Nhìn Lại Ca Phẫu Thuật Tách Cặp Song Sinh Việt - Đức 32 Năm Trước

Sáng 15-7, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), gần 100 y bác sĩ đã tiến hành đại phẫu tách dính cơ thể dính nhau vùng bụng chậu từ trong bụng mẹ cho hai bé song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi.

Mặc dù ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp, Trúc Nhi - Diệu Nhi đã rời phòng mổ để chuyển xuống Khoa Hồi sức an toàn nhưng hành trình ở phía trước vẫn còn đầy những thử thách mà "song Nhi" cần phải vượt qua.

Ca phẫu thuật tách rời 2 bé gái song sinh đã thành công tốt đẹp - Ảnh: BV Nhi đồng TP.HCM.

Trong quá trình phẫu thuật, GS-BS Trần Đông A luôn chú ý theo dõi thao tác của các y bác sĩ trong phòng mổ. Ông là một chuyên gia cao cấp, cố vấn chuyên môn tại BV Nhi đồng 2, được mời làm trưởng ban tham vấn của ca phẫu thuật.

Nhưng đặc biệt hơn, ông cũng từng là người chủ trì ca mổ tách song sinh Việt-Đức - ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh thành công đầu tiên của y khoa Việt Nam vào năm 1988. Hôm nay, người phẫu thuật hai bé song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi lại trùng hợp là một học trò ưu tú của GS-BS Trần Đông A.

Nhìn lại ca phẫu thuật tách cặp song sinh Việt - Đức 32 năm trước: Ca mổ đi vào lịch sử y học Việt Nam - Ảnh 2.

Bác sĩ Trần Đông A trong phòng họp chia sẻ với báo chí.

Năm 1981, hai bé Nguyễn Việt và Nguyễn Đức ra đời tại Kon Tum và bị dính theo kiểu “Ischiopagus Tripus”. Hai anh em chung nhau phần bụng chậu, bộ phận sinh dục, hậu môn, có hai chân và một chân cụt. Hai anh em bị ảnh hưởng chất độc da cam.

Sau khi được đưa ra Bệnh viện Việt Đức điều trị, đến đầu tháng 12/1982, cả hai được chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ.

Năm 1983, GS Fujimoto Bunro người Nhật đến thăm Việt - Đức. Về Nhật, ông phát động phong trào quyên góp và thành lập Hội Negaukai (Hội vì sự phát triển của Việt - Đức). Nhiều cuộc quyên góp cho hai cháu được thực hiện, có người Nhật khi ấy đã viết rằng, có lẽ một nửa dân chúng Nhật biết về cặp song sinh Việt - Đức.

Hai anh em Việt-Đức trước khi phẫu thuật tách rời.

Giữa năm 1986, sau những lần lên cơn co giật vì bại não, kéo lê người anh em dính liền,​ Nguyễn Việt rơi vào hôn mê và sống đời thực vật bên cạnh Nguyễn Đức vẫn còn tỉnh táo.

Sau hơn 3 tháng được Hội chữ thập đỏ Nhật đưa sang Tokyo điều trị, ngày 29/10/1986 cả hai trở về Việt Nam. Việt đã khỏi bệnh nhưng mất vỏ não, không còn tri giác để tiếp xúc với thế giới bên ngoài, ăn thường xuyên bị sặc, ngưng thở, nhiều lần cấp cứu trong đêm. Nguy cơ chết đột ngột của Việt luôn đe dọa tính mạng của Đức.

Nhìn lại ca phẫu thuật tách cặp song sinh Việt - Đức 32 năm trước: Ca mổ đi vào lịch sử y học Việt Nam - Ảnh 4.

Cặp song sinh Việt-Đức.

Trước nguy cơ Đức sẽ chết nếu chẳng may Việt qua đời, BV Từ Dũ quyết định tách rời cặp song sinh dính liền nhau. Gần 1 năm chuẩn bị với vô số cuộc hội chẩn, ngày 4-10-1988, Việt và Đức đã được êkíp mổ với sự tham gia của 70 y bác sĩ Việt Nam, Nhật Bản và một số quốc gia khác do GS-BS Trần Đông A làm trưởng kíp mổ phẫu thuật tách rời.

Báo Phụ nữ Online có ghi lại, ca mổ kéo dài 17 tiếng đồng hồ. Ê kíp phải bóc tách dây thần kinh, tách nội tạng, hậu môn, bàng quang… của Việt - Đức. Khi BS Lê Kính và BS Võ Văn Thành thực hiện đục thành xương, GS Trần Đông A đưa ngón tay mình vào dẫn đường, để nếu trượt thì sẽ đục vào ngón tay chứ không làm tổn thương các phần quan trọng ở cơ thể hai bé.

