Nhiễm Trùng đường Tiết Niệu Và Những Thông Tin Xoay ... - Hello Bacsi

Bạn có biết tỷ lệ nhiễm trùng đường tiết niệu (viêm đường tiết niệu) hay nhiễm trùng đường tiểu là loại nhiễm trùng phổ biến thứ hai trên cơ thể. Nữ giới có nguy cơ mắc phải cao gấp 4 lần so với nam giới. Đặc biệt, những người đã lập gia đình có khả năng cao bị nhiễm trùng đường tiểu ít nhất một lần trong đời.

Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về căn bệnh này cũng như cách điều trị, phòng ngừa hữu hiệu.

Tìm hiểu chung

Nhiễm trùng đường tiết niệu hay nhiễm trùng đường tiểu là gì?

Đường tiết niệu hình thành từ nhiều cơ quan, bao gồm:

  • Thận
  • Niệu quản
  • Bàng quang
  • Niệu đạo

Bất kỳ sự tấn công của các vi sinh vật gây bệnh nào đến bốn bộ phận trên đều được gọi là nhiễm trùng đường tiết niệu (còn gọi nhiễm trùng đường tiểu hoặc viêm đường tiết niệu).

Phần lớn trường hợp, nhiễm trùng đường tiểu chủ yếu diễn ra ở đường tiết niệu dưới, bao gồm niệu đạo và bàng quang. Mặc dù nhiễm trùng ở niệu quản và thận tương đối hiếm gặp, nhưng so với nhiễm trùng bàng quang hay niệu đạo, tình trạng này nguy hiểm hơn.

Viêm đường tiết niệu ở nữ là một trong các tình trạng nhiễm trùng phổ biến nhất ở nữ giới, chiếm đến 25% số ca bệnh nhiễm trùng. Có đến 50-60% phụ nữ mắc phải nhiễm trùng đường tiết niệu ít nhất một lần trong đời. 

Dấu hiệu và triệu chứng

nhiễm trùng đường tiết niệu

Dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?

Các triệu chứng viêm đường tiết niệu bao gồm:

  • Có cảm giác buồn tiểu rõ và xảy ra với tần suất cao bất thường, hay tiểu đêm
  • Nước tiểu đục, sẫm màu và có mùi khai rất nồng
  • Cảm thấy đau rát khi tiểu
  • Buồn nôn và nôn
  • Đau bụng, đau vùng xương chậu hoặc đau bên mạn sườn.
  • Đau khi quan hệ tình dục.

Tuy nhiên, dấu hiệu viêm đường tiết niệu còn có thể khác nhau, tùy thuộc vào tuổi tác, giới tính (nam thường bị đau trực tràng, còn nữ hay bị đau ở vùng chậu), tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng như bộ phận bị nhiễm trùng, chẳng hạn như:

Bàng quang

  • Vùng chậu chịu áp lực nặng nề, có thể kéo theo tình trạng co thắt, chuột rút ở bụng và lưng dưới, dẫn đến những cơn đau khó chịu.
  • Tiểu buốt, tiểu nhiều lần và thậm chí tiểu ra máu.

Niệu đạo

  • Có dịch tiết ra từ đây, đi chung với triệu chứng nóng rát khi tiểu.

Thận

  • Nhiễm trùng thận là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhất trong viêm nhiễm đường tiết niệu. Người gặp phải tình trạng này không chỉ bị đau bên hông (vị trí của thận) mà cơn đau còn có thể lan rộng đến lưng trên. Ngoài ra, người bệnh còn bị sốt cao, ớn lạnh, run rẩy và mệt mỏi, suy nhược.

Bác sĩ khuyến cáo mọi người nên đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị ngay lập tức nếu nghi ngờ bản thân bị nhiễm trùng thận.

Niệu quản

Bộ phận này rất khó để các vi sinh vật gây bệnh tấn công nên nhiễm trùng niệu quản rất hiếm khi xảy ra. Do đó, các chuyên gia vẫn chưa rõ các biểu hiện đặc trưng cho trường hợp này.

Triệu chứng viêm đường tiết niệu ở người đang đặt ống thông điều trị cho bệnh lý khác hoặc người cao tuổi thường là thay đổi hành vi (bối rối, kích động), tiểu không kiểm soát tồi tệ hơn bình thường, run. Điều này gây nhiều khó khăn cho bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh.

Sẽ khó để phát hiện nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ. Chúng thường gặp những triệu chứng không điển hình như sốt, cáu gắt, không chịu bú, đổ mồ hôi, tè dầm.

Nguyên nhân

Các nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu

Vi sinh vật là tác nhân chính gây nhiễm trùng đường tiểu, hầu hết là vi khuẩn. Tuy nhiên, đôi khi bạn cũng có thể mắc bệnh do nhiễm nấm hoặc virus.

Theo bác sĩ, phần lớn tình trạng viêm đường tiết niệu thường do vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) – loại vi khuẩn có trong hệ tiêu hóa gây ra, chủ yếu ở bàng quang. Chlamydia và Mycoplasma cũng góp phần dẫn đến bệnh nhưng thường ở niệu đạo.

