Nhìn Lại 20 Năm Vụ Khủng Bố 11/9 Và Một Số Vấn đề đặt Ra đối Với ...

Nhìn lại 20 năm vụ khủng bố 11/9 và một số vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống khủng bố ở Việt Nam hiện nay

TP. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 9 năm 2021

Thiếu tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy

Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân

Đã 20 năm trôi qua (11/9/2001 - 11/9/2021)kể từ khi xảy ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhất lịch sử nước Mỹ và dẫn tới nhiều biến đổi trên bản đồ địa - chính trị thế giới. Đây là vụ tấn công mà hậu quả kéo theo nhiều hệ lụy, dẫn đến bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống khủng bố không chỉ của nước Mỹ mà còn với nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Nhìn lại 20 năm vụ khủng bố 11/9

Ngày 11/9/2001, cả thế giới rúng động khi 19 đối tượng khủng bố Al-Qaeda chiếm quyền điều khiển 4 máy bay chở khách cỡ lớn, lần lượt cho chúng chuyển hướng, tấn công hàng loạt mục tiêu trên đất nước Mỹ. Hai chiếc máy bay trong số đó (chuyến bay 11 của American Airlines và chuyến bay 175 của United United Airlines) lần lượt đâm vào tòa tháp Bắc và Nam của khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) tại Thành phố New York. Chỉ trong vòng 1 giờ 42 phút, cả hai tòa tháp cao 110 tầng đã sụp đổ, gây ra những vụ cháy khiến tất cả các tòa cao ốc khác trong khu phức hợp cũng bị sụp đổ một phần hoặc hoàn toàn. Chiếc máy bay thứ ba (chuyến bay 77 của American Airlines) đã đâm vào Lầu Năm Góc (trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ) tại Quận Arlington, bang Virginia, gây sụp đổ một phần mặt phía Tây của tòa nhà. Trong khi đó chiếc máy bay thứ tư (chuyến bay 93 của United Airlines) ban đầu được nhắm vào thủ đô Washington D.C, nhưng đã rơi xuống một cánh đồng ở ngoại ô thành phố Shanksville, bang Pennsylvania, sau khi các hành khách dũng cảm tìm cách khống chế nhóm không tặc.

Hình ảnh kinh hoàng về vụ khủng bố 11/9 làm gần 3.000 người thiệt mạng (Nguồn ảnh:Reuters)

Cuộc tấn công đã để lại những thiệt hại to lớn, đã khiến 2.996 người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương. Về kinh tế, Quốc hội Mỹ phải thông qua việc chi ngay (vào ngày 14/9/2001) 40 tỷ USD cho gói chống khủng bố khẩn cấp; 123 tỷ USD thiệt hại kinh tế ước tính trong 2-4 tuần đầu sau khi tòa tháp của Trung tâm Thương mại thế giới đổ sập cũng như thiệt hại kinh tế do hoạt động hàng không sụt giảm vài năm sau đó; 15 tỷ USD gói hỗ trợ các hãng hàng không được Quốc hội Mỹ thông qua do thiệt hại [1]. Bên cạnh đó, thảm kịch 11/9/2001 đã để lại vô số hệ lụy về sức khỏe, gây ra những vết thương tâm lý dai dẳng, đặc biệt đối với người dân Mỹ. Tính đến tháng 10/2019, mới chỉ có 1.645 nạn nhân (60%) xác định được danh tính. Nước Mỹ còn bị “tổn thương” sâu sắc bởi Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc (mục tiêu bị tấn công) được xem là biểu tượng sức mạnh của cường quốc này.

Từ vụ khủng bố ngày 11/9, nhiều quốc gia và chuyên gia nghiên cứu tội phạm quốc tế đã thống nhất trong việc rút ra những bài học cần suy ngẫm, đó là: (1) Chủ nghĩa khủng bố tồn tại không biên giới và không một quốc gia nào “miễn nhiễm” với khủng bố bởi đều có những “lỗ hổng” an ninh; (2) Chủ động nắm thông tin, phán đoán chính xác tình hình và công tác kiểm soát an ninh là chìa khóa then chốt để ngăn chặn tội ác khủng bố; tuy nhiên, an ninh không chỉ được thực thi bởi các lực lượng chuyên trách mà phải bởi tất cả các lực lượng thực thi pháp luật; (3) Bất ổn chính trị hoặc các cuộc xung đột ở các quốc gia chính là nơi dung dưỡng cho chủ nghĩa khủng bố.

