Nhẹ - Chùa Hoằng Pháp

Sáng nay dậy sớm, lướt nhẹ qua facebook xem tình hình dân chúng thế nào, tự nhiên bị khựng lại ở một status hết sức tự nhiên khiến tôi nghiệm ra một điều mà bấy lâu nay cứ mãi tự hỏi lấy mình. Nguyên văn nó là vầy:

Nhẹ

Trong chữ NHẸ vẫn có dấu NẶNG

Trong chữ VỮNG vẫn còn dấu NGÃ

Trong chữ HIỂU vẫn có dấu HỎI

Chữ NGẮN dài hơn chữ DÀI

Nên bất giác cái ý nghĩ vẫn vơ nó đập thẳng vào cái óc mơ ngủ hãy còn say ke chưa tỉnh, liền phọt ra mấy câu:

Nhẹ gì nặng đến tầng không

Vững gì điêu đứng khi lòng ngã nghiêng

Hiểu kia nghĩ tưởng biết liền

Ai ngờ còn hỏi liên miên cả đời

Nghĩ rồi viết, tự nhiên thấy mình thật vi diệu, có ai như tôi không cơ chứ!? Mở mắt ra, mồm còn thối vãi chưởng đến độ nếu có con muỗi hay con ruồi nào bất hạnh bay qua mà tôi hà hơi một cái chắc nó rụng cánh chết ngay và liền, ấy vậy mà xuất khẩu thành thơ mới hay chứ lị. Nói thế cho vui thôi chứ ai lại thế phải không các chiến hữu!

Thật tình mà nói, khi mới mở máy, đọc được những dòng ấy suy tư giây lâu mới thấy tiếng Việt mình thật quả tinh tế đến từng mili, tinh tế đến độ trong từng câu chữ, từng nét chấm phẩy đều khiến người ta phải suy nghiệm, và cũng từ trong từng câu chữ ấy người ta tìm thấy cuộc đời và triết lý nhân sinh. Chỉ cần đọc sai, nhấn âm trật hay đãi chữ một chút là đã khiến người nghe hiểu sang một ý khác rồi. Ta thử đánh vần chữ NHẸ thì ngay lập tức, nếu bạn tinh ý sẽ thấy, “nhờ e nhe NẶNG nhẹ”, trong cái nhẹ nó vẫn hàm chứa cái nặng, dấu nặng nó kéo cả chữ đi xuống trạng thái cân bằng mà không lơ lững, chới với. Chỉ một dấu chấm “nhẹ” thế mà lại là cả một án thiền chứ không phải đùa. Nó mang trong mình một triết lý thật mà nhà Phật chúng tôi gọi là con đường trung đạo. Bởi lẽ, nhẹ quá thì gió thổi là bay, vô định hướng, không biết phương mà neo đậu cũng như kẻ theo đạo mãi chạy theo những xa hoa, những vui thích nơi đời năm trược nếu không bị dấu chấm kia “nặng” xuống thì chắc cũng bay tít mù và chẳng có ranh giới nào là thiện ác để làm một con người. Còn người đời nếu nhẹ mãi thì như kẻ sống trên mây, vô chừng, không định mức, thậm chí bị nhào trộn bởi những oán hận, ghét ganh, hơn thua, đố kỵ và hình thành nên một nhân bản vô tri và cuối cùng bị cái nặng nhấn chìm vào hố sâu của mê mờ và đau khổ.

Chính vì thế mà “nhẹ” lại thấp thoáng cái “nặng” dễ thương để đưa ta vào con đường ở giữa, con đường trung đạo, con đường không quá nhẹ để quên đi mình là ai và không quá nặng để mãi mò mẫm trong đêm đen u muội.

Nhắc nhẹ, nếu bạn muốn đọc nữa thì chờ tiếp nhé! Ahihi.

Memory Hp

Facebook Google Tweet

Từ khóa » Nhẹ Mà Có Dấu Nặng