Nguy cơ gây bệnh

Theo cấu tạo sinh học, so với nam giới, đường tiết niệu của nữ thường ngắn hơn và gần với hậu môn nên cũng dễ bị nhiễm trùng hơn.

Các chuyên gia đánh giá cao mức độ nghiêm trọng của vấn đề nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai, vì nó có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Do đó, bác sĩ phụ sản luôn kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn trong nước tiểu của mẹ bầu, ngay cả khi họ không bộc lộ triệu chứng. Nếu nhiễm trùng tiểu xảy ra, bác sĩ sẽ điều trị bằng cách kê toa kháng sinh với liều lượng phù hợp nhằm ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi, lây lan.

Ngoài ra, nhiễm trùng đường tiểu còn có khả năng phát sinh bởi một số yếu tố nguy cơ như:

  • Quan hệ tình dục quá nhiều hoặc thường xuyên thay đổi bạn tình
  • Thói quen vệ sinh cá nhân kém
  • Tiền sử mắc bệnh tiểu đường, hóa trị, xạ trị, bệnh nhân HIV, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, người già, trẻ nhỏ hệ miễn dịch yếu hơn bình thường
  • Gặp khó khăn trong việc đào thải hoàn toàn nước tiểu trong bàng quang (bí tiểu) như sỏi tiết niệu, phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới,…
  • Đang đặt ống thông tiểu
  • Không tự chủ trong việc đại, tiểu tiện
  • Lạm dụng phương pháp tránh thai gồm chất diệt tinh trùng, màng ngăn tránh thai
  • Phụ nữ mãn kinh
  • Đã từng điều trị xâm lấn ở đường tiết niệu
  • Bị liệt, bất động trong một thời gian dài
  • Sử dụng băng vệ sinh, cốc nguyệt san bị nhiễm khuẩn
  • Lạm dụng kháng sinh phá vỡ hệ sinh thái của lợi khuẩn trong ruột và đường tiết niệu

Chẩn đoán

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những xét nghiệm chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu

Trước tiên, bác sĩ sẽ xem xét triệu chứng và kiểm tra sức khỏe thể chất của người bệnh. Nếu nghi ngờ bị nhiễm trùng đường tiểu, bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm nước tiểu để tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh.

Mẫu nước tiểu được kiểm tra cần phải tinh sạch. Do đó, bạn sẽ cần lấy nước tiểu giữa dòng nhằm tránh để vi khuẩn hoặc nấm men từ lỗ tiểu làm nhiễm mẫu. Bác sĩ sẽ giải thích và hướng dẫn chi tiết cách lấy mẫu phẩm đúng cách cho người bệnh.

Khi tiến hành xét nghiệm, các chuyên gia sẽ đếm số lượng tế bào bạch cầu xuất hiện trong một đơn vị nước tiểu để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng tại đây. Sau đó, thủ thuật cấy mẫu nước tiểu sẽ được áp dụng để xác định loại vi sinh vật gây nhiễm trùng. Dựa vào đó, bác sĩ có thể xây dựng phác đồ điều trị viêm đường tiết niệu hiệu quả và phù hợp nhất với bạn.

Đồng thời, điều này còn giúp ngăn chặn nguy cơ vi khuẩn phát triển khả năng kháng kháng sinh trong trường hợp nhiễm khuẩn ở hệ tiết niệu.

Mặt khác, bạn sẽ cần thực hiện một số thủ thuật chẩn đoán khác nếu:

  • Nhiễm trùng đường tiểu trên (ở thận và niệu đạo): thực hiện thêm tổng phân tích tế bào máu (CBC) để xem vi khuẩn có vào hệ tuần hoàn chưa.
  • Nhiễm trùng tái phát: kiểm tra dấu hiệu bất thường trong các cơ quan tiết niệu bằng chẩn đoán hình ảnh như siêu âm đường tiểu, chụp X-quang, nội soi bàng quang, chụp CT đường tiểu.

Các phương pháp điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu

điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu (nhiễm trùng đường tiểu)

Sẽ khó để viêm đường tiết niệu tự khỏi, mà người bệnh cần được điều trị để tiêu diệt tác nhân gây bệnh.

Thông thường, người bệnh có thể khỏi sau 2–3 ngày điều trị. Tuy nhiên, đối với những trường hợp phức tạp, chẳng hạn như người ghép tạng hoặc có tiền sử bệnh lý ảnh hưởng đến hệ tiết niệu…, việc chữa trị nhiễm trùng đường tiểu có khả năng kéo dài 7–14 ngày hoặc lâu hơn.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ đề xuất một hoặc nhiều phương pháp điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu cho một người dựa trên tình trạng sức khỏe và nguyên nhân gây bệnh của người đó.

