Nhiều Tỉnh, Thành Tạm Dừng Dạy Học Trực Tiếp để Chống Dịch, Chống Rét

Hà Nội điều chỉnh thời gian đến trường học trực tiếp của học sinh các khối từ 1-6 - Ảnh 1.

UBND thành phố Hà Nội đồng ý theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉnh thời gian đến trường học trực tiếp của học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 12 quận.

HÀ NỘI điều chỉnh thời gian đến trường học trực tiếp của học sinh các khối từ 1-6

Ngày 18/2, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 472/UBND-KGVX về việc điều chỉnh thời gian đến trường học trực tiếp của học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 12 quận.

Theo đó, UBND thành phố Hà Nội nhận được tờ trình của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nọi về việc điều chỉnh thời gian đến trường học trực tiếp của học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 12 quận.

Về việc này, UBND thành phố Hà Nội đồng ý theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉnh thời gian đến trường học trực tiếp của học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 12 quận.

UBND thành phố Hà Nội giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thời gian phù hợp cho học sinh quay trở lại trường học.

Theo tờ trình số 397/TTr-SGDĐT, ngày 18/2/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội gửi UBND thành phố Hà Nội, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19"; Công văn số 4726/BGDĐT-GDTC ngày 15/10/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội đã có tờ trình số 327 trình UBND thành phố Hà Nội về việc cho học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 12 quận trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng chống dịch COVID-19 và đã được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận tại Công văn số 432/UBND-KGVX (ngày 15/2/2022) về việc cho học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 12 quận trở lại trường học. Thời gian thực hiện từ ngày 21/2/2021 (thứ Hai).

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm trong cộng đồng có xu hương tăng, cùng với đó theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các nơi thuộc Bắc Bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh nên khu vực Hà Nội sẽ có những ngày sẽ rét đậm, rét hại dẫn đến việc cha mẹ học sinh còn băn khoăn lo lắng khi cho con đến trường, tỷ lệ đồng thuận của cha mẹ học sinh chưa cao trong v iệc cho con em trở lại trường học trực tiếp.

Để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội đề nghị UBND thành phố cho phép tạm dừng phương án cho học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 12 quận trở lại trường học theo Công văn số 432/UBND-KGVX (ngày 15/2/2022) cho đến khi có thông báo mới.

PHÚ THỌ: Học sinh tiểu học, THCS học trực tuyến từ 21/2

Ngày 20/2, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã ký ban hành Văn bản số 489 UBND-KGVX về việc đảm bảo an toàn cho học sinh trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.

Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị, thành chỉ đạo, tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục tiểu học, THCS từ ngày 21/2/2022 cho đến khi có thông báo mới.

Riêng Giáo dục mầm non: Căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 và điều kiện thực tế, các cơ sở giáo dục tiếp tục phối hợp với phụ huynh để thống nhất phương án chăm sóc trẻ đảm bảo an toàn; tạo điều kiện để phụ huynh tham gia lao động, sản xuất.

Đối với Giáo dục trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên: Căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 và điều kiện thực tế, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND các huyện, thị, thành chỉ đạo các đơn vị quyết định hình thức dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến đối với từng lớp, khối lớp hoặc toàn trường cho phù hợp.

Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thường xuyên theo dõi, cập nhật số liệu, tình hình dịch bệnh COVID-19 của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Y tế, UBND các huyện, thị, thành để đánh giá tình hình và tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Phối hợp với UBND huyện, thị, thành thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt; hoàn thành chương trình, kế hoạch giáo dục năm học 2021 - 2022 đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Sở Y tế rà soát lại các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học để tiếp tục có chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời. Chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng phòng, chống dịch COVID-19 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; đánh giá nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường.

TIN LIÊN QUAN
  • Cha mẹ cần làm gì khi trẻ mắc COVID-19?

  • Cha mẹ cần chuẩn bị những gì khi trẻ trở lại trường học?

  • Trường học xuất hiện F0 xử lý thế nào?

