Nhiễm Giun: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, điều Trị Và Cách Phòng Ngừa
Có thể bạn quan tâm
Giun là một loại ký sinh trùng cư trú trong đường ruột của người. Trẻ em hoặc người lớn bị nhiễm giun có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, như chậm lớn, suy dinh dưỡng ở trẻ; thiếu máu hoặc thậm chí là tử vong trong những trường hợp nghiêm trọng, không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Tình trạng nhiễm giun ở trẻ em và người lớn tại Việt Nam
Giun là động vật đa bào, ký sinh chủ yếu trong đường ruột của người và động vật. Trong một số trường hợp nhiễm giun, giun có thể ký sinh ở các cơ quan nội tạng khác hoặc trong máu. Ở giai đoạn trưởng thành, một con giun đũa có thể đạt kích thước lên đến 15-30cm.
Nhiễm giun là tình trạng rất phổ biến tại Việt Nam. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam hiện là nước có tỷ lệ nhiễm giun cao trong khoảng 50%-97%, phân bố tùy thuộc vào từng vùng, miền. Ở nam giới có tỷ lệ nhiễm giun cao hơn nữ giới.
Phân loại các loại giun phổ biến thường ký sinh ở người
Những loại giun phổ biến thường sống ký sinh ở người bao gồm: Giun đũa, giun móc, giun tóc và giun kim.
Giun đũa: đặc điểm, phương thức lây truyền, thời gian ủ bệnh
Giun đũa là loại giun có kích thước lớn. Giun cái trưởng thành dài khoảng 20-25 cm, giun đực trưởng thành dài khoảng 15-17 cm. Giun đũa cái có khả năng đẻ khoảng 200 ngàn trứng/ngày và có đời sống từ 13-15 tháng. Giun có màu trắng, hồng, đầu và đuôi thon, nhọn. Giun đũa thường phát triển mạnh ở các nước nhiệt đới và ôn đới. Người dân sinh sống ở khu vực nông thôn thường có tỷ lệ nhiễm giun đũa cao hơn người dân ở thành thị. Trẻ em có nguy cơ cao nhiễm giun đũa hơn là người lớn.
Giun đũa có kích thước lớn, màu trắng, hồng, đầu và đuôi thon, nhọn
Con người, đặc biệt là trẻ em là ổ chứa của giun đũa. Ổ chứa của trứng giun đũa là đất và nước nhiễm phân. Thông thường, con người có thể bị nhiễm giun đũa qua đường ăn uống. Nhiễm giun không thể lây truyền trực tiếp từ người sang người.
Thời gian từ khi nuốt phải trứng giun đũa, đến khi có các triệu chứng đầu tiên của nhiễm giun thường rơi vào khoảng từ 5-14 ngày. Thời gian người nuốt phải trứng có ấu trùng, cho đến khi giun trưởng thành và đẻ trứng khoảng 45-60 ngày.
Giun móc: đặc điểm, phương thức lây truyền, thời gian ủ bệnh
Giun móc là loại giun ký sinh ở người, thuộc họ Ancylostomidae. Tùy thuộc trong ruột giun móc có máu hay không, mà màu sắc của loại giun này có sự thay đổi nhất định: từ màu trắng sữa, cho đến hơi hồng hoặc đỏ nâu. Kích thước của giun móc nhỏ hơn giun đũa. Giun móc đực chỉ dài khoảng 8-11mm, giun móc cái dài khoảng 10-13mm. Giun móc cái có thể đẻ từ 10 ngàn – 25 ngàn trứng/ngày. Giun móc có thể sống từ 4-5 năm trong cơ thể người nếu không được điều trị. Trong bao miệng giun móc có 2 đôi răng hình móc được bố trí cân xứng, giúp giun cắn chặt vào niêm mạc tá tràng để hút máu.
Giun móc có thể sống từ 4-5 năm trong cơ thể người nếu không được điều trị
Con người, đặc biệt là những người có tính chất công việc phải thường xuyên tiếp xúc với đất nhiễm phân, là ổ chứa của giun móc. Giun móc có thể lây truyền qua đường da, niêm mạc hoặc qua đường ăn uống. Giun móc không lây trực tiếp từ người sang người.
Thời gian từ khi ấu trùng giun móc xâm nhập vào cơ thể qua da, lên tim, phổi và bị nuốt trở lại vào dạ dày, ruột non, cho đến khi trưởng thành là khoảng 42-45 ngày. Trường hợp ấu trùng xâm nhập vào cơ thể qua thức ăn, nước uống thì không di chuyển qua phổi mà ký sinh trực tiếp tại tá tràng hoặc ruột non. Có một số ít trường hợp, ấu trùng giữ trạng thái tiềm tàng ở các cơ quan, đến 8 tháng sau mới trở thành giun trưởng thành.
