"Nhất Kim Chi, Nhì Trại Kế…" - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

Về nguồn cơn của câu ca trên, Trung tá Vũ Đình Huân, Phó Giám thị Trại tạm giam Kim Chi, một trong những người có thâm niêm cao nhất ở trại cho rằng có 3 nguyên do. Thứ nhất, thời kỳ đó, trong các trường lớp đào tạo của lực lượng Công an chưa có chuyên ngành quản lý trại tạm giam mà chỉ có chuyên ngành quản lý trại giam. Như vậy có nghĩa là anh em giám thị, quản giáo quản lý các trại viên của trại tạm giam theo cách quản lý phạm nhân của trại giam. Mãi đến năm 1989, Bộ Công an mới đúc kết kinh nghiệm và kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định đầu tiên về quy chế trại tạm giam, nhà tạm giữ.

Thứ hai, điều kiện kinh tế - xã hội những năm bao cấp, ngay đời sống cán bộ, chiến sỹ Công an cũng vô cùng thiếu thốn, huống hồ là đời sống can phạm, phạm nhân. Thứ ba, khách quan mà nói, công tác tổ chức cán bộ của trại thời kỳ đó chưa tốt.

Thế nhưng, câu ca “Nhất Kim Chi...” nay đã được hiểu theo chiều ngược lại. Nhiều đoàn của các cục nghiệp vụ Bộ Công an, của các cơ quan ở Trung ương và địa phương về kiểm tra Trại tạm giam Kim Chi trong những năm gần đây đều có những nhận xét tốt về tất cả các mặt công tác. Đảng bộ đơn vị luôn đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Trại Kim Chi 8 năm liền đều đạt danh hiệu đơn vị quyết thắng.

Trung tá Vũ Đình Huân khẳng định, hiện nay, tất cả cán bộ, quản giáo ở trại đều hiểu sâu sắc rằng, những người bị tạm giam ở đây, tuy có bị hạn chế một số quyền dân sự nhưng theo pháp luật, họ chưa phải là tội phạm. Ngay cả đối với một số người đã có án và được phép chấp hành án tại trại thì nhiệm vụ của người quản giáo là phải làm sao để họ nhận rõ tội lỗi, cải tạo thành người lương thiện. Do vậy, mối quan hệ giữa quản giáo và trại viên luôn phải đậm tình người.

Khi chúng tôi hỏi về đời sống của trại viên, nét mặt đồng chí Phó Giám thị rạng rỡ hẳn lên. Nhiều năm nay trại đã tổ chức tăng gia, sản xuất. Mỗi năm trung bình trại trồng được trên 200 tấn rau xanh, tương đương 160 triệu đồng; “nuôi” được 50 tấn thịt lợn hơi và cá tươi, tương đương hơn 50 triệu đồng. Do vậy, ngoài tiêu chuẩn, định lượng theo quy định của Nhà nước, bữa ăn của anh em trại viên còn được bổ sung thêm những sản phẩm do chính tay mình làm ra. Trong trại có bệnh xá với 1 bác sỹ và 3 y tá. Trại viên được thăm khám sức khỏe định kỳ, ốm đau được chữa bệnh kịp thời.

Kỷ luật ở trại luôn được duy trì rất nghiêm. Tuy nhiên, cái khó mà các quản giáo ở trại Kim Chi đã làm được, đó là sao cho các trại viên duy trì kỷ luật một cách tự giác. Suốt từ năm 1986 đến nay, ở đây không xảy ra trường hợp nào trốn trại. Từ năm 1996 đến nay, không xảy ra trường hợp nào đánh nhau gây thương tích. Nạn "đầu gấu", "đại bàng" trong trại đã vĩnh viễn chấm dứt từ hai mươi năm nay. Hằng tháng, quý, năm, các trại viên đều tự bình xét thi đua, phân loại. Kết quả bình xét, phân loại này được lưu trong hồ sơ của từng trại viên và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xem xét cả quá trình cải tạo của những người có án, làm căn cứ để đề nghị giảm án hoặc đặc xá, tha tù.

Chúng tôi đến thăm trại Kim Chi vào dịp cuối năm, khi mà cái Tết cổ truyền của dân tộc đã cận kề. Trước mặt chúng tôi là trại viên Phạm Văn Nghĩa, 35 tuổi, quê ở xã Vĩnh Lập, huyện Thanh Hà, Hải Dương, người đang chấp hành bản án 5 năm tù về tội vô ý làm chết người (do bẫy điện chống chuột) từ ngày 26/8/2003. Do ý thức cải tạo tốt, trại viên Nghĩa được Ban Giám thị xếp vào tổ Tự giác, tức là được làm việc mà không cần có sự giám sát trực tiếp của cán bộ quản giáo.

Trong một lần được cử đi làm việc ở ngoài trại vào giữa mùa mưa lũ tháng 7 vừa qua, trại viên Nghĩa đã dũng cảm cứu một cháu nhỏ khỏi chết đuối, được gia đình và chính quyền xã Tứ Minh, thành phố Hải Dương, gửi thư khen. Anh Nghĩa không giấu được niềm vui khi cho chúng tôi biết, anh được xét đặc xá đợt này. Nếu được Hội đồng Trung ương và Chủ tịch nước phê chuẩn, Tết này anh sẽ được sum vầy cùng vợ và 2 con nhỏ. Tương tự như trại viên Nghĩa, do cải tạo tốt nên trại viên Trần Văn Phiếm, 60 tuổi, quê ở xã Hoàng Thạch, huyện Chí Linh cũng đã được đề nghị đặc xá đợt này.

Phó Giám thị Vũ Đình Huân cho biết, đợt này trại đã đề nghị đặc xá cho 41 trại viên trong tổng số hơn 170 trại viên. Đây là con số đề nghị lớn nhất từ trước tới nay. Đồng chí cho biết thêm, do công tác xét đặc xá của trại được làm rất thận trọng, chính xác nên từ trước tới nay, danh sách mà trại đã đề nghị thường được cấp trên chuẩn y. Và, suốt từ năm 2000 đến nay, hầu hết những người được đặc xá đều làm ăn lương thiện, không có trường hợp nào tái phạm, trở lại trại

Từ khóa » Trại Kế Bắc Giang