Nhìn Lại Năm Học đặc Biệt Sóng Gió Của Ngành Giáo Dục
Có thể bạn quan tâm
Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 vừa kết thúc, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là thành công, đạt mục tiêu đề ra. Đây cũng là kỳ thi cuối cùng của năm học 2021-2022, khép lại một năm học đặc biệt sóng gió.
Năm học bắt đầu bằng lễ khai giảng chưa từng có khi ngày 5/9/2021, hàng triệu học sinh của 25 tỉnh, thành trên cả nước phải thực hiện nghi lễ chào năm học mới qua màn hình máy tính hoặc trước chiếc tivi. Thậm chí, học sinh của 6 tỉnh, thành là Quảng Trị, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Cà Mau, Cần Thơ, Bạc Liêu còn không tổ chức lễ khai giảng.
Sau lễ khai trường lần đầu tiên trong lịch sử là chuỗi ngày dạy và học đặc biệt khi hầu hết các địa phương trên cả nước đều phải tổ chức dạy học online và liên tục đóng/mở cửa trường tùy theo COVID-19. Ở nhiều địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, học sinh thậm chí học hết học kỳ 1 sang học kỳ 2, nhưng vẫn chưa một lần đặt chân tới trường. Với nhiều gia đình, do lệnh giãn cách, phong tỏa, con cái phải ở xa bố mẹ, không thể kèm cặp việc học hành.
Dưới tác động nặng nề của dịch COVID-19, toàn ngành giáo dục, từ đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo đến các em học sinh và cả các phụ huynh đã phải nỗ lực hết mình để đạt cho được mục tiêu “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học,” vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo chất lượng giáo dục.
Năm học chưa từng có trong lịch sử giáo dục
Cầm trên tay tờ giấy khen của con trai, chị Nguyễn Thị Là (quận Hoàng Mai, Hà Nội) không khỏi bồi hồi xúc động khi nhớ lại hành trình lớp 1 vô cùng đặc biệt của con mình.
Hà Nội tạm dừng đến trường từ tháng 4/2021, nên tháng 9/2021, bé Trần Quang Anh vào lớp 1 mà chưa thuộc bảng chữ cái, vốn là yêu cầu tối thiểu của học sinh khi hết bậc mầm non. Chưa biết mặt chữ cái nhưng con đã phải học ráp vần, tập đọc, tập viết những nét đầu tiên chỉ qua màn hình máy tính.
Chưa biết mặt chữ cái nhưng con đã phải học ráp vần, tập đọc, tập viết những nét đầu tiên chỉ qua màn hình máy tính.
Việc học đọc đã khó khăn, học viết càng khó khăn hơn khi con không được cô giáo cầm tay uốn nắn. Chồng chị trở thành giáo viên tại gia đồng hành cùng con.
Mỗi buổi tối, anh lại mang vở ô ly ra tập viết. “Đầu tiên là phải chấm từng chấm để luyện viết đúng cao độ của từng loại chữ, đúng khoảng cách giữa các chữ. Lúc đầu tôi cũng rất lúng túng khi phải ngồi tỷ mẩn với từng nét móc, nét thẳng, nét xiên, nắn nót từng con chữ, nhưng vì con tôi phải cố gắng kiên nhẫn,” anh Nam, chồng chị Là chia sẻ.
Có hai con đều là học sinh cuối cấp, con bé lớp 9, con lớn lớp 12, nỗi lo của chị Nguyễn Hồng Hạnh (quận Hai Bà Trưng) càng lớn hơn khi các con sẽ phải “vượt vũ môn” với các kỳ thi chuyển cấp và tuyển sinh đại học đầy áp lực, tính cạnh tranh cao.
“Học trực tuyến chất lượng không thể đảm bảo bằng học trực tiếp. Lớp quá đông, giáo viên không thể quán xuyến hết học sinh chỉ qua một màn hình máy tính nhỏ, sự tương tác giữa giáo viên và học sinh cũng rất hạn chế. Đặc biệt trong giai đoạn đầu năm học, chất lượng mạng Internet kém, phần mềm dạy học quá tải, đến mức có tiết học con tôi bị thoát ra đến 6 lần. Khi đó thực sự là quá căng thẳng và mệt mỏi!” chị Hạnh chia sẻ.
