Nhìn Lại 'Lý Thuyết Tổng Quát' Của Keynes Sau 80 Năm
Có thể bạn quan tâm
Nguồn: Robert Skidelsky, “Keynes’s General Theory at 80”, Project Syndicate, 23/02/2016.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Trong lá thư gửi cho George Bernard Shaw vào năm 1935, John Maynard Keynes viết: “Tôi tin là mình đang viết một cuốn sách về lý thuyết kinh tế nhìn chung sẽ cách mạng hóa – không phải ngay lập tức, nhưng có thể trong mười năm nữa – cách mà thế giới suy nghĩ về các vấn đề kinh tế của mình.” Và thực sự thì tác phẩm lớn của Keynes, “Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ” (The General Theory of Employment, Interest and Money) xuất bản vào tháng 2/1936 thực sự đã thay đổi kinh tế học và việc hoạch định chính sách kinh tế. Giờ đây, sau 80 năm, liệu lý thuyết của Keynes có còn phù hợp không?
Hai trong số các di sản của Keynes dường như vẫn còn trụ vững. Đầu tiên, Keynes phát minh ra kinh tế học vĩ mô – lý thuyết về đầu ra như một tổng thể. Ông gọi lý thuyết của mình là lý thuyết “tổng quát” để phân biệt với những lý thuyết trước đó, trong đó giả định một đầu ra duy nhất – trạng thái toàn dụng lao động.
Để cho thấy cách kinh tế học có thể bị mắc kẹt trong một trạng thái cân bằng “dưới mức toàn dụng lao động,” Keynes đã thách thức lập luận trung tâm của kinh tế học chính thống thời đó: đó là thị trường của mọi loại hàng hóa cơ bản, kể cả sức lao động, cùng lúc được giá cả làm cho cân bằng. Và thách thức của ông gợi ý một chiều hướng mới cho việc hoạch định chính sách: Chính phủ có thể phải chịu thâm hụt để duy trì toàn dụng lao động.
Bài đang hotKỷ nguyên của chiến tranh gián điệp chuỗi cung ứngNhững phương trình tổng gộp làm nền tảng cho “lý thuyết tổng quát” của Keynes vẫn rất phổ biến trong các sách giáo khoa kinh tế và định hình nên các chính sách kinh tế vĩ mô. Ngay cả những ai kiên quyết cho rằng kinh tế thị trường hướng tới toàn dụng lao động cũng buộc phải bảo vệ lập luận của mình trong khuôn khổ lý thuyết mà Keynes tạo ra. Các ngân hàng trung ương điều chỉnh lãi suất để đảm bảo sự cân bằng giữa tổng cung và tổng cầu, bởi vì nhờ Keynes mà ta biết rằng trạng thái cân bằng có thể sẽ không tự động xảy ra.
Di sản lớn thứ hai của Keynes là quan điểm cho rằng các chính phủ có thể và nên ngăn ngừa tình trạng suy thoái. Việc quan điểm này đã được chấp nhận rộng rãi có thể được nhìn thấy trong phản ứng chính sách mạnh mẽ đối với khủng hoảng 2008-2009 và phản ứng thụ động trước cuộc Đại suy thoái 1929-1932. Như người đoạt giải Nobel Kinh tế – Robert Lucas, một người chống tư tưởng của Keynes – thừa nhận hồi năm 2008: “Có lẽ tất cả mọi người đều theo học thuyết của Keynes khi gặp khủng hoảng.”[1]
Tuy nhiên, lý thuyết cân bằng “dưới mức toàn dụng lao động” của Keynes giờ đây không còn được chấp nhận bởi hầu hết các nhà kinh tế và hoạch định chính sách. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khẳng định điều này. Khủng hoảng phủ nhận phiên bản cực đoan của ý tưởng về “nền kinh tế tự điều chỉnh một cách tối ưu”; nhưng nó vẫn không khôi phục lại uy tín cho phương pháp tiếp cận của Keynes.
Chắc chắn là các biện pháp của Keynes đã giúp dừng đà lao dốc của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng chúng cũng tạo ra gánh nặng thâm hụt lớn cho các chính phủ, và điều này nhanh chóng được xem là trở ngại cho sự phục hồi – trái ngược với những gì Keynes đã nói. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao nên các chính phủ đã quay lại với kinh tế học chính thống trước Keynes, cắt giảm chi tiêu để giảm thâm hụt ngân sách – và làm giảm sự phục hồi của nền kinh tế trong quá trình đó.
