Nhật Kiểm Soát Súng đạn Thế Nào? - VnExpress

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno hôm nay xác nhận cựu thủ tướng Shinzo Abe bị bắn khi đang vận động tranh cử cho đảng Dân chủ Tự do ở thành phố Nara, tỉnh Nara, miền tây nước này. Ông Abe bị chảy máu ở ngực và được đưa đi cấp cứu trong trạng thái "ngừng tim phổi".

Nghi phạm Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, bị bắt tại hiện trường cùng vũ khí gây án dường như là một khẩu súng săn tự chế. Đây được coi là vụ nổ súng rất hiếm hoi ở Nhật, bởi quốc gia này áp dụng chính sách kiểm soát súng đạn rất nghiêm ngặt.

"Nhật từ lâu đã thực thi luật kiểm soát súng rất chặt chẽ", Iain Overton, giám đốc điều hành Tổ chức Hành động về Bạo lực Vũ trang (AOAV) của Anh, nói với BBC. "Họ là quốc gia đầu tiên áp dụng luật về súng trên toàn thế giới, nhằm đảm bảo súng thực sự không đóng vai trò nào trong xã hội dân sự".

Cảnh sát chống bạo động kiểm tra an ninh tại thành phố Nagato, tỉnh yamaguchi, Nhật Bản, ngày 15/12/2016. Ảnh: Reuters.

Cảnh sát chống bạo động kiểm tra an ninh tại thành phố Nagato, tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản, ngày 15/12/2016. Ảnh: Reuters.

Chính sách kiểm soát súng đạn của Nhật liên quan mật thiết đến lịch sử nước này. Sau Thế chiến II, chủ nghĩa hòa bình nổi lên là một trong những triết lý chủ đạo trên toàn quốc. Cảnh sát Nhật chỉ bắt đầu mang súng vào năm 1946 theo yêu cầu của Mỹ vì lý do an ninh. Luật Kiểm soát Súng và Kiếm của nước này từ năm 1958 quy định "không ai được sở hữu các loại súng và dao kiếm".

Chính phủ Nhật Bản hiện đã nới lỏng luật, song các quy định kiểm soát súng theo lập trường "cấm" vẫn được duy trì. Theo đó, nếu người Nhật muốn sở hữu súng, họ sẽ phải tham gia khóa học cả ngày, vượt qua bài kiểm tra viết, đạt độ chính xác ít nhất 95% trong bài kiểm tra bắn súng.

Sau đó, họ tiếp tục phải kiểm tra tâm lý, xét nghiệm ma túy tại bệnh viện và thẩm tra lý lịch. Trong quá trình này, giới chức sẽ điều tra về hồ sơ tội phạm của họ, đồng thời phỏng vấn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp người muốn sở hữu súng.

Người có nhu cầu chỉ có thể mua shotgun (súng bắn đạn ghém) hay súng hơi, các loại vũ khí quân dụng đều bị cấm. Chủ sở hữu súng phải cất giữ vũ khí ở nơi riêng biệt, có khóa và chìa khóa, sau đó thông báo với cảnh sát. Cứ ba năm một lần, họ phải tham gia lại khóa học và thực hiện đợt kiểm tra.

Giới chức Nhật Bản duy trì quan điểm rằng càng ít súng được lưu hành thì sẽ càng ít người tử vong vì loại vũ khí này hơn. Mỗi tỉnh chỉ được cho phép mở tối đa ba cửa hàng súng, nơi người sở hữu chỉ có thể mua đạn mới sau khi nộp lại các vỏ đạn đã sử dụng từ lần mua trước. Khi chủ sở hữu qua đời, thân nhân của họ cũng phải giao nộp lại súng.

Một cao niên cầm khẩu súng hơi của mình tại trường bắn gần chân núi Phú Sĩ, Nhật bản. Ảnh: AP.

Một người đàn ông Nhật Bản cầm khẩu súng hơi của mình tại trường bắn gần chân núi Phú Sĩ. Ảnh: AP.