Sử dụng thuốc kháng sinh

Hầu hết nhiễm trùng đường tiểu do vi khuẩn gây ra nên thuốc kháng sinh là giải pháp thông dụng và hiệu quả nhất trong chữa trị. Với trường hợp nhiễm khuẩn ở đường tiết niệu dưới, người bệnh có thể nhận thuốc kháng sinh dạng uống. Ngược lại, nếu thận và niệu đạo là khu vực chịu ảnh hưởng, bạn thường được chỉ định kháng sinh dạng tiêm tĩnh mạch.

Ngoài ra, để phòng ngừa nguy cơ kháng kháng sinh, người bệnh lưu ý tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, không được tự ý ngưng thuốc ngay cả khi cảm thấy khỏe hơn. Các dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu có thể biến mất trước khi vi khuẩn gây bệnh được tiêu diệt hoàn toàn.

Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính

Trong một số trường hợp, tình trạng nhiễm trùng này có nguy cơ trở thành mạn tính. Nếu bạn bị tái nhiễm 2–3 lần trong một năm, hãy trao đổi với bác sĩ để có phác đồ điều trị phù hợp hơn, ví dụ như:

  • Uống thuốc kháng sinh liều thấp trong thời gian dài nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát
  • Sử dụng kháng sinh sau khi quan hệ, nếu nguyên nhân gây nhiễm trùng có liên quan đến các bệnh lây qua đường tình dục (STD)
  • Dùng kháng sinh trong vòng 1–2 ngày mỗi khi triệu chứng viêm đường tiết niệu xuất hiện.

Biến chứng

Nhiễm trùng đường tiết niệu (đường tiểu) có nguy hiểm không?

Các bác sĩ luôn cố gắng chữa trị tận gốc nhiễm trùng đường tiểu ngay từ đầu, vì nếu kéo dài, bệnh có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm hơn.

Thông thường, vi sinh vật gây bệnh tấn công bàng quang và niệu đạo trước (đường tiết niệu dưới). Nếu không được chữa triệt để, chúng sẽ ảnh hưởng đến đường tiết niệu trên, gồm thận và niệu đạo. Khi đó, việc điều trị viêm đường tiết niệu sẽ gặp nhiều khó khăn vì hàng loạt biến chứng kèm theo. Trong đó, nguy hiểm nhất là nhiễm trùng máu có khả năng trực tiếp gây tử vong.

Ngoài ra, các biến chứng nhiễm trùng đường tiết niệu còn có thể kể đến như:

  • Rủi ro nhiễm trùng tái phát cao, đặc biệt ở phụ nữ mắc bệnh 2 lần liên tục trong vòng 6 tháng hoặc hơn 4 lần trong vòng 1 năm.
  • Tổn thương thận vĩnh viễn do nhiễm trùng thận cấp tính hoặc mãn tính (viêm đài bể thận).
  • Phụ nữ mang thai có nguy cơ sinh non hoặc bé sinh ra nhẹ cân.
  • Hẹp niệu đạo ở nam giới.

Vì vậy, nếu bạn bắt gặp bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu nào bên trên, hãy cố gắng tìm gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt. Thực hiện một số thủ thuật chẩn đoán đơn giản như xét nghiệm nước tiểu hay xét nghiệm máu có thể giúp bạn sớm hiểu rõ tình trạng sức khỏe của bản thân, từ đó hạn chế nhiều biến chứng phức tạp lâu dài.

Khi bị viêm đường tiết niệu có nên quan hệ vợ chồng không là câu hỏi của nhiều người bệnh. Nhìn chung, quan hệ khi đang bị nhiễm trùng tiểu sẽ tiềm ẩn một số rủi ro như làm tăng nguy cơ phát triển nhiễm trùng đường tiết niệu thứ phát và lây nhiễm cho bạn đời. Cụ thể để giải đáp câu hỏi này, bạn có thể tham khảo bài viết: Viêm đường tiết niệu có quan hệ được không? của Hello Bacsi nhé!

Phòng ngừa

Mách bạn cách phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu hiệu quả

Một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt có thể giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu, chẳng hạn như:

  • Uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên, tuyệt đối không nhịn tiểu
  • Tránh dùng bia, rượu hay thức uống chứa nhiều caffeine có khả năng kích thích bàng quang
  • Lau từ trước ra sau sau khi đi tiểu
  • Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ
  • Tắm bằng vòi hoa sen, hạn chế tắm bồn
  • Cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn mua băng vệ sinh hoặc cốc nguyệt san
  • Tránh dùng nước hoa, chất khử mùi lên bộ phận sinh dục
  • Ưu tiên chọn đồ lót làm bằng vải cotton thoáng mát; không nên mặc đồ bó sát
  • Không dùng chất diệt tinh trùng, sử dụng gel bôi trơn gốc nước khi quan hệ tình dục nếu như thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ quả nam việt quất có tác dụng ngăn chặn vi khuẩn bám lên lớp niêm mạc bàng quang và gây viêm. Do đó, không ít chuyên gia dinh dưỡng cho rằng bổ sung loại trái cây nào vào khẩu phần ăn hàng ngày có thể giúp người bệnh hạn chế nguy cơ tái nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Từ khóa » Các Bệnh đường Tiểu