VĨNH PHÚC: Học sinh Tiểu học, THCS chuyển sang học trực tuyến từ 21/2

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Văn bản số 957/UBND-VX2 về việc đảm bảo an toàn cho học sinh trước diễn biễn phức tạp của dịch COVID-19 và điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại.

Trước tình hình lây lan dịch bệnh trong cộng đồng có diễn biến phức tạp, số lượng F0 có xu hướng tăng nhanh tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, cùng với đó dự báo về không khí lạnh tăng cường trong những ngày tới gây rét đậm, rét hại và mưa ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của học sinh các cấp học khi đến trường, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thành phố chủ động phối hợp với ngành Y tế, GDĐT rà soát, đánh giá mức độ lây lan dịch bệnh trong trường học để quyết định hình thức tổ chức dạy học, đảm bảo an toàn cho học sinh và phù hợp nguyện vọng của phụ huynh.

Cụ thể, học sinh các trường tiểu học, THCS chuyển trạng thái từ học tập trực tiếp sang trực tuyến từ ngày 21/2 cho đến khi có thông báo mới.

Các trường mầm non tiếp tục mở cửa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, tạo điều kiện để phụ huynh yên tâm lao động, sản xuất.

Các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX duy trì dạy học trực tiếp, đồng thời tổ chức dạy học trực tuyến đối với học sinh thuộc diện F0, F1, kể cả học sinh có yếu tố bệnh nền nếu phụ huynh có yêu cầu và đảm bảo các điều kiện học tập hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh tại địa phương, hạn chế tối đa nguồn lây từ cộng đồng vào trường học và có giải pháp tích cực giảm các ca F0 trên địa bàn.

Trên cơ sở đề xuất của các nhà trường, kịp thời hỗ trợ cơ sở vật chất phòng, chống dịch bệnh và thiết bị dạy học trực tuyến đảm bảo cho các trường học; hướng dẫn các trường thực hiện xã hội hóa cơ sở vật chất phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo minh bạch, đúng quy định.

QUẢNG NINH: Tạm thời cho trẻ mầm non nghỉ học; Hiệu trưởng trường tiểu học quyết định tạm thời học trực tuyến

Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Quảng Ninh vừa có chỉ đạo mới về việc tổ chức dạy học cho học sinh, trẻ mầm non trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh và thời tiết rét đậm, rét hại.

Theo Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh, trong tuần học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, do diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, số ca lây nhiễm trong cộng đồng và trường học có chiều hướng gia tăng. Cùng với đó, tình hình thời tiết mưa, rét kéo dài đã tác động không nhỏ đến việc duy trì tổ chức dạy học trực tiếp trong các cơ sở giáo dục, nhiều lớp học đã phải chuyển sang học trực tuyến do có các ca F0, F1.

Đối với cấp học mầm non, tỷ lệ trẻ em đến trường sau tết đạt tỷ lệ thấp (trung bình hằng ngày chỉ đạt 30 - 40%, có trường còn đạt dưới 30%). Có lớp chỉ có vài em đến lớp do tâm lý phụ huynh lo ngại dịch bệnh và ảnh hưởng của thời tiết mưa, rét kéo dài.

Trước tình hình trên, để chủ động, linh hoạt, thích ứng an toàn và kiểm soát hiệu quả công tác phòng chống dịch và ứng phó với điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại trong những ngày cuối tháng 2/2022, Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh thực hiện một số nội dung, biện pháp sau:

Tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ GDĐT, tỉnh, Sở GDĐT về phòng chống dịch; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch với phương châm "Mở cửa trường học", "Dạy học phải an toàn, an toàn để dạy học".

Các đơn vị cần siết chặt biện pháp thực hiện nghiêm quy định 5K, đặc biệt là việc đeo khẩu trang trong toàn bộ thời gian từ nhà đến trường, tại trường và từ trường về nhà; hạn chế tối đa việc di chuyển, tiếp xúc, tổ chức tập trung đông người nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm giữa các lớp học.