"Sau phẫu thuật, êkíp không vội về mà đứng đợi cặp song sinh như đợi phút giây con của mình chào đời. Lúc Nguyễn Đức hé mở mắt, BS Dương Quang Trung nghẹn ngào hỏi: “Con à, con có nghe được không?”, Đức từ từ quay sang bác sĩ Trung, cả êkíp reo lên: “Sống rồi!”. GS-BS Trần Đông A nhớ như in ca phẫu thuật quan trọng nhất trong cuộc đời y học đầy vinh quang của ông và đồng nghiệp.

Ca phẫu thuật thành công tách Việt - Đức năm xưa.

Thành công này gây sự chú ý đối với cả thế giới, thậm chí gây áp lực với các bác sĩ khi giới y học thường xuyên chú ý đến cuộc sống sau khi tách rời của Việt và Đức. Ca phẫu thuật được ghi vào sách kỷ lục Guinness năm 1991. Thành công của ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức không chỉ tái sinh cuộc đời Đức, mà còn đánh dấu mốc son trong nền y học Việt Nam. 30 năm qua, cả thế giới không ít lần nhắc về ca phẫu thuật đầy trí tuệ, tình người này.

Sau cuộc phẫu thuật tách rời, Việt sống bằng hậu môn nhân tạo, thông tiểu bằng ống. Được sự chăm sóc tận tình ở Làng Hòa Bình Từ Dũ, Việt sống được thêm 19 năm. Còn anh Đức hiện vẫn đang sống khỏe mạnh, sau thời gian học tập được tạo điều kiện về công tác tại bệnh viện. Anh Đức đang có một cuộc sống hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình tại TP.HCM.

Hai anh em sống trong tình thương, sự chăm sóc của các y, bác sĩ, y tá, bảo mẫu... trong Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM

Trong một lần tham gia từ thiện, anh Nguyễn Đức gặp chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, từ cảm thông, chia sẻ, hai người yêu nhau và tổ chức đám cưới vào cuối năm 2006. Sau khi có vợ, Đức bị hiếm muộn do nghẽn ống dẫn tinh. Các bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM đã thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm để Đức thỏa khát khao làm cha của mình. Năm 2008, vợ chồng anh vỡ òa đón nhận cặp sinh đôi một trai một gái từ bác sĩ. Nhờ y học, Đức không chỉ lấy lại cuộc đời mình, mà còn có được hạnh phúc trọn vẹn.

Hai vợ chồng anh Đức.

Nhìn lại ca phẫu thuật tách cặp song sinh Việt - Đức 32 năm trước: Ca mổ đi vào lịch sử y học Việt Nam - Ảnh 8.

Gia đình hạnh phúc của anh Nguyễn Đức.

Theo ghi nhận trên Báo Pháp luật TPHCM, anh Đức ngoài làm việc giờ hành chính tại BV Từ Dũ, anh còn mở Quán ăn Đức Nihon do anh cùng một người bạn hợp tác. Mỗi ngày cứ sau giờ làm việc, anh lại trở về nhà dành thời gian cho việc kinh doanh. Quán ăn nhỏ nhưng vẫn có lượng khách ổn định.

Anh còn làm cả hướng dẫn viên du lịch. Anh là "đại sứ du lịch" của nhiều công ty lữ hành Nhật Bản với tour tham quan phương Nam - đồng bằng Mekong. Anh cũng là gương mặt quen thuộc của những buổi giao lưu văn hóa Việt-Nhật, người Nhật và nước Nhật. Cái tên quán Đức Nihon cũng có nghĩa là "Nhật Bản". Sức vóc nhỏ bé nhưng anh có thể làm hai, ba việc một lúc vì theo như anh nói thì: "Tôi có một gia đình lớn phải lo. Hai đứa con, vợ và mẹ vợ đều trông dựa vào tôi cả".

Nhìn lại ca phẫu thuật tách cặp song sinh Việt - Đức 32 năm trước: Ca mổ đi vào lịch sử y học Việt Nam - Ảnh 9.

Nguyễn Đức và những người khách Nhật đến thăm quán Đức Nihon của anh. Ảnh: HỒNG MINH

Anh Đức đã làm nhiều việc có ích với cộng đồng, đặc biệt là nước Nhật bởi anh có cha nuôi và những người thân khác ở đây. Một lần qua Nhật làm việc anh đã thành lập một tổ chức phi chính phủ mang tên “Vì một thế giới đẹp tươi” nhằm gây quỹ giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Từ quỹ này mà hàng ngàn người đã được giúp đỡ, tặng quà, nhiều học sinh - sinh viên được nhận học bổng, một số sinh viên con em nạn nhân nhiễm chất độc da cam được bảo trợ học đại học.