Có ba lý do chính lý giải cho sự trở lại này. Đầu tiên, niềm tin vào sức mạnh của giá cả trong việc cân bằng cung cầu thị trường lao động trong một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa chưa bao giờ biến mất hoàn toàn. Vì vậy, hầu hết các nhà kinh tế đều xem tình trạng thất nghiệp dai dẳng như là một trường hợp khác thường, chỉ phát sinh khi tình hình đã rất tồi tệ, và nó chắc chắn không phải là trạng thái bình thường của nền kinh tế thị trường. Việc bác bỏ khái niệm “bất định cực đoan” (radical uncertainty) của Keynes nằm ở trung tâm nguyên nhân khiến họ quay trở lại với các lý thuyết trước Keynes.
Thứ hai, các chính sách “quản lý cầu” (demand-management) của Keynes thời hậu chiến vốn tạo ra thời kỳ bùng nổ sau năm 1945 đã dẫn đến rắc rối lạm phát vào cuối những năm 1960. Nhận thấy sự đánh đổi ngày càng tồi tệ giữa lạm phát và thất nghiệp, các nhà hoạch định chính sách theo Keynes đã cố gắng để duy trì sự bùng nổ kinh tế thông qua chính sách về thu nhập – kiểm soát chi phí lương bằng việc ký các thỏa ước quốc gia với các công đoàn.
Chính sách thu nhập đã được thử nghiệm ở nhiều nước từ những năm 1960 đến cuối những năm 1970. Dù đã có những thành công tạm thời, nhưng chính sách này luôn gặp thất bại. Khi đó, Milton Friedman đã đưa ra một giải thích phù hợp cho sự thất vọng ngày càng tăng về khả năng kiểm soát lương và giá cả, và tái khẳng định các quan điểm trước Keynes về cách hoạt động của nền kinh tế thị trường. Lạm phát, theo Friedman, là kết quả từ nỗ lực của các chính phủ theo Keynes nhằm buộc thất nghiệp xuống dưới tỷ lệ “tự nhiên”. Chìa khóa để ổn định lại giá cả là từ bỏ các cam kết toàn dụng lao động, làm các công đoàn yếu đi, và bãi bỏ việc điều tiết hệ thống tài chính.
Và do đó, kinh tế học chính thống cũ đã được tái sinh. Mục tiêu toàn dụng nhân công đã được thay thế bởi mục tiêu lạm phát, và thất nghiệp được thả nổi để tự trở về tỷ lệ “tự nhiên”, bất chấp tỷ lệ đó là bao nhiêu. Đây chính là sự chuyển hướng sai lầm khiến các chính trị gia “đâm cật lực vào tảng băng trôi” hồi năm 2008.
Lý do cuối cùng khiến chủ nghĩa Keynes không còn được quan tâm là sự thay đổi về ý thức hệ sang cánh hữu, bắt đầu với Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Sự chuyển đổi này không hẳn là do các chính sách của Keynes bị phản đối, mà phần lớn là vì thái độ thù địch đối với vai trò mở rộng của nhà nước nổi lên sau Thế chiến II. Chính sách tài khóa của Keynes đã mắc kẹt giữa hai làn đạn, và nhiều người thuộc cánh hữu đã lên án nó như là biểu hiện của sự can thiệp “quá mức” của chính phủ vào nền kinh tế.
Hai lý do cuối cùng gợi lên một vai trò mới, dù khiêm tốn, cho kinh tế học Keynes. Đối với kinh tế học chính thống trước 2008, cú sốc còn lớn hơn vụ khủng hoảng chính là việc phát giác ra quyền lực hủ bại của hệ thống tài chính và mức độ mà các chính phủ sau khủng hoảng đã cho phép các ngân hàng chi phối chính sách của mình. Kiểm soát thị trường tài chính nhằm hướng đến toàn dụng lao động và công bằng xã hội chính là truyền thống của kinh tế học Keynes.
