Nhiều Bất Thường Tài Chính Của NCB Trong Quá Trình “thay Máu” Lãnh ...
Có thể bạn quan tâm
Một hoạt động giao dịch tại NCB. Nguồn ảnh: NCB |
Nghi ngờ về chất lượng tài sản
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021, hoạt động chính của NCB đem về gần 254 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 4% so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ đem về khoản lãi hơn 76 tỷ đồng, gấp 6,8 lần cùng kỳ. Các khoản thu nhập phi tín dụng khác như hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận 85 triệu đồng, mua bán chứng khoán đầu tư đạt hơn 13 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động tài chính ghi nhận 222 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Ngân hàng không còn ghi nhận các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc. Kết thúc quý II/2021, NCB báo lãi trước thuế hơn 98,6 tỷ đồng, lãi sau thuế 78,9 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, ngân hàng lãi sau thuế 100,6 tỷ đồng, tăng 4,5 lần so với nửa đầu năm 2020, cao nhất từ năm 2011.
Thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của NCB giảm 6% so với đầu năm, còn gần 83.970 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tiền gửi tại NHNN giảm 74%, còn 396 tỷ đồng. Tiền gửi tại TCTD khác còn 9.478 tỷ đồng, giảm 21%. Cho vay khách hàng tăng 4% đạt 41.740 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cải thiện xuống còn 1,48% vào cuối tháng 6 với 616 tỷ đồng.
Thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của NCB giảm 6% so với đầu năm, còn gần 83.970 tỷ đồng |
Đáng chú ý, các khoản phải thu với hơn 14.754 tỷ đồng, chiếm hơn 17% tổng tài sản của ngân hàng và lớn hơn gấp 3,6 lần số vốn điều lệ của ngân hàng (4.000 tỷ đồng). Nhưng khoản phải thu quá lớn này cụ thể ra sao NCB không hề cho biết trong bảng thuyết minh. Ngoài ra, NCB còn khoản lãi dự thu lên tớn 2.116 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Đây cũng chính là các khoản lãi dự thu dồn tích qua nhiều năm, thực tế chưa thể thu hồi được.
Với một ngân hàng quy mô nhỏ như NCB, thì khoản phải thu “khủng” này từ đâu cũng là một dấu hỏi lớn. Về cơ bản, các khoản phải thu là một phần vốn lưu động của ngân hàng, doanh nghiệp. Rõ ràng, vốn và dòng tiền của NCB đang bị đóng băng hay nói cách khác, đây là tài sản không sinh lời trong những năm qua.
Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi khách hàng lại giảm 4% so với đầu năm, chỉ còn hơn 68.903 tỷ đồng. Tiền gửi của các TCTD khác giảm 24%, còn 6.818 tỷ đồng. Cũng nhấn mạnh, NCB đầu tư 200 tỷ đồng vào công ty con và góp vốn đầu tư dài hạn vào 4 công ty khác với số vốn 719,6 tỷ đồng. Nhưng theo ghi nhận trong các báo cáo tài chính riêng của ngân hàng, nhiều năm nay NCB không thu về được khoản lợi nhuận nào từ đầu tư, góp vốn dài hạn này. Giá trị tài sản “chết” này chỉ để làm đẹp bảng cân đối tài sản.
Được biết, chiều 29/7, cuộc họp đại hội cổ đông bất thường diễn ra tại NCB. Cổ đông đã thông qua bầu bổ sung 2 thành viên vào HĐQT, trong đó bà Bùi Thị Thanh Hương, một doanh nhân bất động sản được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay cho ông Nguyễn Tiến Dũng. Ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT NCB, làm Phó Chủ tịch HĐQT. Cùng với bà Hương, một thành viên HĐQT khác được bầu bổ sung là bà Trương Lệ Hiền. Như vậy, nâng số lượng thành viên HĐQT lên 5 thành viên.