Tuy nhiên, con chị vẫn còn may mắn hơn 1,5 triệu học sinh khác trên cả nước không có máy tính, không điện thoại và không cả sóng Internet để học trực tuyến trong khi trường đã phải tạm đóng cửa vì dịch COVID-19.
Không chỉ chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng, việc học trực tuyến kéo dài đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Theo Phó giáo sư Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), học sinh đến trường không chỉ để học kiến thức mà còn được giao tiếp, kết nối với bạn bè, tham gia các hoạt động vui chơi ở sân trường. Vì thế, việc các em phải học trực tuyến, gò bó trong môi trường chật hẹp, hạn chế giao tiếp bạn bè và ít vận động khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái cô độc, buồn chán, áp lực.
Ông Hà viện dẫn số liệu thống kê của Bệnh viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương cho thấy tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị trong giai đoạn học trực tuyến kéo dài đã tăng 30%; nghiên cứu năm 2021 của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề sức khỏe, tinh thần của sinh viên cho thấy: 56,8% sinh viên thiếu tập trung học tập và không hứng thú; 48% cảm thấy tự ti và mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ; 35,7% sinh viên tính tình thay đổi hay cáu gắt, lo lắng mà không có lý do.
Đầu năm 2022, với sự khuyến cáo của các chuyên gia giáo dục, của Tổ chức UNICEF, sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành giáo dục đã quyết tâm đưa học sinh trở lại trường, bắt đầu ở những vùng dịch bệnh đã dần được kiểm soát và với từng khối lớp, trong đó ưu tiên khối lớp cuối cấp và lớp 1.
Tuy nhiên, dưới tác động nặng nề của dịch bệnh, rất nhiều địa phương đã phải linh hoạt đóng-mở từng khu vực, từng trường, thậm chí từng lớp tùy theo từng thời điểm.
“Có những khi số giáo viên mắc COVID-19 quá nhiều và chúng tôi không còn đủ giáo viên để đứng lớp. Số học sinh đi học trực tiếp cũng vơi dần vì phụ huynh lo lắng,” thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) chia sẻ.
Tại Trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông (Hà Nội), thậm chí cả trường chỉ duy nhất một học sinh đến lớp. Ở nhiều trường khác, lớp có học sinh nhưng không có giáo viên vì thầy cô bị nhiễm COVID-19. Ở rất nhiều nơi, thầy cô dù bị bệnh vẫn nỗ lực dạy học trực tuyến cho học sinh từ khu vực cách ly.
Thích ứng linh hoạt
Trước nguy cơ hàng triệu học sinh thất học vì thiếu trang thiết bị học trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em.” Chương trình kêu gọi sự chung tay của tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ trang thiết bị công nghệ, phủ sóng Internet để học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn có thể học trực tuyến.
Chương trình đã tạo hiệu ứng lan rộng khắp cả nước. Ủy ban nhân dân, sở giáo dục và đào tạo các địa phương cũng phát động kêu gọi hỗ trợ học sinh với cách làm linh hoạt, từ ủng hộ tài chính đến quyên góp máy tính, điện thoại cũ, sửa máy tính hỏng. Tại Nghệ An, “thư viện” thiết bị hỗ trợ học trực tuyến được thành lập để linh hoạt luân phiên, xoay vòng giữa các vùng bị ảnh hưởng của dịch bệnh trong các thời điểm khác nhau.
“Cách làm này giúp tiết kiệm chi phí và giúp nhiều học sinh được hỗ trợ học trực tuyến hơn,” ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An chia sẻ.
Bên cạnh nỗ lực trang bị cơ sở vật chất cho học sinh học trực tuyến, ngành giáo dục cũng tích cực xây dựng các chương trình dạy học qua truyền hình, xây dựng kho bài giảng điện tử để học sinh có thể tự học, xây dựng các chương trình tư vấn tâm lý để giúp các em giải tỏa căng thẳng.
