầu cổ trong độ tuổi từ 20 đến 80 và hiện không đáp ứng với các phác đồ điều trị thông thường.

Các tế bào NKT - một loại tế bào miễn dịch có chức năng tấn công các tế bào ung thư - sẽ được lấy từ những người khỏe mạnh, sau đó sẽ tạo ra các tế bào iPS và nhân lên với số lượng lớn. Trong giai đoạn đầu, khoảng 150 triệu tế bào iPS sẽ được cấy ghép cho mỗi bệnh nhân trong 3 chu kỳ. Nhóm nghiên cứu cho biết, cần 2 năm để đánh giá hiệu quả, mức độ an toàn và xác định phương pháp này có được đưa vào danh mục hưởng chế độ bảo hiểm y tế hay không.

Hiện nay, biện pháp điều trị ung thư được thực hiện bằng cách lấy các tế bào NKT từ cơ thể người bệnh, sau đó nhân lên với số lượng lớn và truyền lại cơ thể bệnh nhân. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ áp dụng được đối với 30% bệnh nhân ung thư do số lượng tế bào NKT trong cơ thể bệnh nhân có hạn và cần thời gian để tạo ra số lượng tế bào cần thiết. Biện pháp sử dụng tế bào iPS được kỳ vọng có thể tạo ra số lượng lớn tế bào NKT trong khoảng thời gian ngắn hơn.

Các tế bào NKT được Riken phát hiện vào năm 1986 và được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao trong điều trị ung thư khi chúng tấn công các tế bào lạ mà không cần tín hiệu của tế bào chỉ huy, đồng thời, kích hoạt hoạt động các tế bào miễn dịch khác.

Từ khóa » Ghép Tế Bào Gốc Chữa Ung Thư Phổi