Thực hiện sàng lọc, tăng tỉ lệ tầm soát theo hình thức test nhanh COVID-19 đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trẻ em, học sinh, đồng thời khuyến khích cha mẹ trẻ em, học sinh chủ động duy trì thực hiện test nhanh cho con em mình để chủ động phòng dịch từ sớm, phát hiện kịp thời và bóc tách F0 ra khỏi trường học, lớp học; kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trong trường học.

Phát huy cao nhất hiệu quả hoạt động của các nhóm "Zalo quản lý F0" để kịp thời hỗ trợ, động viên học sinh trong quá trình theo dõi điều trị, nhất là đối với những học sinh đang thực hiện cách ly, điều trị tại nhà và có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ.

Đối với cấp mầm non: Tạm thời cho trẻ em nghỉ học từ ngày 21/02/2022 đến hết ngày 25/02/2022 để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và phòng chống rét đậm, rét hại.

Tuy nhiên, lưu ý các cơ sở giáo dục mầm non, khi thông báo chủ trương này đến cha mẹ/phụ huynh trẻ cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của cha mẹ/phụ huynh trẻ, nếu gia đình trẻ nào do không có người chăm sóc, trông coi trẻ ở nhà và có nguyện vọng vẫn đưa trẻ đến trường thì cơ sở giáo dục phải bố trí đón trẻ đến trường và tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ đảm bảo an toàn.

Đối với cấp Tiểu học: Căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa bàn và trong cơ sở giáo dục của đơn vị mình, Hiệu trưởng xem xét và quyết định tạm thời cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang học trực tuyến từ ngày 21/02/2022 đến hết ngày 25/02/2022 để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và phòng chống rét đậm, rét hại.

Khuyến khích các trường, các lớp học nếu chưa có ca F0 và vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh thì tiếp tục duy trì học trực tiếp để đảm bảo tiến độ chương trình và chất lượng giáo dục. Trong quá trình tổ chức học trực tiếp cho học sinh cần thực hiện nghiêm các quy định, biện pháp phòng chống dịch và phòng chống rét đậm, rét hại.

Đối với cấp THCS và THPT: Tiếp tục duy trì tổ chức học trực tiếp tại trường (Trung tâm GDNN-GDTX) cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức học trực tiếp cần tăng cường và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch nhằm kiểm soát hiệu quả và đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh. Đối với các lớp học khi xuất hiện ca F0, cần phối hợp với ngành y tế đánh giá đúng nguy cơ, mức độ lây lan dịch bệnh để kịp thời xem xét tạm thời chuyển sang học trực tuyến cho học sinh.

Các đơn vị thực hiện rà soát, kiểm tra, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, sửa chữa kịp thời các phòng học, phòng học chức năng,.. đảm bảo tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh.

Tuyệt đối không tổ chức các hoạt động ngoài trời hoặc cho học sinh ra chơi ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại; phối hợp với cha mẹ học sinh quan tâm, nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm; không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục trong những ngày giá rét.

Căn cứ điều kiện thời tiết mỗi vùng, các cơ sở giáo dục có thể điều chỉnh thời gian học, sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm hoặc về quá muộn.

Các hoạt động bán trú cần được tổ chức đảm bảo chất lượng, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ sở giáo dục. Tăng cường truyền thông để tạo sự đồng thuận, yên tâm, sự tham gia phối hợp tích cực của phụ huynh và toàn xã hội về chủ trương "Mở cửa trường học" để học sinh được đến trường học tập trực tiếp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh.

TP. Buôn Ma Thuột dừng dạy học trực tiếp đối với bậc mầm non, tiểu học

Ngày 20/2, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã có công văn số 489/UBND-VP gửi các đơn vị, địa phương về việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong các trường học trên địa bàn.

Công văn nêu rõ, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp, số ca bệnh liên tục tăng cao trong những ngày qua. Đặc biệt, khi triển khai hoạt động dạy học trực tiếp từ ngày 07 đến ngày 19/02, toàn thành phố có 43 giáo viên và 425 học sinh dương tính với SARS-CoV-2.

