Nhiều Lợi ích Từ Mô Hình Cảnh Quan Cà Phê Của Dự án VnSAT

Mô hình cảnh quan cà phê bền vững là các chuỗi sản xuất tạo thành mạng lưới các mô hình vườn cà phê đa canh, lấy cà phê làm cây trồng chủ đạo, phối hợp theo không gian và thời gian với các loại cây trồng xen canh như: cà phê; cây thân gỗ che bóng tầng cao như hồ tiêu, vú sữa, sầu riêng, bơ, mít...; cây đai rừng là muồng đen, dầu rái, gòn, núc nác…; đai cách ly thực vật là chuối, dừa cau...

Mô hình này giúp người dân chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và sự tác động tiêu cực của thị trường bằng cách duy trì, phát triển hệ thống nông lâm kết hợp trên vườn cà phê bền vững, với sự tương hỗ của các loại cây trồng có lợi thế khác trong sinh cảnh thuận tự nhiên.

Nhiều lợi ích từ mô hình cảnh quan cà phê của dự án VnSAT ảnh 1

Vườn cà phê cảnh quan trồng xen hồ tiêu tại Đắk Nông

Tháng 3, là thời gian cao điểm của mùa tưới cà phê nên cần lượng nước rất lớn. Trong khi nông dân trồng cà phê tất bật lắp máy, kéo ống, có nơi còn phải canh vét nước tưới, thì các hộ trong HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đắk Nông (TP Gia Nghĩa) tham gia trồng cà phê cảnh quan của dự án VnSAT lại khá thảnh thơi. Bởi trước mùa khô, họ đã được trang bị kiến thức và các thiết bị hỗ trợ tưới tiết kiệm.

Ông Phạm Văn Thạch - Giám đốc HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đắk Nông (TP Gia Nghĩa) cho biết, toàn bộ diện tích 250 ha cà phê của đơn vị này được đầu tư theo mô hình cà phê cảnh quan.

Tham gia chương trình cà phê cảnh quan bền vững, ông được đi tập huấn để chăm sóc cà phê, giảm lượng phân bón hóa học, tăng lượng phân vi sinh hữu cơ, tưới nước tiết kiệm.

Ông cũng được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kiến tạo thành khu vườn đa tầng từ cao đến thấp, được bố trí phù hợp thông thoáng, ánh sáng trải đều nên các loại cây xanh tốt quanh năm, năng suất cao hơn trước và thu nhập ổn định.

Nhiều lợi ích từ mô hình cảnh quan cà phê của dự án VnSAT ảnh 2

Khởi động hệ thống tưới nước tiết kiệm tại vườn cà phê cảnh quan

Theo ông Thạch, hiện HTX đang xây dựng thương hiệu cà phê kiến vàng. Vì HTX sản xuất cà phê theo mô hình hữu cơ nên rất nhiều loại côn trùng sinh sống trên vườn cà phê.

Khi HTX nghiên cứu, chế biến thì phát hiện những cây cà phê có con kiến vàng làm tổ thì quả cà phê có hương vị đặc biệt, rất thơm ngon. Cà phê này rất khác biệt với những cà phê truyền thống bình thường.

Ngoài cà phê, tiêu của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông cũng thực hiện theo mô hình nông nghiệp hữu cơ. Do sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ nên giá thành của các sản phẩm luôn cao hơn những sản phẩm sản xuất truyền thống.

“Sản lượng hàng năm đạt năng suất cộng với giá bán cao hơn các sản phẩm truyền thống nên thu nhập của người dân luôn đảm bảo”, ông Thạch nói.

Nhiều lợi ích từ mô hình cảnh quan cà phê của dự án VnSAT ảnh 3

Theo Tiến sĩ Phạm Công Trí, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay, thị trường cà phê nói riêng, nông sản Đắk Lắk nói chung đang đứng trước nhiều cơ hội mở rộng thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm khi các hiệp định thương mại tự do đang bắt đầu có hiệu lực, song các rào cản về kỹ thuật, các chứng nhận liên quan đang đặt ra nhiều thách thức. Việc phát triển cà phê cảnh quan là hướng đi tất yếu.

Trong báo cáo tại hội nghị đánh giá chương trình cà phê cảnh quan mới đây, mô hình đã góp phần giảm 14% lượng phân bón hóa học được sử dụng và giảm 17% lượng nước tưới trong sản xuất cà phê; giảm 11% chi phí sản xuất và giảm 10% lượng CO2 phát thải ra môi trường. Đến nay, 100% lượng cà phê sản xuất trong vùng thí điểm được thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường.

Xuân Hương

Từ khóa » Cafe Nông Nghiệp