Bà Bùi Thị Thanh Hương, tân Chủ Tịch HĐQT NCB. Ảnh: NCB |
Hàng trăm triệu cổ phiếu giao dịch “ngầm”
Khả năng việc “thay máu” nhân sự có liên quan đến những giao dịch cổ phiếu với số lượng lớn trong tháng 7. Đáng chú ý, gần 12,8 triệu cổ phiếu NVB được trao tay chỉ trong phiên ngày 29/7. Trong thời gian trước đó, thanh khoản mỗi phiên chỉ từ 1,2 triệu đơn vị tới 6,3 triệu đơn vị. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây chỉ là gần 3,4 triệu đơn vị. Trước đó, tại ngày 2/7, gần 21 triệu cổ phiếu NVB giao dịch thành công. Trong hai phiên giao dịch ngày 7/7 và 8/7, gần 62 triệu cổ phiếu NVB được giao dịch theo phương thức thỏa thuận. Số lượng chuyển nhượng này tương đương với khoảng 15% số cổ phiếu NVB đang lưu hành. Ngày 13/7, 25 triệu cổ phiếu NVB được chuyển nhượng thành công. Phiên 15/7, 23/7 cũng có 11,5-12,7 triệu cổ phiếu được trao tay theo phương thức này.
Như vậy, chỉ trong tháng 7, hơn 117 triệu cổ phiếu NVB đã được trao tay theo phương thức thoả thuận với giá trị hơn 2.300 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch này tương đương với gần 30% vốn cổ phần ngân hàng.
Hồi đầu năm, NVB cũng ghi nhận lượng giao dịch thoả thuận tăng đột biến, tập trung vào tháng 12 và tháng 3, chỉ trong vòng 3 tháng từ 7/12-11/3/2021 có hơn 140 triệu cổ phiếu NVB được sang tay theo phương thức thoả thuận với tổng giá trị giao dịch gần 1.400 tỷ đồng.
Và một điểm đáng chú ý khác, danh tính bên bán và bên mua cổ phiếu NVB với khối lượng "khủng" là ai trong các báo cáo chính thức NCB cũng không hề công bố. Đây cũng không phải là lần đầu cổ phiếu NVB có thanh khoản mạnh.
Trước đó, từ ngày 27/11/2020 đến 30/11/2020, ông nguyễn Trần Trung Sơn (con trai ông Nguyễn Tiến Dũng) đã mua vào 7,13 triệu cổ phiếu NVB. Giá cổ phiếu NVB của Ngân hàng NCB giao dịch trong thời gian từ 27-30/11 ở mức 8.400 đồng/cổ phiếu. Ước tính, con trai chủ tịch NCB đã chi gần 60 tỷ đồng để thực hiện giao dịch trên.
Sau giao dịch, ông Sơn nắm giữ gần 16,3 triệu đơn vị, tương đương khoảng gần 4% vốn điều lệ ngân hàng. Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch NCB sở hữu gần 6,5 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 1,6%. Mẹ ông Sơn là bà Trần Hải Anh, Ủy viên HĐQT NCB, cũng nắm giữ gần 20,2 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 4,96%. Ngoài ra, một số lãnh đạo cấp cao khác tại NCB đều sở hữu hàng triệu cổ phiếu NVB.
Trụ sở NCB trên phố Bà Triệu, Hà Nội. Ảnh: NCB |
Kết quả kinh doanh kém sáng, tăng vốn gặp nhiều khó khăn
NCB, tiền thân là NaviBank từng là một trong 9 tổ chức tín dụng yếu kém phải tái cơ cấu theo yêu cầu của ngân hàng Nhà nước từ năm 2011.
Ngân hàng này từng công bố sẽ tập trung tái cấu trúc cơ cấu cổ đông, đa dạng hóa sở hữu, thay đổi chiến lược hoạt động, mô hình tổ chức, quản trị, kinh doanh, quản trị rủi ro. Đồng thời, nhà băng cũng sẽ tiến hành tái cơ cấu nguồn vốn, tài sản và cơ cấu doanh thu chi phí vào tháng 4/2013.
Năm 2014, NCB đổi tên như hiện tại và chuyển trụ sở từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Đồng thời, HĐQT cũng có sự thay đổi khi bầu 3 thành viên gồm ông Vũ Hồng Nam, bà Nguyễn Thị Mai và ông Mukesh Lalitshanker thay thế cho các thành viên từ nhiệm. Bà Trần Hải Anh, vợ Chủ tịch HĐQT Gami Group Nguyễn Tiến Dũng, giữ chức vụ Tổng giám đốc và cuối năm 2016 được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT.
Tháng 11/2017, ngân hàng tổ chức họp bất thường, cổ đông đã thông qua bầu bổ sung 3 thành viên vào HĐQT, trong đó có ông Nguyễn Tiến Dũng và được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT trong suốt 5 năm.