Thế giới và Việt Nam vẫn tiền ẩn nguy cơ khủng bố

Tội phạm khủng bố trong vài thập niên gần đây đã trở thành vấn đề quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và phát triển của cả thế giới. Đây là nguy cơ đe doạ an ninh phi truyền thống, có khả năng lan truyền rộng rãi, được hình thành bởi rất nhiều nguyên nhân: Từ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, cực đoan về dân tộc, sắc tộc, đến đói nghèo, bệnh tật, bất bình đẳng, phân hóa, xung đột xã hội hay tranh giành quyền lực, tranh giành địa chính trị và các nguồn tài nguyên. Khủng bố còn có thể là hệ quả quá trình thực thi chính sách quản lý xã hội thiếu sáng suốt, gây chia rẽ các nhóm xã hội ở các quốc gia và cũng có thể bắt nguồn từ chiến tranh. Ngay trong thời điểm thế giới đang xảy ra đại dịch COVID-19, bản báo cáo “Chỉ số khủng bố toàn cầu” của Liên hợp quốc công bố cuối năm 2020 đánh giá:“COVID-19 dường như đã làm trầm trọng thêm những xu hướng cực đoan của chủ nghĩa khủng bố ở Châu Phi cận Sahara, một khu vực đang dần trở thành trung tâm của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu sau sự suy giảm đáng kể quyền lực và vùng lãnh thổ của “Nhà nước Hồi giáo” tự phong (IS) ở Syria… COVID-19 cũng là chất xúc tác gây bùng phát những xu hướng bạo lực chính trị khác nhau. Ở các nước phương Tây (Châu Âu, Bắc Mỹ và Châu Đại Dương), nếu như chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo có phần giảm sút, thì ngược lại, chủ nghĩa khủng bố cực hữu lại đã bùng phát trở lại” [2].

Ở Việt Nam, mặc dù chưa xảy ra khủng bố do các tổ chức khủng bố quốc tế tiến hành, nhưng những biểu hiện của các hoạt động tội phạm có tổ chức gần đây cũng tiềm ẩn mầm mống, nguy cơ khủng bố. Đặc biệt, lợi dụng chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, một số đối tượng trong nước đã liên lạc, móc nối với một số tổ chức phản động ở nước ngoài hoạt động khủng bố, như: Tổ chức khủng bố “Việt Tân” đã nhiều lần thực hiện âm mưu đánh bom tại các đô thị lớn nhân dịp lễ quan trọng của đất nước; tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” chỉ đạo các cơ sở nội địa đặt bom xăng khủng bố tại nhà ga Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và đốt phá kho xe số 01 của Công an thành phố Biên Hòa, Đồng Nai (2017); tổ chức khủng bố “Triều Đại Việt” tại Canada chỉ đạo nhóm 6 đối tượng do Nguyễn Khanh làm “Trưởng nhóm” sử dụng thuốc nổ TNT tấn công trụ sở Công an phường 12, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh (2018) [3].

Xuất phát từ đặc điểm, quy luật của hoạt động khủng bố ở khu vực và thế giới; điều kiện cụ thể, tình hình nội tại đất nước cùng những biểu hiện về khủng bố và liên quan đến khủng bố ở nước ta, bước đầu có thể dự báo một số vấn đề về đối tượng, mục đích, âm mưu, thủ đoạn và phương thức hoạt động khủng bố trong thời gian tới:

- Về đối tượng khủng bố, có thể bao gồm: Lực lượng khủng bố quốc tế do một số tổ chức tôn giáo cực đoan hoặc thế lực thù địch tiến hành. Lực lượng này có thể tổ chức ra các nhóm khủng bố vũ trang, tổ, đội đặc nhiệm để thực hiện hoạt động: đánh bom tự sát, đột kích đường không hoặc khủng bố trên không, trên biển; lực lượng người Việt phản động lưu vong kết hợp với các nhóm khủng bố từ ngoài xâm nhập vào nước ta; các nhóm khủng bố cực đoan trong một số dân tộc, tôn giáo trên các vùng, miền, tội phạm hình sự nguy hiểm, phần tử thoái hóa biến chất, bất mãn với chế độ… bị thế lực thù địch, hiếu chiến kích động, mua chuộc.