Giun tóc: đặc điểm, phương thức lây truyền, thời gian ủ bệnh
Hình thể giun tóc được chia thành 2 phần: phần đầu dài chiếm ⅔ cơ thể, phần thân ngắn và phình to. Giun tóc có màu màu hồng nhạt, hoặc trắng sữa. Giun cái dài khoảng 30-50 mm, giun đực dài khoảng 30-45 mm. Giun tóc cái có khả năng đẻ đến 2 ngàn trứng/ngày và có vòng đời từ 5-6 năm nếu không được điều trị.
Giun tóc lưu hành ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Người dân sinh sống ở nông thôn, có tập quán sinh hoạt lạc hậu, điều kiện vệ sinh kém thường có nguy cơ nhiễm giun tóc cao hơn người dân ở thành thị. Đặc biệt, nhiễm giun tóc thường gặp ở những người có thói quen dùng phân chưa qua xử lý bón ruộng.
Giun tóc lưu hành ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới và lây truyền qua đường ăn uống
Giun tóc lây truyền qua đường ăn uống, do con người ăn phải trứng giun tóc đã phát triển ở môi trường bên ngoài đến giai đoạn ấu trùng.
Thời gian ủ bệnh thường không rõ ràng. Thời gian từ khi nuốt phải trứng có ấu trùng cho đến khi có các triệu chứng đầu tiên ở phổi là từ 5-14 ngày. Thời gian từ khi nuốt phải trứng có ấu trùng cho đến khi giun tóc trưởng thành là từ 45-60 ngày.
Giun kim: đặc điểm, phương thức lây truyền, thời gian ủ bệnh
Giun kim có đầu hơi phình và vỏ có khía, màu trắng sữa. Giun kim đực có thể dài khoảng 2-5 mm, đuôi cong và có gai sinh dục; giun kim cái dài 9-12 mm, đuôi dài và nhọn. Giun kim cái có khả năng đẻ 4 ngàn – 16 ngàn trứng, sau khi đẻ hết trứng, giun teo lại và chết.
Giun kim có thể lây truyền qua đường ăn uống, do dùng tay gãi hậu môn có trứng giun kim sau đó cầm thức ăn
Ổ chứa của giun kim là con người, đặc biệt là trẻ em. Giun kim có thể lây truyền qua đường ăn uống, do dùng tay gãi hậu môn có trứng giun kim sau đó cầm thức ăn, nước uống. Ngoài ra, giun kim còn có con đường lây truyền bất thường: trứng giun kim phát triển thành ấu trùng tại các rãnh hậu môn. Từ hậu môn, các ấu trùng giun kim di chuyển ngược lên manh tràng để phát triển thành giun trưởng thành.
Nhiễm giun kim có thời gian ủ bệnh không rõ ràng. Thời gian nuốt phải trứng giun kim, cho đến khi giun trưởng thành là sau 2-4 tuần. Đời sống giun kim kéo dài khoảng 1-2 tháng.
Nguyên nhân nhiễm giun ở người
Có rất nhiều nguyên nhân gây nhiễm giun ở người như:
- Điều kiện khí hậu nhiệt đới, ẩm ở nước ta đặc biệt thuận lợi cho sự sinh sôi và phát triển của các loại giun;
- Ăn thực phẩm ở các hàng quán lề đường, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Thói quen sinh hoạt kém vệ sinh như cắn móng tay, mút tay, không rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
- Đi bộ chân đất cũng tạo điều kiện cho ấu trùng giun chui vào cơ thể qua da;
- Dùng phân chưa được xử lý để tưới bón cây trồng.
Dấu hiệu và triệu chứng nhiễm giun
Bệnh trạng của nhiễm giun sán liên quan đến số lượng giun. Những người bị nhiễm giun với số lượng ít (vài con giun) thường không bị nhiễm trùng. Số lượng giun ít không gây ra triệu chứng đáng kể. Khi giun tồn tại trong cơ thể với số lượng nhiều, chúng sẽ gây ra một loạt các triệu chứng. Số lượng giun nhiều quá mức có thể gây ra tắc ruột, cần được chỉ định làm phẫu thuật.
