Nhiều Biến Chứng Tim Mạch Nguy Hiểm ở Trẻ Béo Phì

THS.BS NGUYỄN TUẤN LONGTư vấn chuyên môn bài viếtTHS.BS NGUYỄN TUẤN LONGBệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội ĐẶT LỊCH HẸNXEM HỒ SƠ

Trẻ béo phì có thể gặp các biến chứng tim mạch nguy hiểm như tăng huyết áp, dày cơ tim, rối loạn mỡ máu… nếu không được phát hiện, điều trị sớm.

Trong một lần thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, con trai 12 tuổi của chị Mỹ An (ngụ Quận Long Biên) được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh béo phì. Do thường xuyên dùng thức ăn nhanh, uống nhiều nước ngọt, ít vận động thể chất nên cân nặng của bé trai đến 52 kg, trong khi chiều cao là 1,4 m. Chị An rất lo lắng và vô cùng ngạc nhiên khi bác sĩ thông báo con trai chị còn bị tăng huyết áp, mỡ máu cao cũng như có thể mắc các bệnh tim mạch khác. Đây là hệ quả của tình trạng béo phì và bé trai cần thực hiện một vài xét nghiệm liên quan để đánh giá chính xác tình hình sức khỏe.

trẻ béo phì có nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Trẻ béo phì có nguy cơ cao mắc các bệnh lý về tim mạch.

ThS.BS Nguyễn Tuấn Long, Bác sĩ khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chia sẻ, vấn đề béo phì ở trẻ em hiện nay cần được đặc biệt quan tâm vì đây là một yếu tố nguy cơ mang đến nhiều yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, đái tháo đường,… có thể gây nên bệnh tim mạch. Những yếu tố nguy cơ này không còn chỉ xảy ra ở người lớn mà đang trẻ hóa đối tượng mắc phải do số lượng trẻ béo phì ngày càng tăng cao, tạo ra nhiều thay đổi tiêu cực trong cấu trúc tim và động mạch ở trẻ – những điều mà trước đây không thường thấy cho đến khi đạt độ tuổi trưởng thành.

Theo điều tra của Liên đoàn Bệnh béo phì Thế giới (WOF), tính đến tháng 10/2019, đã có 158 triệu trẻ béo phì trên toàn cầu và con số này dự kiến tăng đến 250 triệu vào năm 2030. Việc trẻ mắc béo phì không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh tim mạch theo từng độ tuổi, mà còn có thể trở nặng khi trưởng thành nếu như không có sự can thiệp điều trị.

Tại Việt Nam, thông qua chương trình Tổng điều tra dinh dưỡng được thực hiện và công bố vào năm 2020, Bộ Y tế thông tin cứ 100 trẻ trong độ tuổi từ 5 – 19 thì có 19 em thừa cân, béo phì, tăng gấp đôi so với con số 8,5 trẻ của năm 2010. Theo một nghiên cứu khác của Hội Dinh dưỡng Việt Nam, trẻ thừa cân, béo phì tại Việt Nam tăng gấp 10 lần từ năm 1976 – 2020, riêng TP HCM có 19% trẻ béo phì.

banner khai trương tâm anh quận 8 mb

Bác sĩ Long cho biết, béo phì theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe. Hầu hết các bậc cha mẹ đều bất ngờ với mức độ nghiêm trọng trong vấn đề tim mạch ở trẻ liên quan đến béo phì và những vấn đề này có thể ảnh hưởng trẻ ngay lập tức mà không phải đợi đến tuổi trưởng thành.

Trong một nghiên cứu đến từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ năm 2015, khi so sánh 20 trẻ béo phì với 20 trẻ cân nặng bình thường, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng béo phì có liên quan đến việc tăng 27% khối lượng cơ trong tâm thất trái và cơ tim dày hơn 12%. Đây đều là các dấu hiệu của bệnh tim. Ngoài ra, nghiên cứu cũng kết luận 40% trẻ béo phì có “nguy cơ cao” vì vấn đề cơ dày ở tim có thể khiến khả năng bơm máu bị suy giảm.

khám tim mạch định kì
Trẻ béo phì cần khám tim mạch định kỳ để tầm soát nguy cơ và can thiệp kịp thời.

Cũng trong năm 2015, một nghiên cứu khác có tên gọi “Rủi ro chuyển hóa tim mạch và mức độ nghiêm trọng của bệnh béo phì ở trẻ em và thanh niên” đăng trên Tạp chí Y học New England, đánh giá trong số 9.000 tình nguyện viên có độ tuổi từ 3 – 19 tuổi tham gia nghiên cứu, phần lớn những trẻ em và thanh thiếu niên béo phì có huyết áp cao hơn, lượng cholesterol xấu hơn và lượng đường trong máu cao hơn so với những người còn lại. Điều này cho thấy sự xuất hiện nhiều hơn các yếu tố nguy cơ ở trẻ béo phì dẫn đến tương lai ở độ tuổi trưởng thành có thể mắc bệnh tim mạch với tỷ lệ cao hơn, độ tuổi trẻ hơn.

“Béo phì có thể khiến tim giảm khả năng co bóp do mỡ ứ đọng bao quanh tim. Chưa kể, lượng mỡ thừa cũng tích tụ trong lòng động mạch gây nên hiện tượng hẹp hoặc tắc mạch máu khiến máu không thể lưu thông đến nuôi tim, từ đó hình thành các cơn nhồi máu cơ tim. Bên cạnh đó, trẻ béo phì có thể gặp tình trạng tăng huyết áp. Lúc này tim phải tăng cường hoạt động, cơ tim phát triển dày hơn để đáp ứng cường độ dẫn đến cấu trúc tim bị thay đổi theo thời gian và vì thế xuất hiện thường xuyên hơn các cơn đau ngực, loạn nhịp tim và suy tim”, bác sĩ Long cho biết.

tham gia các hoạt động ngoài trời
Tham gia các hoạt động ngoài trời giúp trẻ khỏe mạnh, linh hoạt, phòng ngừa béo phì và các bệnh tim mạch.

Hiện nay, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, chiếm 17,5 triệu ca tử vong vào năm 2005 và dự kiến ​​sẽ tăng lên 23,6 triệu ca tử vong vào năm 2030. Do đó, bác sĩ Long khuyến cáo, cha mẹ cần đồng hành với trẻ béo phì, có thể áp dụng nhiều biện pháp và cách thức giúp con mình đạt được cân nặng hợp lý. Trong đó có một số giải pháp như: hạn chế để trẻ ngồi lâu một chỗ, thay vào đó là khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi vận động ngoài trời hoặc trong nhà; thực hiện chế độ ăn uống nhiều rau, trái cây; hạn chế cho trẻ sử dụng thức ăn ngọt, đồ ăn khuya hay nhiều chất béo xấu… Ngoài ra, trẻ thừa cân – béo phì cần được thăm khám sức khỏe định kỳ để được tầm soát nguy cơ tim mạch và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám sức khỏe tim mạch cho trẻ với các bác sĩ Tim mạch Nhi, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh – Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Cập nhật lần cuối: 15:48 07/12/2024 Chia sẻ: icon facebook icon twitter icon pinterest Nguồn tham khảo
  1. Hunt, K. (2019, October 3). The world will have more than 250 million obese kids by 2030, a new report warns. CNN; CNN. https://edition.cnn.com/2019/10/03/health/childhood-obesity-intl-scli/index.html

Từ khóa » Các Bệnh Lý Về Béo Phì