Nhật Bản Và Văn Hóa Săn Bắt Cá Voi | KILALA EMagazine

Tại sao lại có tập tục săn bắt và ăn thịt cá voi ở Nhật Bản?

Từ thế kỷ thứ 17, người Nhật đã bắt đầu sáng tạo ra kỹ thuật đánh bắt cá voi. Ngoài mục đích chính là dùng thịt cá voi làm thực phẩm, người Nhật thời bấy giờ còn tận dụng những bộ phận khác của cá voi vào sinh hoạt thường ngày, chẳng hạn như dùng mỡ cá voi để làm dầu đốt và xà phòng, hoặc ủ phân từ nội tạng cá,…

Trước chiến tranh thế giới thứ 2, việc săn bắt cá voi ở Nhật là hoạt động tự do. Tuy nhiên thịt cá voi cũng không phải là nguồn cung cấp đạm chính trong các bữa ăn gia đình người Nhật. Thịt cá voi chỉ là thức ăn mang tính lựa chọn, có người ăn và cũng có người không ăn.

Sau thất bại trong chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản chịu tổn thất nặng nề và lâm vào tình trạng thiếu thốn trên mọi phương diện, khắp nơi đói kém. Để cải thiện tình trạng, Đại tướng Hoa Kỳ là ông Douglas MacArthur – người giám sát công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh tại Nhật khi ấy – đã quyết định sử dụng thịt cá voi để bổ sung vào nguồn thực phẩm vốn đang khan hiếm. Douglas MacArthur đã cho sửa các tàu chở dầu thành các tàu chuyên săn bắt cá voi. Từ đó, thịt cá voi đã trở thành nguồn thực phẩm thiết yếu trên toàn nước Nhật. Năm 1954, “Đạo luật ăn trưa” do chính phủ ban hành bắt buộc trong thực đơn bữa trưa của học sinh Nhật Bản phải có thịt cá voi để cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em.

Nhiều năm sau đó, khi kinh tế Nhật dần dần được khôi phục, nguồn thực phẩm cũng trở nên đa dạng hơn với nhiều sự lựa chọn như thịt heo, thịt bò, thịt gà… Đây cũng chính là lúc thế hệ sau của Nhật Bản đã không còn sử dụng cá voi như nguồn thực phẩm chính nữa. Đến năm 1986, Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC) – trong đó có Nhật là thành viên – đã ra lệnh cấm đánh bắt cá voi với mục đích thương mại để bảo tồn số lượng cá voi. Nhật Bản đành ngậm ngùi chấp thuận tuân theo luật. Tuy nhiên một năm sau đó, tức năm 1987, Nhật Bản đã thành lập “Học viện nghiên cứu cá voi” để tiếp tục quay trở lại con đường săn bắt loài cá khổng lồ này thông qua tuyên bố sẽ phục vụ cho mục đích khoa học. Tuy nhiên sau đó người Nhật cũng bị chỉ trích dữ dội từ các tổ chức bảo vệ môi trường và hội bảo vệ động vật khi lợi dụng vỏ bọc “nghiên cứu khoa học” để săn bắt cá voi phục vụ cho mục đích thương mại.

Sau nhiều lần bị tố tụng và chỉ trích từ các nước phương Tây, năm 2019 Nhật Bản chính thức rút khỏi Ủy ban cá Voi quốc tế để tiếp tục săn bắt cá voi trong địa phận lãnh hải và đặc quyền kinh tế riêng của mình.

Từ khóa » Dầu Cá Voi Phim