Nhiều Bất Cập Khi Khai Báo F0 Online - VnExpress

Anh Tuấn ở quận Hoàng Mai, hơn một tuần trước khai báo ở địa chỉ https://chamsocsuckhoe.hanoi.gov.vn nhiều lần nhưng không được hệ thống gửi mã OTP như hướng dẫn, cũng không biết thông tin đã được bên y tế tiếp nhận hay chưa. Anh vừa tự test nhanh kết quả dương tính, phải nghỉ làm trong những ngày cách ly nên cần được trạm y tế phường cấp giấy chứng nhận F0 để tiến hành thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội. Sở Y tế Hà Nội ứng dụng phần mềm khai báo và cấp giấy chứng nhận F0 trực tuyến, anh Tuấn không cần phải trực tiếp đến trạm y tế phường.

Tuy nhiên, sau một buổi chiều khai báo online nhưng thất bại, anh Tuấn vẫn phải gọi điện đến trạm y tế phường. Nhân viên y tế tại đây gửi một đường link khai báo khác. Lần này, anh đăng ký thành công, được đưa vào nhóm liên lạc y tế chung của phường.

"Tôi không có nguy cơ trở nặng, không cần chăm sóc y tế nhưng vẫn khai báo đầy đủ để được làm thủ tục hưởng bảo hiểm những ngày nghỉ làm cách ly", anh nói. Trước đó, chị gái Tuấn mắc Covid-19 phải ra phường xếp hàng dài cả buổi để chờ khai báo.

Phương thức khai báo và cấp chứng nhận F0 trực tuyến được TP HCM triển khai từ 11/3, một số F0 cũng phản ánh là khó thực hiện. Chị Thanh Thủy, 32 tuổi, ở quận Bình Thạnh, cho biết cả nhà chị có triệu chứng mệt mỏi, ho sốt, tự test nhanh dương tính Covid-19. Chị báo với tổ dân phố, được hướng dẫn khai báo qua địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn.

Để khai báo xong cho hai vợ chồng, bố chồng 70 tuổi và con trai 9 tuổi, chị mất gần một giờ vì phải chụp lại que test, chụp hai mặt căn cước công dân của từng người và nhập lại thông tin nhiều lần cho cả 4. Có lúc chị đã điền đầy đủ thông tin, chỉ cần bấm "lưu" thì phần mềm lỗi, xóa hết dữ liệu, phải thao tác từ đầu. Con trai chị chưa có thẻ căn cước công dân nên phải dùng chung hình ảnh căn cước của mẹ.

"Mất thời gian vì phần mềm chưa cho khai báo theo hộ gia đình, tôi phải khai lại ít nhất 4 lần cho 4 người dù cùng thông tin ngày dương tính, cùng một địa chỉ", chị Thủy chia sẻ.

TP HCM và Hà Nội có số ca Covid-19 cao nhất nước. Sở Y tế hai địa phương đã mở đồng thời nhiều "cửa tiếp nhận" để có thể quản lý được tất cả F0 cách ly tại nhà, như đến trạm y tế; khai báo qua hotline, nhóm chat của tổ dân phố; quét mã QR. Từ nửa đầu tháng 3, hai thành phố ứng dụng công nghệ số trong theo dõi, quản lý và chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.

Lãnh đạo hai thành phố giải thích triển khai chuyển đổi số nhằm mục tiêu thống nhất đầu mối quản lý F0, giảm tải cho trạm y tế và giúp người dân khai báo linh động, tránh tụ tập đông người gây lây nhiễm, không phải chờ đợi lâu. Thay vì phải trực tiếp đến trạm khai báo để được xác nhận là F0, người dân chỉ cần ngồi tại nhà, điền đầy đủ thông tin vào ứng dụng để được công nhận mắc Covid-19, cấp giấy hoàn thành cách ly y tế, giấy xác nhận nghỉ việc điện tử. Mặc dù được đánh giá tiện lợi, nhưng giai đoạn đầu thực hiện chuyển đổi số vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo bác sĩ Mai (cán bộ y tế phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội), trên thực tế, đa số người dân vẫn khai báo theo cách cũ vì chưa tiếp cận được với cách khai báo online. Nguyên nhân là không nhận được phản hồi, quá trình giải quyết chậm, thủ tục nhiều, người già không biết khai báo online...

Sở Y tế TP HCM cho biết tính đến chiều 30/3, hơn 83.600 F0 đã khai báo qua phần mềm trực tuyến, trong đó hơn 60.800 ca đã được tiếp nhận, hơn 20.300 bị từ chối và hơn 2.400 người đang chờ tiếp nhận.

