Nhiễm đọc Atimon - Thông Tin Hoạt động - Bộ Y Tế

Trong thiên nhiên, antimon kết hợp với nhiều nguyên tố. Quặng Sb phổ biến nhất là stibinit (SbS­3), valentinit (Sb2O3) và senamontit Sb2O5).

Antimon dùng để sản xuất hợp kim có độ cứng cao, chống ăn mòn, hệ số ma sát thấp như đúc khuôn chữ, làm vòng bi, vỏ đạn, chế tạo các bản cực ắc quy chì, men gốm sứ.

Thâm nhập, phân bố và đào thải

Nhiễm độc nghề nghiệp với antimon chủ yếu ở những công nhân tham gia sản xuất antimon, antimon trioxid, khai thác khoáng sản kim loại, luyện kim, sản xuất các sản phẩm có chứa antimon.

Khi thâm nhập vào đường hô hấp, những hạt chứa antimon kích thước nhỏ sẽ đọng lại trong phổi và được hấp thu chậm sau vài tuần. Những hạt kích thước lớn (1,6µm) đọng lại ở đường hô hấp trên, sau vài giờ sẽ bị thanh thải nhờ lông ở niêm mạc và phế quản, một phần sẽ tiếp tục được nuốt vào đường tiêu hóa. Khi Sb thâm nhập vào đường tiêu hóa, lượng Sb được hấp thu vào cơ thể không nhiều, khoảng 5-15% (kể cả đối với các hợp chất antimon hòa tan).

Sb và các hợp chất Sb hóa trị III có ái lực cao với protein của hemoglobin nên tập trung nhiều ở hồng cầu, các hợp chất hóa trị V của Sb thì được giữ lại ở huyết thanh.

Sự phân bố Sb trong cơ thể không đồng đều, Sb kim loại chủ yếu tích lũy ở phổi và các tuyến ở đường tiêu hóa.

Sb và liên kết Sb hóa trị III đào thải chủ yếu qua đường tiêu hóa, còn Sb hóa trị V đào thải qua thận. Sự đào thải Sb ở những công nhân tiếp xúc với Sb nghề nghiệp thường kéo dài.

Nhiễm độc antimon

Các nghiên cứu cho thấy ở công nhân tiếp xúc với antimon, lượng Sb tăng trong máu và nước tiểu. Người bình thường nồng độ antimon trung bình trong nước tiểu là 0,6mg/l, trong máu là 0,4mg/l. Ở những người tiếp xúc nghề nghiệp với antimon, nồng độ Sb trung bình trong nước tiểu là 1,1mg/l, trong máu là 0,5-5,9mg/l.

Nguyên nhân nhiễm độc anitmoan nghề nghiệp thì chưa rõ, bởi vì antimon thường gặp cùng với chì hoặc asen. Ở những công nhân khai thác quặng antimon (trong không khí tại nơi làm việc, ngoài bụi antimon còn có hơi Hg, CO, SO2, H2S) thấy tỷ lệ bệnh tật tăng, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm thần kinh, các rối loạn tiêu hóa cấp. Phụ nữ bị mắc bệnh nhiều hơn nam giới, đặc biệt là các bệnh phụ khoa.

Đặc tính tác động chung

Các ô xít và sulphit antimon ít độc hơn so với các hợp chất ô xít và sulfit của asen. Độc tính của antimon và các hợp chất của nó phần lớn phụ thuộc vào độ hòa tan và tốc độ đào thải khỏi cơ thể. Bụi chứa antimon nguyên tử độc hơn so với bụi chứa hợp chất của antimon. Các liên kết antimon hóa trị III độc hơn so với liên kết antimon hóa trị V.

Biểu hiện của nhiễm độc cấp tính là kích thích niêm mạc đường hô hấp, đường tiêu hóa và da. Nhiễm độc mãn tính giống như trong nhiễm độc asen, tác động tới quá trình trao đổi chất, hệ thần kinh và cơ tim. Antimon có thể ảnh hưởng đến trao trao đổi ion, gây thiếu hụt can xi nội tế bào, rối loạn trong trao đổi protein và đường.

Nhiễm độc cấp tính

Biểu hiện của nhiễm độc cấp tính là kích thích niêm mạc mắt, dạ dày và ruột, với các triệu chứng có vị kim loại trong miệng, tăng tiết nước bọt, buồn nôn, nôn, ỉa chảy, đau bụng. Những trường hợp nặng có thể gây yếu cơ, yếu cơ tim, tiểu ít, co giật và có thể tử vong do biến chứng gan, thận, phù phổi cấp và kiệt sức.

Nhiễm độc mãn tính

Nếu con người hít thở phải bụi antimon trong thời gian dài có thể bị các bệnh về phổi (bụi phổi antinmon), dạng xơ hóa phân tán, chủ yếu ở các hạch bạch huyết. Xơ hóa không tiến triển khi tiếp xúc với bụi Sb kết thúc. Bệnh phổi thường đi kèm với triệu chứng buồn nôn và nôn, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, chóng mặt. Khám lâm sàng thấy có biểu hiện tổn thương hệ thần kinh trung ương, hội chứng suy nhược, tổn thương cơ tim, tổn thương gan, nổi mẩn trên da.

