Nhiều Con Rạch “ẩn Mình Chờ Chết” - Tiền Phong

Dọc theo con rạch Mương Củi (ranh giới giữa phường An Khánh và phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) dài 900m chảy từ quốc lộ 91B đến rạch Đầu Sấu, đâu đâu cũng bốc lên mùi hôi thối.

Người dân địa phương cho biết, trước đây con rạch rộng gần 20m, là đường thoát nước duy nhất của khu vực này, nước dưới rạch rất trong và có thể sử dụng sinh hoạt bình thường. Nhưng hiện nay, có nhiều hộ dân xây nhà ở, nhà trọ làm lấn ra, khiến con rạch bị thu hẹp.

Bà Nguyễn Thị Kim Lệ (61 tuổi, ở KV 6, phường Hưng Lợi) cho biết, từ khi dãy nhà bên phường An Khánh xây lên, rạch Mương Củi bắt đầu bị ô nhiễm và chiều ngang bị thu hẹp chỉ còn vài mét.

“Nhà nào cũng đặt ba, bốn ống xả trực tiếp nước thải sinh hoạt xuống rạch. Rác sinh hoạt vứt thẳng xuống rạch, mặc dù ngày nào xe rác cũng đi thu gom. Vì vậy, nước dưới rạch ngày càng đen và hôi thối, không thể chịu nổi”- bà Lệ bức xúc nói.

Cũng theo bà Lệ, người dân sống tại con rạch này mong muốn được nạo vét để khai thông dòng chảy và đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Nhiều con rạch khác ở quận trung tâm Ninh Kiều như Xẻo Nhum, Đầu Sấu…, cũng diễn ra tình rạng lấn chiếm, xả rác và nước thải. Tại rạch Xẻo Nhum, theo khảo sát của phóng viên có khoảng trên 30 hộ nhà xây dựng lấn chiếm và đặt ống thải nước sinh hoạt trực tiếp xuống rạch.

Một số đoạn, cây cối mọc um tùm cản trở dòng chảy. Ông Đỗ Tấn Sĩ (50 tuổi, ngụ KV 6, phường An Khánh) sống cạnh rạch Xẻo Nhum cho biết, cách đây 2 năm địa phương có mời dân đến họp bàn về việc xây dựng bờ kè để khai thông dòng chảy nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Mai Văn Hiệp – Chủ tịch UBND phường An Khánh cho biết, thành phố và quận đã có chủ trương, kế hoạch nâng cấp đô thị giai đoạn 3 và sẽ tiến hành nạo vét trong thời gian tới.

Phường cũng có vận động người dân giữ vệ sinh chung, không vứt rác xuống kênh rạch, không xây dựng trái phép, lấn chiếm ra kênh rạch. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm kênh rạch vẫn tiếp tục diễn ra. Theo ông Hiệp, những hộ xây dựng nhà ở lấn chiếm kênh rạch đa số là những hộ có hoàn cảnh khó khăn, không có hoặc có ít đất.

Kim Hà

Từ khóa » Bờ Kè Rạch đầu Sấu