- Về mục đích, ở từng loại đối tượng khủng bố khác nhau, mục đích của chúng cũng khác nhau, song về cơ bản thường nhằm: Sát hại, bắt giữ, khống chế công dân nước ngoài, lãnh đạo cấp cao; phá hoại các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh trọng yếu… Thông qua đó, gây tâm lý hoảng loạn trong Nhân dân, làm rối loạn xã hội, nhất là ở một số khu vực, địa bàn trọng yếu, tạo “cú sốc” về tâm lý xã hội, phá hoại sự ổn định bên trong, làm mất lòng tin của Nhân dân. Trên cơ sở đó, tạo cớ và thời cơ cho hoạt động xâm lấn lãnh thổ, kích động bạo loạn trong nước, làm suy yếu, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Để thực hiện mục đích đó, khủng bố thường nhằm vào những mục tiêu, như: trung tâm chính trị, kinh tế, đầu mối giao thông, trung tâm thương mại, thông tin, phát thanh - truyền hình, công trình thủy lợi, thủy điện, các kho nhiên liệu…

- Về phương thức, thủ đoạn, thường đẩy mạnh tuyên truyền, xuyên tạc, kích động quần chúng Nhân dân hòng mua chuộc, lôi kéo, tập hợp lực lượng từ các phần tử dân tộc, tôn giáo cực đoan, đối tượng có tư tưởng hận thù, phần tử cơ hội, bất mãn, thoái hóa biến chất, một bộ phận quần chúng nhẹ dạ, cả tin,… để hình thành tổ chức bí mật ở trong và ngoài nước. Tiếp đó, chúng bí mật tiếp cận nắm bắt tình hình, lựa chọn mục tiêu, lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của ta (nhất là trong các dịp lễ hội, sự kiện chính trị lớn của đất nước), sử dụng lực lượng “đặc nhiệm”, bất ngờ tiến công đánh chiếm mục tiêu, bắt giữ con tin,… gây chấn động trong xã hội. Các đòn tiến công khủng bố này có thể diễn ra đồng thời hoặc kế tiếp nhau vào một số khu vực, nhằm tạo hiệu ứng lan truyền, kích động tập hợp thêm lực lượng. Quá trình thực hiện, các phần tử khủng bố thường kết hợp tuyên truyền, tung tin thất thiệt, nhằm vu cáo, đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước ta, gây tâm lý hoang mang trong Nhân dân, nâng cao hiệu ứng khủng bố để sớm đạt được mục tiêu đề ra. Đồng thời, triệt để thực hiện các hoạt động nghi binh, đánh lạc hướng điều tra, truy bắt của ta, như: mạo danh, đứng đằng sau chỉ đạo từ xa, trà trộn vào nhân dân hoặc lực lượng tham ra ứng cứu để dễ bề tẩu thoát. Thủ đoạn chúng thường sử dụng là, phối hợp các đòn tiến công khủng bố với các hoạt động chống phá về chính trị, kinh tế, ngoại giao và gây sức ép về quân sự để thực hiện mục tiêu chính trị của chúng. Đặc biệt, thời gian tới với sự bùng nổ ngày càng mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các đối tượng sẽ triệt để lợi dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố. Điều này làm cho khủng bố trở nên nguy hiểm gấp bội, hậu quả mang tính toàn cầu và khó kiểm soát.

Quán triệt quan điểm của Đảng về tăng cường quốc phòng, an ninh trong phòng, chống khủng bố ở nước ta trong tình hình mới

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định thời gian tới: “Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo về Tổ quốc” [4].Những diễn biến tình hình trong và ngoài nước tiếp tục tác động, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện khủng bố tại Việt Nam, như: Chiến tranh cục bộ, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế; chủ nghĩa ly khai, cường quyền, bảo hộ, dân túy; xu hướng tuyệt đối hóa lợi ích quốc gia, dân tộc; các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, thảm họa tự nhiên; sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gây sức ép lên hệ thống thể chế, cấu trúc an ninh, chính trị, kinh tế thế giới; tình hình Biển Ðông tiềm ẩn nguy cơ căng thẳng, xung đột. Trong nước, các yếu tố gây bất ổn còn tiềm ẩn, các thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá với những phương thức, thủ đoạn mới rất tinh vi, xảo quyệt và manh động, nguy hiểm; tình hình trật tự, an toàn xã hội, hoạt động của tội phạm có những diễn biến mới, phức tạp, đe dọa trật tự, kỷ cương xã hội, có thể chuyển hóa thành vấn đề an ninh quốc gia hoặc ngược lại…

