Nhau Bong Non: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Hướng Xử Trí - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Điều gì gây ra nhau bong non?
  • 2. Các mức độ của nhau bong non
  • 3. Những dấu hiệu nhận biết nhau bong non
  • 4. Ảnh hưởng của nhau bong non lên thai kỳ
  • 5. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
  • 6. Nhau bong non được chẩn đoán như thế nào?
  • 7. Hướng xử trí nhau bong non
  • 8. Phòng ngừa nhau bong non

Nhau thai là cơ quan hình thành giữa người mẹ và em bé khi mang thai. Nó gắn vào thành tử cung, nhiệm vụ cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho em bé. Nhau thai sẽ bong ra sau khi em bé mới chào đời. Tuy nhiên, vì một số lý do mà nhau bong sớm hơn – được gọi là nhau bong non.

Nhau bong non là một cấp cứu sản khoa hiếm gặp, tần suất khoảng 1% các trường hợp sanh. Tuy nhiên, tình trạng này có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho thai kỳ. Vì khi nhau bong ra một phần, hay hoàn toàn, chúng ngăn chặn quá trình cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi. Đồng thời có thể gây chảy máu nghiêm trọng, đe dọa tính mạng cho cả mẹ và con.

1. Điều gì gây ra nhau bong non?

Các bác sĩ không biết tại sao một số phụ nữ nhau bong sớm hơn. Tuy nhiên người ta nghiên cứu có một vài yếu tố làm tăng khả năng nhau bong non. Các yếu tố có thể được chia làm 3 nhóm:

1.1 Liên quan đến tiền sử sức khỏe của người mẹ

  • Hút thuốc, uống rượu, sử dụng các chất kích thích khi mang thai.
  • Tuổi mẹ trên 35 tuổi.
  • Cao huyết áp mạn tính.
  • Có tiền sử nhau bong non ở thai kỳ trước (tỉ lệ tái phát là 10%).

1.2 Liên quan đến tình trạng mang thai hiện tại

  • Mang thai nhiều lần.
  • Cao huyết áp khi mang thai, tiền sản giật.
  • Vỡ màng ối sớm, gây rò rỉ nước ối trước khi sinh.
  • Dây rốn ngắn.

1.3 Có chấn thương bất ngờ

  • Tai nạn xe cộ.
  • Té ngã.
  • Bị một vật gì đó đập vào bụng.
nhau bong non
Hình ảnh máu tụ sau nhau thai.

2. Các mức độ của nhau bong non

Nhau bong non thường xảy ra vào ba tháng cuối thai kỳ, đặc biệt trong vài tuần trước khi sinh. Tùy thuộc vào mức độ nhau bong ra là một phần hay hoàn toàn, bong ở mép hay ngay trung tâm bánh nhau và phụ thuộc vào tình trạng của người mẹ và thai nhi. Người ta chia ra làm 4 mức độ:

2.1 Thể ẩn

Người mẹ không có bất kỳ dấu hiệu gì trước sinh. Đứa bé vẫn sinh ra khỏe mạnh. Chẩn đoán khi thấy có một khối máu tụ nhỏ sau khi lấy nhau ra.

2.2 Thể nhẹ

  • Không chảy máu âm đạo hoặc có chảy ít (khoảng dưới 100 ml).
  • Người mẹ có thể cảm thấy đau bụng, bụng cứng.
  • Tuy nhiên không có dấu hiệu mất máu nhiều, người mẹ không choáng và sức khỏe thai nhi có vẻ ổn định (tim thai bình thường).

Xem thêm: Sử dụng thuốc khi mang thai có an toàn không?

2.3 Thể trung bình

  • Không chảy máu âm đạo hoặc chảy khá nhiều (100 – 500 ml).
  • Có dấu hiệu choáng ở mẹ: mạch nhanh, huyết áp tụt.
  • Tử cung co cứng.
  • Tim thai bất ổn.

2.4 Thể nặng

  • Có thể chảy máu nhiều hoặc không.
  • Tử cung co cứng như gỗ.
  • Đau bụng liên tục.
  • Dấu hiệu choáng thấy rõ.
  • Thai suy, có thể không sống được.

Với thể ẩn và nhẹ, thường do nhau bong không hoàn toàn và bong ở mép nhau. Trong khi đó với thể trung bình và nặng, nhau thường bong hòan toàn hoặc ngay trung tâm bánh nhau.

3. Những dấu hiệu nhận biết nhau bong non

Người mẹ sẽ có các dấu hiệu sau đây:

  • Ra máu âm đạo: máu sậm, loãng, không đông.
  • Đau bụng dưới: đột ngột, lan khắp bụng, liên tục, và kéo dài. Đôi khi người mẹ cảm thấy đau vật vã, muốn xỉu.
  • Đau lưng.
  • Cảm giác tử cung co thắt.

biểu hiện nhau bong non

Trong đó, đau bụng và đau lưng xảy ra đột ngột, và cảm giác tử cung co thắt thường xuất hiện ngay sau đó. Tuy nhiên, lượng máu chảy ra thường không tương xứng với mức độ nhau bong. Có thể nhau bong nhiều nhưng máu ra ít hoặc không chảy máu do còn kẹt bên trong tử cung.

Xem thêm bài viết: Sa tử cung khi mang thai phải điều trị như thế nào?

4. Ảnh hưởng của nhau bong non lên thai kỳ

Nhau bong non là một trong các mối nguy hiểm đe dọa tính mạng cho cả mẹ và thai nhi. Nếu máu chảy không ngừng, nhau bong tách nhiều, đứa con có thể không sống được, trừ khi kịp thời mổ lấy thai.