Anh Đức cho biết, anh không chỉ sống cho riêng mình, mà còn phải sống tiếp phần đời của anh Việt, nên anh đã thực hiện những hoạt động từ thiện không mệt mỏi. "Năm 2012 câu lạc bộ từ thiện được thành lập để tôi có thể giúp đỡ nhiều người hơn, trong bất hạnh tôi may mắn gặp được nhiều người tốt để bây giờ có cuộc sống hạnh phúc. Tôi muốn những người đang khó khăn cũng sẽ như tôi, được giúp đỡ và sống thật vui vẻ", anh Đức nói.

Nhìn lại ca phẫu thuật tách cặp song sinh Việt - Đức 32 năm trước: Ca mổ đi vào lịch sử y học Việt Nam - Ảnh 10.

Nguyễn Đức thường xuyên tham gia những hoạt động vì cộng đồng. Ảnh: Thiên Chương

Năm 2018, bệnh viện Từ Dũ tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày mổ tách rời cặp song sinh Việt - Đức. Tại lễ kỷ niệm, anh Đức xúc động: "Tôi rất nhớ anh Việt và mẹ nuôi. Trong tâm trí, khi tôi thành công, khi tôi hạnh phúc, tôi đều nhớ về anh ấy, tôi luôn có một phần của anh ấy. Anh Việt rất dũng cảm. 30 năm trôi qua thật nhanh, tôi đang có cuộc sống rất hạnh phúc với người vợ chu đáo, tận tụy và hai đứa con thật dễ thương. Tôi phải sống tốt hơn nữa để đền đáp ân tình mà các bác sĩ đã dành cho tôi".

Trong suốt hơn ba mươi năm sau ca mổ, GS-BS Trần Đông A vẫn luôn theo dõi cuộc sống của anh Đức như "người bố", theo chia sẻ trên VnExpress. Giáo sư Trần Đông A cho biết cuộc sống hạnh phúc của gia đình Đức là món quà lớn nhất cho các y bác sĩ tham gia ê kíp mổ tách ngày ấy. "Việc Đức lấy vợ, sinh con là điều chưa từng có trong lịch sử y khoa thế giới qua những ca song sinh tách dính tương tự đã được công bố", bác sĩ Đông A tự hào. Anh Đức cũng chia sẻ là luôn biết ơn và kính trọng bố Đông A.

Nhìn lại ca phẫu thuật tách cặp song sinh Việt - Đức 32 năm trước: Ca mổ đi vào lịch sử y học Việt Nam - Ảnh 11.

Giáo sư Trần Đông A và gia đình Nguyễn Đức. Ảnh: L.P

Hôm nay, sau khi tham vấn cho cuộc phẫu thuật tách rời hai bé song sinh dính cơ thể như trường hợp Việt - Đức năm xưa, chia sẻ với PV, GS.BS A nhớ lại: "Đối với ca mổ này, dù rất khó khăn nhưng nếu ai ở trong vị trí của tôi đều cảm thấy hạnh phúc. Lúc đó (ca mổ 32 năm trước) chỉ có chỉ khâu, kháng sinh, thuốc sát trùng và thêm sự hỗ trợ từ phía Nhật Bản mà chúng ta đã thành công một ca cực kỳ khó, không chỉ khó với chúng ta mà còn với thế giới", GS Trần Đông A nói.

Nhận định ca mổ Việt - Đức so với hai bé song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi, GS-BS Trần Đông A cho rằng, so với ca bụng 3 chậu như cặp Việt - Đức thì 2 bé gái song sinh này là ca bụng chậu có 4 chân, khó khăn lớn nhất chính là việc hở xương chậu, nếu đóng được cái này lại thì tất cả các cơ quan đều được ở đúng vị trí.

Nhìn lại ca phẫu thuật tách cặp song sinh Việt - Đức 32 năm trước: Ca mổ đi vào lịch sử y học Việt Nam - Ảnh 12.

Hy vọng trong hành trình dài phía trước, Trúc Nhi - Diệu Nhi sẽ tiếp tục mạnh mẽ và kiên cường, như hai em đã mạnh mẽ và kiên cường vượt qua cuộc phẫu thuật ngày hôm nay.

Từ khóa » Tách Dính Cặp Song Sinh Việt đức