Bối cảnh tình hình trên đòi hỏi cần phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới vào công tác phòng, chống khủng bố với yêu cầu: Lấy“chủ động phòng ngừa là chính”; “Kịp thời phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm; ngăn chặn âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, khủng bố, phá hoại, không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong nước, không để bị động trong mọi tình huống” [5].Theo đó, công tác phòng, chống khủng bố phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, chỉ đạo, điều hành thống nhất của Nhà nước; phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, với nhiều giải pháp đồng bộ:

Một là, tuyên truyền cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành và toàn dân nâng cao nhận thức một cách đúng đắn, đẩy đủ về các nguy cơ, đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động khủng bố; trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan đến công tác phòng, chống khủng bố. Đặc biệt, cần nhận thức rõ, nguyên nhân của hoạt động khủng bố là do âm mưu, ý đồ của của phần tử địch, nhưng chúng có thực hiện được hay không thì chủ yếu là do công tác phòng ngừa của ta, vì vậy phải lấy phòng ngừa là chính. Mỗi chúng ta phải luôn cảnh giác, chủ động “soi chiếu” vào địa bàn, lĩnh vực, mục tiêu mà mình phụ trách, công tác, làm việc, sinh sống để nhận diện rõ ràng, cụ thể hơn những nguy cơ hoạt động khủng bố. Chỉ có như vậy, mới hình thành được ý thức chủ động phòng ngừa, tự bảo vệ, từ đó góp phần xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân” [6] trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia. Đó cũng là vấn đề quan trọng hàng đầu để phòng, chống khủng bố trong tình hình hiện nay.

Hai là, các cơ quan, đơn vị, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động triển khai các biện pháp, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực mà đối tượng khủng bố thường lợi dụng hoạt động, như: tôn giáo, dân tộc, xuất nhập cảnh, thông tin - truyền thông, y tế, năng lượng, lương thực… Đồng thời, phối hợp chặt chẽ trong quản lý địa bàn, nắm chắc tình hình, đánh giá, dự báo sát đúng tình huống khủng bố có thể xảy ra để chủ động tham mưu đối với cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng trong hệ thống chính trị và toàn dân loại trừ các điều kiện hoạt động khủng bố cũng như phòng ngừa, ngăn chặn các dấu hiệu, sự việc, hiện tượng liên quan, nghi vấn khủng bố ngay từ ban đầu, từ cơ sở.

Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chỉ đạo, quản lý, điều hành của ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố các cấp; tích cực xây dựng, hoàn chỉnh các phương án, kế hoạch cũng như cơ chế phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng tham gia phòng, chống khủng bố. Đồng thời, hoàn thiện mô hình tổ chức và đầu tư trang, thiết bị cho từng lực lượng, nhất là lực lượng chuyên trách phòng, chống khủng bố theo hướng “chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, bảo đảm khả năng giải quyết kịp thời, hiệu quả mọi tình huống khủng bố có thể xảy ra.

Diễn tập phương án phòng, chống khủng bố (Nguồn ảnh: Chinhphu.vn)

Bốn là, tiếp tục bổ sung, xây dựng hoàn thiện phương án xử lý các tình huống, vụ việc cụ thể liên quan đến hoạt động khủng bố và trong điều kiện, khả năng cho phép nên tổ chức diễn tập xử lý các tình huống sát hợp thực tiễn. Cần dự kiến các tình huống hoạt động “khủng bố phi bạo lực”, như: khủng bố mạng, sóng truyền hình, truyền thanh, nguồn nước, khủng hoảng truyền thông; đối tượng lợi dụng tranh chấp, khiếu kiện, vấn đề tôn giáo kích động khủng bố; kích động tập trung đông người biểu tình bất bạo động; khủng bố tinh thần… Mỗi cơ quan, đơn vị, mục tiêu trọng điểm căn cứ vào tính chất, đặc điểm địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách và trên cơ sở phương án chung cũng nên dự kiến các tình huống khủng bố, phá hoại có thể xảy ra để xây dựng phương án xử lý, luôn bảo đảm tinh thần “an ninh chủ động” trong mọi tình huống.

