Nhiễm Xạ Gây Những Bệnh Gì?
Có thể bạn quan tâm
Nhà máy luyện phôi thép Pomina 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa có đơn trình báo cơ quan chức năng về việc bị thất lạc một thiết bị có chứa nguồn phóng xạ Co-60 (nguồn phóng xạ thuộc nhóm 4). Đây là nguồn phóng xạ có độ nguy hiểm cao. Để giúp bạn đọc hiểu thêm về các bệnh do phóng xạ gây ra, xin giới thiệu bài viết của BS. Trần Quang Nhật.
Hiện nay, việc sử dụng các tia phóng xạ hay bức xạ ion hóa ngày càng được mở rộng. Tại các viện nghiên cứu, việc ứng dụng các tia phóng xạ đã làm đảo lộn các kỹ thuật trong công nghiệp, nông nghiệp, y học hoặc sinh học. Thành tựu của ngành vật lý hạt nhân đã cho phép sử dụng năng lượng hạt nhân vào nhiều ngành kinh tế quốc dân. Nhưng bên cạnh những cái được ấy, hậu quả đối với sức khỏe của những người phải trực tiếp tiếp xúc với các chất phóng xạ thì cũng thật khôn lường. Nhân vụ thất lạc nguồn phóng xạ tại Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng tôi giới thiệu bài viết này giúp cộng đồng hiểu rõ hơn tác hại của tia phóng xạ đối với sức khỏe.
Các chất phóng xạ đặc biệt nguy hiểm
Vì bằng mắt thường chúng ta không thể nhận ra được. Các tia bức xạ lại không có mùi vị, không sờ thấy được và cũng không phát nhiệt. Ngay cả khi nó đạt tới liều làm chết người cũng vậy, chỉ dùng máy mới phát hiện và đo đạc được. Mặt khác, không có trường hợp nào quen với tia phóng xạ và cũng không có phương pháp hoặc thuốc điều trị đặc hiệu.
Các tia phóng xạ hay bức xạ ion hóa nhiễm vào cơ thể như thế nào?
Nhiễm theo 3 cách: chiếu xạ; nhiễm xạ ngoại chiếu; nhiễm xạ nội chiếu. Chất phóng xạ vào trong cơ thể theo 3 đường: đường da (có thể xuyên qua da lành), đường tiêu hóa (qua thực phẩm), đường hô hấp (nguy hiểm nhất vì trực tiếp, do thở hít phải hơi khí, bụi hay các hạt nhiễm xạ).
Các nguyên tố phóng xạ vào cơ thể nhưng không được hấp thu, được đào thải ra qua đường hô hấp và qua phân. Còn các nguyên tố hấp thụ được thì cũng đào thải ra, nhưng theo các đường thích hợp: tiết niệu, phổi, mồ hôi, phân và nước tiểu.
Sự nhạy cảm với phóng xạ của các tổ chức (các mô) trong cơ thể khác nhau. Trật tự của sự nhạy cảm với phóng xạ theo thứ tự giảm dần như sau: Tổ chức limphô - tổ chức tuỷ bào - tổ chức biểu mô - nhân mắt - tổ chức nội mô mạch máu... Phôi thai nhạy cảm chọn lọc với phóng xạ và cơ thể trẻ em cũng rất nhạy cảm với phóng xạ.
Dấu hiệu của nhiễm xạ:
Dấu hiệu đầu tiên là số lượng bạch cầu giảm xuống 4.000 hay ít hơn, trong một mm3 máu tuần hoàn.
Thể nhẹ, có thể rối loạn điều hoà thần kinh (mất thăng bằng) huyết áp động mạch hạ, mạch nhanh, loạn nhịp xoang, rối loạn vận động ruột và chức năng mật. Dễ bị kích thích.
Thể tiến triển: có sự ức chế tiết dịch vị, huyết áp động mạch hạ kéo dài. Rối loạn chức năng buồng trứng, ít kinh nguyệt ở phụ nữ, giảm sản tuỷ xương kéo dài. Có thể có biểu hiện của viêm da mạn tính: loạn cảm giác, đau, ngứa, khô da, loạn dưỡng nhẹ móng tay, nứt nẻ da, tăng sừng hoá, sung huyết, loét da. Một dấu hiệu cần chú ý là đục nhân mắt.
Các dấu hiệu muộn là ung thư da, ung thư xương, bệnh bạch cầu tuỷ, ung thư thượng bì phổi.
Điều trị được không? Bệnh nhiễm xạ hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, khi phát hiện ra bệnh cần phải được điều trị toàn diện, điều trị triệu chứng, biến chứng và thực hiện chu đáo chế độ nghỉ dưỡng; ăn uống đủ chất đạm và vitamin như B12, B6, thuốc chống chảy máu (vitamin P, K, rutin), truyền máu...
Để dự phòng: Cần tránh xa nguồn phóng xạ khi thao tác; phải dùng các kẹp dài hoặc các phương tiện điều khiển từ xa vì lượng chiếu xạ giảm rất nhanh theo khoảng cách. Có tường, màn che chắn phù hợp với từng loại tia khác nhau bởi một tia phóng xạ (tia X, anpha, bêta, gama, nơtron, coban...) mất đi một phần hoặc toàn phần năng lượng khi đâm xuyên qua tường, các loại màn che. Bên cạnh đó cũng cần chú ý liều phóng xạ phát ra giảm dần theo thời gian, do vậy cần chú ý đến thời gian an toàn được khuyến cáo cho từng loại tia phóng xạ.