Cảnh sát Nhật Bản ngoài thời gian thực hiện nhiệm vụ cũng không được phép mang súng, và thường để vũ khí lại cơ quan sau khi kết thúc ca làm việc.

Họ được đào tạo về bắn súng nhiều giờ hơn so với các đồng nghiệp Mỹ và đầu tư rất nhiều thời gian để học võ thuật, do được khuyến nghị "chỉ sử dụng súng trong trường hợp bất khả kháng", theo David Kopel, chuyên gia về luật kiểm soát súng Nhật Bản, thành viên Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ.

"Phản ứng trước bạo lực là không sử dụng bạo lực, mà luôn có sự tiết chế. Cảnh sát Nhật chỉ nổ súng tổng cộng 6 lần trong cả năm 2015", nhà báo Mỹ gốc Nhật Anthony Berteaux cho biết. "Khi đối phó với những người có hành vi bạo lực hoặc say xỉn, hầu hết cảnh sát sẽ sử dụng những tấm nệm lớn để cuốn chặt đối tượng, sau đó đưa về đồn và giúp họ bình tĩnh trở lại".

Sau khi tham gia một buổi tập bắn súng, nhà báo Jake Adelstein, tác giả cuốn The Last Yakuza về thế giới ngầm Nhật Bản, cho biết buổi tập kết thúc bằng việc thu gom vỏ đạn. "Do thiếu một vỏ đạn, cả đoàn không được phép rời khỏi trường bắn, cho đến khi nhân viên tìm thấy nó đằng sau một bia ngắm", ông kể.

"Tâm lý e ngại súng đạn bắt nguồn từ chủ nghĩa hòa bình ở Nhật, trong đó người dân cho rằng chiến tranh quá khủng khiếp và họ không thể để điều đó xảy ra một lần nữa", nhà báo Berteaux nhận định.

Cảnh sát tham gia khóa huấn luyện trước hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ (QUAD) tại Cung điện Akasaka, Tokyo, thủ đô Nhật Bản, ngày 18/5. Ảnh: AFP.

Chó nghiệp vụ của cảnh sát huấn luyện trước hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ (QUAD) tại Cung điện Akasaka, Tokyo, thủ đô Nhật Bản, ngày 18/5. Ảnh: AFP.

Ngay cả yakuza, các băng nhóm tội phạm khét tiếng ở nước này, cũng có xu hướng từ bỏ súng. Những trường hợp yakuza nổ súng sẽ trở thành câu chuyện thời sự được cả nước chú ý.

Luật Kiểm soát Súng và Kiếm của Nhật Bản quy định khung hình phạt đối với tội sở hữu súng trái phép lên đến 10 năm tù, trong khi người tàng trữ nhiều hơn một khẩu súng có thể đối mặt mức án 15 năm tù. Án phạt sẽ nặng hơn nếu người đó sở hữu súng kèm đạn. Hình phạt nặng nhất cho tội nổ súng nơi công cộng là tù chung thân.

Nếu người nổ súng là yakuza, họ thường sẽ phải chịu mức án nặng hơn. "Những kẻ thông minh đều bỏ súng từ lâu, bởi khung hình phạt quá nặng, có thể ngồi tù suốt đời chỉ vì nổ một phát súng", một thành viên cấp thấp thuộc Kobe Yamaguchi, băng yakuza hoạt động tại Osaka, Nhật Bản, cho biết.

Kết quả là các vụ nổ súng gần như không xảy ra ở Nhật Bản, các vụ tấn công nơi công cộng thường chỉ liên quan đến dao. Dù vậy, chính sách này đã không ngăn được vụ nổ súng nhắm vào ông Abe.

Hiện chưa rõ động cơ của nghi phạm Yamagami khi tấn công cựu thủ tướng Abe, cũng như nguồn gốc khẩu súng mà người đàn ông này sử dụng. Nguồn tin cảnh sát Nhật Bản cho biết cựu thủ tướng đã tỉnh lại trên đường được đưa tới bệnh viện cấp cứu.

Đức Trung (Theo Business Insider, BBC, Asia Times)

Từ khóa » Súng Nhật Bản