Các thầy cô giáo cũng không ngừng tìm tòi, sáng tạo để bài giảng online của mình thêm sinh động nhằm thu hút học sinh. Cô giáo Nguyễn Minh Hoà, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội) cho hay việc học trực tuyến kéo dài đã bắt buộc mỗi giáo viên phải thích nghi, cố gắng học hỏi, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
“Đây thực sự là cuộc cách mạng với giáo viên. Thầy cô phải tìm hiểu các phần mềm, học hỏi cách khai thác các ứng dụng để thiết kế bài giảng đẹp hơn, chuyên nghiệp hơn, lồng ghép đa dạng phương thức chuyển tải kiến thức, từ hình ảnh tĩnh đến hình ảnh động, kể chuyện, chiếu video, đồ họa…,” cô Hòa chia sẻ.
Đồng hành với giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như ngành giáo dục các địa phương đã tổ chức các buổi tập huấn dạy học trực tuyến, tập huấn các phần mềm dạy học cho các thầy cô.
Tại Hà Nội, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình là đơn vị tiên phong và thực hiện tốt việc linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để thích ứng với dịch COVID-19. Đầu năm học 2021-2022, trong khi nhiều trường trên địa bàn Thủ đô vẫn đang loay hoay tìm phần mềm và giờ học bị out liên tục với ứng dụng Zalo thì ở quận Ba Đình, các trường đã chuyển sang các phần mềm khác để giảm quá tải như Team meeting, Google Classroom…, thậm chí xây dựng mô hình trường học trực tuyến.
“Xác định việc học trực tuyến không chỉ là tạm thời một vài tuần nên chúng tôi đã xây dựng các chuyên đề về giảng dạy trực tuyến, mời chuyên gia đến để đào tạo cho đội ngũ giáo viên các nhà trường nhằm hỗ trợ tối đa cho các thầy cô trong việc chuyển từ dạy trực tiếp sang trực tuyến đảm bảo chất lượng,” ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình nói.
Trong khi đó, ở những vùng khó khăn, nơi sóng Internet còn chưa phủ tới, các thầy cô giáo sẵn sàng vượt hàng chục cây số đường đồi núi để đến nhà học sinh giảng bài, giao bài tập để giúp các em không bị quên kiến thức trong thời gian nghỉ dịch và theo kịp tiến độ chương trình.
Dù đã nỗ lực nhưng xác định chất lượng học trực tuyến không thể bằng trực tiếp nên ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết tâm mở cửa trường học đồng thời hướng dẫn toàn ngành về việc tận dụng thời gian vàng dạy trực tiếp để vừa ôn luyện củng cố kiến thức cũ, vừa dạy kiến thức mới cho học sinh đồng thời vẫn phải phòng chống dịch.
“ngày được tin thành phố quyết định đi học trở lại, các thầy cô đã rất vui mừng khi có thể được gặp học sinh, được đứng trên bục giảng sau những ngày dài đằng đẵng.”
Cô Vũ Thị Bích Hường
Cô Vũ Thị Bích Hường, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) cho hay ngày được tin thành phố quyết định đi học trở lại, các thầy cô đã rất vui mừng khi có thể được gặp học sinh, được đứng trên bục giảng sau những ngày dài đằng đẵng.
“Chúng tôi chắt lọc những nội dung cốt lõi, rà soát lại toàn bộ kiến thức, kịp thời phát hiện những phần bị hổng để lên kế hoạch bù đắp cho học sinh. Tuần cuối cùng, chúng tôi kéo dài thêm thời gian ôn tập so với năm học trước. Đặc biệt, đợt thi cuối kỳ, chúng tôi chia tách thời gian kiểm tra mỗi ngày một môn thay vì ghép môn để giảm áp lực cho học sinh,” cô Hường chia sẻ.
Cũng để giảm áp lực cho học sinh, linh hoạt trong cách thức tổ chức thi trong một năm học chịu tác động đặc biệt nặng nề của dịch COVID-19, hàng loạt địa phương đã điều chỉnh phương thức tuyển sinh vào lớp 10 theo hướng giảm môn thi. Hà Nội và Bắc Giang chỉ thi các môn Toán, Ngoại ngữ và Ngữ văn, bỏ môn thi thứ tư vốn là môn sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên và công bố vào tháng Ba hàng năm. Các tỉnh Nghệ An, Hải Phòng cũng thi ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, bỏ môn thi tổ hợp. Bên cạnh giảm bớt môn thi, đề thi cũng được một số địa phương điều chỉnh theo hướng giảm độ khó để giúp thí sinh có kỳ thi nhẹ nhàng hơn sau một năm học đã quá nhiều căng thẳng.