Theo thống kê, tỉ lệ thai nhi không sống được giao động từ 1-40%. Điều này phụ thuộc vào tuổi thai đã được bao nhiêu ngày và mức độ phân tách của nhau.

Với người mẹ, bên cạnh tình trạng chảy máu quá nhiều, đe dọa tính mạng người mẹ. Nó còn tăng khả năng sinh con non, cân nhắc cắt tử cung nếu trong quá trình mổ lấy thai máu không cầm được.

5. Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Hãy đến cơ sở Sản phụ khoa càng sớm càng tốt nếu bạn có chảy máu âm đạo hoặc đau bụng khi mang thai. Trong trường hợp bạn có gặp tai nạn, té ngã, hoặc bị vật gì đánh mạnh vào bụng. Dù chưa có dấu hiệu gì, bạn cũng cần đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe cho mẹ và con.

6. Nhau bong non được chẩn đoán như thế nào?

Sau khi bác sĩ nhìn nhận các dấu hiệu bạn khai báo, và khai thác tiền sử mang thai của bạn. Nếu nghi ngờ bạn bị nhau bong non, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám. Đồng thời đánh giá dấu hiệu choáng của mẹ, nghe tim thai.

Nhau bong non có thể được xác định qua siêu âm. Tuy nhiên không phải lúc nào siêu âm cũng có thể thấy rõ ràng nhau bong ra trong tử cung. Nếu siêu âm không thấy rõ, nhưng các biểu hiện bên ngoài rõ rệt (chảy máu âm đạo, đau bụng, bụng co cứng, mẹ bị choáng, tim thai bắt đầu suy,…). Bác sĩ vẫn sẽ nghi ngờ khả năng nhau bong non đang xảy ra và tiến hành xử trí, để đảm báo an toàn cho mẹ và con. 

Tham khảo thêm: Bổ sung sắt trong thai kỳ: Nên hay không nên?

7. Hướng xử trí nhau bong non

Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ:

  • Lấy một ít máu người mẹ xét nghiệm.
  • Kiểm tra nhịp tim của em bé.
  • Đánh giá mức độ co thắt tử cung của mẹ.
  • Gắn kim truyền dịch lên tay để có thể truyền dịch và máu thêm khi người mẹ có dấu hiện choáng.

Sau đó. tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của nhau bong non, tình trạng sức khỏe mẹ và tuổi thai mà có hướng xử trí khác nhau.

7.1 Đối với thể trung bình và nặng

Phải chấm dứt thai kỳ càng sớm càng tốt. Vì càng kéo dài, dư hậu của mẹ và thai càng xấu, càng dễ kèm theo các hậu quả nghiêm trọng khác. Đa phần bác sĩ sẽ cân nhắc mổ bắt con ngay lập tức để đảm bảo tính mạng cho mẹ và con.

sinh mổ

7.2 Đối với thể nhẹ

Chấm dứt thai kỳ bằng cách cho sanh ngã âm đạo hay mổ lấy thai tùy thuộc vào tình trạng thai nhi, ngôi thai và mức độ mở cổ tử cung hiện tại.

8. Phòng ngừa nhau bong non

Chúng ta không thể ngăn ngừa nhau bong non, vì không tìm được nguyên nhân rõ ràng của nó. Tuy nhiên người mẹ có thể giảm những yếu tố làm tăng khả năng nhau bong ra sớm như:

  • Không hút thuốc lá, rượu bia trong quá trình mang thai.
  • Nếu bạn bị cao huyết áp mạn tính, hoặc cao huyết áp trong quá trình mang thai (điều này sẽ được kiểm tra khi bạn khám thai định kỳ). Hãy nói chuyện với bác sĩ Sản phụ khoa để được theo dõi chặt chẽ tình trạng của mình. Đồng thời áp dụng những lời khuyên của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe trong quá trình mang thai là tốt nhất.
  • Luôn luôn thắt dây an toàn khi đi xe hơi hoặc nên nhờ người thân chở đi đặc biệt vào 3 tháng cuối thai kỳ. Trong trường hợp không may, bạn bị chấn thương bụng, do tai nạn, té ngã hoặc do một vật gì đó đập mạnh vào bung. Hãy đến cơ sở Sản phụ khoa gần nhất để kiểm tra tình trạng sức khỏe mẹ và thai nhi.
  • Nếu bạn từng có nhau bong non ở thai kỳ trước và bạn đang có kế hoạch mang thai lần nữa. Hãy xin tư vấn của bác sĩ Sản phụ khoa trước khi thụ thai. Bác sĩ sẽ xem xét liệu có cách nào để giảm nguy cơ nhau bong non ở lần này mang thai này hay không.
Nhau bong non gây hậu quả nghiêm trọng nếu không xử lý kịp thời. Để giảm thiểu tình trạng này và các nguy cơ tìm tàng khác, hãy luôn khám thai càng sớm càng tốt ngay khi biết mình có thai và khám sức khỏe định kỳ theo lịch của bác sĩ. Vì tùy thuộc vào nguy cơ nhiều hay ít của người mẹ, lịch khám sức khỏe bà mẹ sẽ khác nhau. Bên cạnh đó, hãy để ý đến những thay đổi bất thường khi mang thai, dù chỉ là nhẹ nhất (như ra máu âm đạo ít) cũng cần được đến cơ sở Sản phụ khoa để kiểm tra.

Sinh viên Y khoa: Nguyễn Hoàng Yến

Từ khóa » Hiện Tượng Bong Nhau Thai Là Gì