Có thể xuất hiện viêm nhiễm trong khoang miệng, đôi khi có mủ ở niêm mạc miệng làm cho bệnh nhân khó nuốt, tiết nước bọt nhiều, xuất hiện đường viền xanh trên lợi, rối loạn tiêu hóa, táo bón hoặc tiêu chảy (có thể có máu), kích thích, mất ngủ, thể trạng yếu, chóng mặt, giảm ham muốn tình dục, giảm cân, có protein trong nước tiểu, tăng số lượng bạch cầu, tăng bạch cầu ái kiềm, giảm số lượng tiểu cầu.

Tác động mãn tính của kim loại Sb khi hàm lượng Sb trong không khí từ 3,7-9,9 mg/m3 gây ra triệu chứng mỏi mệt, cảm thấy lạnh, thắt ngực, buồn nôn sau ca làm việc, tăng nhiệt độ cơ thể và nổi mẩn đỏ trên da.

Trong điều kiện làm việc mà hàm lượng Sb2S5 trong không khí từ 0,58-5,5 mg/m3 (thời gian làm việc từ 8 tháng đến 2 năm) thì công nhân sẽ có biểu hiện thay đổi huyết áp, thay đổi điện tim, sóng T âm. Theo dõi công nhân làm việc trong nhà máy luyện kim antimoan thấy rằng 61,2% công nhân nữ bị rối loạn kinh nguyệt, tăng sẩy thai ở giai đoạn muộn của thai kỳ, chậm phát triển chiều cao ở trẻ.

Tiếp xúc với Sb, da bị kích thích ở dạng ngứa, nổi mẩn, hình thành các mụn nước có mủ. Những vùng da dễ tổn thương là da đầu, cằm, mi mắt và mép.

Chưa có đủ bằng chứng về khả năng gây ung thư của antimon trioxide và trisulfua ở người, nhưng có thể gây các khối u phổi ở chuột. Antimon trioxide có thể gây ung thư cho con người (thuộc nhóm 2B).

Chẩn đoán nhiễm độc Antimon

Có tiền sử tiếp xúc với antimon

Các triệu chứng lâm sàng

Nhiễm độc cấp tính: có thể gặp khi tiếp xúc nghề nghiệp với antimon. Các triệu chứng gặp chủ yếu là triệu chứng về tiêu hóa: nôn nhiều, ỉa chảy có nhầy, viêm gan, tiểu ra máu; có thể bị sốc liên quan đến nhịp hô hấp chậm, không đều và có thể tử vong sau vài giờ.

Nhiễm độc mãn tính: do hít phải bụi hoặc hơi, nuốt hoặc hấp thu qua da. Các triệu chứng chủ yếu là: kích thích, mệt mỏi, đau nhức cơ bắp, ăn không ngon, buồn nôn hay táo bón, nhức đầu, chóng mặt và đau ngực.

Các triệu chứng hô hấp: thủng vách ngăn mũi, viêm thanh quản, khí quản, ho và khó thở.

Da: ngứa, nổi mẩn (các nốt antimon), có mụn nước với mủ. Những vùng da dễ tổn thương như da đầu, cằm, mi mắt, nách, háng.

Các triệu chứng khác: viêm lợi, viêm niêm mạc miệng, viêm kết mạc, viêm giác mạc, đau cơ tim.

Xét nghiệm cận lâm sàng

   Xét nghiệm máu:

Nồng độ Sb máu > 6mg/dL

Bạch cầu tăng, xuất hiện bạch cầu non.

Xét nghiệm nước tiểu

Nồng độ antimon trong nước tiểu>1,0mg/dL

Chức năng gan có thể tổn thương

Điện tim: trong trường hợp nhiễm độc cấp có thể giảm ST, thay đổi sóng T

Chụp x quang phổi: có thể thấy hình ảnh viêm phổi, bụi phổi (nốt mờ nhỏ ở tất cả các vùng của phổi).

Xử trí cấp cứu

Trong trường hợp nhiễm độc qua đường hô hấp – cho uống nước nóng, nước chè hoặc cà phê ngọt, aspirin, amidopirine.

Nếu bị nuốt phải bụi, tiến hành rửa dạ dày bằng dung dịch tanin, uống sữa ấm, cần thiết cho rửa dạ dày. Nếu bị nôn nhiều, cho nuốt một cục nước đá, aeron, tiêm morphin dưới da. Có thể truyền dung dịch glucosa, dung dịch sinh lý, BAL để giải độc.

Dự phòng nhiễm độc antimon

Thực hiện các biện pháp kỹ thuật để hạn chế tạo thành bụi và phát tán bụi Sb trong môi trường lao động, thiết kế hệ thống thông gió chung và thông gió tại chỗ, đảm bảo hàm lượng hơi, bụi Sb trong môi trường lao động dưới 0,0005mg/l.

Trang bị thiết bị bảo hộ cho người lao động như kính, khẩu trang, găng tay, quần áo chống bụi chuyên dụng.

Khám sức khỏe định kỳ cho người lao động có sự tham gia của chuyên gia thần kinh, da liễu, chụp x quang phổi, xét nghiệm nồng độ Sb trong máu và nước tiểu.

Những phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú không nên làm việc ở những nơi có tiếp xúc với antimon./.​

Từ khóa » Chất Liệu Antimon