Anh Tuấn gửi hình ảnh que test nhanh qua nền tảng trực tuyến cho nhân viên trạm y tế phường và khai báo theo đường link phường gửi để được xác nhận là F0. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Tuấn gửi hình ảnh que test nhanh qua nền tảng trực tuyến cho nhân viên trạm y tế phường và khai báo theo đường link phường gửi để được xác nhận là F0. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Không chỉ người dân gặp khó, trạm y tế phường xã cũng gặp vướng mắc khi quản lý F0 tại nhà bằng phần mềm mới. Các trưởng trạm y tế TP HCM như phường 6 (Gò Vấp), phường 13 (quận 4), phường Linh Chiểu (TP Thủ Đức), cho biết những ngày đầu triển khai hệ thống này chưa đem lại hiệu quả cao. Nhiều bất cập của hệ thống được các trạm y tế chỉ ra, như người dân khai thiếu thông tin, do đó nhân viên trạm không thể xác nhận họ là F0, phải gọi lại để hướng dẫn bổ sung. Nhiều trường hợp F0 là người lớn tuổi, rất khó để thực hiện chính xác các bước khai báo theo yêu cầu của hệ thống.

Ngoài ra, người dân không chụp lại hình ảnh que test dương tính thì không thể khai báo qua ứng dụng, bắt buộc chuyển hình thức khai báo khác. Hay tính năng cảnh báo nhóm nguy cơ chưa chính xác, nhiều F0 trẻ tuổi, không có bệnh nền, không có triệu chứng, tiêm đủ ba mũi vaccine nhưng vẫn bị dán nhãn đỏ - nguy cơ cao.

Hệ thống cũng chưa tích hợp phiếu cam kết sử dụng gói thuốc C, người đủ điều kiện sử dụng vẫn phải gặp trực tiếp nhân viên y tế để ký cam kết. Nếu nhân viên y tế lỡ ấn nhầm kết quả xác nhận F0 hoặc hoàn thành cách ly thì sẽ không sửa được thông tin.

Một số trạm y tế chưa áp dụng chữ ký điện tử nên ngoài việc tiếp nhận F0 online, trạm chưa thể cấp các giấy xác nhận F0, giấy hoàn thành cách ly, giấy nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội theo hình thức online. Bên cạnh đó, nhiều trạm y tế thiếu máy tính, hoặc máy tính đời cũ, mạng yếu nên khi làm trên phần mềm hay bị "văng" ra ngoài.

"Quy định khai báo trong vòng 5 ngày có kết quả dương tính chưa hợp lý. Đã có trường hợp người dân sáng khai báo dương tính để được xác nhận là F0, chiều khai báo âm tính để kết thúc cách ly", ông Võ Trường Giáp, Trưởng trạm y tế phường 6, Gò Vấp, nói.

Ông Võ Trường Giáp, Trưởng trạm y tế phường 6, Gò Vấp kiểm tra thông tin F0 mới khai báo trên phần mềm của Sở Y tế TP HCM. Ảnh: Thư Anh

Ông Võ Trường Giáp, Trưởng trạm y tế phường 6, Gò Vấp, kiểm tra thông tin F0 mới khai báo trên phần mềm của Sở Y tế TP HCM. Ảnh: Thư Anh

Theo Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM, thành phố ghi nhận các lỗi được trạm y tế báo cáo từ khi thử nghiệm hệ thống. Các lỗi này đã và sẽ được khắc phục dần để hoàn thiện phần mềm tối ưu. Riêng chữ ký điện tử sẽ do UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đăng ký với cơ quan chức năng. Sở Y tế cũng đề nghị y tế cơ sở chủ động trang bị máy tính mới, khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất hiện tại. "Chuyển đổi số y tế là xu hướng tất yếu, bước đầu không tránh khỏi khó khăn", bà Mai nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP Hà Nội, ngày 25/3, cho biết đơn vị đang tiếp tục hoàn thiện thông tin về phần mềm nhằm hỗ trợ thủ tục hành chính cho F0 điều trị tại nhà, gồm phiếu xét nghiệm, đơn thuốc ngoại trú, giấy xác nhận hoàn thành điều trị, giấy xác nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Vấn đề quá tải cũng được khắc phục, đảm bảo ổn định với khả năng đáp ứng hơn 10.000 người truy cập cùng một thời điểm.

Ông Trương Kỳ Phong, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hà Đông, Hà Nội, cũng cho rằng dù hiện dịch đã hạ nhiệt, y tế cơ sở bớt quá tải nhưng khi thực hiện khai báo F0 online, nhân viên y tế vẫn cần giám sát chặt chẽ hơn, đảm bảo tính xác thực thông tin và hỗ trợ F0 nhanh nhất.

* Tên một số nhân vật đã thay đổi

Thư Anh - Thùy An

  • Loạn cách xác nhận F0
  • Hướng dẫn F0 khai báo và nhận giấy xác nhận tại nhà
  • F0 xếp hàng dài xin giấy xác nhận ở trạm y tế

Từ khóa » Cách Khai Báo Y Tế Khi Bị F0 ở Hà Nội