Nhiên Liệu Xanh Của Tương Lai - Bộ Giao Thông Vận Tải

Nhiên liệu xanh của tương lai(Thứ ba, 22/04/2014 00:00 GMT+7)

Xu hướng sử dụng nhiên liệu khí nén thiên nhiên (CNG) thay thế dần nhiên liệu hóa thạch truyền thống đang khá phổ biến hiện nay.

Xu hướng sử dụng nhiên liệu khí nén thiên nhiên (CNG) thay thế dần nhiên liệu hóa thạch truyền thống đang khá phổ biến hiện nay.

Bởi việc sử dụng khí CNG mang lại nhiều lợi ích tích cực cho môi trường, tiết kiệm được chi phí cho các ngành sản xuất. Hiểu rõ được những lợi ích của CNG mang lại, Việt Nam đã và đang đầu tư cơ sở vật chất – kĩ thuật đưa khí nén CNG trở thành một trong những nhân tố kinh tế kỹ thuật quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong các thập niên tới.

CNG – khí sạch, rẻ và thân thiện với môi trường

Như chúng ta đã biết, CNG (Compressed Natural Gas) là khí nén được khai thác từ các mỏ khí tự nhiên hoặc là khí đồng hành trong quá trình khai thác dầu mỏ, qua qua xử lý và nén ở áp suất cao (250atm) để tồn trữ. Với thành phần chủ yếu là metane CH4 (84%) nên khi cháy khí CNG sinh ra rất ít khí CO2, làm cho môi trường sạch hơn, giảm được hiệu ứng nhà kính. Và nếu CNG có bị rò rỉ ra môi trường không khí thì nguy cơ hỏa hoạn cũng ít hơn xăng dầu.

Với thành phần cấu tạo này, CNG đáp ứng được tiêu chí thân thiện với môi trường, có tính an toàn khá cao mà giá thành lại rẻ hơn so với các loại nhiên liệu khác từ 10 - 30%. Cụ thể, nếu so với dầu FO, DO và LPG thì dùng CNG trong sản xuất rẻ hơn 10-15%, dùng trong vận tải rẻ hơn 30-40%. Vì thế, việc sử dụng loại nhiên liệu này sẽ góp phần giảm được tối đa chi phí nhiên liệu.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Hữu Hường (Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, trường Đại học Bách khoa Thành Phố Hồ Chí Minh), khí CNG là một loại khí sạch, không có benzene và hydrocarbon thơm kèm theo nên khi đốt nhiên liệu này không giải phóng nhiều khí độc và không phát sinh bụi nên rất thân thiện với môi trường. Trong tương lai, sẽ thay thế cho các loại nhiên liệu như xăng, dầu…

Chính vì những ưu điểm trên, khí CNG mang lại nhiều lợi ích cho các ngành sản xuất công nghiệp. Cụ thể, sử dụng CNG làm nguyên liệu cho các nhành công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất thủy tinh, vật liệu xây dựng, gốm sứ và sắt thép… Trong đó có thể kể đến một số cơ sở công nghiệp lớn sử dụng CNG làm nhiên liệu trong quá trình sản xuất như Thép Pomina, Công ty gạch men Bạch Thanh.... Với đặc tính là một loại khí sạch, khi đốt cháy khí CNG không thải ra các loại chất khí độc hại không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường nên CNG đang trở thành nguồn nhiên liệu lý tưởng cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, đối với ngành công nghiệp dầu khí, khí CNG đang đóng vai trò chủ lực, bởi nhiên liệu này tiết kiệm được 40% chi phí so với các nguồn nhiên liệu khác. Ngoài ra, CNG còn rất tiện lợi cho việc vận chuyển đến các nhà máy và khu công nghiệp bởi nó chỉ chiếm khoảng 1/200 thể tích so với khí thiên nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn (15 độ C, 1 atm) nên có thể lưu trữ và vận chuyển khối lượng lớn. Nếu trong quá trình vận chuyển chẳng may khí CNG thoát ra ngoài thì nguy cơ cháy nổ thấp hơn so với xăng dầu.

