Nhiệm Vụ Và Quyền Hạn Của Chính Phủ Trong Lĩnh Vực Tổ Chức Bộ ...

Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực tổ chức bộ máy hành chính nhà nước là gì?

Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Vậy nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức và công tác thi đua, khen thưởng được quy định như thế nào? Sau đây, Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

Căn cứ Điều 23 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019) như sau:

Điều 23. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức và công tác thi đua, khen thưởng

1. Thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, công chức, viên chức.

2. Trình Quốc hội quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ; thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh.

3. Quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan thuộc Chính phủ; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quy định về tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện), đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Thống nhất quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập từ trung ương đến địa phương; quy định số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu đơn vị trực thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

5. Thống nhất quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp và các chế độ, chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương.

6. Chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, công chức; bảo đảm thực hiện một nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân.

7. Thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của các hội, tổ chức phi chính phủ.

8. Thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng.

9. Quyết định phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Các cơ quan thực hiện quyền hành pháp còn được gọi là bộ máy hành chính nhà nước. Bộ máy hành chính nhà nước là một bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước, được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương, đứng đầu là Chính phủ, chịu trách nhiệm thực hiện quyền hành pháp. Để thực hiện quyền hành pháp hiệu lực và hiệu quả cao nhất, bộ máy hành chính nhà nước cần được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc thứ bậc, cấp trên chỉ đạo, lãnh đạo, cấp dưới phục tùng mệnh lệnh và chịu sự kiểm soát của cấp trên trong hoạt động. Bộ máy hành chính nhà nước là một chỉnh thể thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương, được phân chia thành hai bộ phận: bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương và bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương.

Chính phủ trình Quốc hội quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ, việc thành lập, bãi bỏ các bộ, cơ quan ngang bộ, việc thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, việc thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Chính phủ quyết định việc thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Chính phủ có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo hoạt động của hệ thống bộ máy hành chính nhà nước thống nhất từ trung ương đến cơ sở; bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước thông suốt trong hệ thống hành chính nhà nước, cơ quan hành chính cấp dưới phải phục tùng sự lãnh đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cơ quan hành chính cấp trên. Chính phủ quyết định và chỉ đạo thực hiện phân công, phân cấp quản lý ngành và lĩnh vực trong hệ thống hành chính nhà nước; chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính nhà nước, xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Chính phủ có quyền quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan thuộc Chính phủ; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân và hướng dẫn về tổ chức một số cơ quan chuyên môn để Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phù hợp với đặc điểm riêng của địa phương; quy định định mức biên chế hành chính, sự nghiệp thuộc Uỷ ban nhân dân.

Chính phủ có quyền thống nhất quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước từ trung ương đến cơ sở; xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong sạch, có trình độ, năng lực, trung thành với Nhà nước xã hội chủ nghĩa, tận tụy phục vụ nhân dân; quyết định và chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ về đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, tiền lương, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu và các chế độ khác đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; quy định và chỉ đạo thực hiện chính sách cụ thể đối với cán bộ xã, phường, thị trấn.

Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã chỉ ra quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức và công tác thi đua, khen thưởng.

Luật Hoàng Anh

Từ khóa » Bộ Máy Hành Chính Nhà Nước Thực Hiện Quyền Nào