Nhiều Y Bác Sĩ Nước Ngoài đến Việt Nam Học Nghề - VnExpress

Sau phần thăm bệnh nhân, phần lớn thời gian trong ngày Lepard dành để quan sát, học hỏi trong phòng mổ. Cuối giờ chiều, anh cùng các đồng nghiệp tập hợp để thảo luận, lên ý tưởng viết bài báo khoa học, thu thập, xử lý các dữ liệu bệnh nhân.

Trải qua bốn tháng, Lepard cho biết rất ấn tượng với lịch làm việc dày đặc, lượng bệnh nhân đông, các loại bệnh đa dạng mà bác sĩ Việt Nam đối diện mỗi ngày. 

"Bác sĩ ngoại thần kinh ở Việt Nam có nhiều kinh nghiệm xử lý những ca chấn thương sọ não phức tạp, u não, dị dạng mạch máu não, dị tật sọ não, não úng thủy, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương... Những bệnh này ít gặp ở Mỹ", Lepard nói. 

Anh vừa rời TP HCM, tiếp tục học một tháng ở các bệnh viện Hà Nội trước khi về nước. Lepard đang theo học chương trình Bác sĩ nội trú tại Đại học Alabama ở Birmingham, một trong những đại học lớn của Mỹ.

Bác sĩ Đặng Đỗ Thanh Cần, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2, cách đây 5 năm đã sang Đại học Alabama ở Birmingham học và sau đó duy trì quan hệ hợp tác. Khoa gửi nhiều bác sĩ sang Mỹ và đồng nghiệp Mỹ cũng thường xuyên đến Việt Nam hỗ trợ, học tập.

"Việt Nam đông bệnh nhân, mặt bệnh phong phú với những đặc thù bệnh mà các nước phát triển ít gặp", bác sĩ Cần nói. "Ở đây bệnh nhân dễ tiếp xúc, bác sĩ Việt đủ trình độ để giảng dạy nên nhiều trường tại Mỹ hợp tác, gửi bác sĩ nội trú sang học". 

Theo bác sĩ Cần, việc hợp tác này giúp tăng uy tín của ngành y Việt Nam với cộng đồng khoa học quốc tế. Các bác sĩ Việt cũng có cơ hội nâng cao trình độ ngoại ngữ, trong quá trình xử lý bệnh sẽ hiểu và học hỏi, cập nhật kiến thức mới của bác sĩ nước phát triển. 

Sau 4 tháng hỗ trợ đào tạo bác sĩ Lepard, nhóm bác sĩ Việt Nam cũng đã hoàn thành hai bài báo quốc tế đăng trên tạp chí chuyên ngành uy tín của Mỹ.

Bác sĩ Jacob thảo luận bệnh cùng bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Lê Phương.

Lepard (thứ hai từ phải) cùng bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2, thảo luận về hình ảnh chẩn đoán của bệnh nhân. Ảnh: Lê Phương.

Những năm gần đây, các bệnh viện tại TP HCM nhận nhiều học viên nước ngoài sang học tập. Tiến sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng Phẫu thuật Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết năm 2018 khoa tiếp nhận 41 học viên nước ngoài. Các y sinh đến từ Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Hong Kong, Tây Ban Nha, Malaysia... học các khóa trong khoảng 1-3 tháng.

"Khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân bỏng nặng, phải chăm sóc tích cực, phẫu thuật ghép da, tạo hình rất phức tạp, nhiều ca cứu sống bệnh nhân, điều trị thành công ngoạn mục. Vì thế các học viên nước ngoài có nhiều cơ hội học tập trong khoảng thời gian ngắn", bác sĩ Hiệp phân tích.

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết trong lĩnh vực sản phụ khoa, nhiều bác sĩ, phẫu thuật viên nước ngoài đến bệnh viện học phẫu thuật nội soi, thụ tinh trong ống nghiệm, chăm sóc trước sinh, siêu âm.

Không chỉ các nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar, Philippines, Indonesia, Thái Lan. cử y sinh, một số phẫu thuật viên những nước có trình độ y học tiên tiến như Australia, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Singapore... cũng theo học các khóa ngắn hạn từ một đến sáu tháng ở các bệnh viện TPHCM. 

Các bác sĩ, học viên nước ngoài muốn qua đào tạo ngắn hạn ở Việt Nam đều phải đáp ứng những điều kiện của ngành y tế sở tại. Các bệnh viện căn cứ vào trình độ và mong muốn của học viên để sắp xếp các lớp học phù hợp. Việc đào tạo huấn luyện y sinh nước ngoài cũng giúp nâng cao uy tín trong giới y tế quốc tế, tạo điều kiện để các bác sĩ Việt Nam học kinh nghiệm từ đồng nghiệp nước bạn, tăng điều trị hiệu quả cho bệnh nhân, bác sĩ Nhi đánh giá. 

Lê Phương

Từ khóa » Toan Ceton Bác Sĩ Nội Trú