Với sự nỗ lực của cả học sinh, phụ huynh, giáo viên, sự chung tay của toàn xã hội, ngành giáo dục đã vững bước đi qua năm học nhiều sóng gió. Kết quả thi vào lớp 10 của học sinh Thủ đô năm 2022 thậm chí tăng mạnh so với năm 2021 khi số học sinh đạt từ 9 đến 9,5 điểm môn Ngữ văn tăng gấp hơn 12 lần, số bài thi đạt điểm 10 môn Toán tăng gấp 4 lần…
Nhìn lại hành trình một năm qua, cô Nguyễn Minh Hoà, giáo viên Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội) mỉm cười hạnh phúc: “Một năm học quá nhiều khó khăn. Lúc đầu chúng tôi cũng rất hoang mang, không biết học sinh lớp 1 sẽ học đọc, học viết như thế nào. Nhưng hôm nay, nhìn lại thành quả của suốt 9 tháng nỗ lực không ngừng, thấy học sinh đã đọc viết trôi chảy, lưu loát, tự tin, tôi thực sự hạnh phúc.”
“Một năm học quá nhiều khó khăn. Lúc đầu chúng tôi cũng rất hoang mang, không biết học sinh lớp 1 sẽ học đọc, học viết như thế nào. Nhưng hôm nay, nhìn lại thành quả của suốt 9 tháng nỗ lực không ngừng, thấy học sinh đã đọc viết trôi chảy, lưu loát, tự tin, tôi thực sự hạnh phúc.”
Cô Nguyễn Minh Hoà
Ở cương vị quản lý, với cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Hà Nội), thành quả của một năm sóng gió không chỉ ở kết quả học tập của học sinh vẫn đạt các yêu cầu của chương trình giáo dục, đạt các mục tiêu nhà trường đặt ra mà còn ở sự thay đổi của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của nhà trường.
Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy của các thầy cô đã được nâng lên một trình độ mới. Việc phải thích ứng liên tục với những thay đổi của các kế hoạch giảng dạy cũng đã giúp cho các giáo viên và nhà trường có được sự linh hoạt, chủ động, nhanh nhạy trong xây dựng và triển khai các kế hoạch phù hợp với các tình huống thực tế khác nhau.
Cũng theo cô Nhiếp, năm học sóng gió với việc phải học trực tuyến trong thời gian quá dài vừa qua cũng giúp cho mỗi người biết trân trọng hơn những hạnh phúc thường nhật giản đơn, như việc được thoải mái sải bước chân, tung tăng đến trường học mỗi ngày./.
Chia sẻ:
- Tweet
Có liên quan
Từ khóa » Google Dịch Qua Hình ảnh
-
4 Mẹo Sử Dụng Google Dịch Hiệu Quả Mà Không Phải Ai Cũng Biết
-
Free Fire Trở Thành Một Trong Những Tựa Game Tiên Phong Có Cộng ...
-
Xây Dựng Môi Trường Trong Sạch để Phát Triển Du Lịch Bền Vững
-
Bị Trộm đồ ở Trời Tây, Cô Gái Việt Nhầm Cảnh Sát Là "đồng Bọn" Kẻ Gian
-
Top 3 App Dịch Tiếng Anh Miễn Phí Hiệu Quả Nhất
-
6 Tính Năng Trên IOS 16 Mà Apple đã 'sao Chép' Từ Android
-
Những Tính Năng IOS 16 Bắt Chước Android
-
Thủ Thuật Sử Dụng Google Translate Từ A Tới Z
-
Gõ 'What Doing You Now', Google Dịch Hiện Ra 'sai Rồi ĐM, Phải Là ...
-
Google Bổ Sung Tính Năng Tìm Kiếm Văn Bản Kết Hợp Hình ảnh
-
Google Ra Mắt Pixel 6a, Trở Lại Làm Tablet
-
Những Tính Năng Mới Ra Mắt Tại Sự Kiện Google I/O 2022
-
TOP 5 ứng Dụng Dịch Tiếng Việt Sang Tiếng Anh Chuẩn Và Hiệu Quả
-
“Google Arts & Culture” đưa Văn Hóa, Hình ảnh Việt Nam Ra Thế Giới