Nhiều Doanh Nghiệp Chăn Nuôi Không Ngừng Mở Rộng Mô Hình 3F

Triển vọng phát triển của mô hình 3F

3F là viết tắt cho cụm Feed – Farm - Food, đây là quy trình sản xuất thực phẩm an toàn bắt đầu từ thức ăn chăn nuôi, tới quá trình nuôi ở các trang trại và hoàn tất ở khâu chế biến thực phẩm.

Nhìn chung, khái niệm 3F đặt ra ba yêu cầu quan trọng cho ngành chăn nuôi, chế biến thịt lợn, bao gồm: cân đối cung cầu chuỗi giá trị 3F trong chiến lược an ninh lương thực, hiệu quả của chuỗi giá trị sản xuất thực phẩm thông qua hệ thống 3F và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua chuỗi 3F.

Mô hình chuỗi khép kín 3F. Ảnh ST

Dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn đối với ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), triển vọng tăng trưởng của ngành chăn nuôi vẫn tích cực trong trung và dài hạn.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Việt Nam có khả năng sẽ vươn lên vị trí thứ 2 châu Á về tiêu thụ thịt lợn. Việt Nam tiếp tục là một trong số những nước tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người hàng đầu thế giới, đứng thứ ba ở châu Á sau Trung Quốc và Hàn Quốc; được dự báo sẽ vươn lên vị trí thứ 2 vào cuối năm 2021.

Sản lượng thịt lợn dự kiến tăng lên 4 triệu tấn vào năm 2025, trước khi đạt mức 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với tốc độ tăng trưởng bình quân năm 3,1% trong giai đoạn 2021-2030.

Theo dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đến năm 2030, tổng đàn lợn sẽ thường xuyên được duy trì ở mức từ 29-30 triệu con; trong đó, đàn lợn nái từ 2,5 đến 2,8 triệu con; đàn lợn được nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 70%.

Ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn có những triển vọng tích cực. Ảnh: TTXVN

OECD dự báo đối với thị trường gia cầm, sản lượng tiêu thụ trong 10 năm tới tại Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng bình quân 2,9%/năm. Xu hướng tiêu thụ gia cầm trên thực tế vẫn tiếp tục gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, giá gia cầm trong nước đang chứng kiến xu hướng giảm trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Ngành thức ăn chăn nuôi có tốc độ tăng trưởng tương đối cao. Cụ thể, sản lượng thức ăn chăn nuôi cả nước chỉ đạt 8,5 triệu tấn vào năm 2008, tăng lên mức 20,5 triệu tấn vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng bình quân vào khoảng 7,6%/năm.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong thời gian tới, cùng với đà phát triển dân số và thu nhập của người dân, quy mô thị trường thức ăn chăn nuôi của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 5,06%/năm, từ mức 9,124 tỷ USD vào năm 2019 lên 12,27 tỷ USD năm 2025.

Lợi thế mà mô hình 3F mang lại

Theo báo cáo của Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.498 của 50 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 93.261 con lợn, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, với quy trình khép kín, chất lượng cao, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã tận dụng được cơ hội để giành lấy thị phần. Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của công ty đạt 8.431 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 579 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện được 70% kế hoạch lợi nhuận năm nay.

Dabaco đặt kế hoạch 5 năm từ 2020 - 2025 là đạt mốc doanh thu trên 1 tỷ USD, tương đương 25.000 - 30.000 tỷ đồng. Để thực hiện điều này, công ty sẽ tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực cốt lõi gồm các nhà máy thức ăn chăn nuôi, các khu chăn nuôi công nghệ cao tại tỉnh Hòa Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Phước… và các dự án chế biến sâu nông sản, thực phẩm.

Công ty cổ phần Tập đoàn Masan cũng là doanh nghiệp đầu tư mạnh mô hình nông nghiệp khép kín 3F từ trang trại đến bàn ăn. Việc sản xuất theo mô hình 3F đã giúp doanh nghiệp chủ động trong nguồn nguyên liệu, cung cấp cho các hệ thống siêu thị doanh nghiệp đang sở hữu. Các sản phẩm chăn nuôi của doanh nghiệp có lợi thế rất lớn khi được tích hợp vào chuỗi bán lẻ VinCommerce - công ty con thuộc Masan với gần 2.500 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+.

Người tiêu dùng mua thịt lợn tại siêu thị. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN

Cụ thể, Công ty cổ phần Masan MEATLife cung ứng từ 100.000 đến 150.000 hộp thịt mát MEATDeli/ngày, tương ứng từ 35-50 tấn thịt mát/ngày cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tăng gấp đôi sản lượng thịt cung cấp cho thị trường tại Hà Nội.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hệ thống chăn nuôi khép kín 3F sẽ giúp các doanh nghiệp tự chủ được nguồn cung ứng thức ăn chăn nuôi, giúp giảm chi phí và cải thiện biên lợi nhuận, đầu ra được đảm bảo khi được sử dụng cho chính trang trại của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đối mặt với thách thức khi áp dụng mô hình 3F

Bên cạnh những lợi thế, mô hình 3F đang gặp không ít những rào cản:

Thứ nhất, đối với những mô hình có quy mô nhỏ, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nhiều hơn vì sản phẩm hạn chế, không đủ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Thứ hai, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu nhập của người tiêu dùng giảm nên họ có xu hướng thắt chặt chi tiêu, trong khi sản phẩm của mô hình 3F thường có giá thành cao.

Thứ ba, 3F là mô hình đầu tư khá rủi ro, khó khăn, phức tạp và cần nguồn vốn lớn. Đặc biệt, đầu tư vào trang trại hữu cơ phải mang tính dài hạn vì đây là mô hình phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên. Hơn nữa, muốn sản phẩm hữu cơ thực sự đạt năng suất và hiệu quả thì cần phải có thời gian để hệ sinh thái cân bằng, đất màu mỡ thì mới đạt năng suất cao.

Thứ tư, Nhà nước đã có những chính sách vĩ mô khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch nhưng trong thực tế, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, lớn nhất là vấn đề về vốn.

Thuỳ Dương (t/h)

Từ khóa » Hình 3f