Người bị nhiễm giun sẽ có những triệu chứng điển hình sau:
- Đau vùng rốn, người bệnh gầy yếu, có thể nôn và đi ngoài ra giun. Đau bụng do nhiễm giun thường tái đi tái lại nhiều lần;
- Người bị nhiễm giun kim thường bị ngứa ở vùng hậu môn về đêm;
- Rối loạn tiêu hóa, phân lúc đặc, lúc lỏng, giun kim xuất hiện ở hậu môn hoặc trong phân;
- Trẻ nhiễm giun thường biếng ăn, khó chịu, hay quấy khóc và khó ngủ về đêm;
- Có biểu hiện thiếu hụt vitamin và khoáng chất;
- Trong một số trường hợp, người bị nhiễm giun có máu trong phân, có biểu hiện thiếu máu, thở khò khè hoặc ho khan.
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm nhiễm giun
Có hai phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm nhiễm giun phổ biến nhất hiện nay là xét nghiệm máu và xét nghiệm phân.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu được dùng nhiều trong chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng ở người, có khả năng phát hiện ký sinh trùng giun ẩn náu trong máu người bệnh.
Nếu kết quả xét nghiệm máu dương tính với kháng thể ký sinh trùng, nghĩa là người bệnh đã nhiễm giun. Ngược lại, nếu kết quả xét nghiệm máu âm tính, nghĩa là người bệnh khỏe mạnh, không có ký sinh trùng giun trong cơ thể.
Xét nghiệm phân
Thu thập và quan sát mẫu phân của người bệnh để tìm trứng giun có trong phân, từ đó đưa ra kết quả chẩn đoán. Để thực hiện xét nghiệm, các bác sĩ hoặc điều dưỡng lấy một mẫu phân có dấu hiệu nhiễm giun như: nhầy, lợn cợn, xuất huyết rồi cho vào lọ đậy kín, gửi đến phòng xét nghiệm.
Ngoài xét nghiệm máu và xét nghiệm phân, các bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp xét nghiệm khác nhau ở các trường hợp nghi ngờ nhiễm giun khác nhau như: xét nghiệm dịch màng phổi ở ấu trùng giun lươn, nội soi tìm giun lạc chỗ, kết hợp với siêu âm, chụp cắt lớp, chụp CT để cho ra kết quả chính xác nhất.
Nhiễm giun ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Nhiễm giun có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực đến đường tiêu hóa, như cơ thể người bị nhiễm giun không hấp thu được chất dinh dưỡng, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, chậm lớn ở trẻ. Giun sán gây ra suy giảm dinh dưỡng đối với những người bị lây nhiễm theo nhiều cách:
- Giun ăn các mô chủ, bao gồm cả máu, dẫn đến mất chất sắt và protein.
- Giun móc còn gây mất máu đường ruột mãn tính có thể dẫn đến thiếu máu.
- Giun gây ra kém hấp thu các chất dinh dưỡng. Ngoài ra, giun đũa còn dành vitamin A trong ruột.
- Một số giun sán truyền qua đất cũng gây mất cảm giác ngon miệng và do đó, làm giảm lượng dinh dưỡng và thể lực. Đặc biệt, T. trichiura có thể gây tiêu chảy và kiết lỵ.
Ngoài ra, nhiễm giun còn có thể gây những cơn đau cấp khi giun chui lên đường mật, đau dạ dày khi giun chui lên dạ dày, viêm tụy cấp khi giun chui lên ống tụy, tắc ruột do búi giun, hay thậm chí ảnh hưởng đến các cơ quan khác khi giun di trú lên mắt, não,…
Điều trị khi bị nhiễm giun
Nguyên tắc điều trị khi bị nhiễm giun là chọn những loại thuốc có tác dụng với nhiều loại giun, ít độc và chỉ cần dùng một liều duy nhất đã mang lại hiệu quả cao.
WHO khuyến cáo điều trị bằng thuốc định kỳ (tẩy giun) mà không cần chẩn đoán trước cho tất cả những người có nguy cơ sống ở vùng lưu hành. Điều trị nên được đưa ra mỗi năm một lần khi tỷ lệ nhiễm giun sán trong cộng đồng là hơn 20% và hai lần một năm khi tỷ lệ nhiễm giun sán trong cộng đồng là hơn 50%. Can thiệp này làm giảm tỷ lệ mắc bệnh bằng cách giảm số lượng giun.
Điều trị định kỳ nhằm mục đích giảm mức độ nhiễm kí sinh trùng, và để bảo vệ những người có nguy cơ mắc giun. Tẩy giun có thể dễ dàng tích hợp với các ngày sức khỏe trẻ em hoặc các chương trình bổ sung cho trẻ mẫu giáo, hoặc tích hợp với các chương trình y tế học đường. Các trường học nên thúc đẩy giáo dục các hoạt động vệ sinh cá nhân như hoạt động rửa tay, vệ sinh trường học.