Do đó, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh và tiếp tục hoạt động dạy học trực tiếp, UBND thành phố chỉ đạo tạm dừng dạy học trực tiếp đối với bậc mầm non, tiểu học và lớp 6 trên địa bàn từ ngày 21/02 cho đến khi có thông báo mới. Giao Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai phương án dạy học trực tuyến đối với bậc học tiểu học và lớp 6.

Để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả trong các trường học khi tổ chức học trực tiếp, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị tập trung rà soát điều chỉnh phương án phòng, chống dịch trong trường học phù hợp với tình hình thực tế và diễn biến dịch xảy ra; luôn chủ động thích ứng nhưng không được chủ quan, lơ là, buông lỏng quản lý.

Tổ chức phối hợp thực hiện đồng bộ, thống nhất trong xử lý tình huống phát sinh ca F0, F1 trong nhà trường. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chuẩn bị đầy đủ nguồn lực và trang thiết bị y tế để tiếp tục mở rộng điều trị F0 và cách lý F1 tại nhà theo quy định.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh các quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất, đồng thuận và chung tay trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn và hiệu quả; yêu cầu giáo viên, phụ huynh, học sinh theo dõi, kiểm tra sức khỏe ngay tại nhà, trước khi đến trường nếu có các biểu hiện nghi nhiễm, trong nhà có người nhiễm COVID-19, phải báo ngay cho ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm biết để phân công dạy trực tuyến và thực hiện cách ly tại nhà theo quy định, không được đến trường.

TP. Lào Cai: Dừng dạy học trực tiếp nhiều bậc học

UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành văn bản số 616/UBND-VX về việc tạm dừng tổ chức dạy và học trực tiếp trên địa bàn thành phố Lào Cai để phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, tạm dừng việc tổ chức dạy và học trực tiếp đối với tất cả các cấp học trên địa bàn thành phố Lào Cai kể từ ngày 19/02/2022 cho đến khi có thông báo mới (gồm: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp).

UBND tỉnh Lào Cai giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Lào Cai, triển khai hình thức dạy học trực tuyến cùng với các biện pháp khác để vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo quy định (riêng cấp học mầm non tạm dừng việc dạy học theo Công văn số 583/UBND-VX ngày 16/02/2022 của UBND tỉnh).

Văn bản cũng nêu rõ riêng Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai, căn cứ vào tình hình thực tiễn và các quy định của Đại học Thái Nguyên, cũng như của tỉnh Lào Cai về phòng, chống dịch COVID-19 để linh hoạt áp dụng các hình thức dạy học phù hợp, hiệu quả.

HẢI PHÒNG: Học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ dưới 10°C

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND thành phố Hải Phòng về việc đảm bảo sức khỏe và phòng chống rét cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng vừa có Thông báo 314 về Quy định nghỉ học đối với học sinh.

Theo đó, học sinh Mầm non, Tiểu học được nghỉ học khi nhiệt độ dưới 10°C; học sinh Trung học cơ sở được nghỉ học khi nhiệt độ dưới 7°C; đối với học sinh độ tuổi Trung học phổ thông không quy định.

Sở Giáo dục và Đào tạo lưu ý phụ huynh học sinh và Thủ trưởng các đơn vị giáo dục chủ động theo dõi thông tin về nhiệt độ ngoài trời khu vực thành phố Hải Phòng, được phát tại bản tin Dự báo thời tiết, chương trình Chào buổi sáng – Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) lúc 6h00 sáng hàng ngày, đồng thời căn cứ vào nhiệt độ được dự báo để quyết định cho học sinh nghỉ học theo quy định trên.

Trong thời gian thời tiết rét đậm, rét hại Sở GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục kiểm tra và sửa chữa kịp thời các phòng học, phòng chức năng, phòng bán trú, phòng ăn…đảm bảo tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Các trường Mầm non, Tiểu học đặc biệt lưu ý đảm bảo nước ấm để chăm sóc phục vụ học sinh.