Trong suốt giai đoạn tái cấu trúc, cơ cấu tài sản của ngân hàng vẫn tăng trưởng, tuy nhiên chưa thật sự bứt phá. NCB là một trong những ngân hàng có quy mô và kết quả kinh doanh không mấy nổi bật trong nhóm các ngân hàng niêm yết. Kết quả kinh doanh của ngân hàng này kể từ năm 2017 đến năm 2020 lình xình với mức lợi nhuận chưa năm nào vượt con số 100 tỷ đồng.
Năm 2020, ngân hàng báo lãi sau thuế chỉ 1,2 tỷ đồng, giảm 97% so với năm 2019 do phải dành hơn 800 tỷ đồng xử lý theo đề án tái cấu trúc của Ngân hàng Nhà nước. Những năm trước đó, lãi trước thuế của ngân hàng này dao động vài chục tỷ đồng vì cùng lý do trên. Năm 2020, khoản phải thu tại NCB tăng đột biết từ 5.670 tỷ đồng lên 18.722 tỷ đồng, tức tăng hơn 13.000 tỷ đồng, tương đương 230% so với đầu năm.
NCB nằm trong nhóm ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống trong khi việc tăng vốn gặp rất nhiều khó khăn. Trước đó, nhà băng này duy trì ở 3.000 tỷ đồng trong gần 9 năm.
Năm 2014, ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ từ 3.010 tỷ đồng lên 4.510 tỷ đồng nhưng không thực hiện. Năm 2017, ngân hàng lại lên kế hoạch tăng vốn gấp đôi lên 6.010 tỷ đồng, và tái khởi động tìm cổ đông chiến lược nhưng việc tăng vốn vẫn không thể triển khai. Năm 2018, cổ đông tiếp tục thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng, để nâng vốn điều lệ lên hơn 5.000 tỷ đồng và tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài nhưng cũng chưa thực hiện. Năm 2019, ngân hàng phát hành cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên (ESOP), tăng vốn thêm gần 1.100 tỷ đồng. Đầu năm 2020, NCB họp bất thường thông qua phương án phát hành 300 triệu cổ phiếu dự kiến tăng vốn từ 4.101 tỷ đồng lên hơn 7.000 tỷ đồng, gồm chào bán cho cổ đông hiện hữu và cán bộ công nhân viên. Tuy nhiên kế hoạch này cũng vẫn chưa triển khai.
Từ ngày 3/8/2021, bà Dương Thị Lệ Hà đảm nhận vị trí quyền Tổng Giám đốc NCB. Ảnh: NCB |
Tại phiên họp thường niên 2021, lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông và dự kiến vốn điều lệ của NCB có thể tăng lên mức hơn 5.600 tỷ đồng.
Cần nói thêm, NCB niêm yết vào năm 2010 nhưng nhìn lại lịch sử cho thấy thị giá cổ phiếu phần lớn thời gian giao dịch dưới mệnh giá. Nhưng nhờ thông tin "thay máu" nhân sự mà cổ phiếu NCB cũng có nhiều biến chuyển thời gian gần đây...
“Còn tiếp”
Từ khóa » Nguyễn Tiến Dũng Gami
-
Hé Lộ Sức Khỏe Của NCB, Ngân Hàng Có Duyên Với Các đại Gia - Dân Trí
-
Thêm Một Chủ Tịch Ngân Hàng 'gốc' Đông Âu
-
Hé Lộ đại Gia đứng Sau Lô Trái Phiếu 900 Tỷ đồng Của Công Ty Tiến ...
-
Ông Chủ Gami Chính Thức Lộ Diện ở Ngân Hàng Quốc Dân NCB - CafeF
-
'Bóng' Gami Group đằng Sau Lô Trái Phiếu 900 Tỷ đồng
-
Tập Đoàn Gami Là Ai
-
Chân Dung “bà Chủ” Tập đoàn Gami: Nữ Doanh Nhân Tạ Thị Tú Trinh
-
Chân Dung “bà Chủ” Tập đoàn Gami: Nữ Doanh Nhân Tạ Thị Tú Trinh
-
Giải Trí Việt - ông Nguyễn Tiến Dũng - ông Chủ Của Gami... | Facebook
-
Xuất Hiện Nữ Chủ Tịch 8X, Ngân Hàng Nghìn Tỷ Dậy Sóng Dân Chơi
-
Ngân Hàng NCB Trước Thềm đại Hội Cổ đông: Đặt Kế Hoạch Tỷ Lệ Nợ ...
-
Tập Đoàn Gami Là Ai - Top Game Bài