Năm là, tích cực mở rộng hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố, trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, tuân thủ pháp luật Nhà nước và phù hợp với nguyên tắc, luật pháp quốc tế. Chú trọng hợp tác với một số tổ chức chống khủng bố quốc tế có uy tín, các nước láng giềng, các quốc gia có năng lực, trình độ đối phó với khủng bố, nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác đào tạo cán bộ và hỗ trợ trang, thiết bị chống khủng bố hiện đại. Qua đó, vừa thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề an ninh mang tính toàn cầu, vừa nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế./.

P.X.T

Chú thích

[1] Hoàng Hà (2020), 19 năm sau sự kiện 11-9: Những dấu mốc quan trọng, Báo Nhân dân online ngày 11/9/2020

[2] Dương Thắng, Các tổ chức khủng bố đã tận dụng đại dịch COVID-19 như thế nào, Báo Công an nhân dân online ngày 31/7/2021

[3] GS, TS Nguyễn Xuân Yêm (2021), Nhận thức về an ninh phi truyền thống và quản trị an ninh phi truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Thành phố Hồ Chí Minh

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, trang 109.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 2, Hà Nội, trang 152

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, Hà Nội, trang 157

Tin khác

Nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới

Nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới(06/09/2021)

Ngày 6/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2021. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới.

Việt Nam chuẩn bị kịch bản 'thích ứng an toàn với dịch bệnh'

Việt Nam chuẩn bị kịch bản 'thích ứng an toàn với dịch bệnh'(06/09/2021)

Chiều 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu yêu cầu trên tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (Ban chỉ đạo) và cho biết đã giao các cơ quan xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế, xã hội thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19

Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19(04/09/2021)

Trang Thông tin điện tử Trường Đại học An ninh nhân dân trích toàn văn Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ.

Việt Nam cam kết tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất cùng cộng đồng quốc tế đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục lại phát triển kinh tế

Việt Nam cam kết tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất cùng cộng đồng quốc tế đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục lại phát triển kinh tế(01/09/2021)

Sáng ngày 1/9, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2021).

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Công an vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Công an vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh(01/09/2021)

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày CMT8 và Quốc khánh 2/9, sáng 1/9, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng đại diện Bộ, Ngành vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để Cảnh sát cơ động đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới

Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để Cảnh sát cơ động đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới(31/08/2021)

Sáng 31/8, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã dự và chỉ đạo Phiên họp Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) mở rộng, thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ).

Thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội 'ai ở đâu ở đó' dịp Quốc khánh 2/9

Thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội 'ai ở đâu ở đó' dịp Quốc khánh 2/9(31/08/2021)

Ngày 31/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Mục tiêu tối thượng vì hạnh phúc của nhân dân

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Mục tiêu tối thượng vì hạnh phúc của nhân dân(20/07/2021)

Chiều 20/7, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã bầu đồng chí Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV.

Trường Đại học An ninh nhân dân tổ chức nghiệm thu Sáng kiến: “Sử dụng clip bài giảng, hướng dẫn tự học, tự nghiên cứu trong giảng dạy Lý luận chính trị”

Trường Đại học An ninh nhân dân tổ chức nghiệm thu Sáng kiến: “Sử dụng clip bài giảng, hướng dẫn tự học, tự nghiên cứu trong giảng dạy Lý luận chính trị”(09/06/2021)

Vào lúc 13 giờ 30, ngày 09/6/2021, Trường Đại học An ninh nhân dân đã tổ chức nghiệm thu Sáng kiến: “Sử dụng clip bài giảng, hướng dẫn tự học, tự nghiên cứu trong giảng dạy Lý luận chính trị” của nhóm tác giả thuộc Khoa LLCT và KHXHNV

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII(27/02/2021)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 25/1/2021 đến ngày 1/2/2021, tại Thủ đô Hà Nội, sau khi thảo luận các văn kiện do Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII trình

Từ khóa » Hình ảnh Khủng Bố Quốc Tế