Đối với các trường có tổ chức bán trú, cần đặc biệt quan tâm đảm bảo đủ thức ăn và thực phẩm sạch, chế độ ăn hợp lý; đồ ăn uống nóng; chỗ nghỉ trưa ấm áp; chuẩn bị đầy đủ thuốc men phục vụ công tác y tế học đường, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời, bảo đảm sức khỏe cho học sinh khi tổ chức các giờ thể dục ngoài trời, nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm, không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục trong những ngày giá rét. Thông báo rõ quy định nghỉ học do rét tới tất cả các học sinh và phụ huynh học sinh qua các kênh thông tin, loa truyền thanh của nhà trường, của phường, xã; niêm yết thông báo ngoài cổng trường….

Các nhà trường tổ chức học trực tuyến hoặc hướng dẫn học sinh học tự học, ôn tập tại nhà trong thời gian nghỉ học do rét. Trường hợp học sinh vẫn đến trường, nhà trường phải phân công, bố trí giáo viên, nhân viên quản lý, chăm sóc học sinh chu đáo, an toàn. Trong những ngày nghỉ học do rét, nhà trường vẫn phải duy trì lực lượng trực đảm bảo mọi hoạt động hành chính diễn ra bình thường.

NAM ĐỊNH: Cho trẻ em nghỉ học, học sinh chuyển trạng thái từ học tập trực tiếp sang trực tuyến khi thời tiết rét đậm, rét hại

Để đảm bảo sức khoẻ và phòng, chống rét cho học sinh, Sở GDĐT tỉnh Nam Định yêu cầu phỏng GDĐT các huyện, thành phố Nam Định, các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục ở vùng nông thôn, các lớp, điểm trường lẻ, địa bàn khó khăn cần chú ý thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, kiểm tra và sửa chữa kịp thời các phòng học, phòng học chức năng,... đảm bảo tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Đặc biệt đối với các cơ sở giáo dục mầm non cần đảm bảo có nước ấm để chăm sóc và phục vụ trẻ.

2. Trong những ngày rét đậm, rét hại, căn cứ điều kiện thời tiết mỗi vùng, các cơ sở giáo dục có thể điều chỉnh thời gian học, sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Trường hợp học sinh đến trường muộn vì lý do thời tiết, cần giải quyết để học sinh không phải nghỉ học.

3. Cho trẻ em nghỉ học, học sinh chuyển trạng thái từ học tập trực tiếp sang trực tuyến khi thời tiết rét đậm, rét hại:

- Trẻ em mầm non nghỉ học, học sinh tiểu học chuyển sang học trực tuyến khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ.

- Học sinh THCS, THPT chuyển sang học trực tuyến khi nhiệt độ ngoài trời dưới 7 độ.

Các cơ sở giáo dục, cha mẹ học sinh cần theo dõi thông tin về nhiệt độ ngoài trời tại khu vực Nam Định được phát tại Bản tin dự báo thời tiết:

+ Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), chương trình "Chào buổi sáng".

+ Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định (NTV), chương trình "Chào ngày mới", vào 06 giờ hàng ngày.

Căn cứ thông tin thời tiết, các cơ sở giáo dục được phép quyết định cho trẻ em nghỉ học, học sinh chuyển trạng thái từ học tập trực tiếp sang trực tuyến. Các cơ sở giáo dục thông báo tới tất cả giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh qua các phương tiện (trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị, cơ sở giáo dục, sổ liên lạc điện từ, loa phát thanh của đơn vị và địa phương,...) ngay sau khi nhận được thông tin dự báo thời tiết.

Sở GDĐT tỉnh Nam Định yêu cầu phòng GDĐT các huyện, thành phố Nam Định, các các cơ sở giáo dục nghiêm túc triển khai thực hiện những nội dung trên. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, kịp thời phản ánh về Sở (qua Văn phỏng Sở) để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Sở xem xét./.

Từ khóa » Trường Nghỉ Học ở Hà Nội