Các thuốc điều trị giun sán sử dụng phổ biến trên lâm sàng: Mebendazole, Praziquantel, Albendazole,…Cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để điều trị nhiễm giun.
*Lưu ý: thông thường thuốc tẩy giun thường dùng cho trẻ trên 2 tuổi trở lên, Tuy nhiên, nếu nghi ngờ trẻ dưới 2 tuổi bị nhiễm giun sán thì nên đưa trẻ đi khám để được điều trị kịp thời. Albedazole and Mebendazole chống chỉ định cho phụ nữ có thai 3 tháng đầu và cần hết sức thận trọng khi dùng cho phụ nữ cho con bú, người có tiền sử mẫn cảm với Benzimidazol, có tiền sử nhiễm độc tuỷ xương. Những người suy gan, suy thận cần thận trọng khi sử dụng thuốc.
Một số vấn đề cần lưu ý sau khi dùng thuốc:
- Theo dõi dị ứng do thuốc, và hiện tượng đề kháng thuốc giun sán.
- Cần theo dõi chặt chẽ sau khi dùng thuốc cho trẻ dưới 4 tuổi.
- Điều trị giun kim cho trẻ em cần phải phối hợp với vệ sinh hậu môn và điều trị cho cộng đồng trong gia đình (hoặc nhà trẻ) cùng một thời gian.
Phòng ngừa nhiễm giun bằng cách nào?
Nhiễm giun có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người bị nhiễm. Do đó, mỗi người dân cần thực hiện tốt những phương pháp phòng ngừa nhiễm giun sau:
- Ăn chín, uống sôi: chỉ ăn những loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và cần nấu chín thực phẩm trước khi ăn, sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt và ăn uống, trái cây nên được rửa sạch, gọt vỏ trước khi ăn, thức ăn khi chưa ăn cần đậy kín;
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân: cắt ngắn móng tay, rửa tay và hậu môn bằng xà phòng sau mỗi lần đi đại tiện, đại tiện đúng nơi, đảm bảo vệ sinh và tuyệt đối không đi chân đất khi ra khỏi nhà;
- Giữ vệ sinh môi trường sống: vệ sinh sạch sẽ nơi ở, bố trí khu vực xử lý phân xa nơi ở và giếng nước, không dùng phân chưa xử lý để tưới bón cây trồng;
- Tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng. Nếu trong nhà có người bị nhiễm giun nên tẩy giun cho cả gia đình. Biện pháp tẩy giun áp dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ suy dinh dưỡng, chậm lớn do nhiễm giun có thể được tẩy giun theo sự hướng dẫn của các bác sĩ.
- Giáo dục sức khỏe và vệ sinh, làm giảm lây truyền và tái nhiễm bằng cách khuyến khích các hành vi lành mạnh.
Nhiễm giun hiện vẫn còn là vấn đề nhức nhối ở nước ta. Do đó, mỗi người dân đều nên trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết để phòng tránh nhiễm giun hiệu quả. Đừng quên tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng một lần và đưa người bị nhiễm giun đến các cơ sở y tế khi có dấu hiệu diễn biến nặng.
Từ khóa » Tác Hại Của Giun đũa Khi Ký Sinh
-
Tác Hại Và Cách Phòng Chống Bệnh Giun Truyền Qua đất
-
Tác Hại Của Giun đũa Kí Sinh
-
Nêu Tác Hại Của Giun đũa Với Sức Khỏe Con Người ?
-
Tác Hại Và Triệu Chứng Của Bệnh Giun Đũa
-
Bệnh Giun đũa: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Phòng Chống
-
BỆNH GIUN ĐŨA
-
Tác Hại Của Ký Sinh Trùng Đối Với Sức Khỏe Con Người Và Cách ...
-
Giun đũa Và Những điều Cần Biết để Bảo Vệ Sức Khỏe
-
Bệnh Giun đũa: Nguyên Nhân, Triệu ... - Trung Tâm Xét Nghiệm BMT
-
Các Bệnh Do Giun đũa | Viện Pasteur TP.HCM
-
Tác Hại Của Giun Đũa Kí Sinh Và Cách Phòng Bệnh Hiệu Quả
-
Giun Sán Gây Ra Những Tác Hại Gì - Impe-.vn
-
Giun đũa - Viện Sốt Rét
-
Tác Hại Của Giun Sán - Giun đũa Và Phương Pháp điều Trị Bạn Nên Biết