Khi làm việc hoặc thao tác với chất phóng xạ cần mặc quần áo bảo hộ lao động và trang bị phòng hộ khác, được đeo tấm chì, đi găng tay cao su pha chì, mặc quần áo không thấm nước và tắm giặt sau giờ làm việc; điều này có tác dụng bảo vệ chống sự nhiễm xạ ngoại chiếu và nội chiếu và phần nào chống sự chiếu xạ. Ngoài ra, cần trang bị cho người làm việc được đeo 1 chiếc máy đo liều phóng xạ để căn cứ vào đó quyết định có tiếp tục tiếp xúc với nguồn phóng xạ hay cần thêm trang bị bảo hộ hay không.
Trong các đợt kiểm tra sức khỏe từ 3-6 tháng, chú ý tiến hành xét nghiệm máu để phát hiện sớm các biểu hiện bệnh lý do chất phóng xạ gây ra.
Việc theo dõi sức khỏe những người có tiếp xúc phóng xạ phải dựa chủ yếu vào sự biến đổi máu tuần hoàn, vào tình trạng da và niêm mạc, vào biến đổi xương và chức năng sinh sản.
Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ, tất cả các bức xạ ion hóa bao gồm Co-60 đều có thể gây ung thư. Mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe tùy thuộc thời gian phơi nhiễm, khoảng cách tiếp xúc từ nguồn hoặc điều kiện tiếp xúc (qua tiêu hóa hay hít vào). Co-60 là nguồn phát tia gamma, nên phơi nhiễm bên ngoài với một nguồn lớn Co-60 có thể gây bỏng da, hội chứng nhiễm phóng xạ cấp tính hoặc tử vong. Hầu hết Co-60 đều được thải qua phân, tuy nhiên, một lượng nhỏ vẫn được gan, thận và xương hấp thụ và có thể gây ung thư.
Nguồn phóng xạ bị thất lạc ở Vũng Tàu là đồng vị phóng xạ nhân tạo của coban
Coban (ký hiệu hóa học Co) là kim loại có thể ổn định (không có tính phóng xạ khi được tìm thấy trong tự nhiên) hoặc bất ổn (có tính phóng xạ, nhân tạo). Đồng vị phóng xạ phổ biến nhất của Co là Co-60. Co-60 có tính phóng xạ được Glenn T. Seaborg và John Livingood, hai chuyên gia Đại học California - Berkeley phát hiện vào cuối những năm 1930. Nuclit phóng xạ Co-60 được tạo ra để sử dụng trong các máy gia tốc tuyến tính. Nó cũng được tạo ra như một sản phẩm phụ của hoạt động lò phản ứng hạt nhân. Co-60 được sử dụng trong nhiều ứng dụng công nghiệp, xạ trị y tế và ngày càng được áp dụng trong quy trình tiệt trùng một số thực phẩm mà không làm hư hỏng sản phẩm. Tương tự như hoạt động của tia X, Co-60 có thể dùng cho kỹ thuật chụp công nghiệp để phát hiện lỗi cấu trúc trong bộ phận kim loại.
Nuclit phóng xạ dùng cho ngành công nghiệp hay điều trị y tế thường được đặt trong các thùng chứa kim loại kín và gọi là nguồn phóng xạ. Nguồn phóng xạ y tế hoặc công nghiệp đôi khi có thể bị mất hoặc đánh cắp. Các nhà khoa học cảnh báo rằng trong một số trường hợp, chúng ta có thể cầm nó trên tay mà không biết đó là gì và vô tình tiếp xúc. Chúng cũng có thể được tìm thấy ở nhiều bãi rác.
Nguồn phóng xạ có vỏ kim loại, do đó dễ lẫn với kim loại phế liệu và không bị phát hiện trong quá trình đưa đến cơ sở tái chế. Các cơ sở công nghiệp thường sử dụng máy dò phóng xạ để phát hiện nguy cơ tiềm ẩn, tuy nhiên, các nguồn lẫn trong đống phế liệu lớn có thể không được phát hiện từ đầu. Co-60 có thể thải ra môi trường qua lỗi rò rỉ hoặc tràn qua nhà máy điện hạt nhân, trong chất thải rắn từ các nhà máy này.
SKĐS
Từ khóa » Nhiem Xa La Gi
-
Nhiễm Phóng Xạ Có Thể Gây Bệnh Gì? | Vinmec
-
Nhiễm Xạ: Biểu Hiện Và Hậu Quả - Bệnh Viện Hồng Ngọc
-
Phơi Nhiễm Và ô Nhiễm Phóng Xạ - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Mức độ ảnh Hưởng Và Cách Xử Lý Khi Bị Phơi Nhiễm Phóng Xạ
-
Những Ai Có Nguy Cơ Bị Nhiễm Xạ? - Thông Tin Hoạt động
-
Bệnh Nhiễm Xạ Nghề Nghiệp
-
Nhiễm độc Phóng Xạ - Hello Bacsi
-
Bệnh Phóng Xạ (hội Chứng Phóng Xạ Cấp Tính): Triệu Chứng Và điều Trị
-
Tự Bảo Vệ Cho Mình Khỏi Bị Bức Xạ | US EPA
-
TÁC HẠI CỦA NHIỄM PHÓNG XẠ VÀ CÁCH PHÒNG TRÁCH KHI BỊ ...
-
Bệnh Phóng Xạ
-
Chất Phóng Xạ Nguy Hiểm Như Thế Nào? - STEC
-
Phóng Xạ Là Gì? Ô Nhiễm Phóng Xạ Có ảnh Hưởng Như Thế Nào?