Không chỉ thế, khí CNG còn được sử dụng làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông đường bộ như ô tô, xe buýt, xe tải.... Động cơ sử dụng CNG sẽ làm giảm 90-97% lượng khí thải độc hại đến môi trường và gần như không có bụi so với động cơ sử dụng xăng. Đây là một ưu điểm vượt trội của động cơ sử dụng CNG. Việc sử dụng CNG làm nhiên liệu vận hành còn giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí vì giá thành của CNG hiện nay khá thấp.

Theo tính toán của một số nhà khoa học, giá 1 tấn khí CNG khoảng 318 USD, chỉ bằng 53,5% giá xăng, 42% giá dầu. Vì thế, mỗi chiếc xe sử dụng CNG tiết kiệm rất nhiều nhiên liệu so với việc sử dụng dầu diesel nên hứa hẹn đây sẽ là nhiên liệu tối ưu trong tình hình giá xăng dầu ngày càng tăng cao. Ngoài ra, loại nhiên liệu này còn có một ưu thế nữa là có thể sử dụng được cho máy chạy cả động cơ xăng và động cơ diesel.

Mặt khác, CNG có nhiệt trị và chỉ số Octane cao, được đốt cháy hoàn toàn nên không gây đóng cặn tại bộ chế hòa khí của các phương tiện, điều này giúp cải thiện hiệu suất, kéo dài chu kỳ bảo dưỡng và tăng được tuổi thọ thiết bị.

Bên cạnh những lợi ích trên, khí nén CNG còn mang lại nhiều lợi ích cho ngành y tế, xây dựng và một số ngành tiêu dùng…

Tiềm năng phát triển của CNG

Công nghệ khí nén thiên nhiên CNG lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam năm 2008 bằng sự ra đời của nhà máy khí thiên nhiên CNG tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ I, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Và vào tháng 5-2010, để hạn chế ô nhiễm môi trường, chống biến đổi khí hậu, vì môi trường xanh sạch, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chuyển đổi và sử dụng nhiên liệu khí nén CNG cho toàn bộ xe ô tô tại các đơn vị thành viên của tập đoàn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (ước khoảng 600 xe).

Hiện tại, ở phía Nam đã có 2 trạm nạp khí nén CNG cho các phương tiện giao thông vận tải: một trạm ở Phú Mỹ, Đồng Nai và một trạm ở gần khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Thành Phố Hồ Chí Minh. Và được cung cấp chủ yếu từ Công ty CNG Việt Nam và Công ty cổ phần Kinh doanh Khí hóa lỏng Miền Nam (PGS) có nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I (Bà Rịa- Vũng Tàu) với tổng công suất 150 triệu mét khối mỗi năm.

Theo thống kê, có gần 500 công ty sản xuất trong các khu công nghiệp gần đó có khả năng sử dụng thêm 338 triệu mét khối khí đốt/năm. Nguồn cung khí ở Việt Nam sẽ tăng 11%/năm trong giai đoạn 2013 -2017. Bên cạnh đó, đề án sản xuất 300 xe bus chạy bằng khí nén thiên nhiên CNG và đưa vào hoạt động vào tháng 4 năm nay của UBND TP. Hồ Chí Minh đã được phê duyệt sẽ góp phần làm tăng cầu tiêu thụ khí CNG trong nước năm 2014.

Có thể thấy rằng tiềm năng của CNG trong giao thông vận tải cũng như công nghiệp tại Việt Nam là rất lớn. Xu hướng sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, thân thiện với môi trường tại Việt Nam chắc chắn sẽ tăng mạnh trong tương lai gần. Vì vậy, PV Gas và PV Gas South đã và đang tích cực chuẩn bị các kế hoạch nhằm đảm bảo nguồn cung CNG cũng như nhiên liệu từ khí thiên nhiên đồng thời hoàn thiện cơ sở vật chất như xây dựng thêm các đường ống vận chuyển khí, nhiều trạm tiếp nhiên liệu để kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Dân Việt

Từ khóa » Nguồn Nhiên Liệu Xanh