Thứ hai, đối với các thế hệ sinh viên mới, sự phù hợp của Keynes có thể ít nằm trong những biện pháp cụ thể mà ông đề ra nhằm giải quyết thất nghiệp, mà nằm trong nhưng chỉ trích của ông đối với kinh tế học vì mô hình hóa nền kinh tế dựa vào các giả định không thực tế. Những sinh viên kinh tế mong muốn thoát khỏi thế giới ma của những tác nhân tối ưu hóa để bước vào một thế giới của những con người bằng xương bằng thịt thực thụ, gắn với lịch sử, văn hóa, và thể chế của họ, sẽ có cảm tình với kinh tế học Keynes. Đó là lý do tại sao tôi mong rằng Keynes sẽ tiếp tục hiện diện thêm 20 năm nữa kể từ bây giờ, đến ngày kỷ niệm 100 năm của “Lý thuyết tổng quát”, và còn lâu hơn thế nữa.
Robert Skidelsky, Giáo sư hưu trí chuyên ngành Kinh tế Chính trị tại Đại học Warwick và Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh chuyên ngành lịch sử và kinh tế, là một thành viên của Thượng Nghị viện Anh. Ông là tác giả của cuốn tiểu sử dài ba tập về John Maynard Keynes. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị trong Công Đảng, trở thành phát ngôn viên của Đảng Bảo thủ về các vấn đề Ngân khố trong Thượng Nghị viện, và cuối cùng đã bị ép rời khỏi Đảng Bảo thủ vì đã phản đối sự can thiệp của NATO tại Kosovo vào năm 1999.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Keynes’s General Theory at 80
Xem thêm:
#44 – John Maynard Keynes: Chủ nghĩa tư bản đối mặt với thách thức lớn nhất của nó
——————
[1] Nguyên văn: “I guess everyone is a Keynesian in a foxhole”. Foxhole là hầm trú ẩn cá nhân trong chiến tranh. Có một câu nói nổi tiếng là “There are no atheists in foxholes”, nghĩa là khi ngồi trong hầm cá nhân thì không ai còn là kẻ vô thần, ngụ ý khi đối mặt với sự sợ hãi và cái chết, ai cũng sẽ cầu mong chúa trời hay các lực lượng bề trên sẽ giúp che chở, bảo vệ cho họ, và vì vậy không còn ai là kẻ vô thần trong tình huống đó. Câu nói của Lucas hàm ý tương tự, khi đối mặt với khủng hoảng kinh tế, ai cũng sẽ nghĩ tới lý thuyết của Keynes, không còn ai không tin vào nó nữa (NBT). [efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]
Có thể bạn quan tâm:
- Cuộc hôn nhân Nga – Trung và trật tự “Đại Á – Âu”
- Thời của khủng hoảng toàn cầu
- Điểm lại các tranh luận xung quanh thu nhập cơ bản
- Bước đột phá trong quan hệ Việt – Mỹ
- Thao túng thị trường trở thành xu hướng toàn cầu
- Sức mạnh tuyên truyền: Từ Đức Quốc xã tới ISIS
- Đằng sau việc Anh muốn rời EU
- Người Mỹ đã ‘ác quỷ hóa’ nước Nga như thế nào?
Từ khóa » Thuyết Keynes
-
Kinh Tế Học Keynes – Wikipedia Tiếng Việt
-
Học Thuyết Kinh Tế KEYNES (KEYNESIAN ECONOMICS) Là Gì ?
-
[PDF] Học Thuyết Keynes Và Những Vấn đề Kích Cầu Nhằm Chống Suy Giảm
-
Kinh Tế Học Keynes Là Gì? Kinh Tế Học Keynes Và Cuộc Đại Suy Thoái?
-
Cơ Bản Về Học Thuyết Kinh Tế Keynes
-
[PDF] KINH TẾ HỌC KEYNESIAN, KEYNESIAN MỚI VÀ CỔ ĐIỂN MỚI
-
[PDF] LÝ THUYẾT KÍCH CẦU CỦA KEYNES HỒI SINH
-
[PDF] Trường Phái Cổ điển Và Trường Phái Keynes
-
Học Thuyết Kinh Tế Của Trường Phái KeyNes - .vn
-
Lý Thuyết Tăng Trưởng Kinh Tế Của Keynes Và Vài Suy Nghĩ Về Tăng ...
-
[PDF] LỊCH SỬ CÁC HỌC THUYẾT KINH TẾ - Topica
-
Đề Tài: Học Thuyết Kinh Tế Của John Maynard Keynes Và ứng Dụng ...
-
Chương 6 Học Thuyết Kinh Tế Của Trường Phái Keynes
-
KQHT 9. HỌC THUYẾT KINH TẾ CỦA TRƯỜNG PHÁI KEYNES